Bài viết được chia sẻ lại từ group Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) với sự cho phép của chủ bài viết kiêm admin Long Nguyen. Nội dung đã có một chút chỉnh sửa cho phù hợp.

Hôm nay, lúc ngồi đọc lại cái bài review về Lord of the Rings được đăng trong group hôm trước, mình mới để ý thấy trong phần comment có một cuộc tranh luận xung quanh việc bài viết thiếu tính khách quan bởi vì nó thiên về khen tác phẩm nhiều. Cái này làm mình nhớ đến một vụ lùm xùm nhỏ xảy ra cách đây ít lâu, xoay quanh một chủ đề tương tự của một bro Youtuber chuyên mảng Fantasy mà thỉnh thoảng mình vẫn hay giới thiệu trong group, ấy là Daniel Greene.
Mọi chuyện bắt đầu từ cái clip này:
Trong clip, Daniel có bình luận về ý kiến rằng nếu Stephen King mà khởi đầu sự nghiệp trong cái thời nay, gần như mọi tác phẩm kinh điển của ông sẽ bị sổ toẹt hết, bởi vì nó có rất nhiều lỗi lủng củng. Daniel về cơ bản đồng ý với ý kiến này, và bảo rằng giới xuất bản có những cái tiêu chuẩn quá cứng nhắc trong khi thực sự thì trong văn học gần như không bao giờ mò ra được một cái gì gọi là tiêu chuẩn chung nhất được cả. Bro này sau đó liên hệ luôn sang việc review các tác phẩm, và nói cũng tương tự như xuất bản, không có bất kỳ một cái tiêu chuẩn chung nhất nào có thể áp dụng được cho việc này cả. Trừ khi tất cả những gì cái bài review làm là tóm tắt lại truyện, nó sẽ không bao giờ có thể khách quan được.
Một người xem clip sau đó đã đưa cái này lên reddit:
Một thành viên trong cái thớt đó đã chỉ trích cách nhìn nhận của Daniel, bảo rằng có những thứ bất di bất dịch, và hoàn toàn có thể đánh giá dựa trên đó để có một cái nhìn khách quan, với ví dụ phản bác được đưa ra là ngữ pháp và chấm phẩy. Theo như lời đồng chí này, nếu một tác phẩm viết sai chính tả hay sử dụng ngữ pháp sai thì vẫn có thể chỉ trích cái đấy và giữ được tính khách quan. Trường hợp ngoại lệ bao gồm những cái cố tình viết sai chính tả như Flowers for Algernon, bởi đấy là chủ ý của tác giả.
Và sau đó mấy hôm, Daniel đã làm một clip bàn luận khác tương tự clip gốc, và mở đầu là phản biện lại cái lập luận trên reddit kia:
Theo lời Daniel thì bro này đã từng gửi bản thảo sách đến cho 5 biên tập viên khác nhau, và đã nhận lại được 5 phiên bản chỉnh sửa khác hẳn nhau, với ngay cả chấm phẩy và ngữ pháp cũng mỗi ông nói một kiểu, hoàn toàn chẳng có quy chuẩn gì hết. Daniel cũng nói thêm là mọi quy luật đều có thay đổi theo thời gian, với những người ở năm 80 sẽ viết truyện dựa theo chuẩn mực thời họ, và sẽ khác với một người viết truyện thời nay, còn những thanh niên như Shakespear thì gần như viết bằng cái thứ tiếng quái gì đó chứ chẳng còn là tiếng Anh nữa rồi.
Về cơ bản thì Daniel nói thế là rất đúng. Ngay cả một thứ đặc sệt lý thuyết như kinh tế học mà cũng còn chẳng có tiêu chuẩn chung nhất nào để mà đánh giá khách quan (nhà kinh tế học Mỹ Edgar Fiedler còn từng nói là “Hỏi năm nhà kinh tế học và ta sẽ nhận được năm câu trả lời khác nhau - sáu câu nếu một ông từng học Harvard” cơ mà) thì nói gì đến một phạm trù bất định như các quy luật ngôn ngữ và chữ viết? Với cả ngoài ra thì đồng chí Daniel này ít nhất còn tử tế bẻ lại ông redditor kia trên đúng bình diện lý thuyết mà thanh niên đó đã đưa ra, chứ thực chất chỉ cần vặn đúng một câu đơn giản là toàn bộ cái lập luận đấy nát rồi:
Trên đời có thằng nào đi đọc review để xem độ chuẩn chính tả của truyện à 🐧?
Cái quan trọng nhất của một bài review là người ta muốn biết một tác phẩm hay dở ra làm sao, nhưng định nghĩa về “hay” thì hỡi ôi, chín người mười ý. Một tác phẩm có thể hay với người này nhưng dở với người kia, hoặc hay nhiều với người này nhưng hay ít với người kia, và mọi review đưa ra sẽ đều bị bóp méo bởi cách nhìn nhận của người viết, không bao giờ khách quan được. Bản thân mình đã từng động đến cái tính chủ quan của sự hay dở một cách sâu hơn trong một bài riêng, mọi người có thể đọc thêm nếu muốn ở đây:
Cái phiên bản thường được cho là sát với khách quan nhất mà ta hay gặp sẽ là những bài giữ vị trí trung lập, chỉ ra một lượng hay dở tương đương nhau. Tuy nhiên, cái tính “khách quan” của những bài review này thực chất lại chỉ là một ảo ảnh, được dựng lên dựa trên hai lỗi ngụy biện Ad Temperantiam và False Balance.
Ad Temperantiam là một cụm tiếng Latinh, dịch ra sẽ là “Lập luận Từ Vị trí Trung lập.” Đúng với cái tên của mình, một người sử dụng Ad Temperantiam sẽ luôn tìm cách dung hòa giữa hai ý kiến đối lập nhau, và bảo rằng thứ trộn giữa chúng nó sẽ là phiên bản gần sự thật nhất.


Ví dụ kinh điển nhất của Ad Temperantiam là người A nói bầu trời màu xanh dương, người B bảo bầu trời màu vàng, còn người C (người sử dụng Ad Temperantiam) thì sẽ chốt theo kiểu dĩ hòa vi quý là bầu trời thực chất là một sự pha trộn giữa xanh dương và vàng, tức là nó có màu xanh lá. Anh em có thể thấy ngay là trong hai lập luận gốc của A và B, có một bên rõ ràng là đúng (hay ít nhất cũng đã rất sát với sự thật rồi) còn một bên thì sai lè. Tuy nhiên, thay vì truy ra sự thật, C lại chập hai cái lại và tạo ra một phương án sai nghiêm trọng, nhưng nghe có vẻ đúng vì nó tích hợp lập luận từ hai thái cực.
False Balance cũng khá tương đồng với Ad Temperantiam ở điểm người dùng lập luận này cũng sẽ tìm cách đứng vào ở giữa. Nhưng thay vì tổng hòa hai quan điểm đối lập, False Balance sẽ xem xét hai mặt của vấn đề, và đưa ra một lượng bằng chứng tương đương cho mỗi mặt để cán cân lập luận luôn thăng bằng, bất chấp việc sự thật có ngả hẳn về một bên.


Sử dụng False Balance một cách trắng trợn nhất chính là cái đám bài vắcxin. Họ sẽ đưa ra tầm 2, 3 bằng chứng cho thấy vắcxin có lợi, xong rồi lại đưa ra 2, 3 bằng chứng cho thấy vắcxin bất lợi, để từ đó bảo là cần cân nhắc trước khi tiêm vắcxin. Họ lờ tịt đi cái việc thực chất nếu cứ liệt kê tiếp thì tiêm vắcxin có đến tận chục cái lợi, còn phần bất lợi thì đến khoảng 4 là kịch dây đàn rồi. Đấy là chưa kể đến việc họ đã giấu nhẹm việc tỉ lệ % bị dính ảnh hưởng bất lợi từ vắcxin thấp hơn hẳn tỉ lệ được hưởng lợi từ nó đấy.
Một bài review sử dụng Ad Temperantiam và/hoặc False Balance nghe sẽ rất bùi tai, bởi vì nó đọc có vẻ rất cân bằng , không ngả theo một phe nào cả. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nó khách quan hay đúng gì hết, vì rất có thể tác phẩm được review là hay thật sự (mặc dù một lần nữa này, bản thân chữ “hay” chẳng bao giờ khách quan được cả), nhưng người review đã cố tình lờ đi một số yếu tố hay của nó hoặc bới lông tìm vết và thổi phồng các yếu điểm của nó lên để giúp mọi thứ trông có vẻ cân bằng. Chẳng hạn nếu có một cái review bảo là truyện này có cốt rất cuốn và dàn nhân vật hấp dẫn, nhưng có đoạn tác giả viết sai chữ Nguyễn và trừ nhầm số năm, thế nên quyển này cũng chỉ hay ở mức vừa phải thôi, liệu anh em có thấy nó khách quan và công bằng không?
Tất nhiên bàn về cả hay cả dở một cách ngang nhau không phải là xấu, và Ad Temperantiam cùng với False Balance nếu biết tận dụng một cách có chừng mực thì cũng sẽ không đến nỗi. Cái này mình biết rõ lắm, bởi vì mình làm suốt mà 🐧.
Nếu đọc các bài review mình từng viết, anh em sẽ thấy mình thường sẽ cố gắng đưa ra hay dở đồng đều để tăng tính thuyết phục, mặc dù mình cũng hay nói rõ luôn những cái đấy nó có ảnh hưởng lớn đến câu chuyện hay không, hay ít nhất độ hấp dẫn của câu chuyện với mình hay không. Đặc biệt nhất là mình tự biết bản thân có sự thiên vị đối với một số mô típ nhất định, và quyển nào cứ đánh trúng những cái mốc đấy thì sẽ thành hay/dở ngay, thế nên chẳng dại gì đi tuyên bố mấy bài của bản thân là khách quan cả, mà chủ yếu toàn bảo ai thích/ghét mô típ A, B, C hay tác giả/tác phẩm nào đó thì sẽ thích/ghét tác phẩm được review thôi.
Thế nên anh em đừng quá quan tâm chuyện khách quanh chủ quan, hay quá tin tưởng vào cái review nào. Đọc xem người review có gu ra sao và những thứ người ta nói liệu có phải thứ mình sẽ ưa được hay không, sau đó tự tính toán mà triển thôi.
-----
Bài đăng gốc: