Ảnh bởi
Magnet.me
trên
Unsplash
Đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm và thu nhập của người dân Việt Nam trên tất cả mọi lĩnh vực. Tuy nhiên phạm vi của bài viết này chỉ đề cập đến tình hình lao động, việc làm của giới trẻ sau đại dịch. Tất cả chúng ta ai cũng cảm nhận được những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch tới cơ hội việc làm, mức độ thăng tiến và mức thu nhập. Nội dung sẽ khá dài nên mình dự định sẽ làm một series khoảng 2 đến 3 bài viết. Mình quyết định viết về những khó khăn trước mắt vì "biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng", phải biết mình đang gặp những khó khăn, vấn đề gì mới có thể đưa ra kế hoạch chi tiết và phù hợp để giải quyết vấn đề này được. Có thể phần tiếp theo mình sẽ viết về những ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh đến việc phát triển sự nghiệp. Vì theo mình vấn đề hậu dịch covid có thể kéo dài lên đến hàng chục năm chứ không phải truyện một sớm một chiều. Bài viết mang tinh thần nâng cao kiến thức, hạn chế tranh cãi không cần thiết vì vậy tác giả đặt trong mục "Kỹ năng" chứ không phải "Quan điểm-tranh luận".

Nhận diện khó khăn - Tình hình kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2020-2021.

Đại dịch làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 và 2021, khiến sản xuất bị đình trệ, các doanh nghiệp làm dịch vụ nhất là trong lĩnh vực du lịch bị thiệt hại nặng nề.

Do gặp khó khăn khi giá nguyên liệu đầu vào tăng mà thu nhập bị giảm do tác động của đại dịch. Đặc biệt các doanh nghiệp đều đang phải ôm các khoản nợ lớn do vay tiền của ngân hàng nhưng chưa trả hết. Các doanh nghiệp tiến hành thu nhỏ quy mô sản xuất và sa thải, tái cấu trúc hoặc giảm lương của người lao động.
Lúc này nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đã giảm dẫn đến những bạn sinh năm 1999 hoặc 2000 sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tìm việc vì lúc này thị trường lao động sẽ cực kì cạnh tranh. Hệ quả là số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2021 là gần 1,2 triệu người, tăng 87,1 nghìn người so với quý trước, thu nhập bình quân tháng của lao động quý II năm 2021 đạt 6,1 triệu đồng, giảm 226 nghìn đồng so với quý trước và tăng 547 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Một số ngành nghề bị tác động nhiều có thể kể tới du lịch, lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc ngành xây dựng.

Dịch bệnh lây lan tại các tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh và Quảng Ninh buộc phải dừng hoạt động khiến cho hàng nghìn người lao động thất nghiệp. Mà không chỉ có mỗi công nhân thất nghiệp đâu mà kể cả các quản lý, kỹ sư cũng buộc phải ngồi nhà vì dây chuyền làm gì còn hoạt động vậy nên chẳng còn ai để bạn giám sát.
Vậy nên chúng ta phải bỏ đi cái tư tưởng cứ bằng đại học loại giỏi của trường top đầu là an toàn nhé, ai cũng bị ảnh hưởng dù ít hay nhiều thôi.
sự thật tát sấp mặt
Hơn thế nữa một khu công nghiệp tạm dừng sản xuất còn làm ảnh hưởng tới thu nhập của những người cung cấp dịch vụ cho công nhân như bán đồ ăn sáng, quán cafe hay dịch vụ phòng trọ, nhà nghỉ. Một vấn đề nữa xuất hiện là do chúng ta cách ly xã hội quá lâu dẫn đến việc một số doanh nghiệp FDI muốn rút khỏi Việt Nam. Nếu điều này trở thành sự thật thì sẽ là một thiệt hại rất nặng nề cho kinh tế Việt Nam vì hiện nay khối doanh nghiệp này có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất công nghiệp của Việt Nam. Các bạn có thể tham khảo phần cuối bài viết này :

Đối với ngành du lịch.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương làm ảnh hưởng tiêu cực tới doanh thu du lịch lữ hành, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa. Ước tính doanh thu du lịch lữ hành tháng 5/2021 đạt 387 tỷ đồng, giảm 53,5% so với tháng trước và giảm 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, doanh thu du lịch lữ hành đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, giảm 48,2% so với cùng kỳ năm trước. Do các quốc gia tiến hành phong tỏa biên giới, hạn chế đi lại đối với người dân vậy nên lượng khách quốc tế và nội địa đều sụt giảm nghiêm trọng. Không có khách du lịch nên hướng dẫn viên du lịch, nhân viên , quản lý khách sạn, tiếp tân, bếp trưởng, phụ bếp đều thất nghiệp hết. Bên cạnh đó, các dịch vụ ăn theo du lịch như bán đồ lưu niệm, trình diễn ca nhạc hay xe bus dạo quanh thành phố cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Mình xin kể về một người quen của mình đang làm nhạc công nhạc cụ truyền thống tại số 42 Hàng Bạc, do quy định giãn cách xã hội nên dàn nhạc đã nghỉ từ tháng 5 cho tới tận bây giờ. Vài tháng liền không có thu nhập, tương lai hiện tại cũng chưa biết được sẽ như thế nào. Kể cả thành phố có hết dãn cách thì người nghe nhạc truyền thống chủ yếu là khách du lịch nước ngoài, nếu không có thì cũng không có nguồn thu, lấy gì trả lương.
Mình chỉ kể ra được 2 ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều bởi rõ ràng nhất dịch bệnh tuy nhiên có những góc khuất. Những nơi mà tầm hiểu biết hạn hẹp của một cá nhân không thể chạm tới được. Các ngành nghề tác động qua lại với nhau, sự thành công và phát triển của ngành nghề này cũng là bệ đỡ cho ngành nghề khác phát triển tạo ra thêm công ăn việc làm. Mối một ngành nghề đều là một thành phần trong một hệ sinh thái có mối liên hệ khăng khít với nhau, khi bị mất đi một loài động vật đặc hữu có thể dẫn tới ảnh hưởng xấu cho tất cả động vật. Mình mong 500 ae có thể học tập tinh thần của Husky wannafly cung cấp cho mình thông tin về những ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà báo chí ít khi nhắc đến để mở rộng thêm tầm hiểu biết nhé.

Nhận diện khó khăn - Thế hệ học online sẽ phải đối đầu với những vấn đề nan giải.

Trước hết mình chỉ bàn luận về vấn đề học online cho cấp học đại học và sau đại học. Mình không có kiến thức và trải nghiệm về việc dạy và học ở các cấp học khác nên hi vọng ai có kinh nghiệm có thể đóng góp thêm ở phần bình luận bên dưới.

Học trực tuyến là phương pháp học mới ở Việt Nam.

Trong quá khứ đã có những đại học tiến hành việc học từ xa thông qua hình thức học trực tuyến. Tuy nhiên do sự phân biệt giữa 2 hình thức đào tạo từ xa và đào tạo chính quy nên việc học trực tuyến chưa phổ biến và đa số sinh viên và giảng viên đều cảm thấy lạ lẫm với hình thức học mới này. Mình nhận thấy đây chính là nguyên nhân chính làm suy giảm chất lượng dạy và học online ở các trường đại học ở Việt Nam. Tuy nhiên Việt Nam cũng có đủ điều kiện để áp dụng phương pháp dạy học này. Chúng ta có tốc độ Internet di động tại Việt Nam xếp thứ 49 trên thế giới, đạt 34,80 Mb/giây, cao hơn mức trung bình toàn cầu. Mình biết kết quả đo lường có thể khác nhau tùy vào gói internet các bạn đang dùng tuy nhiên theo như mình tham khảo trên trang web chính thức của zoom thì tốc độ mạng yêu cầu cho một cuộc gọi nhóm không phải là quá cao. Chỉ khoảng 2,6 đến 1,8 MBs cho một cuộc gọi nhóm có chất lượng HD. Nghĩa là ở mức tiếp cận được đối với đa số người Việt Nam. Còn về chất lượng học trực tuyến thì mình nhận thấy quan điểm về việc học online có sự mâu thuẫn rất lớn.
Một số bạn cho rằng :"Đây là bậc đại học rồi và cũng chẳng ai ép buộc các bạn học nữa và như theo nhiều quan điểm thì rất rất nhiều người cũng đồng ý rằng ở đại học tự học là chính. Hơn nữa, thầy cô cũng upload tất cả tài liệu vào app của trường, nên sinh viên hoàn toàn có thể download về tự học, một lý do nữa mà mình thích học online là sự linh hoạt về thời gian. Khi học online thì mình cảm thấy được chủ động hơn. Và nếu muốn gặp các bạn thì mình luôn luôn có thể gặp khi học xong; đương nhiên là khi nào hết dịch Covid-19 đã!". Tuy nhiên theo nhiều bạn thì việc học online tạo ra rất nhiều khó khăn "Nếu học nhạc, âm thanh của zoom đối với em là không rõ nét, đặc biệt đường truyền mạng yếu, nên nhiều khi tiếng đàn bị ngắt quãng, rất khó". Những bạn học một số chuyên ngành có tính đặc thù cao chắc chắn gặp rất nhiều khó khăn. Nghe âm thanh từ cái đàn tranh 50 triệu qua mic của một con lap cùi với đường truyền 200/Kbs không bao giờ hay và chính xác bằng nghe trực tiếp được. Kể cả bạn đầu tư một bộ audio Harman Kardon cùng với đường truyền mạnh cũng chỉ có thể giải quyết được một phần việc chất lượng âm thanh tệ.
Theo cảm nhận của cá nhân mình thì việc học online cũng có một vài ưu điểm như việc tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở cho sinh viên. Tuy nhiên chất lượng dạy và học online thì dựa vào rất nhiều yếu tốt như đường truyền tốt, trình độ của giảng viên hay mức độ tích cực của sinh viên. Nếu giảng viên của bạn nhiệt tình hướng dẫn, chịu khó gửi tài liệu sớm, thường xuyên trao đổi với lớp về việc thay đổi lịch học và chương trình học, các bạn học cùng hỗ trợ nhau làm bài tập nhóm thì nhìn chung chất lượng dạy học tương đối ổn và tiết kiệm được khá nhiều chi phí.
Có một vấn đề mà bản thân mình gặp phải khi học online là rất dễ mất tập trung. Không biết có ai dính cái này không
tâm sự mùa dịch
Tuy nhiên nếu giảng viên lười thích kiểu sủi mất tăm chỉ giao bài tập và bài kiểm tra thì không chấp nhận được. Mình không thích những con người này vì mình đã trả tiền học phí thì phải được nghe giảng chứ, không làm mà đòi có ăn à.

Còn về phần mềm Zoom thì mình nhận thấy đây là phần mềm khá tiện lợi cho việc học online.

Ưu điểm của phần mềm này là dễ sử dụng, dễ đăng nhập, có mặt trên rất nhiều nền tảng. Yêu cầu cấu hình thấp trong khi đó có thể thực hiện được những cuộc họp lên tới vài trăm người tham dự. Tuy nhiên mình thấy có một điểm trừ nho nhỏ là không có phiên bản tiếng Việt nên cũng hơi bất tiện cho những người không giỏi tiếng Anh. Bên cạnh đó có một số tính năng như thuyết trình, ghi lại bài giảng hay chuyển đổi qua lại giữa các cửa sổ trên điện thoại thông minh chưa được tiện lợi cho lắm, vậy nên mình khuyến khích các bạn nên sử dụng laptop hoặc máy tính để bàn.
Nếu bạn nào bảo nghĩ bỏ ra ít nhất 10 triệu mua laptop học zoom là đắt thì thực ra có rất nhiều giải pháp cho các bạn. Mình đã lên trang web của nhà phát hành zoom và thấy yêu cầu phần cứng của phần mềm này rất nhẹ. Các bạn mua máy bàn cộng màn hình giá rẻ thanh lý của các quán net hoặc cửa hàng đồ cũ với giá 5-6 triệu, tồn thêm 1-2 triệu nữa mua webcam kèm mic, thêm độ vài trăm nữa mua bàn phím và chuột cũng được máy khỏe để chiến tiếp việc học online rồi. CPU máy bàn trâu lắm chứ không như CPU của mấy ông laptop học tầm 2-3 tiếng là giật vì bị quá nhiệt. Cứ tham khảo những video của thanh niên này nhé:
Mình nhận thấy điểm chung đó là các bạn có điều kiện kinh tế tốt, ở thành phố, học những trường tốp đầu, thạo công nghệ thông tin, có máy ngon, nhà có wifi 4G tốc độ 50Mbs thường gặp rất ít vấn đề trong việc học online. Trong khi đó, các bạn sống ở tỉnh xa xôi như Lào Cai, Hà Giang hay Yên Bái hoặc có điều kiện kinh tế kém thường xuyên gặp các vấn đề về đường truyền, thiếu trang thiết bị để học tập và phải đi làm phụ giúp gia đình nên không thể tập trung vào việc học.

Vậy tại sao lại có huyền thoại nhà nghèo vượt khó thành tài trong dịch bệnh.

Thực trạng này rất giống với những nội dung được đề cập đến trong bài viết của chibidien.dey. Chúng ta đều đang bị ảnh hưởng bởi Survival bias (thiên lệch kẻ sống sót) đánh giá mọi hiện tượng thông qua một sự kiện hay một nhân vật nổi bật trong một thời điểm ngắn. Chúng ta đang biến sự thành công của một cá nhân nhỏ trở thành tầm bùa hộ mệnh nhằm lấp liếm đi những vấn đề của xã hội. Hình ảnh một cậu sinh viên nghèo khó vùng cao nỗ lực để leo lên điểm cao cố gắng bắt sóng để nghe được bài giảng của thầy qua điện thoại quả thật lay động con tim của rất nhiều người nhưng liệu việc này có thực sự hiệu quả không? Liệu cậu ta có khả năng cạnh tranh với các sinh viên xuất sắc của các trường đại học top đầu với điều kiện vật chất tốt nhất trong thị trường lao động tương lai. Cứ nhìn đi các bạn sẽ thấy:
Ảnh bởi
Camila Martinez
trên
Unsplash
Ảnh bởi
Alienware
trên
Unsplash
Vậy nên nếu có bạn nào gặp hoàn cảnh tương tự các bạn sinh viên vùng cao thì cũng đừng buồn vì sao mình cố vậy mà điểm không cao bằng các bạn có điều kiện tốt hơn nhé. Các bạn đã cố gắng hết sức rồi nhưng thực tế điều kiện của các bạn không cho phép bạn làm được tốt hơn thế. Điều chúng ta cần làm không phải những bài báo ca ngợi tinh thần vượt khó mà là những giải pháp triệt để kết hợp với sự hỗ trợ của cộng đồng và nhà trường để giúp cho sinh viên có thể tiếp cận giáo dục một cách dễ dàng nhất.
Nếu bạn cảm thấy việc học online quá khó với bạn thì cũng không cần phải lo, với hình thức đào tạo tín chỉ hiện nay bạn có thể chấp nhận việc tạm nghỉ từ 1 đến 2 kì để đợi đến lúc dịch hết và quay lại học ở trên giảng đường là bình thường, người quen của mình cũng làm vậy vì họ cảm thấy rất khó tập trung và kém hiệu quả khi học online. Mỗi người đều có từng hoàn cảnh và nhu cầu riêng, đều tốt nhất lúc này là chúng ta có thể lựa chọn tiến trình học sao cho phù hợp với yêu cầu của mình. Tất cả lời khuyên chỉ có tính tham khảo, còn làm theo không là ở chúng ta.
Vậy là serie tạm dừng ở đây, các bạn cố gắng ủng hộ để mình ra phần tiếp theo nhé. Ở kỳ sau mình sẽ phân tích xem dịch sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của chúng ta về lâu dài. Sẽ hơi khó viết nhưng hy vọng mọi người ủng hộ nhé.
Tài liệu tham khảo: