Có lẽ "Siddhartha" (dịch sang tiếng Việt là "Câu chuyện dòng sông") của nhà văn Hermann Hesse không còn là cái tên quá xa lạ đối với những ai đang tinh tấn tu tập và những ai đang muốn biết thêm về văn học Đức. Một tác phẩm mà có lẽ quá nhiều sự lội dòng so với những suy nghĩ ban đầu của mình trước khi đọc nó. Để đến khi gấp lại, mình mới hiểu vì sao Hesse lại đạt giải Nobel Văn chương vào năm 1946.
<i>Source: Allegory Explained</i>
Source: Allegory Explained
Ở đây mình sẽ không bàn về sơ lược, nội dung hay bất kỳ yếu tố hình thức nào của tác phẩm. Mình nghĩ đã và đang có những bài viết tương tự và làm tốt hơn mình nhiều. Mình coi bài viết này như là một bức tranh mình vẽ lại sau khi đã phác thảo những nét rối ren về chính "dòng sông" ấy.
Mọi người có thể đón đọc sơ lược tác phẩm tại đây:

NHÀ VĂN NGƯỜI ĐỨC NHƯNG LẠI ĐI VIẾT CHUYỆN VỀ TU SĨ NGƯỜI ẤN?

Mình đã đặt ra nghi vấn đó khi anh giới thiệu cho mình tác phẩm này. Người phương Tây (ở đây là người Đức) vẫn có thể viết về phương Đông, được chứ? Nhưng nếu viết về những nguyên lý thuần tính triết học, tâm linh ở phương Đông thì họ có giác cảm với những điều này không, hay chỉ đơn giản là hiểu, thấu rồi viết lại? Nhưng sau khi tìm hiểu về xuất thân của tác giả, cùng với việc ngẫm hết tác phẩm này, mình đã có thể hiểu rằng tác giả đã thật sự hòa nhập và hơn cả thành công để tạo ra kiệt tác như thế này.
Hermann Hesse (tên đầy đủ là Hermann Karl Hesse) vốn dĩ xuất thân từ một gia đình truyền giáo Kito giáo Tin Lành. Thời nội tổ của ông là người góp phần biên soạn và dịch thuật thứ tiếng Malayalam (đây là một trong 22 ngôn ngữ chính thức tại Ấn Độ hiện nay) đã góp phần cho công cuộc truyền đạo tại Ấn Độ. Về song thân của ông, cha và mẹ cũng đều là những người truyền giáo hoạt động tại Ấn Độ. Bên cạnh đó, gia đình của ông bao gồm những người đến từ nhiều quốc gia khác nhau nên tổng quan những điều trên đã bồi đắp và xây dựng nên ông - một con người giao thoa giữa hai nền văn hóa, hai dân tộc, hai quốc gia với các phương ngữ khác nhau của họ. Nhưng trong quá trình lớn lên, khi gia đình muốn định hướng cho con mình nối tiếp con đường truyền giáo của gia đình thì ông lại cảm thấy bức bối khi trở thành một mục sư như thế. Ông mắc phải trầm cảm và đã từng có ý định tử tự qua dòng thư “Tôi muốn ra đi như ánh hồng của hoàng hôn”. Về sau, cha mẹ ông cũng đành để chính ông được chọn con đường riêng mình.
Source: DW
Source: DW
Trong suốt những năm tháng thăng trầm cuộc đời của mình, ông đã có nhiều trăn trở và luôn khao khát tìm kiếm sự thỏa nội tâm cho chính mình. Những dấu ấn sâu đậm về nền văn hóa Ấn Độ từ ngay gốc gia đình mình, đã khiến ông chu du đến đây để giải đáp cho chính mình những trăn trở ấy. Phật giáo tại nơi đây đã ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của con người này, và từ đó "Siddhartha" ra đời. Và mình nghĩ, tiểu thuyết "Siddhartha" không phải là giới hạn hoàn toàn về sự hiểu biết của Hermann Hesse dành cho triết học và tâm linh phương Đông, mà nó còn phải hơn cả thế. Điều đó được minh chứng qua nhiều tác phẩm nổi tiếng khác về sau của Hesse như Der Steppenwolf (Sói đồng hoang) - 1927, Narziß und Goldmund (Narziß và Goldmund) - 1930, Die Morgenlandfahrt (Hành trình về phương Đông) - 1932,... (mình hy vọng trong tương lai trình độ tiếng Đức của mình có thể sớm tiếp cận các tác phẩm này bằng nguyên tác).
