CÂU CHUYỆN ĐỒ HỘP VÀ NGƯỜI TRẺ.
Việt Nam được đánh giá là một đất nước có nền ẩm thực đường phố phát triển vô cùng, đến độ kiềm hãm được cả ý định mở rộng thị phần...
Việt Nam được đánh giá là một đất nước có nền ẩm thực đường phố phát triển vô cùng, đến độ kiềm hãm được cả ý định mở rộng thị phần của các ông lớn trong ngành fast-food quốc tế như Burger King hay McDonald.
Vậy nguyên nhân đồ hộp tồn tại được là do đâu khi mà đồ ăn vừa rẻ, vừa ngon tràn lan và có sẵn khắp mọi nẻo đường Việt?
Ok bỏ qua yếu tố về độ tiện lợi đi vì đồ hộp ăn liền và đóng góp của nó trong việc tiết kiệm thời gian, công sức cho những worker bận rộn hay lớp trẻ đang giãy chết cùng deadline là đã được kiểm chứng và hoàn toàn được công nhận. Đây coi như là yếu tố CẦN mà đồ hộp đáp ứng được.
Chúng ta vẫn còn yếu tố ĐỦ. Và chính yếu tố này mới là chủ đề mà bài viết hướng tới.
Bạn đã bao giờ bỏ tiền ra, mua một món ăn mới (hay thậm chí một món yêu thích tại một địa điểm mới), ăn thử, nhận ra nó không ngon như mình mong chờ và hậm hực ăn nốt, hoàn toàn cảm thấy như một cú lừa ngu xuẩn nơi bản thân ăn đồ không ngon xong, đã tốn tiền, lại còn béo?!? Vâng, been there, done that. Ai cũng từng chơi ngu như thế ít nhất một lần. Và sau một cơ số lần bấp bênh với những màn thử nghiệm khi mà cái sự "ngon lành và thỏa mãn" thì không đảm bảo trong khi sự "tốn tiền và nạp carb" là chắc chắn; thì đồ hộp, cũng giống như những tiệm ăn cũ bạn đã quen mặt, sẽ là một lựa chọn dễ thở hơn cho những ngày quá-đủ-để-thử-nghiệm!
Với quy trình sản xuất hàng loạt, gia vị nêm nếm đo lường kỹ lưỡng cùng những loại hương liệu và chất hóa học phù phiếm đầy mê hoặc, đồ hộp là đại diện cho loại hình sản phẩm ngon - rẻ - không-bổ-nhưng-thôi-cũng-không-chết-được của người Việt. Quan trọng nhất, là NGON, đồ hộp chắc-chắn-ngon. Bạn chỉ cần thử 1 lần, và những lần sau, giống như 1 quy trình nhà máy sản xuất liên hoàn lặp lại mãi mãi, hương vị thức ăn trong hộp thiếc ấy không bao giờ thay đổi. Nó sẽ luôn nằm gọn ghẽ, tươi tắn, trong chiếc khuôn nhỏ xinh chỉ chờ bạn khui ra thưởng thức, trừ khi khẩu vị bạn thay đổi, đồ hộp sẽ mãi không đổi thay.
Có thể nói, chính tâm lý sống của người Việt tạo hình cho tâm lý tiêu dùng và đã vô tình (hay cố ý?) để lại một đường sống âm ỉ cho ngành thực phẩm đóng hộp. Một sự chắc chắn, ổn định và bền vững dài lâu dù ai cũng biết là thực chất nó không hề lành mạnh. Nghe có quen không? Chừng như trong một giây, bài viết này đã dừng nói về đồ hộp và bắt đầu nói về người trẻ lựa chọn lối sống của họ.
Cuộc sống áp lực, xô bồ, nhiều biến động, cũng giống như cách một món ăn biến đổi hương vị ngon-chán qua tay các nhà hàng khác nhau vậy. Người thực khách trẻ tuổi sợ hãi sau vài lần ăn thử tẻ ngắt hoặc mặn chát, dần dà thỏa hiệp với đồ hộp, với lối mòn về một thứ tuy không "healthy" - "balance" nhưng lại có một vài ưu thế chắc kèo. Sau những trải nghiệm tốn kém kèm đôi phần khó chịu, cũng dễ hiểu thôi khi người thực khách trẻ của chúng ta đi đến quyết định sẽ gắn với đồ hộp cả đời. Trong trí óc người thực khách ấy, hẳn họ biết về nguy cơ sức khỏe hay những ảnh hưởng xấu thầm lặng của đồ hộp. Nhưng họ thà như vậy còn hơn đối mặt với những món mới, những món ăn mà có thể ngon hơn hoặc tệ hơn thứ họ đang có.
Đó cũng chính là cách người trẻ tự nguyện từ bỏ lợi thế thanh xuân của mình, để gò bản thân vào trong khuôn thiếc. Chiếc hộp đẹp đẽ, tươi tắn nhờ "phụ gia" với những cái lợi rõ nét và vị ngon đảm bảo. Họ tiếc sức trẻ như cách thực khách tiếc tiền, họ rụt rè trước stress như cách người thực khách lo ăn xong lại ôm thêm cục tức, và họ settle down như cách người ăn không ăn món mới nữa mà chọn món đồ hộp có gắn mác "bình yên".
Bình yên hay hạnh phúc là một trạng thái không đo đếm được, không dễ đạt được và không giữ vững được. Vậy nhưng còn quá nhiều người trẻ ngoài kia quyết định nhìn nó như các hộp thiếc ăn liền. Họ dán nhãn cho hộp này là món "sự nghiệp", kia là 500gram "lập gia đình", xa xa nữa là bữa tráng miệng đóng hộp vị "quỹ hưu trí" và "tiền bảo hiểm", v.v.
Đây là một hành vi không sai. Chẳng bao giờ là sai cả nếu bạn làm gì đó an toàn nếu nó đem lại cho bạn sự yên tâm. Nhưng nếu dùng đồ hộp rồi, vẫn canh cánh nỗi lo ung thư, xơ gan, nội tạng nhiễm mỡ, v.v và TIẾP TỤC sử dụng trong lo lắng; thì đó không phải là 'settle down', đó chỉ là dối lòng.
Bài viết này không cổ động, kêu gọi hay hô hào bất cứ thực khách, bất cứ người trẻ nào phải vùng lên mà thử nghiệm đủ các món trên đời cả. Vì sự thật là chẳng ai đủ tiềm lực kinh tế hay kiên nhẫn tuổi đời để chơi trò "thử" mãi được. Chỉ thực sự mong là bạn chọn món cho mình trong tâm thế yêu thích và tự nguyện, không phải vì lo sợ và rụt rè một hương vị luôn thèm muốn nhưng chưa một lần nếm trải. Yên vị và củng cố, hay thay đổi và tiến lên, đó là lựa chọn của mỗi người. Quan trọng là tới cuối ngày, chúng ta no nê và thỏa mãn, chứ không cảm thấy "phí" và lại ôm cục tiếc trong lòng.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất