[THẤU HIỂU SÁCH] TỪNG BƯỚC NỞ HOA SEN: Thực Hành Chánh Niệm - Nuôi dưỡng tâm hồn, gia tăng hiệu suất học tập & làm việc.
Trong vài năm trở lại đây, phong trào chánh niệm (Mindfulness) nổi lên như một hiện tượng chữa lành tâm lý dành cho giới trẻ. Mọi người...
Trong vài năm trở lại đây, phong trào chánh niệm (Mindfulness) nổi lên như một hiện tượng chữa lành tâm lý dành cho giới trẻ. Mọi người chạy theo xu hướng và xem chánh niệm như một món đồ trang trí phong cách sống của họ. Rốt cuộc, chánh niệm bị thế tục hoá đến nỗi, các KOL biến nó thành những khái niệm như “chữa lành em bé bên trong”, “sống trong hiện tại”, “sống trong tỉnh thức”. Liệu, những khái niệm đó đã đúng?
Đầu năm 2022, trong hội thảo có tên Ven. Thich Nhat Hanh Reflection Series | Mahayana. Hai nhà sư chịu sự ảnh hưởng từ thiền sư Thích Nhất Hạnh là: Trụ trì Isshō Fujita của thiền viện Pioneer Valley Zendo và Yoshiharu Tomatsu - chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Nhật Bản. Hai vị đã cho rằng, mặc dù thiền sư Nhất Hạnh nhấn mạnh từ Mindfulness rất nhiều, nhưng họ không biết nghĩa của từ này là gì. Về sau, hai người nhận ra Mindfulness là “chánh niệm” trong Hán văn, hoặc “sati” trong tiếng Pali. Như vậy, khái niệm mindfulness mà chúng ta biết ngày nay là đến từ sự sáng tạo ngôn ngữ của thiền sư Nhất Hạnh.
Tuy nhiên, ít ai thực sự hiểu chánh niệm đúng nghĩa là gì và thực hành như thế nào. Cho nên, trong phần tiếp theo của bài viết, tôi sẽ chỉ ra ý nghĩa thật sự của chánh niệm, và hướng dẫn bạn cách thực hành đúng nghĩa theo phương pháp của thiền sư Nhất Hạnh thông qua tác phẩm Từng Bước Nở Hoa Sen.
Tác giả Thích Nhất Hạnh và sách Từng Bước Nở Hoa Sen
Sư ông Làng Mai Thích Nhất Hạnh (1926 - 2022), tên thật là Nguyễn Đình Lang. Là đệ tử dòng thiền Lâm Tế đời thứ 42, nhánh Liễu Quán đời thứ 8. Năm 16 tuổi, thiền sư xuất gia tại chùa Từ Hiếu, lấy pháp danh Nhất Hạnh.
Thiền sư được biết đến là một giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu Phật giáo, nhà hoạt động xã hội và hòa bình.
Với mục tiêu tiếp nối truyền thống đạo Phật Việt Nam là “đạo Phật dấn thân” - đem trải nghiệm hạnh phúc của đức Phật đến với đại chúng. Thiền sư đã nghiên cứu kinh sách Phật giáo thông qua các tài liệu tiếng Hán, Pháp, Anh để đại chúng hoá hơn 100 đầu sách lớn nhỏ với đa dạng chủ đề: từ giảng kinh, luận giải, đến hướng dẫn nghi thức thiền tập. Trong số đó, những tác phẩm như An Lạc Từng Bước Chân, Thiền Tập Cho Người Bận Rộn, và Từng Bước Nở Hoa Sen đều là sách dạy chánh niệm bằng thi kệ rất đơn giản và dễ hiểu.
Về sách.
Theo thiền sư Nhất Hạnh, khi còn là một chú tiểu, thiền sư đã được sư phụ giao cho một bộ kinh chữ nho “Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu”, tập hợp các bài thơ hướng dẫn cách sống chánh niệm. Trước khi bắt tay vào bất cứ việc gì, chú tiểu Nhất Hạnh sẽ đọc các bài thơ này lên. Nhờ đó, chú tiểu nuôi dưỡng được sự từ bi trong tâm, tránh được một đời sống trôi nổi theo những lo âu ngoài thực tại.
Tuy nhiên, trong đời sống hiện đại, sách Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu trở nên khó tiếp cận với đại chúng, vì nội dung đậm chất Hán Việt. Đồng thời, cuộc sống hiện đại đã phát sinh nhiều loại hình sinh hoạt mới. Cho nên, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thuần việt hoá các bài thơ, phát triển thêm một số bài thơ mới bám sát vào đời sống độc giả, rồi biên soạn thành sách Từng Bước Nở Hoa Sen.
Từng Bước Nở Hoa Sen tập hợp 46 bài thơ chánh niệm, áp dụng cho từng công việc từ sáng sớm đến chiều tối như: rửa tay, ăn uống, vệ sinh thân thể, đến làm việc nơi công sở, đối thoại,... Để thực hành, bạn chỉ cần đọc một bài thơ, sau đó bắt đầu công việc. Nếu như bạn không hiểu thơ nói gì, thì thiền sư có viết thêm hướng dẫn ở dưới các bài thơ.
Trong quá trình thực tập, nếu bạn thấy hoàn cảnh của mình không giống như trong sách, bạn có thể chế biến các bài thơ để hợp hoàn cảnh cá nhân. Nếu thơ khó học thuộc, thiền sư khuyến khích bạn chọn một bài thơ yêu thích nhất để thực tập. Còn nếu bạn không nhớ gì cả, bạn chỉ cần thực hành bài thơ theo cách hiểu của mình là đủ. Nếu nuôi dưỡng thói quen này trong thời gian dài, thì không chỉ sự từ bi trong bạn được nuôi dưỡng, mà còn nhiều lợi ích khác được phát huy.
Lợi ích của chánh niệm.
Theo những nghiên cứu tổng hợp từ đại học Harvard, hiệp hội tâm lý Hoa Kỳ. Chánh niệm đem lại những lợi ích cụ thể như sau:
- Thứ nhất, giảm stress và tăng cường sức khoẻ tinh thần và thể chất.
- Thứ hai, khả năng tập trung và ghi nhớ được nâng cao. Từ đó, năng suất làm việc và thành tích học tập tăng đáng kể.
- Thứ ba, khả năng trực giác của bạn trong công việc sẽ được cải thiện, nuôi dưỡng được góc nhìn đa chiều. Phát huy tốt khả năng sáng tạo và giảm thiểu các quyết định sai lầm.
- Thứ tư, các mối quan hệ với đồng nghiệp, gia đình và xã hội được gắn kết tốt hơn nhờ học cách chánh niệm trong đối thoại.
- Cuối cùng, gia tăng trải nghiệm của bạn. Bạn sẽ ăn cơm ngon hơn khi ăn trong chánh niệm. Cảm nhận được những bước chân màu nhiệm khi thiền hành. Cảm thấy bình thản khi ngắm nhìn vẻ đẹp của tự nhiên.
Chánh niệm là gì?
Tuy thiền sư đã nói, việc đọc sách của sư chỉ cần trực giác là đủ. Bạn không nên để mắc kẹt vào ngôn từ, vì sự mắc kẹt đó là chướng ngại trong thực hành chánh niệm. Nhưng kỳ thực, không dễ dàng gì để chúng ta thôi tư duy về những ngôn ngữ Phật học khó hiểu. Để tránh chướng ngại trên, tôi sẽ hướng dẫn sơ lược qua lý thuyết của chánh niệm. Từ đó, các bạn có thể biết mình đang làm gì với những bài thơ trong sách Từng Bước Nở Hoa Sen.
Chánh niệm là tự làm chủ, biết mình, nhận diện được những gì xảy ra bây giờ, ở đây.
- Thứ nhất, chánh niệm làm chủ 4 lĩnh vực: thân (cơ thể); thọ (tri giác); tâm hành (sự vận hành của tâm); pháp (các sự vật và hiện tượng xung quanh bạn).
- Thứ hai, 4 lĩnh vực trên là một mắt xích liên hệ chặt chẽ với nhau.
- Thứ ba, chánh niệm là sự quan sát bằng tiềm thức, và lấy tự ngã đặt vào hoàn cảnh của đối tượng.
Cụ thể hơn, khi bạn chánh niệm với hơi thở có ý thức, bạn biết hơn thở với thân thể là một, vì thân thể được nuôi dưỡng bằng dưỡng khí. Từ hơi thở, bạn biết được thân thể mình khoẻ mạnh hay ốm yếu, và biết được hành vi của thân thể đang làm gì trong lúc này. Rồi từ thân thể, bạn biết được các giác quan và tâm tư của bạn ra sao. Từ đó, bạn biết được bạn và các đối tượng là một.
Khi quan sát 4 lĩnh vực trên, bạn hãy để tiềm thức biết mình đang làm gì trong hiện tại. Nói đơn giản, tiềm thức như một người thứ hai đang quan sát bản thân bạn. Muốn quan sát cho đúng, bạn không được khởi động suy nghĩ về đối tượng, mà chỉ cần đặt bản thân vào hoàn cảnh của đối tượng là được. Ví như bạn biết đôi vai của bạn mỏi mệt, thì bạn đồng hoá mình với cảm nhận của đôi vai.
Nhưng sự quan sát như thế để đổi lại điều gì? Đó là sự trị liệu, chuyển hoá khổ đau thành khung cảnh thanh tịnh, nhờ đó bạn sẽ có hạnh phúc và an lạc bây giờ, ở đây.
Nhưng sự quan sát như thế để đổi lại điều gì? Đó là sự trị liệu, chuyển hoá khổ đau thành khung cảnh thanh tịnh, nhờ đó bạn sẽ có hạnh phúc và an lạc bây giờ, ở đây.
Một khi bạn đã học cách biết mình thông qua chánh niệm, tức là thói quen đặt bản thân vào hoàn cảnh đối tượng. Lâu dần, bạn sẽ học được cách thấu hiểu người thân, bạn bè, đồng nghiệp và cách trân trọng vạn vật xung quanh bạn.
Kinh nghiệm từ việc thực hành thơ chánh niệm.
Sau một thời gian thực hành sách Từng Bước Nở Hoa Sen. Tôi cảm thấy mình tập trung vào công việc nhiều hơn, tôi bớt lo lắng về tương lai và quá khứ. Trải nghiệm được những điều nhỏ nhặt trong đời sống. Đặc biệt là tôi thấu hiểu sâu sắc người khác trong các cuộc đối thoại. Với những kinh nghiệm thực hành đã thu nạp một cách thành thục từ sách. Sau đây, tôi xin chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của mình đến với các bạn.
1. Tiếng chuông khởi động chánh niệm.
Nghe chuông
Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe,
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.
Sự nhắc nhở tự thân thực hành chánh niệm sẽ dễ hàng hơn, nếu bạn biến sự nhắc nhở ấy thành thói quen. Để xây dựng thói quen, chúng ta phải tạo ra sự gợi ý trước khi hành động. Trong các thiền viện, tiếng chuông điểm giờ là sự gợi ý cho các nhà sư khởi động chánh niệm.
Khi bạn nghe tiếng chuông, hãy lắng nghe tiếng chuông ấy một cách sâu sắc như thể tiếng chuông đang thấm vào cơ thể bạn. Sau đó, bạn hãy dừng lại hết mọi việc để định hướng lại tâm trí và tự hỏi “tôi đang làm gì ngay lúc này?” “Tôi đang đọc sách, rửa chén, hay chạy deadline?” Nếu đã thấy rõ như vậy, bạn hãy tập trung vào việc trước mắt.
Để duy trì thói quen này, tôi cài app thỉnh chuông chánh niệm vào điện thoại. Mỗi một giờ tiếng chuông vang lên, âm thanh ấy chính là dấu hiệu nhắc nhở tôi thực hành chánh niệm.
Bạn có thể tiếp cận phương pháp này sáng tạo hơn như nghe tiếng thông báo tin nhắn, cuộc gọi,... Hoặc gán sự gợi ý vào bất cứ vật thể nào bạn muốn: như tay nắm cửa khi bước vào phòng làm việc, nút nguồn PC, nút home smartphone,…
2. Chánh niệm giao tiếp.
Chắp tay chào
Sen Búp Xin Tặng Người
Một Vị Phật Tương Lai
Hành động chắp tay là biểu tượng của hoa sen. Hoa sen là sự thuần khiết, giác ngộ và giải thoát.
Việc chào người khác như vậy có nghĩa là bạn đang tin tưởng người khác có Phật Tánh giống bạn, bạn với người kia là một, không sai khác. Cho nên, bạn hãy trân trọng họ, dù bề ngoài họ có khác biệt ra sao. Lúc chắp tay, hãy đọc bài thơ, ý thức rằng bạn biết mình đang chắp tay chào một vị Phật sống trước mắt.
Nếu bạn thấy ngại chắp tay, hãy chuyển hành động chắp tay thành bắt tay hoặc lời chào.
Nhấc điện thoại
Tiếng Đi Ngoài Ngàn Dặm
Xây Dựng Niềm Tin Yêu
Mỗi Lời Là Châu Ngọc
Mỗi Lời Là Gấm Hoa
Khi làm việc, bạn bị quấy nhiễu bởi tin nhắn, cuộc gọi của khách hàng, người thân. Bạn bực bội. Khi cầm điện thoại lên, hãy ý thức bạn đang bước vào cuộc đối thoại. Hãy thở một hơi và đọc bài kệ. Sau đó nghĩ xem cuộc đối thoại này có mục đích gì để tránh cho cuộc đối thoại đi quá xa làm tốn thời gian của bạn. Trong cuộc đối thoại, bạn nên tập trung lắng nghe đối phương với thái độ không phán xét, không cắt ngang lời, tìm ra ý chính trong lời nói của họ. Sau đó, dùng chánh ngữ như châu ngọc, gấm hoa để giao tiếp với đối phương.
Trong đối thoại trực tiếp cũng vậy, tôi thường nhớ tới bài kệ này khi tôi bắt tay và nói lời chào với người đối diện. Sau đó, tôi thực hành ý nghĩa của bài kệ Nhấc Điện Thoại.
3. Chánh niệm làm việc.
Mở máy truyền hình
Tâm Là Máy Truyền Hình
Có Muôn Ngàn Nút Bấm
Chọn Thế Giới An Lành
Cho Tươi Vui Cuộc Sống
Từ khi lên đại học, tôi đã ngừng xem TV. Nên tôi đã chế bài thơ Mở máy truyền hình thành mở máy vi tính và mở smartphone để dùng trong khi làm việc.
Tâm Là Máy Vi Tính (Tâm tôi là Smartphone)
Có Muôn Ngàn Nút Bấm
Chọn Thế Giới An Lành
Cho Tươi Vui Cuộc Sống.
Khi bạn tiếp cận với bất cứ nội dung gì trên máy tính và smartphone, bạn với nội dung đó là một. Bạn trôi vào dòng chảy, hoà làm một với công việc trên máy tính. Bạn phẫn nộ lúc đọc tin tức tiêu cực trên các trang báo điện tử. Bạn bị Youtube lôi kéo từ chủ đề này sang chủ đề khác trong vô thức. Khi bạn rời khỏi máy tính và smartphone, bạn lo lắng, bồn chồn và muốn quay lại với nó để khoả lấp thời gian trống. Lâu ngày, máy tính và smartphone sẽ huỷ hoại cả tinh thần lẫn thể chất của bạn.
Để sống chung với sự bất tiện này, bạn hãy đọc bài kệ khi nhấn nút mở TV, PC, smartphone. Bạn biết các món đồ công nghệ với bạn là một. Cho nên, bạn hãy chọn những nội dung có khả năng nuôi dưỡng trí tuệ của bạn.
Đối với các công cụ làm việc trên máy tính. Để tránh rơi vào tình trạng làm việc trôi nổi, sai mục đích. Trong lúc chánh niệm, bạn cũng nên ý thức được bạn đang làm gì lúc này? Nếu có một ý niệm nào khác nổi lên trái với mục đích trước mắt, bạn hãy kéo tâm trí về với công việc.
4. Thiền hành.
Ý Về Muôn Vạn Nẻo
Thiền Lộ Tâm An Nhiên
Từng Bước Gió Mát Dậy
Từng Bước Nở Hoa Sen.
Ngồi lâu với công việc bàn giấy cũng sinh ra mệt mỏi và bế tắc. Mỗi lúc như vậy bạn nên dùng thiền đi. Khi cất bước, hãy thôi nghĩ về điểm xuất phát và đích đến. Bước chân bạn thong thả, an nhiên, rồi bạn tập trung vào cảm nhận của đôi bàn chân. Mỗi lần bước là một lần bạn biết bạn thở, bạn niệm đi – đi – đi. Muốn nâng độ khó lên một chút, bạn có thể vừa đi vừa niệm từng từ của bài thơ trên.
Nếu đã duy trì thói quen này một thời gian, bạn sẽ sống trong tỉnh thức, tâm sinh ra một luồng sinh khí mát mẻ và an lạc. Sự an lạc là biểu tượng hoa sen nở. Cho nên, từng bước chân an lạc của bạn được thiền sư Thích Nhất Hạnh ví như đoá sen nở dưới mỗi bước chân.
Đương nhiên, bước đi an tĩnh không những cho bạn sự an lạc mà còn đem lại một tâm trí thông suốt. Nhà Phật có câu “tĩnh tâm sinh trí tuệ”. Mỗi lần đi như vậy, tâm trí bạn sẽ sinh ra nhiều ý tưởng, mọi bế tắc trong công việc sẽ có một chiều hướng mới để giải quyết.
5. Chánh niệm ngoài giờ làm việc.
Mặc áo và ăn cơm
Cơm ngày hai bữa ơn cày cấy
Áo mặc bốn mùa nghĩa dệt may
Trước khi ăn, bạn hãy đọc thầm bài thơ. Sau đó, ăn cơm trong chánh niệm bằng cách tập trung vào món ăn bạn đang thưởng thức. Hãy ăn từ tốn, chậm rãi và cảm nhận vị giác của bạn. Khi dạ dày đã đủ no, bạn nên dừng bữa ăn của mình.
Nếu nuôi dưỡng thói quen này lâu dài, sức khoẻ tinh thần và thể chất của bạn trở nên tốt hơn. Hệ tiêu hoá của bạn làm việc hiệu quả, bạn sẽ ít bị mệt sau mỗi bữa ăn. Đồng thời về mặt tâm lý, bạn nuôi dưỡng được lòng biết ơn của mình với những thứ tạo nên hạt gạo trong chén. Bạn biết ơn hạt gạo đã nuôi dưỡng tấm thân, bạn biết ơn người nông dân và đất mẹ đã nuôi dưỡng cây lúa để cho bạn một chén cơm ngon lành. Tương tự như vậy, khi mặc áo trong chánh niệm. Xúc giác của bạn trực tiếp cảm nhận sự mềm mại của tấm lụa. Nhờ vậy, bạn trân trọng cây bông, con tằm và người thợ dệt may đã làm ra chiếc áo đẹp cho bạn.
Mở kinh
Pháp Bụt Cao Siêu Huyền Diệu
Ngàn Đời Chưa Dễ Gặp Đâu
Giờ Đây Có Duyên Trì Tụng
Nguyện Xin Đạt Ý Nhiệm Mầu
Ai cũng lười đọc sách, kể cả tôi. Nhưng sách là nguồn tri thức vô hạn. Nếu không có sách, trí tuệ của chúng ta sẽ không phát triển thêm một bậc nào. Để phá vỡ tính trì hoãn. Khi cầm sách lên, tôi thở một hơi thở có ý thức và đọc bài thơ.
Về ý nghĩa bài thơ, thiền sư thích nhất hạnh đã giải thích như sau:
Đọc kinh ta phải đọc với một thái độ cung kính, cũng như khi ta cúi đầu nghe lời thầy chỉ dạy. Chỉ với thái độ đó, ta mới có thể đọc kinh bằng một tâm trạng thành khẩn và nhờ thành khẩn ta mới có cơ duyên nắm được ý chí quý báu của kinh. Tâm thiếu thành khẩn và cung kính, ta có thể đi vào biển tuệ mà trở ra tay không, không nhặt được viên ngọc nào.
Đúng như thế, khi tôi đọc sách của các tác giả đi ngược với quan niệm của tôi. Tâm tôi giống như người chỉ thấy “một chiếc lá trong một khu rừng” vậy. Kết quả là tôi tốn thời gian vì không nắm được tổng thể “khu rừng”. Cho đến lúc tôi học cách chánh niệm với sách. Tôi bắt đầu hiểu sâu sắc các quan điểm của tác giả. Tôi biết ơn tác giả đã nhọc công cả năm trời để đúc kết những kinh nghiệm cá nhân thành ngôn từ tinh tuý. Nhờ đó, tâm trí tôi rộng mở, tôi khai thác được “nhiều viên ngọc quý” từ trong sách hơn trước.
#Kết
Trước đây một làn sóng Zen của Nhật Bản nở rộ trên đất Mỹ, vì Zen khá trừu tượng, nên phong trào nhanh nở rộ và chóng lụi tàn. Về sau, chánh niệm của thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thay thế làn sóng cũ. Trong các bộ sách của thiền sư, điển hình như Từng Bước Nở Hoa Sen, thiền sư liên tục nhấn mạnh hai từ chánh niệm, trực tiếp hướng dẫn độc giả thực hành chánh niệm trong đời sống hàng ngày. Người thực hành dù có bận rộn thế nào, anh ta cũng có thể thực hành chánh niệm mọi nơi mọi lúc bằng các bài thơ.
Lâu dần, lợi ích của chánh niệm ngày càng rõ rệt trong công việc và tâm lý độc giả. Thế hệ trẻ hưởng ứng phong trào thực hành chánh niệm. Các nhà khoa học nghiên cứu về chánh niệm nhiều hơn. Đặc biệt, các doanh nghiệp tỷ đô như Google đã áp dụng chánh niệm để gia tăng hiệu suất làm việc của nhân viên.
Tất nhiên, dù bọn họ có sáng tạo phương pháp chánh niệm ra sao, thì mọi phương pháp đó đều bắt nguồn từ các bài thơ trong sách Từng Bước Nở Hoa Sen. Bạn chỉ cần đọc thơ, sáng chế phương pháp phù hợp với hoàn cảnh cá nhân rồi áp dụng. Nhờ vậy, bạn sẽ tận hưởng đời sống an lạc trong từng phút giây, bạn nuôi dưỡng được sợi dây kết nối trong các mối quan hệ, đặc biệt là mọi việc trở nên hiệu suất hơn.
Chúc các bạn được sống trong từng phút giây, ngay lúc này, ngay bây giờ.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất