Sĩ khí luận viết rằng: Chê địch, khen ta có 3 cách:
-Thứ nhất, tướng địch vừa thắng thì chê tướng bên ta sơ suất, bất cẩn.
-Thứ hai, nếu tướng địch tiếp tục thắng thì bảo quân sư bên ta bày trận, dự tính không hợp lý.
-Thứ ba, nếu tướng địch luôn thắng, thì chê tướng địch thuộc hạng hữu dũng vô mưu.
Hắn là loài mãnh thú không thể dùng lí lẽ để trói buộc. Hắn là truyền thuyết vĩnh hằng.
Hắn là tấm gương muôn thuở cho vô số anh hùng cam chịu uốn gối khom lưng.
Hắn, là một cái tát trời giáng vào thời đại giả dối kia.
Hắn không phải người…
-----------------------------------------------------------
Sinh mệnh vốn dĩ không hề công bằng.
Cùng là con người, từ khi mới sinh đã chia ra mạnh yếu hiền ngu. Có kẻ vừa xuất đạo đã lập tức vượt xa những người đồng trang lứa, một bước lên mây. Cũng lại có người mạnh đến nỗi ngay cả đồng loại xung quanh cũng phải hoài nghi liệu kẻ này rốt cuộc có phải người?
Nhưng nhân sinh như một giấc mộng, chỉ một cái chớp mắt khi người ta từ trong mộng tỉnh lại, chúng sinh đều bình đẳng giống nhau.
Bất kể ngày thường ngươi hô hoán phong vân, trí trùm thiên hạ, hay xảo trá tinh khôn, ngu dốt dại khờ, anh hùng hay khất cái, trong hoảng khắc ánh sáng hóa thành bóng tối, đều trống rỗng như nhau, đều yếu đuối như nhau. Anh hùng sa chân, kiêu hùng thất sách, thường thường chỉ trong một cái chớp mắt ấy.
Và trong khoảnh khắc khi ranh giới giữa ý thức và vô thức trở nên mơ hồ, trong khoảnh khắc thân bất do kỷ, bàng hoàng mê loạn ấy, hắn bừng tỉnh. Lại ngỡ ngàng không hiểu trong mộng hay ngoài mộng, đâu mới là hiện thực !?
Lữ Bố giống như một khối đa diện mà mỗi người nhìn vào gã sẽ thấy một hình ảnh khác nhau. Mười tám lộ chư hầu Quan Đông nhìn gã như một chiến thần reo rắc nỗi kinh hoàng và hủy diệt. Binh lính dưới quyền nhìn gã như một biểu tượng chiến thắng. Chư hầu Đinh Nguyên, Đổng Trác nhìn gã như một công cụ đắc lực. Trần Cung nhìn vào gã như một chúa công đủ lý tưởng. Trương Liêu nhìn gã như một hình tượng hoàn hảo để noi theo. Kẻ võ giả coi gã như một thước đo cho giá trị bản thân,... Còn bản thân gã, Lữ Bố nhìn vào trong gương thấy một Câu Tiễn nếm mật nằm gai.
img_0
Kỳ thực gã chẳng qua chỉ là một kẻ độc hành lạc lối trên con đường bản thân chọn. Như mọi bá chủ thời đại ấy, y muốn đoạt thiên hạ, nhưng bằng cách thức của riêng mình, tuân theo những chuẩn mực của riêng y. Hai lần nhận cha nuôi là hai lần giết người đoạt vị, Lữ Bố tự thấy mình đang đi một con đường nhân từ hơn mọi bá chủ khác, tránh bao máu đổ vô ích chỉ để tẩy rửa thanh danh. Nhưng than ôi, trong cái thời đại người người nhà nhà đều treo trên miệng hai từ trung nghĩa, thì hành vi ấy có khác nào cái gai trong mắt thiên hạ, cái bia cho người đời phỉ nhổ.
Vậy là khôn ngoan hay ngu ngốc?
Lữ Bố không quan tâm, hắn là kẻ thực dụng đến cùng cực, hắn chỉ cần biết đến hiệu quả mà chẳng thèm để tâm đến những thứ như danh tiếng, tự tôn, tình nghĩa là gì… Hắn sẵn sàng đạp lên tất cả vì mục tiêu tối thượng là đoạt được thiên hạ về tay. Đó là một con đường nhanh chóng nhưng cô độc, vì hắn sẽ dần dần mất đi những người thân cận. Từ cha nuôi, ái thiếp, con gái cho đến những thuộc hạ. Cuối cùng ngay cả một kẻ thân cận luôn tôn sùng hắn là Trương Liêu, rồi cũng có ngày hiểu ra có lẽ y chỉ đang tự vẽ lên một ảo ảnh để tôn thờ, rồi phải thất vọng đến suy sụp.
Con người chung quy cũng là con, là loại dã thú khoác lên mình lớp da nhân nghĩa, lột bỏ lớp da đó dã thú sẽ hiện nguyên hình. Thế nhưng khi một con dã thú trút bỏ lớp ngụy trang giữa những con khác vẫn khư khư giữ lấy lớp vỏ bọc, nó sẽ biến thành kẻ lạc loài bị đồng loại hợp lực xua đuổi. Nếu thiên hạ ai cũng nói dối, thì kẻ nói thật sẽ thành tội đồ. Không phải gã không hiểu điều ấy, chỉ vì gã quá tự tin vào bản thân, vào con đường mình đã chọn, nên mới coi lớp ngụy trang kia không đáng một xu. Và đó chính là khởi nguồn mọi bi kịch của gã.
Cuối cùng cái gọi là thế đạo đã thắng. Một kẻ sinh nhầm thời, mang trong mình những tư tưởng không thuộc về thời đại, kết cục đã bị thời đại đào thải. Lịch sử tiếp tục quay những guồng quay cũ kỹ, biết bao kẻ lạc loài muốn thách thức thế đạo tiếp tục sinh ra để rồi lại bị nghiền nát dưới bánh xe thời đại. Lữ Bố không phải kẻ đầu tiên và cũng không phải là kẻ cuối cùng.
Buổi triều hội hôm ấy, Đổng Trác cao hứng hỏi: Văn không giỏi võ, võ không giỏi văn, kẻ văn võ song toàn rất hiếm. Các ngươi thấy Lữ Bố là người thế nào?
Hứa Lâm đáp: Tướng sĩ nói rằng “Ngựa có Xích thố, người có Lữ Bố”. Tiểu nhân thấy Lữ Bố không phải là... người!?