Bắt đầu từ một câu trả lời được dịch trên QuoraVN, mình đã ngâm cứu lại xem luật Quidditch, nhất là luật trái Snitch được lấy từ môn nào, hóa ra câu trả lời thật bất ngờ
Q: Nếu chổi bay chạy bằng động cơ được chế tạo, liệu chúng ta có thể chơi được Quidditch theo các định luật vật lý hay không?
A: (Steve Baker)
Ngay cái việc giả định rằng chúng ta có thể làm một cái chổi bay đủ sức đáp ứng thời lượng của một trận Quidditch, bạn đã vi phạm kha khá định luật vật lý rồi!
Cơ mà cứ tạm thời bỏ qua nó cái đã.
Mấy quả bóng trong game này rất khó để tái hiện trong đời thực - có vẻ như bọn nó không tạo ra sức đẩy - nhưng chúng di chuyển xung quanh một cách bán tự động và hết sức nhanh/tàn bạo. CÓ VẺ như điều này là không thể, do định luật bảo toàn mô men quán tính.
Cái hồi mà sách tô màu Harry Potter nổi đình đám, thằng cu nhà tôi muốn có một trò chơi điện tử về Quidditch - lúc đó thì không có thứ gì như thế cả. Tôi là lập trình viên về video game, tôi nghĩ tôi nên thử viết một [con game như vậy] cho thằng bé.
Khi bạn xem kỹ hơn về luật lệ của Quidditch, thực sự nó là một môn thể thao rác cmn rưởi.
Hầu hết thời gian, mấy người chơi khác làm gì cũng không liên quan lắm, chỉ có hai thằng đi đuổi quả snitch vàng mới quan trọng. Ờ thì tính chất này hợp với mạch truyện - nơi mà có thể có trò chơi theo team - nhưng người anh hùng của chúng ta luôn là người đem lại chiến thắng. Nhưng thực sự [Quidditch] là một môn thể thao đồng đội TỒI TỆ.
Với vận tốc của mấy cái chổi và góc rẽ của chúng, sân Quidditch phải KHỔNG LỒ... và (như chúng ta thấy trong phim) - các cầu thủ thường ra hẳn khỏi khu vực sân và không bị thổi phạt "off-side" hay bất cứ cái gì cả. Làm vài phép tính và nhìn vào kích thước của quả snitch - bạn chẳng thể nhìn thấy nó trừ khi bạn ở rất gần nó... vì thế trong hầu hết thời gian nó vô hình theo nghĩa đen. Vì nó cũng di chuyển nhanh vãi đạn, đã thế lại theo bất cứ hướng nào nó thích - việc bạn tự nhiên đến đủ gần quả bóng và bay đúng hướng để bắt nó, hoàn toàn ngẫu nhiên.
Tôi đồ rằng để cái game này thực sự chơi được ấy, thì bạn sẽ phải cho quả snitch chủ động CỐ GẮNG đến gần một cầu thủ.... thực ra thì, trong game của tôi, đó chính xác là những gì tôi sẽ lập trình cho logic bay của quả snitch. Nếu nó không chủ động để bị bắt (tất nhiên là không quá dễ), trận đấu sẽ chẳng bao giờ kết thúc.
Ô kìa, nếu đó là những gì quả snitch làm, thì nó chủ động quyết định đội nào ăn... Cơ cấu lòi.
Luật lệ của trò này cũng có vài vấn đề nữa. Ví dụ, nếu team bạn đang bị dẫn trước khá xa, thì khi ấy cố bắt quả snitch sẽ là tối kiến bởi khi đó trận đấu kết thúc. Khi ấy chiến thuật của bạn sẽ phải chuyển từ CỐ BẮT quả snitch sang NGĂN CẢN đội kia bắt được nó. Vì các trận đấu không có giới hạn thời gian, khi ấy chiến thuật ngon nhất chính là lấy thịt đè người: dùng tất cả các cầu thủ đội mình chặn đường Tầm thủ (Seeker) của đội bạn.
Khi mà tôi càng lập trình thêm cho cái game Quidditch này - nó càng chứng tỏ rằng nó không chỉ là một môn thể thao đồng đội bất khả thi... chẳng có cách nào khiến người ta hứng thú về nó cả - và thêm vài thứ hay ho mà bạn có thể làm với mấy quả bóng tự hành và chổi bay - nó đại diện cho sự thất bại về mặt tưởng tượng của chính tác giả.
Thực sự thì, Quidditch là một trò chơi CỦ CHUỐI - và dù tôi rất thích bộ Harry Potter - tôi phải nói là luật của trò này đơn giản là chưa được cân nhắc kỹ lưỡng.
Vì thế, ngay cả khi chúng ta im ỉm bỏ qua các định luật vật lý, trò này vẫn không chơi được.

---
B: (Phong Nguyễn)
Chúng ta tạm bỏ qua hết những vấn đề y tế, sinh học và vật lý sang bên nhé.

Luật Quidditch nhìn qua khá dị, pha tạp từ nhiều môn như bóng rổ, bóng bầu dục... đồng thời lại chả giống môn nào. Đây là chủ ý của nhà văn khi muốn Quidditch trở nên thật khác biệt với các môn thể thao muggle tầm thường của thế giới loài người.

Tuy nhiên điều bị phê phán nhất là điểm cân bằng game trong trò chơi "tập thể" này khá tệ. Cả đội bóng 6 người giành giật ghi bàn kiếm từng điểm mười còn tầm thủ kiếm được quả Snitch tự động giành 150 điểm rồi... game over. Rõ ràng cái luật lệ kỳ lạ này được tác giả tạo ra chỉ để buff cho Harry Potter thành người hùng nhà Gryffindor và ghi điểm trong mắt các fan nữ. (Ngay tập 1 tui đã dự đoán. Diễn biến truyện sau đúng như thế, mấy lần đội nhà đang bị dẫn 140 điểm nhờ Harry ra tay bắt Snitch thắng luôn)

Một điểm tệ nữa là việc giành trái Snitch này hoàn toàn không đi kèm khả năng phối hợp ăn ý với đồng đội, vận dụng trí tuệ siêu phàm, thể lực dồi dào hay kỹ thuật cao siêu gì, mà 50% nhờ… nạp game (Harry có một cây chổi xịn) + 50% may mắn (trái Snitch thích hiện ở đâu thì hiện).

Nó làm mất cân bằng game đến nỗi, khi tổ chức thi đấu món muggle quidditch này ngoài đời người ta phải giảm giá trị trái Snitch xuống còn 30 điểm để 2 bên giảm bớt độ chênh lệch. Khi đó quidditch mới có thể mang tính chất của môn thể thao đồng đội. Nếu không nó chả khác gì game Ai là triệu phú: nhanh tay hơn thì được giành ghế nóng hoặc câu 15 chốt game. Sai thua sạch. 6 đồng đội bay loanh quanh gần như chỉ mang ý nghĩa trợ giúp từ khán giả hoặc người thân.

Tất nhiên, JK Rowling không dựa trên show Ai là triệu phú để viết ra luật Snitch kỳ lạ này được.

...
Trong một chia sẻ năm 2003, Rowling đã kể lại việc Quidditch được phát minh ra ở một khách sạn thành phố Manchester sau một trận cãi vã giữa cô và bạn trai: "Thời điểm đó tôi đã luôn suy nghĩ về những thứ có thể thu hút cả cộng đồng, thu hút được nhiều nhóm tham gia (cả nam lẫn nữ) và phản ánh được tính cách đặc trưng nhân vật, rồi tôi biết là mình cần một môn thể thao”.

"Theo kinh nghiệm của tôi, nó sẽ làm đàn ông bực mình và khó chịu (làm thế quái nào trái Snitch lại có điểm cao như vậy...), và điều đó khá thỏa mãn tâm trạng tôi lúc phát minh ra nó."

Như vậy câu trả lời đã rõ. Rowling chỉ muốn trêu lũ đàn ông hay cãi nhau thôi.

Tiện thể thì World Cup Quidditch cũng được tổ chức mỗi 4 năm song song với World Cup "thật" của thế giới muggle. Chức vô địch cúp Quidditch thế giới năm nay 2018 (có cả Việt Nam tham gia) thuộc về tuyển Mỹ.

Khoan, từ từ đã.

Cúp Quidditch thế giới - cúp thế giới.
Tác giả người Anh - bóng đá

Kể cả tác giả tạo ra luật Snitch từ việc giận bạn trai thì cũng phải trên cơ sở môn thể thao nào đó chứ? (Như khung thành hình tròn của bóng rổ và trái bludger như trong bóng bầu dục)

Tập 1 Harry Potter và hòn đá phù thủy ra mắt năm 1997
Trái Snitch có màu VÀNG và 2 cánh, trong đó nếu Tầm thủ bắt được thì đội đó được 150đ và trận đấu kết thúc luôn
...
Luật Bàn Thắng VÀNG
Khi hai đội hòa ở hai hiệp đấu chính và đá hiệp phụ, bất cứ đội nào ghi bàn thắng thì trận đấu sẽ kết thúc và phần thắng dĩ nhiên thuộc về họ.
Điều này đã gây đến những "cái chết bất ngờ", vì thế nó còn được gọi là luật "Cái Chết Bất Ngờ" (Sudden Death).

UEFA bắt đầu cho áp dụng Luật bàn thắng vàng tại EURO 1996. Năm đó tuyển Anh đã bị đánh bại bởi bàn thắng Vàng của Oliver Bierhoff tuyển Đức (hẳn Rowling và người Anh đã khá đau đớn vì thất bại này)
Tuy nhiên sau 2004 luật này không còn được áp dụng. Nếu không, 2018 hẳn họ lại một lần thua “bàn thắng vàng" từ đôi chân của Mario Mandzukic trong hiệp phụ với tuyển Croatia

Như vậy là bạn đã biết "luật Snitch" xuất phát từ đâu rồi chứ?

Sau này người ta sửa bỏ luật Bàn thắng vàng vì hai đội đều co cụm phòng ngự sợ thua cuộc (trái ý tưởng ban đầu là hai đội sẽ lao lên tấn công). Cũng như luật Muggle quidditch đã được giảm xuống còn 30 điểm và trái Snitch chỉ bắt đầu xuất hiện từ hiệp 2. Nhưng dù sao đây vẫn là điểm tương đồng thú vị giữa hai môn thể thao.

“Nếu muốn nghĩ ra một trò chơi thú vị như Quidditch, cách đơn giản nhất là có một cuộc cãi nhau thật sự gay gắt với bạn trai của mình” - JK Rowling.

Rowling, sinh ngày 31 tháng 07 năm 1965, cư ngụ tại thủ đô Edinburgh của Scotland. Tác giả người Anh là fan của đội bóng bầu dục Scotland. Bà cũng là "fan ruột" của West Ham United ở giải Ngoại hạng Anh. Chi tiết "The Hammers" có được nhắc đến trong series Harry Potter ở tập đầu tiên.

31 tháng 07 cũng là sinh nhật của Tầm thủ xuất sắc nhất mọi thời đại, Harry Potter.