Giới thiệu

Chắc không cần phải nói quá nhiều để biết rằng kỹ năng giải quyết vấn đề luôn là một trong "Cross-field skillset" không thể thiếu. Thế nhưng, kỹ năng này lại có muôn trùng vạn dạng. Mỗi người, mỗi vấn đề, mỗi lĩnh vực lại có một cách giải quyết không giống nhau. Nhưng mình nhận ra, mỗi cách giải quyết vấn đề hiệu quả thì lại luôn có những điểm chung nhất định. Chính vì thế, ở bài viết này, mình sẽ tóm lại những gì mình học được sau khi mình đọc cuốn "Người thông minh giải quyết vấn đề như thế nào?", một cuốn sách nổi tiếng ở Nhật của tác giả Ken Watanabe.
Ảnh bởi
Mikołaj
trên
Unsplash
Tại sao lại là cuốn này? Đơn giản chỉ vì đây là cuốn sách giải quyết vấn đề gần đây nhất mình đọc được. Thật sự, những bước viết trong cuốn sách là không mới đối với mình. Nhưng quan trọng hơn, cuốn sách như tổng hợp lại những bước quan trọng khi giải quyết vấn đề. Điều này làm mình thấy mọi thứ về kỹ năng này rõ ràng hơn, giống như là học một công thức vậy.
Dĩ nhiên, để tránh mang tiếng "spoiler" quá nặng cộng với tinh thần học luôn đi đôi với hành, mình sẽ không nói nhiều về nội dung trong cuốn sách. Thay vào đó, mình sẽ đặt ra một vấn đề, và áp dụng những gì mình học được để giải quyết vấn đề này. Xin lưu ý, đây hoàn toàn là cách nghĩ của mình, mình không áp dụng máy móc những gì viết trong sách. Mình chỉnh sửa sao cho phù hợp với bản thân và vấn đề hiện tại, nên có thể nó sẽ không hoàn hảo. Và hơn hết, nếu bạn phát hiện ra có gì không ổn trong cách giải quyết của mình, đừng ngại thảo luận cùng mình trong phần bình luận nhé. Giờ thì vào vấn đề thôi!!
Dạo gần đây, mình cảm thấy chán nản, ngoài thời gian đi làm và những bài tập cần phải hoàn thành thì mình không còn hứng với bất cứ việc gì cả. Mình bắt đầu tiêu tốn nhiều thời gian hơn cho mạng xã hội, nằm nghỉ hơn đọc sách, làm việc có ích hơn vào thời gian trống. Hơn ai hết, mình biết cứ như thế này, sẽ thật không ổn chút nào. Mình muốn biết vấn đề của mình ở đây là gì? và mình sẽ phải giải quyết nó như thế nào cho phù hợp nhất? Mục tiêu là lấy lại năng lượng để tiếp tục làm việc và tận hưởng.

Sơ đồ cây có, không

Điều đầu tiên, vẫn luôn luôn, là xác định căn nguyên gốc rễ vấn đề đang gặp phải. Ở dưới đây là "Sơ đồ cây có/không", nhằm mục đích không để bỏ sót một trường hợp nào. Cụ thể, trong trường hợp của mình là liên quan đến công việc, nên mình sẽ vẽ sơ đồ phân loại tất cả những việc cần làm. Ở sơ đồ này, mình có một quy ước riêng, màu xanh là những công việc mình coi là không có vấn đề, còn màu đỏ là những công việc có vấn đề. Tiêu chí để phân loại là những việc mình xử lý bình thường, hoặc là mình không có thì mình sẽ để xanh, còn những công việc gây ra cảm giác không muốn làm mình sẽ để đỏ. Và mình sẽ mở rộng ở công việc đỏ để biết rõ hơn về những công việc đấy, đến khi mình cảm thấy đủ thì dừng.
Phân loại công việc
Phân loại công việc
Sau khi liệt kê khá là đầy đủ những loại công việc hiện tại, rõ ràng vấn đề nằm ở những công việc "không cần phải làm ngay...". Để giải quyết điều này thì không khó, mình chỉ cần đặt deadline cho những công việc đấy gần hơn là ổn. Nhưng nếu nhìn nhận kỹ hơn, thì còn một chỗ không hợp lý. Tại sao "việc không phải làm ngay..." ở bên "Công việc ngoài kế hoạch" mình lại thực hiện bình thường? Chứng tỏ còn một điều gì đó mà sơ đồ này vẫn chưa thể hiện cho mình thấy được. Chính vì thế, mình quyết định làm thêm một sơ đồ cây nữa về nguyên do.
Phân loại nguyên nhân
Phân loại nguyên nhân
Có một điều bạn có thể thấy, chỗ "không khỏe" mình quyết định không mở rộng bởi vì lý do đó là quá đủ chính đáng để nghỉ ngơi rồi. Quan trọng hơn, nhờ sơ đồ này mình dễ dàng thấy được những tác nhân khiến mình không còn hứng thú làm việc và tìm cách để hạn chế chúng. Chỉ duy nhất một lý do "không làm gì, ..." là thật sự có vấn đề. Điều này làm mình đặt ra một giả thiết: "có phải bản thân đang bị mất hứng thú với những công việc hiện tại không?". Câu trả lời không thể có được ở bước này, thế nhưng "Sơ đồ cây có, không" đã làm rất tốt công việc của nó. Vậy thì bây giờ hãy đến bước tiếp theo, giải quyết vấn đề.

Bảng kế hoạch giải quyết vấn đề

Bây giờ, sự sáng tạo sẽ tỏa sáng ở bước này, là lúc mình sẽ liệt kê tất cả các giải pháp mình nghĩ đến được. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta sẽ không xét đến tính thực thi của giải pháp đó, mục đích là liệt kê càng nhiều giải pháp càng tốt, thậm chí là giải pháp càng "điên rồ" càng tốt, điều này sẽ đặt nền móng cho những giải pháp tiềm năng xuất hiện trong tương lai đấy.
Liệt kê giải pháp
Liệt kê giải pháp
Như đã nói, giải pháp liệt kê ở đây không hề có tiêu chuẩn, nên mình đã liệt kê mọi giải pháp mình nghĩ tới. Thậm chí, mình còn tự nghĩ bản thân đang có vấn đề về tâm lý nặng và cần phải xin lời khuyên từ bác sỹ. Nhưng dù sao, miễn là mình có nghĩ đến, là sẽ ghi vào. Thực tế, đây là bước sẽ quyết định đến thành bại của giải quyết vấn đề. Nhưng phạm vi ở bài viết này mình sẽ không đề cập đến cách để có những ý tưởng, giải pháp hay, sáng tạo. Nên mình sẽ dừng ở đây và qua bước tiếp theo, chắc bạn cũng đoán được, là đánh giá giải pháp.

Ưu và khuyết điểm, tiêu chí và đánh giá

Nếu những lựa chọn của bạn là phức tạp, nhiều yếu tố, và khó để biết lựa chọn nào phù hợp hơn ở tình huống hiện tại, thì tốt nhất bạn nên tạo một bảng ưu, khuyết điểm, chấm điểm cho từng ưu, khuyết điểm đó rồi so sánh điểm số của từng lựa chọn. Nếu bạn muốn biết rõ hơn phương pháp này, thì mình khuyên bạn nên đọc sách để tìm hiểu thêm. Còn trong trường hợp này của mình, chỉ là những lựa chọn đơn giản, nên mình sẽ xét trên hai yếu tố: tác động và độ khó. Chính vì thế mình chọn biểu đồ đa trị để biểu diễn.
ồ thị đa trị
ồ thị đa trị
Một lưu ý nhỏ, hãy cân nhắc thật kỹ tình trạng, nguồn lực hiện tải của bản thân để thể hiện đúng từng tiêu chí của lựa chọn. Như lựa chọn "đi cắm trại/..." là khó nhất ở thời điểm dịch Covid-19 hiện nay. Tiếp theo là "nghỉ ngơi một thời gian". Với một sinh viên, ngoài công việc ở công ty, còn có bài vở trên trường, nếu nghỉ ngơi lúc này thì thật phí phạm tiền học phí của gia đình. Vì lẽ đó, mình thấy lựa chọn này cũng không hề dễ dàng chút nào. Còn lý do giải pháp "Chạy bộ, tập thể dục nhiều hơn" lại khó thực hiện với mình, là vì mình đã dành 30-60 phút một ngày để làm điều đó rồi, nên tăng thêm thời gian là không khả thi.
Như vậy, khi mình ưu tiên thực hiện những lựa chọn ở góc phải phía trên thì mình đã có một lộ trình rõ ràng để giải quyết vấn đề hiện tại. Tuy nhiên câu hỏi "có phải bản thân đang bị mất hứng thú với những công việc hiện tại không?" ở trên vẫn chưa được trả lời. Nhưng không phải lo lắng, vì khi áp dụng những giải pháp đã chọn, câu trả lời sẽ dần hiện ra. Việc tiếp theo của mình là nếu giả thiết đó xảy ra, thì mình sẽ tiếp tục quay lại tìm hiểu nguyên nhân rồi đưa ra giải pháp, đến khi vấn đề được giải quyết. Đúng vậy, chính nó, là đệ quy 🙃. Vậy còn kết quả của vấn đề mình đang gặp thì sao? Nếu bạn đọc được bài viết này thì chắc bạn cũng hiểu rồi nhỉ!! 😁

Lời kết

Các bước giải quyết vấn đề mình áp dụng ở trên, đã được lược bỏ để cho đơn giản và ngắn gọn. Còn trong vấn đề thực tế hay vấn đề trong sách đề cập, trong những bước trên sẽ phải có vài bước nhỏ để giải quyết vấn đề ngay trong quá trình hoàn thành bước đó. Có thể là dữ liệu, hình vẽ của bạn không đúng, bạn phải thu thập nhiều dữ liệu hơn, rồi quay lại vẽ. Có thể là còn thiếu những lựa chọn tiềm năng, hoặc không mở rộng đủ sâu trong sơ đồ cây. Có thể chung quy lại là mình nên có giả thiết, và kiểm tra thực tế trong từng bước làm để tăng độ chính xác.
Còn một lưu ý nhỏ mình muốn nhắc nhở cho bạn nào chưa biết, kỹ năng giải quyết vấn đề chỉ giúp mình rõ ràng và cụ thể hơn trong quá trình giải quyết vấn đề, từ đó có thể đưa ra những giải pháp phù hợp cho vấn đề gốc rễ, chứ không thể giải quyết những vấn đề mà nguồn lực bản thân không thể giải quyết. Nhưng tin mình đi, nếu bạn gặp phải một vấn đề, chứng tỏ là bạn đủ giỏi để được giao trách nhiệm giải quyết nó, cũng giống như bài toán khó chỉ được giao cho học sinh giỏi vậy. Thế nên hãy tự tin và giải quyết nó thật thông minh nhé, chúc bạn may mắn.
Be share,
Cậu Nhỏ it.