Day 2: Hà Nội
Buổi sáng đầu tiên ở Hà Nội, mình dậy lúc 7 giờ. Cách khách sạn 2 phút đi xe máy là con phố Bát Đàn, bọn mình quyết tâm ăn cho được phở gia truyền Bát Tràng. Cảm giác nó ít béo hơn trong miền Nam mình hay ăn. Đúng nghĩa “tiền trao cháo múc” luôn, đưa tiền rồi mới tự lấy tô của mình và bữa sáng tốn của mình 45.000 đồng. Sau đó mình chạy ra chợ Đồng Xuân, kiếm cho bằng được chỗ bán nón lá để chụp hình sống ảo. Mở hàng cho chị chủ, nài nỉ lắm mua được 30.000 đồng, cũng tạm, 2 đứa xài chung cho tiết kiệm.

Bọn mình bắt đầu đi Bát Tràng. Ban đầu mình dự định đi Làng cổ Đường Lâm nhưng Bát Tràng gần hơn và mình cũng muốn thử làm gốm là như thế nào. Đường đến Bát Tràng đậm chất đồng bằng Bắc Bộ với những con đê cao, hai bên đường là những ngôi nhà thấp nhỏ. Lâu lâu lại gặp một ngôi đình làng nhỏ yên ắng vừa vặn một khuôn sân đầy. Mình thích cái cảm giác thanh bình này, cái thứ cảm xúc đích thực mà mình đang đi tìm. Vẫn có xe bus đi Bát Tràng nhưng với 10km thì xe máy là lựa chọn tốt hơn, qua cầu Chương Dương quẹo phải đi ven trên con đê cao là tới. Đường đi đến Bát Tràng khá vắng vẻ nên chỉ phù hợp để đi buổi sáng, buổi tối khá nguy hiểm.
Đến Bát Tràng, khá khó để kiếm được khu làng cổ vì nó nằm ẩn trong những dãy nhà phố cao bên ngoài. Làng cổ không to lắm đâu, đường nho nhỏ uốn quanh màu gạch cũ nhuốm màu rêu xanh. Vô tình mình gặp một chị đi ngang giới thiệu cho chỗ làm gốm. Hai đứa ban đầu không dám đi theo vì nghĩ là cò cho mấy chỗ làm gốm, chị cũng quá nhiệt tình đâm ra khiến người lạ như mình dè dặt. Nhưng cuối cùng cũng đành liều mà đi, chị chủ cũng dễ thương, nhiệt tình, chỗ làm gốm nằm cạnh một hồ súng cảnh khá đẹp. Giá để làm gốm, nung gốm, tô màu là 50.000 đồng nếu bạn chỉ muốn tô do không có thời gian là 30.000 đồng. Ra tận Bát Tràng làm gốm và nghe nhạc vọng cổ Miền Nam, cảm giác thật sai, sai quá sai luôn.


Tầm 10h mình tranh thủ chạy về để kịp trả phòng lúc 12h. Mình ăn trưa mà không tìm quán trước. Cứ chạy đến đâu thấy khách đông là tấp vô cho nhanh. Rồi cũng tấp vào được một quán đối diện UBND phường. Vừa ăn bún đậu mắm tôm vừa nghe loa phát thanh, xung quanh là băng rôn biểu ngữ tuyên truyền, cảm giác nó đúng là Hà Nội luôn. Phần 2 người là 90.000 đồng, 2 cốc trà đá là 10.000 đồng, gọi thêm thì 5.000 đồng 1 cốc (Sài Gòn mình uống thoải mái luôn không tốn 1 xu trà đá, bởi Hà Nội sống “đắt đỏ” quá. Nhưng ăn ngon, vị đậm đà, nhất là mắm tôm rất ngon ( không biết do mình pha ngon hay vốn dĩ nó thơm ngon như vậy).


Bọn mình ghé “trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam” Văn miếu Quốc Tử Giám trước. Văn Miếu là một khuôn viên ngợp bóng mát cây xanh, không khí cũng không ngột ngạt. Giá vé là 30.000 đồng 1 người. Nếu có thẻ sinh viên chỉ còn 15.000 đồng thôi. Nhớ nhé, đi Hà Nội nhớ mang theo thẻ sinh viên nha, có nhiều ưu đãi lắm, cứ trình thẻ ra khi mua vé là được giảm. Qua cánh cổng Văn Miếu là vườn Nhập đạo dẫn vào Khuê Văn Các qua cổng Đại Trung. Mình đi Văn Miếu khá vắng khách, cũng nghe mọi người nói xoa đầu rùa ở 82 bia Tiến sĩ sẽ thông minh hơn nhưng tiếc là mình chạm không tới được, hic. Nếu để ý, bạn sẽ thấy tất cả đầu rùa – một trong tứ vật linh thiêng – đều ngẩng cao tự tin. Được chạm vào những khung cửa gỗ cũ, được đứng dưới vòm sao Khuê, được đọc câu chuyện thầy Chu Văn An trọn đời cương trực giữ tiết tháo không câu nệ danh vọng đầy tài hoa. Sau Văn Miếu là khu di tích Quốc Tử Giám sau cánh cổng Đại Thành, rồi Thượng Điện, Đền Hòa Khánh, Đại Bái Đường,…

Sau đó, hai đứa ghé qua Hoàng thành Thăng Long, từ Văn Miếu Quốc Tử Giám quẹo phải hai lần rồi quẹp trái hai lần (nguyên xi lời chú bảo vệ) là tới. Thật may mắn là tiết trời Hà Nội hôm nay quá đẹp, không nắng không mưa, mây hờ hững trôi. Vé vẫn 30.000 đồng và 15.000 đồng nếu có thẻ sinh viên. Hoàng thành thậm chí còn vắng hơn cả Văn Miếu, cũng không hiểu sao nữa vì với mình nó cũng đẹp đâu thua kém gì. Hữu duyên khi gặp 2 bố con người Hải Phòng, chụp chung tấm ảnh, bông đùa dăm ba câu cũng thú vị. Phía trước bảo tàng có một chiếc máy bán nước tự động, nhớ thử mua nước để biết cảm giác chai nước “rơi cái đùng thót tim hú hồn à” là như thế nào nha. Bảo tàng chắc mới được xây dựng gần đây, một điểm nét hiện đại giữa không gian cổ kính. Đáng sợ nhất là bước vào bảo tàng ở giữa khuôn viên, vừa bước vào điện tắt hết, không một chút ánh sáng, cửa thì tự động một chiều vào không thể ra, xung quanh toàn hình ảnh lính xưa dựng lên bằng đèn máy chiếu, không cần tả chắc ai cũng hiểu nó ma mị cỡ nào. Cổng nội bộ dẫn tụi mình qua khu khảo cổ của Hoàng thành, nằm phía sau tòa nhà Quốc hội. Chủ yếu là những vết tích còn sót lại của những chân trụ, giếng nước xưa thôi.

Đối diện tòa nhà Quốc Hội là Lăng Bác. Thời gian này Lăng Bác đang tu sửa tới tháng 12 nên chỉ có thể nhìn từ bên ngoài. Phía sau Lăng là chùa Một Cột, Chùa nhỏ hơn mình nghĩ, rất nhỏ luôn, khách thì tấp nập nên mình cũng không cảm nhận được gì nhiều. Hai đứa lật đật chạy ra Đền Ngọc Sơn, vì hôm qua ghé nhưng lại đóng cửa, giá vé 30.000 đồng và 15.000 đồng cho sinh viên. Đền Ngọc Sơn khá nhỏ có cầu Thê Húc bắc ngang dẫn vào. Vì đang sửa chữa nên gạch đá ngổn ngang, mất đi cái đẹp thuở xưa.
Ngày 2 dài quá nhỉ, mình viết cũng ngán nữa nhưng có những thứ cảm xúc âm ỉ trong lòng như vậy đó.
Còn nữa…