1. Bước trên đường đời bạn cần phải học thêm nhiều điều. Chỉ học đại học thôi là không đủ. Cách học tốt nhất là tự rút ra từ những điều ta gặp, ta trải qua, ta suy ngẫm. Chẳng có ai dạy ta nữa, chỉ đơn giản là bạn trả học phí rồi tự rút ra bài học. Nếu bạn không rút ra được điều gì thì đó là lỗi của bạn, không phải bởi cách bạn được giáo dục từ trước tới giờ (nói cách khác là lỗi của hệ thống giáo dục).
2. Một cuốn sách cho trẻ con bị người ta soi xét cẩn thận, bởi họ nghĩ nếu học theo cuốn sách đó sẽ ảnh hưởng tới tương lai của con em họ. Vậy còn việc họ vượt đèn đỏ khi con họ đang ngồi trên xe? Hay việc họ ép con phải đạt điểm cao để bằng bạn bằng bè? Hay việc họ bắt con thi vào trường này trường kia vì họ nghĩ nó tốt cho con? Vấn đề là những cái có bằng chứng cụ thể, những cái có người chịu trách nhiệm thay họ thì họ dễ đổ lỗi. Còn bản thân người ta thì ít khi soi xét tới chính mình.
Họ cũng quá đề cao giai đoạn trẻ con còn nhỏ, bởi họ nghĩ "nhỏ thì cần bảo vệ", nhưng lúc nó trưởng thành hơn, thậm chí nó học đại học, ra trường đời thì họ kệ. Quan tâm cẩn thận trong 6 năm đầu để rồi nhạt dần trong 12 năm sau đó, đến khi nhìn lại chẳng hiểu con mình tại sao lại như thế này.
Giá như người ta soi xét mọi thứ từ đại học trở xuống, gây áp lực lớn tới hệ thống giáo dục để thay đổi những điều lớn lao hơn, thay vì chăm chăm cho hệ mần non, thì có lẽ tốt hơn chăng? Tôi không biết nữa, vấn đề lớn quá tôi không có câu trả lời. Tôi chỉ biết với tôi, tôi không dạy được thì tôi phải tin vào người mà tôi gửi gắm con cho họ. Kể cả họ có đánh đòn con tôi thì nó đáng bị đòn. Đã dùng thì không nghi ngờ, đã nghi ngờ thì không dùng. Đừng lằng nhằng.
3. Giáo dục không đòn roi là 1 ý tưởng đẹp. Trẻ em cần được bảo vệ bởi chúng còn non nớt, suy nghĩ chưa tới, kiến thức chưa đủ, thể trạng còn yếu. Có lẽ câu "yêu cho roi cho vọt" không còn đúng nữa chăng?
"Nếu mẹ không đánh mày thì sau này ra đời mày sẽ bị đòn đau hơn nhiều đấy con ạ". Câu nói này không ai nói với tôi, nhưng ngày xưa mẹ tôi đánh tôi nhiều lắm. Điểm kém (dưới 8) là auto chửi, điểm tồi tệ (từ 5 trở xuống) là auto đánh, đánh gãy cả mấy cái thước, véo đến chảy máu tai là chuyện đã từng. Nhưng tuyệt nhiên tôi không ghét mẹ. Mẹ vẫn yêu tôi và tôi vẫn yêu mẹ.
Cây muốn thẳng thì phải uốn. Muốn uốn thì phải có nẹp cứng, phải chịu đau. Thò 1 ngón chân ra khỏi vòng là phải đập. Có như thế mới phát triển đúng được.
Tôi không cổ xúy bạo lực, không cổ xúy việc đánh con "dã man, tàn bạo, vô nhân đạo". Tôi chỉ nghĩ "không đòn roi liệu có giáo dục lên người?". Sẽ ra sao nếu 1 đứa trẻ "không sợ ai, kể cả bố mẹ nó"? Ra đời nó sẽ thế nào? Liệu đời có đánh nó không?
Thép đã tôi như thế nào? là qua lửa, là đập, là đe, là búa. Có công mài sắt có ngày nên kim, không chỉ là kiên trì theo thời gian mà còn là sức chịu đựng gian khó, chịu áp lực, chịu đòn.
Đánh sao cho nó lên người, chứ không phải đánh cho hả dạ.
Đánh sao cho đánh xong nó không ghét mình mà biết ơn mình.
Đánh sao cho mình không mang tiếng ác.
Đánh cũng khó lắm chứ. Nhưng làm bố, làm mẹ mà không dám đánh con thì sẽ ra sao nhỉ? Chỉ nịnh và thuyết giảng liệu nó có nghe lời không?
Dạy - Dỗ - Dọa - Dập
Dạy là ưu tiên số 1
Không dạy được, dạy không nghe thì dỗ dành
Dỗ không được thì phải dọa dẫm
Dọa không được thì phải cho ăn đòn
Tôi vẫn tin vào tiêu chuẩn 4D trong ngành giáo dục. Xui cho con tôi rồi!
Đọc thêm: