Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ thảo luận một số đặc điểm liên quan đến một chuyện tình hạnh phúc và những đặc điểm cho thấy các khó khăn trong mối quan hệ.

Những đặc điểm thường thấy trong mối quan hệ hạnh phúc

Bạn có thể làm gì để nâng cao chất lượng mối quan hệ lãng mạn và thân mật của mình? Các nhà tâm lý học đã xác định một số đặc điểm thường thấy ở những cuộc tình hạnh phúc như sau.

Giao tiếp tích cực

Nhà tâm lý học John Gottman đã nghiên cứu các cặp vợ chồng trên diện rộng và nhận thấy cách họ giao tiếp khi xảy ra mâu thuẫn là một yếu tố dự báo mạnh mẽ cái kết của mối quan hệ.
Cụ thể, một mối quan hệ bền lâu hay đứt gánh dựa vào tỷ lệ xuất hiện những nhận xét tích cực và tiêu cực trong quá trình bên nhau. Các cặp vợ chồng đưa ra ít nhất 5 nhận xét tích cực cho mỗi 1 nhận xét tiêu cực có nhiều khả năng đi cùng nhau lâu nhất. Trong khi đó, những cặp thường xuyên chỉ trích thì lại sớm ly hôn.
Ngoài ra, nghiên cứu này cũng tiết lộ một vài cách thức giao tiếp quan trọng khác. Ví dụ, tỷ lệ chia tay sẽ cao hơn ở những đôi thường có hành vi phòng vệ (ví dụ hay biện hộ hoặc không thực hiện trách nhiệm của mình), và khi người nam tỏ ra thờ ơ trước sự quan tâm của người nữ.

Đời sống tình dục lành mạnh

Nguồn: @giuliajrosa
Nguồn: @giuliajrosa
Giao tiếp tích cực khi gặp mâu thuẫn là một trong những yếu tố quan trọng để giữ lửa hạnh phúc. Và nó cũng quan trọng không kém khi chuyển vào phòng ngủ. Vì những đôi yêu nhau thường thảo luận nhiều về tình dục có xu hướng đạt được sự thỏa mãn trong chuyện ấy hơn (Babin, 2013).
Điều này cũng không có gì ngạc nhiên, vì những người thoải mái khi nói về tình dục có thể trao đổi nhu cầu, mong muốn, sở thích, tưởng tượng tình dục với nhau. Qua đó khi “lâm trận”, hai bên cũng dễ dìu dắt nhau lên đỉnh của khoái cảm.
Chìa khóa để đạt được hiệu quả trong giao tiếp về tình dục là:
1) Lắng nghe nhu cầu và mối quan tâm của người ấy (thậm chí bạn nên đặt câu hỏi xác nhận lại để đảm bảo mình hiểu ý đối phương)
2) Bày tỏ nhu cầu và mối quan tâm của bạn một cách rõ ràng bằng ngôn ngữ cụ thể (nghĩa là không được phỏng đoán hoặc tự suy diễn)
3) Giữ cuộc trò chuyện tích cực, không chỉ trích
Ngoài ra, bạn lưu ý không phải mọi cuộc giao tiếp về tình dục đều ở dạng lời nói. Rên rỉ, thở hổn hển cũng là một cách truyền đạt bạn đang hưởng thụ hoặc khó chịu khi làm tình.
Có một câu hỏi nhiều người thắc mắc là, khi nào hai người yêu nhau “nên” quan hệ tình dục? Các phương tiện truyền thông đại chúng cho rằng quan hệ quá sớm dễ gặp vấn đề. Ví dụ đối phương sẽ không tôn trọng bạn hoặc không xem bạn là đối tượng để cam kết lâu dài. Tuy nhiên, việc chờ đợi quá lâu cũng tệ không kém. Chẳng hạn bạn giữ mình đến khi kết hôn nhưng lại phát hiện mình và người ấy không hợp chuyện giường chiếu.
Sự thật là không có thời điểm “đúng đắn” hoặc “chính xác” để bắt đầu làm chuyện ấy vì mỗi người và mỗi mối quan hệ đều khác nhau.
Điều quan trọng là bạn hãy làm điều đó khi cả hai đều sẵn sàng và cảm thấy thoải mái, dù ngay trong buổi hẹn đầu tiên hoặc vào đêm tân hôn.
Nhất quán với quan điểm này, nghiên cứu đã phát hiện ra không có sự khác biệt về mức độ hài lòng trong mối quan hệ giữa các đôi “ăn trái cấm” sớm so với trì hoãn (ví dụ nghiên cứu của Willoughby, Carroll và Busby, 2013).

Tự phát triển

Một đặc điểm cuối trong các mối quan hệ hạnh phúc dài lâu là nhu cầu tự phát triển của cả hai người.
Con người có nhu cầu “mở rộng” hoặc phát triển bản thân theo thời gian (Aron & Aron, 1986). Điều này được thực hiện bằng cách chúng ta liên tục tham gia các hoạt động thú vị, mới lạ và đa dạng, cũng như phát triển các mối quan hệ mới.
Trên thực tế, chỉ cần ở trong một mối quan hệ, chúng ta cũng tự phát triển vì theo thời gian, bản thân sẽ bắt đầu kết hợp các đặc điểm nhất định của đối phương.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu tự phát triển của một người về lâu dài, các đôi cần thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm phát triển bản thân. Điều này được thực hiện bằng cách hai người cần liên tục đến những địa điểm mới, cùng nhau thử những điều thú vị và khác biệt.
Khi hai người rơi vào thói quen ở nhà thường xuyên và xem tivi mỗi đêm, họ không đáp ứng được nhu cầu tự phát triển bản thân và có nguy cơ khiến mối quan hệ trở nên bế tắc.
Nhất quán với ý kiến này, nghiên cứu về các cặp vợ chồng đã kết hôn lâu năm cho thấy, những người tham gia vào các hoạt động mới lạ và thú vị cùng nhau thì vẫn duy trì lửa tình mãnh liệt (O’Leary và cộng sự, 2012).
Tương tự, một trong những điểm khác biệt lớn giữa những người có mối quan hệ lâu dài mà niềm đam mê vẫn bền vững so với bị suy giảm là ở sự đa dạng trong hoạt động tình dục (Frederick và cộng sự, 2017).
Cụ thể, những đôi thêm vào nhiều thứ hay ho trong phòng ngủ (ví dụ sử dụng đồ chơi tình dục, mặc đồ lót sexy, xem phim khiêu dâm cùng nhau) thường duy trì ngọn lửa đam mê hơn. Những hoạt động như vậy không chỉ đáp ứng nhu cầu tự phát triển, mà còn chống lại sự nhàm chán của thói quen.
Điều này cho thấy, chúng ta không nên cam chịu với ý nghĩ niềm đam mê chắc chắn sẽ chết dần theo thời gian. Thay vào đó, chúng ta có thể duy trì nó thông qua việc sáng tạo cho đời sống tình dục luôn mới mẻ.

Mặt tối của các mối quan hệ

Nguồn: @dariaelshiner
Nguồn: @dariaelshiner
Không phải mọi mối quan hệ đều kéo dài bền lâu trong hạnh phúc. Tỷ lệ ly hôn ngày nay đang ở mức cao ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm Việt Nam. Vậy tại sao nhiều cuộc tình lại giữa đường đứt gánh? Dưới đây là một vài trong số những yếu tố góp phần dẫn đến chia tay và ly hôn.

Xã hội không tán thành

Không phải mối quan hệ nào cũng được xã hội chấp nhận. Ví dụ rõ nhất là những người có quan hệ đồng tính đang phải đối mặt với sự kỳ thị rộng rãi của xã hội. Nhưng họ không phải là những người duy nhất.
Bất kỳ mối quan hệ nào đi chệch khỏi chuẩn mực văn hóa đều có thể bị mất giá trị về mặt xã hội. Trong nhiều xã hội, điều này có nghĩa các cặp khác nhau về chủng tộc, dân tộc, tôn giáo, tầng lớp xã hội hoặc tuổi tác có thể không được gia đình, bạn bè và xã hội đồng ý cho mối quan hệ của họ.
Việc từ chối như vậy có thể ảnh hưởng tiêu cực đến người trong cuộc. Nghiên cứu đã phát hiện một cặp yêu nhau càng nhận nhiều sự phản đối thì càng có xu hướng ít cam kết hơn (Lehmiller & Agnew, 2006) và họ càng có nhiều khả năng chia tay (Lehmiller & Agnew, 2007).
Do đó, việc thiếu sự chấp nhận và chấp thuận mối quan hệ từ xã hội có thể hủy hoại tình yêu và cả sức khỏe tâm lý, thể chất của hai người.

Sự bất an và ghen tuông

Một số yếu tố khác gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ là cảm giác thiếu an toàn và sự ghen tuông. Điều này liên quan đến kiểu gắn bó của chúng ta với người yêu/bạn đời. Về cơ bản, có 3 kiểu gắn bó chính là: gắn bó an toàn, gắn bó lo âu và gắn bó né tránh.
Những người có kiểu gắn bó an toàn dễ dàng gần gũi với người khác và không lo bị đối phương bỏ rơi. Họ tin tưởng và tự tin người ấy sẽ ở bên họ nếu thật lòng yêu nhau.
Những người có kiểu gắn bó lo lắng cho rằng đối phương có thể không muốn gần gũi như họ cần. Họ lo sợ người ấy không yêu mình và sẽ rời xa mình, do đó họ thường khá ghen tuông.
Những người có kiểu gắn bó tránh né không thấy thoải mái khi thân mật với người khác (dù là người yêu), và không muốn bị phụ thuộc vào bất kỳ ai. Họ nhận ra một lúc nào đó, người yêu/bạn đời có thể sẽ ra đi. Nhưng điều này không khiến họ lo lắng vì họ xem tình yêu và các mối quan hệ chỉ là tạm bợ.
Như vậy, không có gì ngạc nhiên khi người có kiểu gắn bó lo lắng và tránh né thường chia tay sớm hơn (Duemmler & Kobak, 2001).

Sự lừa dối

Cuối cùng nhưng không kém quan trọng, sự lừa dối là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra xung đột và đổ vỡ trong mối quan hệ. Trên thực tế, không chung thủy là lý do ly hôn được nhắc đến nhiều nhất (Amato & Previti, 2003).
Cắm sừng phổ biến như thế nào? Thật không may, đó là câu hỏi khó trả lời vì tỷ lệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại mối quan hệ (ví dụ hẹn hò so với kết hôn), khoảng thời gian được xác định là phản bội, mức độ phản bội…
Trong đó, khó khăn nhất chính là vấn đề định nghĩa thế nào là cắm sừng. Vì mỗi người có một quan điểm khác nhau. Người thì cho rằng đối phương khi lên giường với người khác mới tính là phản bội mình. Người khi thấy đối phương phát sinh sự thân mật hơn mức bình thường với người khác (như nhắn tin mỗi ngày) là đã nhận định người đó cắm sừng mình. Thậm chí, với kiểu người có kiểu gắn bó lo âu, chỉ cần đối phương có chút cử chỉ quan tâm với người khác giới là đã gán cho hành vi không chung thủy.
Một trong những câu hỏi lớn nhất về cắm sừng là tại sao mọi người lại làm điều này. Câu trả lời không hề đơn giản. Hóa ra, không chung thủy là một hiện tượng tâm lý xã hội. Một số người có “gen cắm sừng” hoặc một biến thể của gen khiến họ lừa dối người yêu/bạn đời hết lần này đến lần khác.
Số khác do thiếu hụt dopamin – hóc môn tạo cảm giác hưng phấn – nên có khuynh hướng chấp nhận hành động mang tính rủi ro cao và luôn đi tìm cảm giác mạnh. Vì vậy, họ hứng thú với các mối quan hệ ngoài luồng trong thậm thụt, kích thích (Garcia và cộng sự, 2010).
Mặt khác, với một số người, sự phản bội có thể xuất phát từ chính vấn đề tồn tại trong mối quan hệ của họ, ví dụ họ đang không hạnh phúc hoặc có ý định chia tay (Previti & Amato, 2004).
Yếu tố tâm lý cũng góp mặt trong “cuộc vui” này. Chẳng hạn những người có kiểu gắn bó lo âu dễ phản bội nhiều hơn nếu họ không đạt được mức độ gần gũi tình cảm mong muốn trong mối quan hệ (Russell, Baker, & McNulty, 2013).
*Lược dịch từ cuốn sách The Psychology of Human Sexuality
.Ngưn.