Có lẽ đây là chủ đề khá được quan tâm trong cộng đồng yêu sách, ý kiến ủng hộ có, phản đối có, vì thế nên tôi mạo muội viết bài này để chia sẻ quan điểm vè dòng sách self-help, vốn được nhiều người cho rằng gây ảo tưởng và vô dụng.
Cuốn sách đầu tiên trong đời mà tôi đọc (không tính Doraemon và sách giáo khoa) là cuốn Đắc nhân tâm của Dale Carnegie, đợt hãng cà phê Trung Nguyên có chương trình Tủ sách đổi đời. Cuốn sách này thực sự đã cuốn hút tôi ngay từ những dòng đầu tiên. Tôi nhớ mình đã đọc say mê cả tôi hôm đó, dán mắt vào từng con chữ, thỉnh thoảng lại lẩm nhẩm một đoạn hội thoại mông lung trong đầu. Một thời gian sau đó, bất kể nói điều gì, hành xử với ai, tôi đều nghĩ đến nội dung cuốn sách này và tự hỏi, nếu Carnegie gặp trường hợp này, ông ấy sẽ ứng xử như thế nào ? Và cứ thế, Đắc nhân tâm trở thành cuốn sách thánh của tôi.
Sau niềm yêu thích bất tận với sách có được từ việc đọc Đắc nhân tâm, tôi dần đam mê với việc đọc sách hơn, nhất là sách self-help. Tôi đã đọc "Tôi tài giỏi, bạn cũng thế", "Nghĩ giàu làm giàu", "Quẳng gánh lo đi mà vui sống",... Và tất cả những cuốn sách đó đều làm tôi mê mẩn, tôi thực sự đã màu hồng hóa cuộc sống của chính mình, rằng với những điều tôi đã đọc, tôi có thể trở nên giàu có, nhiều bạn bè, đời sống tốt đẹp,... Nhưng hiện thực khác với lí thuyết, cuộc sống đâu màu hồng như thế. Còn nhớ mẹ tôi từng mắng tôi như thế này, sau khi tôi lười nhác không dọn dẹp nhà cửa như đã hứa : "Đọc sách để khôn ra, dù đọc 10 hay 100 cuốn mà đầu óc không thanh tỉnh được thì đống sách của con chẳng khác nào đống giấy rác có chữ. Đứng ngay dậy quét nhà hoặc mấy đống rác có chữ của con sẽ chìm trong biển lửa". Thế đấy, đó cũng chẳng phải lần duy nhất tôi bị mắng như vậy. Thế nhưng niềm tin của tôi vào dòng sách self-help cũng chẳng hề thay đổi. Bởi ngoài mấy vụ bị mẹ chửi ra thì những cuốn sách này cũng mang đến cho tôi nhiều động lực học tập và làm việc trong cuộc sống, cân bằng các mối quan hệ xã hội và cải thiện việc giao tiếp vốn kém cỏi và không thể kiểm soát của tôi.
Một ngày đẹp trời nào đó, tôi tình cờ tìm được video review sách của 1 booktuber, và người này có vẻ không ưa gì dòng sách self-help, cho rằng cuốn Đắc nhân tâm mà tôi tôn thờ bấy nay chỉ là một cuốn sách dạy người ta cách sống giả dối nhân tạo, hoàn toàn không nên đọc. Ngay sau đó tôi lại thấy nhiều hơn những lời miệt thị căm ghét dòng sách này. Và như lẽ thường trong cuộc sống tâm linh của bản thân, tôi cứ thấy ý kiến nào quá đông là đi ngược lại =)) Đùa thôi, tôi thực sự có một cách nghĩ khác về sách self-help so với họ.
Cá nhân tôi thấy rằng, sách self-help không xấu, ngược lại nó còn có rất nhiều ảnh hưởng tích cực tới cuộc đời tôi, dĩ nhiên là trừ vụ quét nhà ra (có lẽ vì tôi vốn căm ghét việc nội trợ). Những cuốn self-help mà tôi đã đọc thực sự đã cho tôi vô vàn nguồn động lực. Cứ chán nản là ngồi đọc "Nghĩ giàu làm giàu", buồn đời thì đọc "Quảng gánh lo đi mà vui sống", lười học thì đọc "Tôi tài giỏi bạn cũng thế",... Và điều quan trọng là sách self-help chỉ có tác dụng khi chúng ta hành động, bạn không thể giàu bằng cách nằm yên và nghĩ về tiền được.
Tuy nhiên, cái gì thì cũng có this có that. Hiện nay thị trường thực sự có quá nhiều đầu sách self-help, một số dường như chỉ nhai lại những kiến thức đã có sẵn trong mấy cuốn sách xuất bản thì 3 đời trước và hiện đại hóa nó cho vừa lòng người đọc ở thế kỉ 21, không có gì hơn. Có lẽ chính vì thế mà một dòng sách tuyệt vời như self-help đang dần bị loãng giá trị, trừ một số tác phẩm bất hủ, mà thậm chí nhiều tác phẩm bất hủ còn bị hắt hủi. Cũng có một số kiến thức không thực sự phù hợp với một số người. Ví dụ như cuốn "Tôi tài giỏi bạn cũng thế" có hẳn một chương về học bằng sơ đồ tư duy thay cho phương pháp ghi chép truyền thống. Nhưng bản thân tôi, vốn có nhiều việc, phải học nhiều môn thì cách này lại không hiệu quả bởi nó tốn thời gian. Cũng có nhiều tựa sách thích hợp với một số người nhưng lại không lại không phù hợp với nhiều người khác, vì nhiều nguyên do như tôn giáo, quan điểm, hoàn cảnh,...
Suy cho cùng, sách cũng là sản phẩm trí tuệ của con người, ẩn chứa suy nghĩ, tình cảm của họ. Mà đã là con người thì không có ai giống ai hoàn toàn cả, luôn có sự khác biệt về quan điểm, lẽ sống, tình cảm, tôn giáo,... Chính vì thế sách dù theo hướng nào đi nữa thì hẳn cũng mang 1 phần trải nghiệm cá nhân của tác giả, có thể sẽ không làm hài lòng một số người. Điều cốt lõi là chúng ta đọc sách để tiếp nhận những trải nghiệm quý báu được đúc kết của những thế hệ đi trước, và nên tiếp nhận một cách hợp lí, không mù quáng. Đã đọc, đã học thì phải biết áp dụng, chứ không thể đọc xong để đấy chờ kết quả được.
Trên đây là một số suy nghĩ của tôi về thể loại sách self-help, có lẽ sẽ bị nhuốm một màu sắc chủ quan do suy nghĩ cá nhân. Rất mong bạn đọc cho ý kiến đóng góp và chân thành cảm ơn nếu bạn đã kiên nhẫn đọc đến đây !