Sau vài năm lăn lộn trên thị trường lao động, nhảy việc đôi ba lần, vừa trong vai người đi tìm việc vừa trong vai người đi tìm người đi tìm việc và nhận thấy một số vấn đề về trình bày CV của các bạn trẻ, đặc biệt là những tấm chiếu mới vừa bước chân ra đời từ giảng đường ĐẠI HỌC. Nên là, mình muốn chia sẻ một chút xíu (thiệt ra bài cũng hơi dài) về cái vụ CV này.
Mình sẽ chia sẻ cách để có một CV thu hút được nhà tuyển dụng dù cho bạn là sinh viên mới ra trường, và kinh nghiệm làm việc là một con số 0 tròn trĩnh. Và cũng qua đó, mình muốn nhắn nhủ đến các bạn sinh viên, các bạn vẫn còn đang ngồi trên ghế giảng đường hiểu và định hướng được là mình nên học tập và rèn luyện như thế nào để sau này khi ra trường có cái để ghi vào CV, để có được một công việc tốt, phù hợp và đúng với chuyên ngành của mình.
Nhà tuyển dụng muốn xem gì ở CV?
Tương tự như việc bán hàng, người bán cần phải biết:
- Đối tượng khách hàng của mình là ai?
- Họ cần gì?
- Họ có những yêu cầu gì?
để qua đó có thể thiết kế sản phẩm cho phù hợp.
Việc trình bày CV cũng tương tự như vậy. Bạn cần phải biết được là người sẽ xem CV của bạn họ muốn gì ở cái CV này hay ở ứng viên này? Để biết được vấn đề đó thì trước tiên bạn phải hiểu rõ được vị trí công việc mà mình đang ứng tuyển vào, công ty mà mình đang nộp hồ sơ. Đối với vị trí này thì họ yêu cầu ứng viên có những tố chất hay kỹ năng, kinh nghiệm gì và đối với công ty này thì yêu cầu ứng viên là một người như thế nào để phù hợp với môi trường và văn hóa của công ty?
Một ví dụ cho dễ hiểu. Bạn đang nộp CV vào vị trí marketing cho một công ty chuyên về công nghệ. Khi đó, bạn sẽ phải tìm hiểu là vị trí marketing thì yêu cầu ứng viên có những tố chất, kỹ năng và kinh nghiệm gì. Tìm hiểu như thế nào? Cách dễ nhất là bạn sẽ đọc mô tả công việc mà nhà tuyển dụng đăng trên internet, từ mô tả công việc đó bạn cũng sẽ tự biết được với các công việc như vậy thì cần kỹ năng gì. Chẳng hạn marketing sẽ yêu cầu bạn có tư duy sáng tạo, có khả năng viết lách tốt hay có kỹ năng phân tích số liệu, v.v. Rồi còn công ty chuyên về công nghệ thì cần ứng viên là một người trẻ và năng động, yêu thích về công nghệ, v.v.
Trình bày nội dung CV như thế nào?
Sau khi đã tìm hiểu được những yêu cầu của nhà tuyển dụng thì làm gì tiếp theo? Những thông tin này sẽ là cơ sở, là định hướng để bạn trình bày cho toàn bộ CV của mình. Nghĩa là CV của bạn nên viết để cho nhà tuyển dụng đọc vào họ sẽ thấy được các yêu cầu của họ được đáp ứng, họ thấy được là ứng viên này là phù hợp. Nguyên tắc để trình bày CV chỉ đơn giản là như vậy nhưng nhiều bạn không hiểu ra. Nhiều bạn cứ viết CV theo ý của bản thân mình, viết tất cả những điều mà mình nghĩ là hay là tốt vào CV, rồi đem cái CV đó đi rải khắp nơi, bất kể vị trí hay công ty gì cũng nộp duy nhất 1 cái CV đó. Đương nhiên, bạn cũng sẽ được gọi phỏng vấn nếu CV của bạn vô tình phù hợp với một vị trí nào đó. Nhưng mình chắc chắn với các bạn, rất nhiều trong số những nơi bạn gửi sẽ chẳng bao giờ được hồi đáp. Đó là lý do nhiều bạn bảo, sao mình đi nộp quá trời chỗ mà chẳng ai gọi mình hết vậy? Hay nói đúng hơn là tỷ lệ đạt của cái CV của bạn là rất thấp.
Vì thế, với mỗi vị trí, mỗi công ty bạn ứng tuyển vào thì nên “may đo” CV cho phù hợp với vị trí và công ty đó.
Mình lấy lại ví dụ trên, bạn có thể ghi vào phần kỹ năng trong CV của mình là: có khả năng sáng tạo, có thể viết content tốt, còn phần sở thích thì ghi là đam mê về công nghệ, chẳng hạn vậy.
Lưu ý: những điều bạn ghi vào CV cũng phải đúng với con người bạn, đừng bao giờ chém gió, đừng hiểu sai ý mình.
Viết theo đúng cái nhà tuyển dụng cần là một phần và phần quan trọng nhất là những điều đó cũng phải đúng với bạn và nằm trong khả năng của bạn. Vì thế, điều quan trọng trước khi viết CV ứng tuyển cho bất kỳ công việc nào là bạn phải tìm hiểu công việc đó xem mình có phù hợp không đã.
Rồi vậy cụ thể thì một cái CV chất lượng sẽ bao gồm những phần nào? Và trong mỗi phần thì nên viết như thế nào để ăn điểm?
Thường sẽ có các phần như sau:
1. Thông tin cá nhân
Phần này chỉ cần ghi ngắn gọn các thông tin chính như: Họ tên, ngày sinh, địa chỉ đang sinh sống và số điện thoại, email liên hệ là được. Đừng ghi quá dài dòng vì đây không phải là một phần quan trọng.
2. Mục tiêu nghề nghiệp
Nên chia ra mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Nhưng phải nhớ là mục tiêu của bạn nên được trình bày theo hướng win-win, tức vừa là cho bạn vừa có ích gì đó cho công ty người ta. Nhiều bạn ghi trong CV kiểu:
Trong ngắn hạn muốn tìm được một vị trí để có thể áp dụng kiến thức và kỹ năng của mình vào công việc để có thể nắm vững kiến thức hơn.
Các bạn thấy trong câu trên có sai hay thiếu chỗ nào không? Có 2 vấn đề:
Thứ nhất đó là câu “tìm được một vị trí”. Ở đây cần phải ghi rõ ra cụ thể là vị trí gì? Đừng ghi chung chung. Ví dụ bạn nộp vào marketing thì ghi ở đây là tìm được một vị trí nhân viên marketing hay content marketing gì gì đấy.
Thứ 2 là câu “để nắm vững kiến thức hơn”. Câu này không sai nhưng chưa đủ. Nó chỉ mang tính chất vì lợi ích cá nhân của bản thân bạn, nhà tuyển dụng họ đọc vào chưa thấy mục tiêu này của bạn có giúp ích gì được cho công ty. Vì thế thay vì chấm dứt câu ở đó, bạn có thể ghi thêm một ý, chẳng hạn “để nắm vững kiến thức hơn và vận dụng nó để hoàn thành tốt các công việc được giao và mang lại giá trị cho công ty”. Đơn giản vậy thôi là được.
3. Học vấn
Phần này cũng ko cần ghi quá nhiều. Chỉ cần ghi tên trường, rồi tên chuyên ngành của bạn là gì? Phần này có một lưu ý nhỏ, đó là nếu GPA hay xếp loại tốt nghiệp của bạn cao thì nên ghi ra ở đây, còn nếu tàn tàn, loại trung bình thì thôi không cần ghi ra đâu. Người ta nói tốt khoe xấu che mà nhỉ. Ngoài ra, nếu bạn có chứng chỉ gì khác thì liệt kê ra ở phần này luôn, chứng chỉ về chuyên ngành hoặc chứng chỉ tiếng Anh như Toeic hay IELTS, v.v.
4. Kinh nghiệm làm việc
Đây là phần quan trọng nhất. Bạn nên kết hợp phần kỹ năng của mình trong đây luôn thì sẽ thuyết phục hơn. Nghĩa là viết kinh nghiệm làm việc ra, rồi từ kinh nghiệm làm việc đó đã giúp mình trau dồi được những kỹ năng gì.
Phần này cũng sẽ khiến các bạn sinh viên mới ra trường cảm thấy bối rối. Vì mới ra trường thì kinh nghiệm ở đâu mà ra? Có cái gì đâu mà ghi? Kinh nghiệm là hãy ghi ra các công việc làm thêm của bạn hay các dự án mà bạn đã từng làm vào đây. Lưu ý đó nên là các công việc có liên quan tới vị trí mà bạn đang ứng tuyển.
Lấy tiếp ví dụ về marketing, thì các công việc làm thêm có thể là làm content marketing cho các shop bán hàng facebook, đi làm nhân viên tiếp thị bán thời gian, v.v. Vì thế, để có thể viết vào CV những công việc như vậy thì bạn phải thật sự đã từng làm, đừng chém gió, vì bạn rồi cũng sẽ phải hiện nguyên hình ở vòng phỏng vấn thôi.
Vậy nên, thời sinh viên, ngoài việc học thì nên đi làm thêm các công việc liên quan tới chuyên ngành của mình, hoặc ít ra là các việc mà có thể giúp trau dồi các kỹ năng cần thiết cho công việc sau này.
Vậy còn nếu bạn sắp ra trường rồi mà lỡ cả thời sinh viên không có làm thêm hay dự án gì hết thì làm sao? Cũng có cách giải quyết, đó là…bỏ qua phần này luôn. Mà chuyển sang tập trung đầu tư cho phần tiếp theo bên dưới.
5. Các hoạt động ngoại khóa
Ở phần này bạn hãy viết ra các hoạt động mà bạn đã tham gia, đó có thể là các hoạt động tình nguyện hay các chương trình, cuộc thi nào đó. Cũng như phần kinh nghiệm làm việc, bạn nên ghi các kỹ năng hay thành tích mà mình đã đạt được trong các hoạt động đó và chứng minh được cho nhà tuyển dụng thấy là điều mà bạn đạt được đó nó có thể giúp ích cho công việc mà bạn đang ứng tuyển.
Lại lấy tiếp ví dụ về marketing. Trường đại học của bạn tổ chức cuộc thi mang tên “Marketer tương lai”, bạn tham gia thi và đạt được giải nhì chẳng hạn, thì bạn hãy trình bày nó ra trong CV. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều, nhà tuyển dụng lúc này họ sẽ đánh giá là “À thanh niên này đã từng thi một cuộc thi về marketing và đạt giải cao thì chắc cũng có những kiến thức và kỹ năng tốt về ngành” và thế là bạn có cơ hội được chọn. Và dù thực tế bạn có thi nhưng không đạt giải thì cũng cứ ghi ra, thay vì thành tích thì hãy ghi kinh nghiệm và kỹ năng có được từ cuộc thi, điều đó cũng sẽ giúp ích.
Vậy còn nếu bạn không có tham gia hoạt động ngoại khóa nào luôn thì làm sao? Trong tình huống này thì thật sự nan giải. CV của bạn bây giờ chỉ trông cậy vào phần học vấn, nếu bạn tốt nghiệp khá giỏi thì có thể nhà tuyển dụng sẽ dành cho bạn một cơ hội để chứng minh kỹ năng của mình trong vòng phỏng vấn. Còn nếu phần học vấn cũng tạch nữa thì thật sự rất khó cho bạn.
Vì thế, khi còn là một sinh viên, các bạn nên đi làm thêm hoặc tham gia nhiều các hoạt động khác bên cạnh việc học để sau này khi viết hồ sơ xin việc có cái để ghi vào đấy. Ngoài ra các công việc đó cũng sẽ giúp bạn cải thiện các kỹ năng mềm cực kỳ nhiều, từ giao tiếp cho tới làm việc nhóm rồi quản lý thời gian, bla bla.
Vậy nên, ĐỪNG BỎ PHÍ 4 NĂM ĐẠI HỌC CỦA MÌNH, nhé!
Lưu ý: 5 phần này nói thì có vẻ dài nhưng khi trình bày chỉ cần ghi ý chính, đừng diễn giải lê thê. Nên tối ưu CV ở 1 trang A4.