Nguồn: Medium
Tôi sống ở nội thành Hà Nội, một con phố vừa thành thị mà lại vừa nông thôn. Nói là thành thị vì nó rất gần trung tâm thành phố, nói là nông thôn vì xung quanh hàng xóm nhà tôi không mấy người xuất thân từ Hà Nội. Khu tôi ở có sự xuất hiện của ánh đèn sang trọng từ mấy căn biệt thự 4-5 tầng, nhưng cũng không ít sự tăm tối ở trong các hẻm nhỏ và mấy khu ổ chuột xung quanh.
Nhà tôi không phải giàu có, nhưng cũng thuộc tầng lớp trung lưu. Bố mẹ tôi là người có bằng cấp, lương họ thì cũng đủ cho tôi học trường điểm trong thành phố và đủ để chu cấp cho tôi có một tuổi thơ với những bộ đồ chơi nấu ăn của Mykingdom. Từ nhỏ, tôi đã được chiều dù nhà tôi không dư giả tiền bạc, tôi không bị bắt làm việc nhà hay bị ép đi học thêm vào mỗi mùa hè; tôi thường chỉ nằm trong phòng máy lạnh đọc mấy cuốn Doraemon mua hàng tuần. 
Sống ở khu phố này được 10 năm, tôi cũng có một đứa bạn, tôi sẽ gọi là X. X chơi với tôi từ hồi lớp 3. Sống ở khu tập thể đối diện nhà tôi nên ngày nào cũng qua nhà tôi ăn cơm hoặc chơi đồ hàng, có hôm thì ngủ lại. Gia đình X thì không mấy dư giả, bố mẹ là dân lao động đi làm bán thời gian cho các quán ăn bình dân. Ba thế hệ gia đình X sống chung trong một căn phòng bé ở một khu tập thể cũ. Với tiền lương ít ỏi phải nuôi sống cả hai chị em thì bố mẹ X không đủ khả năng mua một chiếc điều hoà để bật hằng ngày. Hai chị em nhà X cũng phải đi học ở một ngôi trường “làng” gần nhà, thỉnh thoảng còn phải phụ giúp cho quán nước của ông ở trước cửa nhà. 
Mẹ tôi thì thương X nên toàn rủ nó sang nhà tôi ngủ cho mát; mấy lần nó phụ giúp mẹ tôi làm việc nhà là bà lại cho nó mấy chục để tiêu. Có lẽ vì X thoát được những đêm hè nóng nực và được thử những món ăn “đắt tiền” hơn ở nhà tôi nên lúc nào nó cũng cun cút chạy theo tôi, tôi nhờ gì nó làm nấy. Những lúc chơi trò “hóa trang” thì tôi nghiễm nhiên làm công chúa còn X thì luôn vào vai thân cận đi theo; nhiều khi tôi còn đùa rằng nó làm “ôsin” cho mình. 
Đến năm tôi học lớp 7 thì X chuyển nhà tới một vùng xa hơn. Thỉnh thoảng tôi tới thăm nó nhưng tới lớp 8 thì ngưng vì nhà nó xa và đường đi thì khó nên mẹ không muốn tôi tới. Hết năm lớp 9 thì tôi với nó không còn gặp lại do hồi đó tôi ôn thi vào lớp 10 nên cũng không có thời gian liên lạc. 
“Giờ nó đi học làm nail.” Tôi nghe kể về X từ một chị hàng xóm. Chị ấy bảo X bỏ học từ năm lớp 9 vì “không hợp” với việc học. Mẹ tôi nghe xong thì ngỡ ngàng rồi cứ lặp lại câu “X ngoan thế mà giờ lại bỏ học.” Tôi trong lòng   vừa giận, vừa buồn, lại cũng lấy làm hiển nhiên.
Sau đó tôi học cấp ba ở một trường chuyên. Tôi có thêm nhiều bạn mới từ các trường khác qua các câu lạc bộ, nhưng chả ai là giống X. Có người từ ngoại tỉnh lên nhưng họ được bố mẹ chu cấp cho sống tại căn hộ 5 sao gần trường, một số người từ đội tuyển học sinh giỏi, và đa phần là các công chúa hoàng tử đúng nghĩa. Và dĩ nhiên là không còn cô gái “nông thôn" nào luôn bám theo tôi như X, lại càng không có ai phải bỏ học vì “không hợp.” Mục tiêu của chúng tôi là đi du học hoặc học đại học trong nước, và đa phần mục tiêu đó là nhắm vào các trường hàng đầu.
Có lần tôi đi qua Đinh Lễ, đập vào mắt tôi là các tựa sách như “Đắc nhân tâm” hay “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế.”  Các quyển sách self-help từ các doanh nhân cứ xuất bản là cháy hàng; “làm chủ đời mình" là câu nói chủ yếu trong các cuốn best-sellers; kệ sách tràn ngập các câu kiểu như “đằng sau thành công là nỗ lực.” Và nhờ đó, chúng ta luôn nắm chắc rằng cứ chăm chỉ thì sẽ “thành công” và giàu có, còn nếu bạn nghèo khổ thì do bạn lười biếng và bất tài. Từ đó, tôi có thể kết luận rằng X có lẽ chưa đủ cố gắng học khi còn ngồi dưới mái trường nên mới phải ra đường đi làm những nghề “hèn kém,” còn tôi do đã chăm chỉ nên đã có được “thành công” nhất định. 
Tôi nhìn về lịch sử với sự phẫn nộ trước chế độ quân chủ chuyên chế (absolutism); với sự khinh miệt dành cho chế độ phong kiến cũ (feudalism); và cả sự mãn nguyện trước cuộc sống tự do của hiện tại. Thật khó có thể hiểu được tại sao chế độ nô lệ (slavery) lại từng được hợp pháp hoá, tại sao các nhà độc tài (despot) lại được các "dân đen" (the mob) phục tùng, tại sao người ta lại cúi rạp trước những vị vua chúa tự xưng là con của trời của thánh. 
Nền dân chủ (democracy) đã thống trị bản đồ chính trị của thế giới hiện nay. Không quân vương nào có quyền quyết định ước mơ của ta. Đã đến thời khắc con người làm chủ chính cuộc sống của mình trong xã hội nhân tài trị (meritocracy) - nơi mà tài năng, không phải quan hệ, địa vị, hay tiền bạc, quyết định sự "thành công." 
Tuy nhiên con người lại chưa bao giờ vượt lên khỏi thời gian để trở nên toàn năng và toàn vẹn. Điều đó đồng nghĩa, tôi và những người tôi biết hiện tại chưa chắc đã đúng về mọi thứ. Có thể chúng ta bị những ý niệm của thời đại in hằn trong tiềm thức đến nỗi không vượt lên nổi những rào cản của những áp bức vô hình còn tồn tại. Thực chất, chúng ta không những không tự do như chúng ta nghĩ, mà còn bị giam cầm bởi hai thứ: 
(1) Sự huyễn hoặc về cặp đôi nổi tiếng: thành công - nỗ lực.
(2) Từ định hướng của điều thứ 1., ta đã giam mình trong lối tư duy sai lầm.
Nguồn: The Meridian Magazine
Trong phần 1 của bài viết này, tôi sẽ đi sâu vào mục (1) - thông qua trải nghiệm cá nhân của tôi.
Đầu tiên, chúng ta hãy thử nghĩ về quá trình đi đến được “thành công” hiện tại của bản thân: đó có thể là tấm vé vào một trường Ivy League, một cơ hội đi thực tập tại Google, hay gần gũi hơn là đỗ vào một trường top như Ngoại Thương. Còn đối với tôi, “thành công” đầu tiên là được nhận vào một trường đại học top đầu tại Mỹ. Để chạm tay vào giấc mơ ấy, những người như tôi phải có một bộ hồ sơ thật đẹp. Chưa hết, chúng tôi còn cần phải có SAT, IELTS, một vài bài luận, và khoảng vài trăm đô đóng cho trung tâm tư vấn. Nói về bộ hồ sơ của tôi, tôi là học sinh tại trường chuyên, có vài hoạt động ngoại khóa nổi bật, và một bảng điểm khá. 
Giờ hãy cùng tôi làm vài phép tính. Tôi từng phải ôn thi vào trường cấp ba 5 buổi 1 tuần, mỗi buổi tầm 100-300k một tiếng, chưa kể tiền đi lại 15km. Sau khi vào trường, tôi tham gia các hoạt động ngoại khóa ở khá xa nhà nên tiền đi lại tốn khoảng 30-50k một lượt, mỗi tuần một lần trong suốt 2 năm. Việc học SAT và IELTS của tôi thì tiêu tốn tầm 30 triệu một khóa, tiền đi thi IELTS là 5 triệu 1 lần và SAT là 2 triệu rưỡi 1 lần. Tiền đóng cho trung tâm tư vấn thì khoảng 500-1000 đô. Tính tổng ra thì chi phí cho tấm vé vào đại học của tôi đã vào con số trăm triệu, chưa kể tiền học 12 năm tại Việt Nam và tiền du học trong tương lai. Và đây mới chỉ là những thứ có thể quy về tiền, tôi chưa đề cập tới những yếu tố khác như sự chăm sóc của gia đình, môi trường giáo dục, và văn hoá.
Hãy thử tưởng tượng nếu là gia đình X, bố mẹ cậu ấy có đủ sức chi trả trăm triệu hoặc thậm chí là một nửa số tiền bố mẹ tôi bỏ ra để cho cậu ấy đi học? Nếu bố mẹ X không phải là những người phải mưu sinh vì cuộc sống khắc nghiệt thành thị, mà là những người có bằng cấp như bố mẹ tôi, liệu X có được định hướng giống tôi? Một gia đình còn không thể đủ tiền chi trả cho điều hoà hàng tháng thì sao có thể đưa con mình theo học ở trường nơi chỉ có giới trung lưu đổ lên mới có thể bước chân vào. 
Có thể do bố mẹ tôi thấy tôi có khả năng nên mới sẵn sàng đầu tư cho tôi, nếu X chăm như tôi thì biết đâu bố mẹ cậu ấy cũng đầu tư thì sao? Thực tế, việc thành công không hề chỉ dựa vào nỗ lực. Nỗ lực chỉ xuất hiện và có hiệu lực khi chúng ta có những nền tảng như môi trường giáo dục phù hợp và nguồn tài nguyên (tiền, sức khoẻ, tinh thần,...) phù hợp. X từ nhỏ đã phải sống với điều kiện thấp hơn hẳn điều kiện của tôi: cuộc sống bấp bênh của dân nhập cư ở Hà Nội, những mâu thuẫn trong gia đình, và cả sự không thoải mái khi sống ở một khu tập thể cũ. Sự khó khăn của chính gia đình cậu ấy mang đến sự hiển nhiên cho cái “không hợp" với việc học của X.
Trong khi bố mẹ tôi mỗi tối đọc sách hoặc trò chuyện với tôi, thì bố mẹ X tối muộn mới về nhà cùng bộ mặt mệt mỏi. Trong khi tôi ngồi trong phòng điều hoà để làm bài tập, thì X mồ hôi đầm đìa trông quán nước giúp ông. Vậy có còn công bằng khi nói tôi xứng đáng có “thành công" hơn cậu ấy? Bài viết này không phải để chỉ trích sự cố gắng hay hắt hủi những người ở tầng lớp cao hơn. Nhưng sự thật là chế độ nhân tài trị (meritocracy) luôn bỏ qua các yếu tố kinh tế - xã hội (socioeconomic factors) khi nói về “thành công.” 
Chúng ta thấy báo đài cũng đưa tin không ít về những tấm gương vượt khó. Vậy sao biết gia đình X khó khăn mà cậu ấy không cố gắng? Hầu hết chúng ta đều bị đánh lừa bởi “rủi ro thiên lệch kẻ sống sót” (survivorship bias) - việc đánh giá sự kiện chỉ dựa vào duy nhất những người hoặc những thứ nổi bật hoặc có thể nhìn thấy tại thời điểm đó. Dĩ nhiên là kì lạ khi VnExpress lại đưa tin về một học sinh bỏ học đi làm vì “không hợp". Cũng chả ai hứng thú khi VTV cho lên sóng một hình ảnh cuộc sống của một nhân viên văn phòng bình thường. Đơn giản là vì nó quá quen thuộc và chúng ta không cần thông tin về những sự kiện hay con người đó. 
Một điều nữa mà chúng ta thường nhầm lẫn là những “người chiến thắng” luôn có ý chí vượt khó, còn những “kẻ thua cuộc” thì là những người không vượt qua được cám dỗ. Trong các bộ phim truyền hình châu Á, hình ảnh những người chồng hư hỏng, nghiện cờ bạc hiện lên như một cảnh báo cho tác hại của sự lười biếng; những chàng thanh niên hàng ngày đi làm bận bịu như một tấm gương đáng học tập về sự nhẫn nại và niềm tin về tương lai “thành công.” Một câu phản biện tôi thường nghe là: “Thay vì dành thời gian tụ tập đàn đúm, sao người ta lại không cố gắng làm lụng giống những người giàu có?”
Quả thực, việc chăm chỉ là rất đáng khen. Tôi cũng không định bao biện cho những thói quen lười nhác. Nhưng cách chúng ta đánh giá về người thành công qua sự nhẫn nại của họ đã bị bóp méo bởi hiểu nhầm về mối liên hệ này. Thực tế không phải vì ta lười nên ta nghèo, mà là ngược lại. Đối với một người giàu, họ sẽ có vô vàn lựa chọn và sẽ dũng cảm mạo hiểm hơn; bởi nếu họ có thất bại, thì cũng không ảnh hưởng tới nguồn tài nguyên vốn có quá nặng nề. Còn với người nghèo, họ có quá ít lựa chọn, do đó việc mạo hiểm cũng trở nên nguy hiểm hơn; bởi nếu họ thất bại, thì họ sẽ mất gần như tất cả. 
Hơn thế, não bộ chúng ta từ xa xưa đã thiết kế để phản ứng với những sự kiện có kết quả tức thời; còn chúng ta đang sống trong thời đại mà kết quả sẽ mất rất lâu để thấy rõ. Từ thời nguyên thuỷ, não bộ hướng con người làm những việc mà có kết quả ngay lập tức: đói - ăn - no; thấy nguy hiểm - trốn - thoát chết. Nhưng ngày nay, chúng ta không chỉ có ăn hay ngủ, mà còn theo đuổi “thành công,” thứ mà yêu cầu cả quá trình chờ đợi. Ví dụ khi chúng ta nhận tiền lương, chúng ta sẽ đối diện với 2 lựa chọn - tiết kiệm cho tương lai hay mua chiếc túi mới. Với những người không được giáo dục về cách đầu tư, não bộ sẽ chọn cách làm chúng ta thoả mãn ngay tức khắc - mua chiếc túi mới. 
Đứng trước 2 sự lựa chọn - đầu tư cho tương lai và tiêu luôn bây giờ - những người có ít lựa chọn hơn sẽ chọn việc mua vé số, chơi cờ bạc, hoặc mua đồ ăn ngon thay vì đầu tư cho giáo dục, thứ mà lấy nhiều thời gian để thấy được lợi ích. Đối với người giàu, việc họ chọn 1 trong 2 đều không ảnh hưởng quá nhiều, bởi vì tài nguyên của họ là dư thừa. Nếu họ đói, họ có thể ăn mà vẫn có tiền đóng học phí. Nhưng đổi lại là người nghèo, nếu họ ăn, họ sẽ không còn tiền đóng học phí nữa. Vì vậy, nhiều người vẫn có xu hướng chỉ trích rằng tư duy người nghèo là tư duy ngắn hạn. 
Vậy giờ còn ai không biết về tầm quan trọng của công nghệ và giáo dục? Tôi cũng biết nhiều trường hợp ở tầng lớp trung lưu đổ xuống, họ có kiến thức nhận thức về lợi ích mà giáo dục mang lại, nhưng vẫn bỏ tiền vào thứ khác. Sự không nhất quán về thời gian đã ngăn cản họ đi từ ý định tới hành động (Abhijit Banerjee, 2012, p.95). Thay vì bỏ 200 nghìn mua bánh kẹo, đi mua sách nghe có vẻ lý tưởng hơn. Nhưng sự thỏa mãn mà bánh kẹo mang lại tới não bộ vẫn nhanh hơn so với việc đọc sách, và lợi ích từ việc ăn một chiếc bánh cũng được nhận thấy rõ rệt hơn lợi ích từ sau vài tháng đọc sách.
Nhưng chẳng phải là cuộc sống của hiện tại đã cho chúng ta nhiều cơ hội hơn trong quá khứ hay sao? Đúng là genZ và các thế hệ sau này sẽ được nhận những quyền lợi (sách, internet, thông tin,...) mà các thế hệ trước đó chưa hề có tiền lệ. Ngày trước thì chỉ có con của các quan chức cấp cao mới có cơ hội được làm ở các vị trí cao, nhưng bây giờ ai có thể cấm một chàng trai nghèo khó làm CEO của một startup tỷ đô? 
Cựu tổng thống Mỹ, Barack Obama, cho rằng “Chúng ta đã đúng với đức tin khi đứa trẻ nghèo nhất biết rằng nó có cơ hội thành công như bao người khác.” Sự bình đẳng về cơ hội là điều kiện cần có cho một xã hội công bằng, nhưng chưa phải là điều kiện đủ. Một cuộc chạy đua sẽ không còn công bằng nếu một đứa trẻ, một người ngồi xe lăn, và một vận động viên chạy cùng một track, cùng một thời điểm. Tương tự như vậy, công bằng cơ hội là vô nghĩa khi không phải tất cả đều có khả năng và tài nguyên để nắm lấy cơ hội (Ha Joon Chang, 2013, p.367). Việc kỳ vọng một đứa trẻ sống với 20 nghìn VND một ngày phải cố gắng và “giỏi" bằng một đứa trẻ sống với 100 nghìn VND một ngày chỉ vì chúng học cùng một bộ sách giáo khoa chẳng khác nào việc kỳ vọng cá chép bơi nhanh như cá mập chỉ vì chúng đều sống dưới nước. 
Nguồn: The Guardian
References:
1. Ha, J. C. (2013). Chapter 20. In 23 Things They Don't Tell You About Capitalism (p. 367). essay, Bloomsbury Press. 
2. Banerjee, A., & Duflo, E. (2012). Chapter 3. In Poor economics (p. 95). PublicAffairs.