Một phần nữa, vốn dĩ quốc gia mà ông xuất thân là nước Đức - nơi mà được coi là trung tâm quan trọng của nền triết học phương Tây. Nơi đây có Chủ nghĩa Duy tâm Đức, đã sản sinh ra biết bao nhiêu con người tạo nên các trường phái triết học khác nhau đặc trưng của Đức. Lược sơ qua các tên tuổi cũng như trường phái, ta sẽ phát hiện ra các nét tương đồng thể hiện rõ nhân sinh quan của Hermann Hesse và nền triết học Đức đã phần nào ảnh hưởng đến lối sáng tác của ông, như:
- Triết Học Nietzschean - Friedrich Nietzsche: có lẽ Nietzsche thường được biết đến với câu nói hùng hồn của ông "God is dead" và tư tưởng của Nietzsche bàn về chủ nghĩa cá nhân, về sự vượt qua bản thân (Übermensch hay gọi là Siêu nhân). Nietzsche quan niệm rằng, con người đã phải luôn sống trong một khuôn khổ với những giá trị đạo đức, tôn giáo truyền thống. Điều đó đã giam cầm và đánh mất lý trí tự do của con người. Nên ông đã phát triển ra khái niệm Übermensch (siêu nhân) nhằm hướng đến việc khám phá ra con đường riêng mình. Đối chiếu với tác phẩm, ta có thấy rõ nhân vật Siddhartha đã tự bản thân đi tìm con đường tỉnh thức ra sao sau khi từ chối theo truyền thống gia đình hay cả Đức Phật.
<i>Source: Pinterest</i>
Source: Pinterest
- Triết Học Schopenhauerian - Arthur Schopenhauer: điểm tương đồng giữa Schopenhauer với Hesse là cả đều nghiên cứu và có phần ảnh hưởng về triết học phương Đông, cụ thể ở đây là Ấn Độ cổ đại. Chính vì vậy, Schopenhauer đã không ngại nói lên rằng "Đời là bể khổ" và được người ta ưu ái gọi là "Ông hoàng của chủ nghĩa tiêu cực". Bởi vì ông cho rằng, con người luôn nghĩ sống là để theo đuổi hạnh phúc, nhưng ý muốn con người vô hạn, sự thỏa mãn chỉ là hữu hạn. Có được thứ mình muốn rồi thì chắc chắn lại sẽ muốn thêm, và khi không có được nó, đau khổ sẽ ập đến. Và theo ông, có hai cách để vượt qua bể khổ này, một là thông qua nghệ thuật (thơ ca, âm nhạc, triết học,...), còn hai là con đường tâm linh (hay tu hành). Đối chiếu với tác phẩm, sau khi đối thoại với Đức Phật, Siddhartha đã tự mình chọn con đường riêng nhưng nó không phải là con đường tu hành thuần mà là đắm chìm vào mộng ảo của trần gian với thứ tiền tài, danh vọng, tình dục. Càng được Siddhartha lại càng muốn thêm. Những thứ ấy là bể đau, là bùn đất mà ngày ngày nhấn chìm Siddhartha xuống, khiến anh đã không còn nhận ra 3 thứ của cải quý nhất trước đây của mình khi gặp Kamala, đó là "suy tư, chờ đợi và nhịn đói".
<i>Source: Pinterest</i>
Source: Pinterest
- Triết Học Hiện Sinh - Martin Heidegger: Mặc dù Hesse không trực tiếp chịu ảnh hưởng từ Heidegger, nhưng tư tưởng hiện sinh vẫn phản ánh rất nhiều nơi cuốn tiểu thuyết này. Heidegger nổi tiếng với "Dasein" (dịch từ tiếng Đức, nghĩa là "Da" = there, "sein" = being; dịch sang tiếng Việt nôm na là sự hiện hữu). "Dasein" được diễn giải theo Heidegger là việc một vật thể hoặc thực thể có khả năng tự ý thức về sự tồn tại của chính nó và luôn đặt câu hỏi về ý nghĩa của sự tồn tại đó. Bên cạnh đó, Being-toward-Death (Ý thức về cái Chết) và Angst (Nỗi âu lo) là những yếu tố, trạng thái giúp con người ta ý thức mạnh mẽ về cái "Dasein" của chính mình. Đối chiếu với tác phẩm, mình luôn đặt một câu hỏi tại sao nhân vật Siddhartha không chấp nhận yên thân để tu tập trọn vẹn tại một nơi nhất định, mà con đường khai ngộ của chàng lại quá thăng trầm, sự hư mê và cửa bình an cứ liên hồi luân phiên nhau, sau cùng lại là một người lái đò - nhưng với một sự khai suốt. Hóa ra, Hesse đã mong muốn xây dựng cốt truyện theo hướng này, đâu đó thể hiện rõ cái "Dasein" trong Siddhartha, với niềm tin sống là hành trình tìm kiếm ý nghĩa của sự tồn tại chính mình. Nhờ vậy dù là một người lái đò, nhưng Siddhartha đã khai hóa được Govinda - người bạn cũng như người đệ tử đã theo lối Đức Phật - đang vẫn trên hành trình tìm kiếm sự tỉnh thức.

TƯỞNG ĐÂY LÀ MỘT TÁC PHẨM THUẦN PHẬT GIÁO Ư? KHÔNG, MÀ NÓ LÀ CÁI NỒI CỦA CẢ VŨ TRỤ NÀY.

1. HÌNH ẢNH PHẬT GIÁO TRONG TÁC PHẨM
Ban đầu khi nghe thấy tên cuốn tiểu thuyết, mình bất giác nghĩ đây là tác phẩm kể về cuộc đời của Đức Phật, bởi tên của nhân vật chính lại trùng tên với Đức Phật sanh thời (Siddhārtha Gautama (सिद्धार्थ गौतम)). Tác phẩm ở đây chỉ mượn bối cảnh khi Đức Phật còn tại thế, khi con đường khai ngộ đang được dân chúng đón nhận và tiếp thu qua các lời giảng và giáo lý của Ngài, thì lại có một người Sramaṇa (Sa-môn) tên là Siddhartha không muốn đi theo con đường ấy mà muốn tự tìm cho mình lối đi riêng, dù chàng trai này rất mến mộ những giáo lý của Đức Gautama. Điều này hoàn toàn khác với người bạn Govinda của mình khi anh ta mong muốn thành đệ tử của Đức Phật.
Hình ảnh và tư tưởng Phật giáo có thể nói chỉ xuất hiện lấp lóa ở vài chi tiết cần thiết chứ không là tổng thể đi xuyên suốt tác phẩm. Điều đó như là một cái nền để ta hiểu tác phẩm này đi khai triển theo hướng nào. Khi đọc tác phẩm người ta cũng có thể thấy, nhân vật chính Siddhartha đã chọn cho mình lối đi riêng thay vì trở thành một đệ tử đi theo con đường khai sáng của Đức Phật. Siddhartha vẫn có những quan điểm đồng thuận với Đức Phật, làm sáng tỏ những chân lý ấy để ta một phần nào dễ hình dung ra con đường riêng phía trước mà chàng sắp phải đi qua, nó có nét tương đồng như thế nào với con đường khai ngộ của Đức Gautama. Điều đó có thể làm rõ qua đoạn cuộc đối thoại giữa chàng và Đức Phật:
Quoth Siddhartha: “One thing, oh most venerable one, I have admired in your teachings most of all. Everything in your teachings is perfectly clear, is proven; you are presenting the world as a perfect chain, a chain which is never and nowhere broken, an eternal chain the links of which are causes and effects. Never before, this has been seen so clearly; never before, this has been presented so irrefutably; truly, the heart of every Brahman has to beat stronger with love, once he has seen the world through your teachings perfectly connected, without gaps, clear as a crystal, not depending on chance, not depending on gods. Whether it may be good or bad, whether living according to it would be suffering or joy, I do not wish to discuss, possibly this is not essential—but the uniformity of the world, that everything which happens is connected, that the great and the small things are all encompassed by the same forces of time, by the same law of causes, of coming into being and of dying, this is what shines brightly out of your exalted teachings, oh perfected one...”
2. HÌNH ẢNH ẤN ĐỘ GIÁO TRONG TÁC PHẨM
Thứ hai, nói sơ qua một chút về hệ thống phân cấp tầng lớp giai cấp trong xã hội Ấn Độ cổ đại. Thì có tổng thể có 5 tầng lớp, nhìn theo sơ đồ thể hiện quyền lực của từng tầng lớp.
Cái này mình nhờ AI vẽ dùm :))
Cái này mình nhờ AI vẽ dùm :))
Ta có thể thấy xuất thân của Siddhartha đến từ dòng dõi cao quý trong giới Brahmins (Bà La Môn). Brahmins chính là tầng lớp cao nhất, đóng vai trò quan trọng trong xã hội Ấn Độ cổ đại. Brahmins có liên quan mật thiết đến đạo Hinduism (Ấn Độ giáo), họ thường là những người đảm nhiệm các vai trò thực hiện nghi lễ tôn giáo, giảng dạy cũng như bảo tồn văn bản tôn giáo như Vedas và Upanishads (đây là hai bộ kinh quan trọng và kinh điển trong Ấn Độ giáo, là cái nền đầu tiên cho sự phát triển triết học ở phương Đông). Như vậy, người con trai tên Siddhartha này đã được tiếp xúc và được giáo dục với các tri thức và các hệ tư tưởng triết lý về cuộc sống, đâu đó chàng cũng có một nền tảng tư duy tốt cho việc tìm con đường khai sáng của chính mình.
<i>Source: Unsplash</i>
Source: Unsplash
Mình nhận thấy, đạo Hinduism cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đến Siddhartha trong quá trình khai ngộ của chàng. Nhờ những ngày tháng cúng thờ, thực hiện các nghi lễ mà chàng nhận ra việc này đã không giải thoát cho chính chàng khỏi sự đau khổ. Chàng quyết định thành Sramaṇa (Sa-môn), từ bỏ sự sung sướng, cha mẹ, tài sản để đi theo con đường khổ hạnh tu tập. Đây cũng phản ánh được tinh thần của Ấn Độ giáo trong việc tìm kiếm sự giải thoát và sự khổ hạnh, qua việc tu tập thiền định khi là Sramaṇa giúp kiểm soát tâm trí và cơ thể có thể đạt đến trạng thái tâm linh cao hơn. Hay sau khi chàng gặp Kamala và Kamaswami, những người giúp chàng đạt đến đỉnh cao của vật chất, từ đó mà chàng nhận ra tính vô thường của mọi vật. Đây cũng là một khái niệm xuất hiện trong triết lý Ấn Độ giáo. Tiếng Om (ॐ) - âm thanh này là biểu tượng cho hình ảnh vũ trụ trong Ấn Độ giáo - chính là thứ tiếng đã đánh thức Siddhartha sau bao nhiêu lần lẫn trong cơn mê lạc của vật chất. Cuối cùng, dòng sông - sự trở về với thiên nhiên đã khiến chàng khai ngộ ra nhiều lẽ, rằng không chỉ có danh từ, khái niệm, lý thuyết hay sự khổ hạnh cùng cực có thể giúp con người ta khai ngộ, mà là phải sống và hòa hợp, nhập thể vào thế giới này, trực tiếp trải nghiệm mọi hỉ nộ ái ố thì mới có thể đạt đến Niết bàn (có lẽ đến lúc đó, Siddhartha chẳng thiết tha gọi nó là Niết bàn nữa, nhỉ?). Điều này thể hiện rõ ý niệm quan trọng của Ấn Độ giáo về Brahman (thưc tại tối cao).
3. CÁI NỒI CỦA VŨ TRỤ? TẠI SAO KHÔNG?
Vì sao mình gọi là "cái nồi của cả vũ trụ" này? Hình ảnh cái nồi là nơi sẽ chứa vạn vật, mọi thứ mang tính đa chất, tạp chất chứ không chỉ đơn thuần là một đơn chất. Cũng giống như tác phẩm này, ban đầu chỉ đơn giản mình nghĩ sẽ là một tác phẩm đơn thuần kể về hành trình một người giác ngộ theo Đức Phật (lúc đầu còn tưởng là Đức Phật nữa cơ). Đọc lần đầu, vẫn chưa có quá nhiều thông tin để cho mình liên kết lại với bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội lẫn tư tưởng thời ấy. Mình quyết định đọc lại với tâm thế "chậm mà chắc", và... Không thể thốt lên lời khi mà những câu từ đơn giản như thế lại mang nặng và hàm chứa nhiều ý trong đó. Một cái nồi mà khi mình múc ra, từ Đông sang Tây, từ khổ hạnh đến an yên, từ nhánh nhỏ trong thường nhật đến những nhánh lớn tạo nên cột mốc trong đời một người. Nhiều quá, phải vậy nên Hesse đạt giải Nobel cũng có lý do cả, nhỉ?
///
Trên đây là những điều thuộc về quan điểm của tác giả và các nguồn liên quan. Mình vẫn đang trên con đường tự học tự luyện, sẽ đôi lúc không tránh được sự thiếu sót hay nhầm lẫn. Nên mình rất mong sẽ nhận được sự phản hồi từ nhiều góc nhìn của mọi người theo hướng thiện chí xây dựng. Mình nghiêng mình cảm ơn.
thân ái,
mình.
REFERENCES:
1. Hermann Hesse (Ed.). (1922). Siddhartha (8th ed.). Saigon Culture Publishing House: Publisher
2. Hesse H. (1922). The Project Gutenberg eBook of Siddhartha. Retrieved from: Siddharthawww.gutenberg.org
3. Hermann Hesse – Biographical. NobelPrize.org. Nobel Prize Outreach AB 2024. Fri. 26 Jul 2024. https://www.nobelprize.org/prizes/literature/1946/hesse/biographical/
4. Félicien Challaye. (1933). Nietzsche: His Life and Philosophy (Manh Truong, Trans.) Ho Chi Minh City Literary Publishing House: Publisher
5. Quang Chien. (2008). Schopenhauer and his philosophical doctrine. Philosophy Journal. Retrieved from: