Tôi đến Sa Đéc vào một chiều nắng. Đó là một câu văn thừa thãi. Miền Tây mùa nào chả nắng. Chúng tôi vẫn thường hay đùa: Miền Nam chỉ có hai mùa - một mùa nắng và một mùa nắng “thí mẹ”. Đích thị, tôi đang ở đây vào mùa nắng! 
Chuyến đi Sa Đéc diễn khá ngẫu nhiên, hoàn toàn nằm ngoài dự định cá nhân. Mà thật ra cả chuyến đi này đâu có phần nào nằm trong kế hoạch ban đầu.  
Ý định ban đầu của tôi là đạp xe miền Tây. Tôi vốn chẳng cảm mến gì miền đất này. Cảnh gì đâu chỉ toàn sông với nước. Di chuyển từ tỉnh này qua tỉnh nọ cũng phải đi phà quá giang. Anh Dương vẫn hay phản bác góc nhìn thiên kiến ấy. Theo ổng, mỗi tỉnh miền Tây có một nét độc đáo riêng. Ví như đến Châu Đốc, An Giang tôi có thể trải nghiệm cuộc sống của người dân ở miền biên viễn, đến Sóc Trăng, Trà Vinh xem chùa Khơ Me…Miền Tây trong mắt ổng, nói chung, không chỉ có sông và nước.
 Tôi kể cho chị Hải về chuyến đi trong một buổi hẹn ăn trưa ở Sesame. Rằng ý nghĩ duy nhất của tôi về chuyến đi là sẽ đạp xe lang thang đâu đó, còn đi đâu, làm gì tôi cũng chưa hay. Chị Hải gợi ý về Sa Đéc, bảo đó là vùng đất chị thích nhất ở miền Tây. Từ đó, Sa Đéc trở thành điểm đến hứa hẹn cho cả chuyến hành trình.  
Quả thực, tôi cảm mến Sa Đéc ngay từ khi đặt chân đến vùng đất này. Sa Đéc với tôi như một cô gái đẹp - trong trẻo, thùy mị và rất đỗi dịu dàng. Không gian thoáng đãng, nắng nhẹ hanh hao, cỏ hoa rực rỡ, con người thân thiện dễ gần. 
Tôi vốn chẳng có chút hình dung gì về vùng đất này. Tất cả những gì tôi biết về Sa Đéc chỉ là câu chuyện tình buồn giữa chàng trai Việt Huỳnh Thủy Lê và nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras. Tôi chưa có dịp đọc cuốn tiểu thuyết ấy nhưng phải nói thật bộ phim “Người tình” không để lại nhiều ấn tượng trong tôi.  
Hẳn nhiên, Sa Đéc không chỉ được biết đến vì bộ phim “Người tình” nổi tiếng ấy. Thành phố này còn nhiều điều lãng đãng hơn thế. Nơi đây thường được nhắc đến là Vương quốc của hoa . Nhắc đến hoa và kiểng mà không nhắc đến Sa Đéc thì quả là một thiếu sót lớn. Người dân nơi đây sống chủ yếu nhờ nghề trồng hoa và cây cảnh.  Tôi vốn thích cây và hoa, cũng trang bị cho mình chút vốn liếng nho nhỏ dắt lưng. Nhưng đặt chân đến đây, tôi thấy mình như lạc giữa ma trận. Vòng vèo mãi vẫn không đi hết ngóc ngách làng hoa.
Xưa nay tôi vẫn mặc định chẳng nghề nào cao quý hơn nghề nào. Nhưng mảnh đất miền Tây này bỗng chốc gieo rắc trong tôi một ý nghĩ khác lạ. Rằng sống và làm việc giữa thiên nhiên và cái đẹp, có lẽ chăng con người ta sẽ trở nên hoàn mỹ hơn? Ấy là tôi trộm nghĩ thế. Chứ ở đây chẳng cần phải trồng hoa làm vườn con người ta vẫn cứ đẹp. 
Như cô chú chủ nhà homestay nơi chúng tôi ở, chân thành và dễ mến như người ta vẫn nói về những con người miền Tây.  Chú là thầy giáo dạy toán cấp hai. Chục năm trước chú được học bổng đi Pháp rồi về dạy môn Toán tiếng Pháp. Mấy năm gần đây khi trẻ con không học tiếng Pháp nữa, chú chỉ còn dạy một mình môn Toán.  
Chú là người cầu thị. Cô kể, từ ngày làm cái homestay này, để nói chuyện với khách nước ngoài, chú phải chịu khó đăng ký đi học thêm tiếng Anh để về giao lưu với khách.  Cái homestay này, là tâm huyết, là vốn liếng cô chú tích lũy bao năm trời để làm nên, đơn giản vì chú mong muốn làm một cái gì đó ngoài cái nghiệp “gõ đầu trẻ”.  
Khác với chú, cô là người phụ nữ đơn giản, nhẹ nhàng. Suốt cuộc đời mình cô chẳng đi đâu ngoài mảnh đất Sa Đéc này. Cô bảo: “hồi trẻ bà già giữ riết trong nhà không cho đi đâu, lớn rồi thì lại lấy chồng sinh con và lo làm lụng kiếm sống”.  
Cô có nét đẹp đặc trưng của người con gái miền Tây. Ấy là theo lời chị Phương nhận xét. Tôi vốn chẳng biết con gái miền Tây đẹp thế nào. Tôi chỉ biết cô có nét đẹp thanh thoát, nhẹ nhàng. Và trên hết tôi quý tình cảm của cô chú. Nó mộc mạc, chân thành và dễ chịu. Mỗi sáng và tối cô đều pha cho tôi một cốc tắc nóng, cho chóng dứt cơn ho. Cô kể cho chúng tôi câu chuyện về những vị khách thú vị ghé thăm nơi chốn vắng lặng như tờ này. 
 Trước mùa dịch, nơi đây chỉ toàn đón khách Tây, bởi khách Việt, cô kể, chẳng mấy ai thích ở những nơi lẩn khuất thế này. Thỉnh thoảng, khi muốn đón khách Việt, chú lại lặng lẽ đóng online booking để khách Việt còn đặt được phòng. Giờ thì, mùa dịch, nơi này vắng lặng như tờ. Hai hôm ở lại đây, cả homestay chẳng có ai ngoài chúng tôi và cô chú. Đêm ở đây tĩnh mịch đến nghẹt thở, đến cả tiếng ếch nhái ngoài đồng hay tiếng gà gáy rạng sáng cũng đừng mong văng vẳng bên tai.  
Ngày trở về, tôi chúc cô chú sớm đón khách đông vui trở lại. Tôi học được rằng người ta không nên hứa hẹn những điều mình không chắc chắn. Tôi biết có những lời nói được xem là nghi thức xã giao, như câu chào “Hẹn gặp lại” giữa những người xa lạ có duyên hạnh ngộ. Nhưng tôi cũng biết có thể sẽ chẳng bao giờ tôi gặp lại những con người ấy nữa trong đời. Bởi thế, thay vì hứa hẹn một ngày gặp lại, tôi học cách chúc người ta sống thật tốt cho những ngày tiếp theo.  
Tôi chẳng mang gì trở về từ Sa Đéc. Lẽ thường tôi sẽ xách theo một cái cây, như một kỷ niệm để nhắc nhớ về một vùng đất hay một chuyến đi. Nhưng vùng đất này, đủ ấn tượng để tôi sẽ nhớ mà chẳng cần đến một cái cây... .#MaisonenBambouPhongLeVent