"Qua thôi miên tiền kiếp, chị nhận ra mình từng là một đứa tré bị bỏ rơi và có lẽ đây là lý do vì sao chị luôn cảm thấy như vậy trong kiếp này. Hiểu được thế, chị cũng chấp nhận số phận hơn". Với niềm tin vào nghiệp và đầu thai, rất có thể mọi người sẽ cảm thấy không có gì là kỳ lạ trước câu chuyện này. Bản thân mình thì khá lăn tăn. Chưa nói đến việc kiếp trước có thật hay không, việc quay về kiếp trước có thể được giải thích như nào và nó có khả năng trị liệu tâm lý thật không?
Ảnh: Jigidi.com
Ảnh: Jigidi.com
Để trả lời hai câu hỏi này, mình đã tìm được bài bình luận của Giáo sư Gabriel Andrade trên chuyên san khoa học "Journal of medical ethics and history of medicine", chia sẻ lại cho mọi người cùng nghiên cứu đánh giá. Vì đây là bài viết đăng trên chuyên san khoa học nên có khá nhiều từ chuyên ngành. Khi dịch, mình có diễn giải các từ đó để mọi người có thể hiểu kỹ hơn mà không làm thay đổi nội dung của bài:
Thôi miên Hồi quy Tiền kiếp [past-life regression therapy] là một kỹ thuật trị liệu tâm lý sử dụng thôi miên để khôi phục ký ức từ kiếp trước. Theo các nhà trị liệu thôi miên hồi quy tiền kiếp, nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần mà bệnh nhân gặp phải như rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc hay phiền muộn giới có thể bắt nguồn từ những trải nghiệm đau thương trong kiếp trước.
Do đó, thông qua thôi miên, các nhà hành nghề đưa bệnh nhân quay ngược thời gian (hồi quy). Quá trình hồi quy này có thể đưa họ về thời kỳ thơ ấu, nhưng cũng có thể là thời kỳ phát triển thai kỳ, hoặc thời kỳ trước khi họ được sinh ra với cơ thể hiện tại, nhưng linh hồn của họ có thể đã được hiện thân trong một cơ thể khác, tức là kiếp trước.
Liệu pháp hồi quy tiền kiếp giả định rằng đầu thai là có thật. Dựa trên giả định này, những người hành nghề rằng có thể điều trị các chứng rối loạn tâm thần khác nhau bằng cách giải quyết các sự kiện mà một cá nhân đã trải qua trước khi họ được sinh ra trong cuộc đời này.
Tâm thần học chính thống thường bác bỏ giả định này. Tuy nhiên, một số nhà trị liệu hồi quy tiền kiếp nổi tiếng trong lĩnh vực này đã duy trì liệu pháp hồi quy tiền kiếp và thực sự kết hợp nó trong việc hành nghề y của họ như một kỹ thuật trị liệu. Có lẽ người khởi xướng nổi bật nhất cho phương pháp trị liệu này là bác sĩ tâm thần, Tiến sĩ Brian Weiss. Trong một loạt sách bán chạy nhất, Tiến sĩ Weiss đã khuyến nghị bệnh nhân sử dụng biện pháp thôi miên để vượt qua nỗi ám ảnh. Tiến sĩ Weiss tin rằng những nỗi ám ảnh này bắt nguồn từ những trải nghiệm từ kiếp trước. Bằng cách quay trở lại những trải nghiệm đó thông qua thôi miên, bệnh nhân đối mặt với nỗi sợ hãi của mình, và cuối cùng, trở nên bớt sợ hãi hơn với nỗi sợ hãi ban đầu của họ.
Phương pháp trị liệu của Tiến sĩ Weiss đã trở nên nổi tiếng vì ban đầu, ông không tin vào sự luân hồi. Theo lời chứng nhận của ông, khi ông gặp những bệnh nhân được cho là đã đưa ra chi tiết chính xác về kiếp trước của họ, bác sĩ Weiss đã thay đổi quyết định. Theo quan điểm của công chúng, sự hoài nghi ban đầu của Tiến sĩ Weiss giúp ông giữ lại được phần nào uy tín nghề nghiệp của bản thân. Ông tin vào sự đầu thai và hiệu quả của việc hồi tiền quy kiếp không phải do một số niềm tin tôn giáo kỳ quái, mà là do bằng chứng từ quá trình hành nghề y của mình.
Mặc dù cơ sở lý luận về mặt y khoa không ủng hộ các quy trình này, nhưng dân chúng nói chung lại có nhu cầu cao dành cho dịch vụ này. Theo một số ước tính, 25% dân số Hoa Kỳ tin vào luân hồi, và con số này chắc chắn cao hơn ở các quốc gia có những tôn giáo (Phật giáo, Ấn Độ giáo) mà nghiệp chướng và luân hồi có mối liên quan chặt chẽ trong hệ thống tín ngưỡng của họ.
Phần lớn, các hiệp hội tâm thần chuyên nghiệp đã từ chối cung cấp hỗ trợ cho các kỹ thuật này, nhưng họ đã không đặt thêm những câu hỏi về vấn đề đạo đức của các quy trình như vậy. Trong bài viết này, tôi sẽ đánh giá khía cạnh đạo đức của hồi quy tiền kiếp, bằng cách xem xét ba nguyên tắc quan trọng nhất trong đạo đức y học; tự quyết, từ tâm và không gây hại. Tôi sẽ đề cập đến ba điểm:
1) Liệu luân hồi có khả thi về mặt lý thuyết hay không?
2) Bằng chứng có thực sự ủng hộ giả thuyết về luân hồi không?
3) Liệu pháp hồi quy tiền kiếp có vô hại không?

MỨC ĐỘ KHẢ THI CỦA HIỆN TƯỢNG LUÂN HỒI

Luân hồi là một niềm tin đã xuất hiện từ xa xưa. Ở Hy Lạp cổ đại, các nhà triết học tiền Socrates đã suy đoán về linh hồn du hành từ một cơ thể sau khi chết sang một cơ thể mới được sinh ra. Những niềm tin này không đặc biệt quan trọng trong các xã hội phương Tây, nhưng ở phương Đông, chúng đã trở nên khá nổi bật, đầu tiên là trong Thời kỳ Vệ Đà, và sau đó, qua một số cuộc cải cách tôn giáo lớn của Đức Phật và Mahavira (người sáng lập Jaina Giáo tại Ấn Độ).
Tuy nhiên, ngay từ rất sớm, một số triết gia đã nhận ra rằng, bất kể bằng chứng thực tế ra sao, vẫn có một số ý kiến phản đối về hiện tuọng luân hồi. Thứ nhất, đó là vấn đề gia tăng dân số. Dân số loài người đã tăng liên tục trong suốt lịch sử. Vào năm 8.000 trước Công nguyên, dân số loài người vào khoảng năm triệu người; ngày nay, nó ở mức khoảng sáu tỷ. Bây giờ, nếu học thuyết luân hồi là đúng, số lượng linh hồn là không đổi. Bởi vì, khi ai đó chết đi, linh hồn của họ không bị tiêu diệt, và khi một người nào đó được sinh ra, linh hồn của họ không phải là mới, vì nó đang du hành từ một cơ thể khác đến cơ thể này. Tuy nhiên, nếu số lượng linh hồn không đổi, làm thế nào chúng ta có thể giải thích sự gia tăng số lượng cơ thể? Có lẽ, vào năm 8.000 trước Công nguyên, đã có năm triệu dấu chân trên thế giới. Ngày nay, có lẽ có sáu tỷ linh hồn. Những linh hồn bổ sung này đến từ đâu?
Thực ra, sự phản đối này không có gì là quá khó để phản biện. Theo thuyết luân hồi, không có lý do gì để cho rằng không thể tạo ra linh hồn mới. Ngay cả khi số lượng linh hồn là không đổi, thì một số trong số họ vẫn có thể tồn tại ở trạng thái không thể xác trong khi chờ cơ thể mới ra đời khi dân số tăng lên. Hơn nữa, như Ấn Độ giáo dạy, nếu luân hồi không chỉ cần diễn ra giữa con người, thì những linh hồn còn lại cũng có thể hiện thân trong động vật, trong khi họ chờ đợi cơ thể con người mới được sinh ra.
Tuy nhiên, có một số lý lẽ phản bác quan trọng khác. Nếu luân hồi là có thật, thì sự thật là hầu hết mọi người không nhớ kiếp trước của họ. Bây giờ, nếu không có ký ức từ kiếp trước, làm sao chúng ta có thể khẳng định rằng ai đó là cùng một người (hoặc, như các nhà triết học sẽ diễn đạt nó, giống hệt nhau về mặt định lượng) với người đã sống ở kiếp trước? Để tranh luận, chúng ta có thể thừa nhận rằng tiêu chí để chắc chắn rằng một người tại một thời điểm nhất định là cùng một người vào một thời điểm khá không phải chỉ có các dấu hiệu về mặt thể lý ví dụ như vẻ về ngoài hay cấu trúc cơ thể. Mặc dù, một số triết gia nhấn mạnh rằng tiêu chí duy nhất có thể là cơ thể, vì những lý do mà tôi sẽ không đi sâu vào. Theo giả định này, một người không cần phải có cùng một sự liên tục về cơ thể để được coi là cùng một cá nhân, miễn là có ít nhất một số sự liên tục hay tiếp diễn về mặt tâm lý. Nhà triết học John Locke đã có lập luận nổi tiếng rằng nếu một hoàng tử một ngày nào đó thức dậy trong cơ thể của một người thợ sửa giày, nhưng vẫn giữ những ký ức của mình như một hoàng tử, thì anh ta vẫn là hoàng tử.
Tuy nhiên, vấn đề với luân hồi là không có sự liên tục hay tiếp diễn về tâm lý, vì hầu hết mọi người không nhớ kiếp trước của họ. Do đó, theo góc độ tâm lý về danh tính hay căn tính của một người, chúng ta không thể là một người mà không có ký ức về họ. Những người ủng hộ luân hồi cho rằng chúng ta không có ký ức về những ngày mới được sinh ra, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không phải là cùng một người với phiên bản chúng ta hồi mới sinh. Hơn nữa, những bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ (chẳng hạn như bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer) có rất ít ký ức về cuộc đời họ, nhưng, điều đó không có nghĩa là họ không phải là cùng một người với họ trong quá khứ.
Các nhà triết học chỉ ra một tiêu chí tâm lý quan trọng về danh tính: nếu có một chuỗi ký ức từ giai đoạn này sang giai đoạn sau của cuộc đời, thì danh tính hay căn tính sẽ được duy trì. Như vậy, chẳng hạn, một vị tướng già có thể có những kỷ niệm thời còn là một sĩ quan trẻ, và vị sĩ quan này có những kỷ niệm thời thơ ấu khi ông còn là một đứa trẻ, thì ta có thể nói rằng vị tướng già này chính là đứa trẻ ấy. Tuy nhiên, trong trường hợp đầu thai, không có chuỗi ký ức nào như vậy.
Ngoài những vấn đề cụ thể về khái niệm của sự luân hồi, còn có những vấn đề khái niệm liên quan đến sự tồn tại của khái niệm linh hồn. Thuyết luân hồi giả định rằng linh hồn tồn tại, giống như linh hồn của một người từ bỏ cơ thể của mình sau khi chết và nhập vào một cơ thể khác vào thời điểm sinh ra. Tuy nhiên, nếu linh hồn là một thứ phi vật chất bí ẩn, thì nó tương tác với vật chất như thế nào? Vào thế kỷ 17, nhà triết học Rene Descartes đã nhận thức được vấn đề này và ông lập luận rằng linh hồn và thể xác tương tác với nhau ở tuyến tùng ẩn sâu bên trong não [pineal gland]. Bây giờ chúng ta biết rằng điều này là sai; tuyến tùng không có chức năng nhận thức. Kể cả nó có chức năng này đi chăng nữa thì ta vẫn có một vấn đề đang dược bỏ ngỏ: làm thế nào một thứ phi vật chất tham gia vào vũ trụ của = vật chất và trở thành một tác nhân nhân quả?

BẰNG CHỨNG CHO HIỆN TƯỢNG ĐẦU THAI

Ngay từ thời Plato, một số triết gia đã cố gắng đưa ra bằng chứng dường như ủng hộ giả thuyết luân hồi. Theo một lập luận nổi tiếng được trình bày trong cuốn Phaedo của Plato, chúng ta có kiến thức mà chúng ta không thể có được trong kiếp này. Plato bị hấp dẫn bởi khả năng làm được những việc mà một người chưa bao giờ từng học để làm ở một số người. Theo đánh giá của Plato, học tập là một hình thức hồi tưởng: trong giáo dục, trong khi chúng ta bị kích thích bởi những câu hỏi của giáo viên, chúng ta nhớ lại những điều từ kiếp trước của mình.
Không còn nghi ngờ gì nữa, bẩm sinh, chúng ta đã có một số kiến thức và cấu trúc tâm lý nhất định. Một người không cần phải bị rắn cắn trong kiếp trước để bẩm sinh sợ rắn. Nỗi sợ rắn rất có thể có lợi ở Savannah châu Phi, và do đó, nỗi sợ đó có lẽ đã được mã hóa trong gen của chúng ta. Tuy nhiên, trái ngược với những gì Plato tin tưởng, điều đó không ngụ ý rằng nó đến từ kiếp trước. Trên thực tế, bộ não của chúng ta có thể được lập trình sẵn về mặt di truyền cho một số đặc điểm tâm lý nhất định và một số kiến thức bẩm sinh cụ thể.
Những người ủng hộ thuyết luân hồi cũng cũng cho rằng trải nghiệm déjà vu có thể cho phép ta hiểu phần nào về thuyết luân hồi. Chúng là cảm giác kỳ lạ mà một số người có được khi lần đầu tiên gặp phải một tình huống, nhưng họ có cảm giác rằng mình đã trải qua nó rồi. Nhưng một lần nữa, chúng ta không được vội vàng và đi đến kết luận. Một số giả thuyết cho rằng trải nghiệm déjà vu là kết quả sự chênh lệch về mặt thời gian của các tiến trình xử lý thông tin từ giác quan; có thể là một trong các bán cầu của não tiếp thu thông tin trước, và một thời gian ngắn sau, bán cầu còn lại mới tiếp thu thông tin. Trong một tình huống như vậy, người đó sẽ tin rằng anh ấy/cô ấy đang hồi tưởng lại sự việc mà trên thực tế, nó chỉ mới xảy ra cách đây vài phần nghìn giây.
Trải nghiệm Déjà vu cũng có thể được cho là một ví dụ của hiện tượng mất trí nhớ gốc [cryptomnesia]. Tức là khi một người lưu trữ dữ liệu từ các giác quan vào trong kho trí nhớ, các dữ liệu này nhanh chóng biến mất trong phạm vi ý thức của ta. Tuy ta không nhận thức được rằng mình vẫn sở hữu những ký ức này, chúng vẫn nằm ẩn đâu đó trong tâm trí của ta và chúng có thể được kích hoạt quay trở lại trong một tình huống tương tự.
Có lẽ bằng chứng mạnh mẽ nhất ủng hộ hiện tượng luân hồi đến từ tuyển tập các trường hợp bệnh nhân của một bác sĩ tâm thần nổi tiếng người Mỹ, Tiến sĩ Ian Stevenson. Stevenson từng tỏ ra nghi ngờ về hồi quy tiền kiếp, nhưng ông vẫn tin rằng căn nguyên của nhiều chứng rối loạn tâm thần có thể bắt nguồn từ những xung đột chưa được giải quyết trong kiếp trước. Đặc biệt, Tiến sĩ Stevenson quan tâm đến chứng rối loạn bảng dạng giới [gender identity disorder] (DSM 5 hiện gọi chứng rối loạn này là “Chứng Bức bối giới”). Theo đánh giá của ông, nhiều trường hợp trong số này là do trong kiếp trước, bệnh nhân thuộc nhóm giới tính khác.
Lĩnh vực nghiên cứu chính của Stevenson là hiện tượng những đứa trẻ cho rằng mình có thể nhớ được kiếp trước. Ông đã tập hợp một số lượng đáng kể các trường hợp ở Ấn Độ, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Lebanon và Hoa Kỳ. Trong hầu hết các trường hợp đó, trẻ sẽ không cư xử như bình thường. Nhiều đứa trẻ trong số này sẽ nói năng thô lỗ với cha mẹ chúng, vì chúng tin rằng mình chính là ông bà mình.
Theo báo cáo của Stevenson, những đứa trẻ này phát triển thái độ và sở thích không phù hợp với lứa tuổi của chúng; Stevenson cho rằng nguyên nhân của các vấn đề này là từ kiếp trước. Bên cạnh đó, một số trẻ em phát triển những nỗi ám ảnh đặc biệt mà không có trải nghiệm cụ thể để kích hoạt những nỗi ám ảnh này. Một lần nữa, ông suy đoán rằng những nỗi ám ảnh này đến từ những sự kiện đau thương trong kiếp trước.
Trong phần lớn các trường hợp do Stevenson điều tra, những đứa trẻ này được cho là người đầu thai của một số thành viên trong cùng một gia đình. Tuy nhiên, trong những trường hợp khác, những đứa trẻ ấy được cho là người đầu thai của những người mà gia đình của đứa trẻ còn không hề quen biết. Một số đứa trẻ này có khả năng kể chi tiết về kiếp trước của chúng mà không thể có chuyện đứa trẻ đã biết những chi tiết này thông qua các phương tiện khác. Trong một trường hợp, một cậu bé từ một ngôi làng tuyên bố mình là kiếp sau của một người đàn ông đã chết cách đây vài thập kỷ và sống ở một ngôi làng xa xôi. Đứa trẻ chưa bao giờ rời khỏi ngôi làng của mình, và do đó, không bao giờ có cơ hội biết chi tiết về cuộc đời của người đàn ông này.
Stevenson cũng chú ý đến các vết bớt và dị tật bẩm sinh ở những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp. Trong hầu hết các trường hợp này, trẻ tự nhận mình là người đã chết một cách dã man, và vết bớt của chúng sẽ tương ứng với vết thương gây ra cái chết của chúng. Stevenson tuyên bố đã tìm thấy một số lượng đáng kể các trường hợp kiểu này.

BẰNG CHỨNG CÓ THẬT NHƯNG KHÔNG PHẢI LÀ TẤT CẢ

Các nghiên cứu của Stevenson khá rộng và chuyên sâu, và trong phạm vi của bài viết này, tôi không thể thảo luận chi tiết về từng trường hợp. Tuy nhiên, tôi có thể chỉ ra một số sai sót về phương pháp luận bao trùm những phát hiện của ông.
Ngay cả khi ban đầu, ông tuyên bố không có dữ liệu chắc chắn củng cổ cho giả thuyết luân hồi, Stevenson dường như đã có một quan điểm khá rõ ràng rằng ông tin vào sự tồn tại của luân hồi và ông chỉ tìm cách xác nhận nó. Ông có thể đã mắc thiên kiến xác nhận [confirmation bias] và chỉ mải mê đi tìm kiếm minh chứng cho niềm tin của mình. Tất cả những gì Stevenson từng làm là tìm kiếm những trường hợp dường như có thể xác nhận giả thuyết ban đầu của ông và bỏ qua một số lượng lớn các trường hợp không phù hợp với kỳ vọng ban đầu. Số trẻ em không nhớ về kiếp trước vượt xa số trẻ nhớ, nhưng Stevenson chưa bao giờ cân nhắc điều này.
Do đó, vấn đề chính với nghiên cứu của Stevenson là các giả thuyết của ông không thể được chứng minh là sai [falsibility]. Theo nhà triết học Karl Popper, đây là tiêu chí xác định để phân biệt khoa học với nguỵ khoa học (10). Không một ví dụ phản chứng nào có thể bác bỏ nguỵ khoa học, bởi vì nguỵ khoa học luôn có cách chống chế thông qua việc gạn đục khơi trong, tìm kiếm các minh chứng hiếm hoi củng cố cho quan điểm của mình. Điều này đúng với nghiên cứu của Stevenson. Mỗi lần có những bằng chứng dường như bác bỏ giả thuyết của ông, ông ta sẽ chuyển sang một trường hợp khác để chứng tỏ rằng quan điểm của mình là xác thực.
Stevenson dường như rất giỏi trong việc xác minh giả thuyết của mình (do đó mà có lượng dữ liệu khổng lồ như vậy), nhưng ông không giỏi đối mặt với bằng chứng trái ngược với lý thuyết của mình. Trong nghiên cứu của ông, không giống như nghiên cứu khoa học thực sự, không có phản ví dụ nào có thể xảy ra mà ông sẵn sàng chấp nhận để bác bỏ những tuyên bố của mình. Câu hỏi “bằng chứng nào đủ để ông thay đổi quan điểm?” đã không được Stevenson trả lời.
Một tiêu chí quan trọng khác trong khoa học là năng lực dự đoán [predictability]. Trái ngược với các học thuyết nguỵ khoa học, các học thuyết khoa học có thể đưa ra dự đoán. Khoa học chân chính giả định rằng tự nhiên sẽ có một số khuôn mẫu hoạt động cụ thể và lặp đi lặp lại. Do đó, khoa học có mục đích tìm ra các khuôn mẫu này và dựa trên nhưng kiến thức đã được tìm ra về chúng, khoa học sẽ đưa ra nhưng dự báo cho tương lai.
Tuy nhiên, các lý thuyết của Stevenson không có giá trị dự đoán. Ví dụ, như Stevenson tuyên bố, nếu một người qua đời trong đau đớn thì đứa trẻ được người đó đầu thai sẽ có vết bớt trên người. Ít nhất, chúng ta cũng mong đợi Stevenson sẽ đưa ra một số dự báo cụ thể về vị trí hoặc đặc điểm của các vết bớt ở các trường hợp đầu thai khác trong tương lai. Tuy nhiên, Stevenson lại không thể cung cấp bất kỳ manh mối nào về vị trí hay đặc điểm của các vết bớt này.
Đúng là Stevenson chưa bao giờ tuyên bố rằng dữ liệu của ông là chắc chắn, và cũng đúng là khoa học đòi hỏi một tâm trí cởi mở để xem xét các trường hợp khác nhau có thể xảy ra. Ngoài các nghiên cứu của Stevenson, rất ít nghiên cứu đã được thực hiện về khả năng đầu thai, và mọi thứ vẫn chưa đi đến kết luận rõ ràng. Dù gì, dữ liệu của Stevenson quá yếu ớt để có thể khẳng định về sự đầu thai và các phương pháp thu thập của ông cũng rất đáng nghi ngờ.
Stevenson không sử dụng ngôn ngữ của những địa phương nơi ông thực hiện nghiên cứu của mình. Ông ta dựa vào các phiên dịch viên địa phương, và điều này có thể dẫn đến nhiều sai sót trong tiến trình nghiên cứu. Ở nhiều quốc gia nơi Stevenson thực hiện nghiên cứu của mình, việc đầu thai được nhận định là khả thi từ khía cạnh văn hoá tôn giáo tín ngưỡng. Vì vậy, các phiên dịch viên, dù cố ý hay không, có thể đã đưa ra dữ liệu xác nhận sự đầu thai, mặc dù đó có thể không phải là lời chia sẻ ban đầu của các đối tượng được phỏng vấn. Lẽ ra Stevenson phải cẩn thận xác thực một cách độc lập các bản dịch khác nhau của các thông dịch viên, nhưng ông đã không bao giờ làm vậy. Nghiên cứu của ông không trình bày các bản ghi âm hoặc thậm chí các bản chép lại các cuộc phỏng vấn bằng ngôn ngữ gốc của những người cung cấp thông tin. Trên thực tế, Stevenson có một số thông dịch viên sau đó bị phát hiện là lừa đảo. Bản thân Stevenson cũng thừa nhận phiên dịch viên của mình không trung thực ở một số khía cạnh, nhưng ông vẫn tin tưởng vào bản dịch của mình. Điều đó cực kỳ ngây thơ và không thể chấp nhận được về mặt khoa học.
Có những vấn đề nghiêm trọng khác. Những câu hỏi của Stevenson có xu hướng dẫn dắt và khai thác người được hỏi để lấy những thông tin mà ông ta muốn ngay từ đầu. Hơn nữa, thời gian phỏng vấn cũng cực kỳ ngắn. Một lần nữa, điều này dường như cho thấy rằng Stevenson quan tâm nhiều hơn đến việc thu thập thông tin phù hợp với những ý tưởng đã định sẵn của mình và sau khi có được thông tin đó, ông ta sẽ không điều tra thêm nữa.
Stevenson cũng có thói quen không chỉ kết hợp lời khai của bọn trẻ mà còn cả những diễn giải của người lớn vào các báo cáo của mình. Trong hầu hết các trường hợp, người lớn sẽ ủng hộ giả thuyết đầu thai. Vì vậy những niềm tin hay định kiến của họ đã ảnh hưởng đến dữ liệu thu thập được. Trên thực tế, Stevenson hiếm khi nói chuyện với bọn trẻ, một phần vì bọn trẻ quá nhút nhát để nói chuyện với một nhà nghiên cứu phương Tây. Người lớn lên tiếng thay cho trẻ em, và một lần nữa, điều này cho phép những niềm tin và định kiến của người lớn xuất hiện. Một số cha mẹ thậm chí còn quen biết họ hàng của người được cho là đã đầu thai vào trẻ. Do đó, xác suất đứa trẻ nhận được thông tin từ họ cũng tăng lên. Trên thực tế, chỉ có một số ít trường hợp gia đình của đứa trẻ không biết gia đình của người đã khuất.
Nhìn chung, khi Stevenson nhận được tin rằng ở một ngôi làng nào đó, một đứa trẻ tuyên bố nhớ được kiếp trước thì ông đã đến đó để nghiên cứu trường hợp này. Khoảng thời gian từ khi nhận được tin cho đến khi đến được làng là một khoảng thời gian dài (từ ba tuần đến hai năm). Trong thời gian đó, gia đình của đứa trẻ có thể đã gặp gia đình của người đã khuất và họ có thể thu thập thông tin để cuối cùng, thông tin đó đến được với đứa trẻ. Vào thời điểm Stevenson đến, đứa trẻ sẽ có thể đưa ra một số chi tiết cụ thể, và tất nhiên, chúng sẽ không đến từ những ký ức vốn dĩ thuộc về đứa trẻ, mà là từ thông tin có được từ cuộc gặp gỡ với các gia đình người đã khuất.
Hơn nữa, thực tế là phần lớn các trường hợp do Stevenson điều tra là những cái chết có yếu tố bạo lực cũng làm dấy lên một số nghi ngờ. Những cái chết dã man được công khai hơn nhiều so với những cái chết khác. Điều đó làm tăng khả năng các thông tin này xuất hiện ở nhiều nguồn khác nhau, tăng khả năng đứa trẻ biết được thông tin chi tiết về cuộc đời của người đã khuất.
Thực tế là, hầu hết các trường hợp này diễn ra ở các quốc gia nơi luân hồi là niềm tin tôn giáo chính thống. Gia đình của đứa trẻ có thể đã tin rằng đứa trẻ nhớ được kiếp trước và khuyến khích niềm tin như vậy ở đứa trẻ. Bất kỳ cử chỉ nhỏ nào của đứa trẻ đều có thể được hiểu là dấu hiệu của việc nhớ lại tiền kiếp, và điều này đóng vai trò củng cố để đứa trẻ tiếp tục trau chuốt các phát ngôn của mình nhằm đáp ứng mong đợi của cha mẹ.
Trong các trường hợp do Stevenson thu thập, dường như cũng có mối tương quan giữa tín ngưỡng của nền văn hóa và cách các trường hợp định hình. Ví dụ, ở những nền văn hóa không chấp nhận việc một người nào đó có thể đầu thai thành người khác giới, không đứa trẻ nào nhớ được kiếp trước là người thuộc giới tính khác. Ở các nền văn hóa mẫu hệ, trẻ em chủ yếu nhớ cuộc sống của những họ hàng cũng theo chế độ mẫu hệ, trong khi ở các nền văn hóa phụ hệ, trẻ em chỉ nhớ cuộc sống của những họ hàng theo văn hoá phụ hệ. Ngoài ra, còn có một vấn đề là nhiều trường hợp của Stevenson đến từ Ấn Độ. Điều này làm dấy lên nghi ngờ rằng có thể một số trẻ em tuyên bố nhớ cuộc sống của những người thuộc giai cấp cao hơn như một cách để vị trí xã hội của mình trong hệ thống phân tầng đẳng cấp.
Tất cả những vấn đề về phương pháp luận này xuất hiện do một lỗi trọng tâm trong nghiên cứu của Stevenson: tất cả những gì ông thực sự làm là thu thập các giai thoại. Đồng ý là giai thoại có thể hữu ích lúc đầu, nhưng nó không đủ để xây dựng một trường hợp vững chắc cho một giả thuyết. Hơn nữa, như tuyên bố nổi tiếng của Carl Sagan, những tuyên bố phi thường đòi hỏi bằng chứng phi thường. Luân hồi là một tuyên bố phi thường, nhưng cuộc điều tra nghiên cứu của Stevenson không phải là bằng chứng phi thường.

LỜI GIẢI THÍCH KHÁC CHO HIỆN TƯỢNG ĐẦU THAI

Đối với những tài năng phi thường mà những đứa trẻ phát triển, đầu thai không phải là lời giải thích khả dĩ duy nhất. Tài năng (nghệ thuật, học thuật, v.v.) có nhiều tỷ lệ di truyền khác nhau. Nhưng về cơ bản, hầu hết chúng đều có cơ sở di truyền. Một số người ủng hộ thuyết luân hồi sử dụng luận chứng rằng một số trẻ em có tài năng phi thường đến từ những gia đình không có những tài năng đó. Tuy nhiên, luận chứng đó không đủ thuyết phục, vì nó bỏ qua một quy luật cơ bản trong di truyền học Mendel: một đặc điểm nhất định có thể biến mất ở thế hệ này và xuất hiện trở lại ở thế hệ khác. Cha mẹ có thể mang loại gen trội chưa được biểu hiện cho một tài năng cụ thể.
Người ta thường khẳng định rằng Mozart hẳn là kiếp sau của một nhạc sĩ vĩ đại, vì làm sao một người ở độ tuổi trẻ như vậy có thể phát triển những kỹ năng âm nhạc đó? Một lần nữa, không cần phải viện giải đến sự đầu thai: rất có thể Mozart đã có một vỏ não thính giác nhạy bén, cho phép ông phát triển tài năng âm nhạc ấn tượng của mình ngay từ khi còn nhỏ.
Stevenson luôn tuyên bố rằng những trường hợp quan trọng nhất là những trường hợp trẻ em có vết bớt được cho là trùng với vết thương dẫn đến cái chết dã man của người quá cố. Nhưng một lần nữa, tất cả bằng chứng này chỉ là giai thoại. Thi thể của người quá cố đã bị phân hủy nên dường như không có cơ hội tốt để phân tích chi tiết các vết thương và so sánh chúng với vết bớt. Stevenson chỉ dựa vào lời nói và ảnh chụp; cả hai loại bằng chứng đều rất dễ bị gian lận.
Hơn nữa, một lần nữa, trong những trường hợp này, gia đình đứa trẻ có thể xem xét vết bớt của đứa trẻ, điều tra xem ai trong làng có thể đã chết với những vết thương tương tự. Các gia đình có thể đã thiết lập liên lạc và đứa trẻ có thể đã được cung cấp thông tin về người quá cố. Vào thời điểm Stevenson đến, đứa trẻ có thể đã dựng nên những ký ức được cho là của mình dựa trên thông tin đó.
Hơn nữa, nếu luân hồi chỉ là sự chuyển sinh của linh hồn, thì chính xác làm thế nào các dấu vết xuất hiện trên cơ thể? Cả Stevenson và bất kỳ người nào khác ủng hộ giả thuyết luân hồi đều chưa từng đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi quan trọng này. Một lần nữa, chúng ta phải đối mặt với vấn đề tương tác giữa các chất vật chất và phi vật chất.

THÔI MIÊN HỒI QUY TIỀN KIẾP CÓ HẠI HAY KHÔNG?

Mặc dù thực tế là, giả thuyết luân hồi còn đang phải đối mặt với một số vấn đề khó khăn về khái niệm và bằng chứng thực nghiệm ủng hộ nhưng một số bác sĩ tâm thần vẫn khăng khăng sử dụng liệu pháp hồi quy tiền kiếp để điều trị một số rối loạn tâm thần, đặc biệt là những nỗi ám ảnh sợ.
Phong trào sử dụng hồi quy tiền kiếp như một liệu pháp trong tâm thần học bắt đầu với một trường hợp nổi tiếng. Năm 1952, một nhà thôi miên nghiệp dư, Morey Bernstein, đã thôi miên Virginia Tighe, một phụ nữ đến từ Bang Colorado, Hoa Kỳ. Bị thôi miên, Tighe đã cho rằng tồn tại một Bridey Murphy, được cho là một phụ nữ Ireland từ Thế kỷ 19. Tighe chưa bao giờ đến Ireland, nhưng trong các buổi thôi miên, cô ấy nói bằng giọng Anh, và thật ngạc nhiên, cô ấy đã đưa ra những chi tiết chính xác về cuộc sống của người Ireland vào Thế kỷ 19.
Bernstein sau đó đã viết một cuốn sách về trường hợp này, và các chi tiết được cung cấp trong cuốn sách khiến một số nhà khoa học nghĩ rằng Tighe thực sự là kiếp sau của Murphy. Tuy nhiên, khi trường hợp này thu hút sự chú ý của giới truyền thông, một số phóng viên đã đến Ireland để điều tra và phát hiện ra rằng các chi tiết của Tighe có một số sai sót. Các chi tiết đăng ký của thị trấn nơi Murphy được cho là đã sinh ra không khớp với hồ sơ địa phương. Tighe nói rằng kiếp trước cô sống trong một ngôi nhà gỗ, nhưng trên thực tế, ở nơi được cho là quê hương của cô không có ngôi nhà gỗ nào.
Hóa ra Bridie Murphy Corwell từng là hàng xóm của Tighe thời thơ ấu. Rất có thể cô ấy đã nghe những câu chuyện về Ireland từ người hàng xóm này, và thông tin này được đưa ra trong các buổi thôi miên của cô ấy, mặc dù cô ấy tin rằng chúng là một phần của kiếp trước.
Trường hợp của Bridey Murphy là một minh họa rất rõ ràng về những gì thực sự diễn ra trong quá trình thôi miên hồi quy tiền kiếp. Trong các quy trình này, vai trò của hiện tượng mất trí nhớ gốc là rất quan trọng. Chúng ta hãy nhớ lại, hiện tượng mất trí nhớ gốc là một quá trình trong đó một đối tượng ghi lại một số thông tin trong tâm trí của họ, nhưng thông tin này lại "ẩn" trong vô thức. Trong những trường hợp đặc biệt (chẳng hạn như bị thôi miên), đối tượng có thể nghĩ rằng mình một lần nữa đang sống trong một trải nghiệm cụ thể, trong khi thực tế, đó chỉ là một ký ức hoặc tổng hợp của nhiều ký ức chúng ta đã nghe ở đâu đó mà vô tình quên mất. Phần lớn, trí nhớ là một quá trình có chọn lọc; hàng ngày chúng ta nắm bắt một lượng dữ liệu giác quan khổng lồ và chúng ta phải phân biệt dựa trên mức độ phù hợp. Chúng ta thường chọn những gì chúng ta muốn ghi nhớ. Sau đó, một số dữ liệu sẽ bị xóa nhưng một số dữ liệu không mong muốn vẫn được giữ lại. Khi thông tin này xuất hiện trở lại, chúng ta tin rằng đó là một trải nghiệm mới, hoặc trong trường hợp như của Bridey Murphy, chúng ta tin rằng đó là ký ức về kiếp trước.
Trong trường hợp thôi miên và hồi quy tiền kiếp, việc đối tượng bị thôi miên ở trong trạng dễ tin và làm theo gợi ý của người khác cũng làm tăng xác suất xảy ra ký ức ẩn giấu. Trong thôi miên, nhà thôi miên dễ dàng thao túng trạng thái tinh thần của đối tượng. Do đó, trong thôi miên, nhà thôi miên có thể dễ dàng khiến đối tượng vào vai một nhân vật nào đó trong kiếp trước. Nhà thôi miên thậm chí có thể làm điều này một cách vô thức, bằng cách đặt những câu hỏi dẫn dắt, dưới trạng thái dễ bị gợi ý, đối tượng bị thôi miên làm theo và tuân theo yêu cầu ban đầu. Ví dụ, nhà thôi miên có thể yêu cầu: “Hãy quay trở lại kiếp sống nơi bạn là một người lính trong cuộc Cách mạng Hoa Kỳ”, và nhận gợi ý từ nhà thôi miên, đối tượng có thể bắt đầu hành xử theo cách mà cô ấy tin là phù hợp với những người lính trong cuộc Cách mạng Hoa Kỳ dựa trên một số ký ức được lưu trữ trong lớp lịch sử từ thời đi học. Nhà thôi miên có thể phấn khích với phản hồi này, anh ta có thể hỏi những câu hỏi thậm chí còn mang tính dẫn dắt rõ ràng hơn, và cuối cùng, đối tượng bị thôi miên có thể cung cấp một số chi tiết rõ ràng sống động về một trận chiến nào đó, một lần nữa trên cơ sở một số trải nghiệm giáo dục trước đó (đọc sách, xem phim, v.v.).
Hồi quy tiền kiếp, như với hầu hết các liệu pháp tâm lý, có thể mang lại một số kết quả tốt. Nói về những vấn đề của một người sẽ khiến họ nhẹ nhõm phần nào. Như vậy, ngay cả khi luân hồi không có thật và hồi quy tiền kiếp chỉ là một trò chơi nhập vai trong đó bệnh nhân làm theo gợi ý của nhà thôi miên, liệu điều đó có phải là không thể chấp nhận được về mặt đạo đức? Nếu điểm mấu chốt là giúp đỡ bệnh nhân, thì tại sao phải có bất kỳ sự phản đối nào về mặt đạo đức đối với quy trình này?
Chúng ta hãy xem xét ba nguyên tắc quan trọng của đạo đức y học (từ tâm, tự quyết và không gây hại) để trả lời câu hỏi này. Không có nghi ngờ gì với sự thật rằng hồi quy tiền kiếp được thực hiện với mục đích giúp đỡ bệnh nhân, và thực sự, nhiều bệnh nhân đã tìm thấy sự nhẹ nhõm khi trải qua các liệu pháp này. Theo cách như vậy, nguyên tắc từ tâm (thúc đẩy lợi ích của người khác) được tôn trọng.
Hồi quy tiền kiếp không ép buộc bệnh nhân. Chúng luôn được thực hiện với sự đồng ý của bệnh nhân. Do đó, rõ ràng, nguyên tắc tự chủ cũng được tôn trọng. Tuy nhiên, có mối quan ngại về việc bệnh nhân được cung cấp thông tin như thế nào khi nói đến các quy trình này. Để nguyên tắc tự chủ thực sự được tôn trọng, cần phải có sự đồng ý có hiểu biết. Khi các bác sĩ không giải thích cho bệnh nhân rằng không có bằng chứng khoa học nào về sự đầu thai, bệnh nhân không được cung cấp thông tin đầy đủ. Với việc thiếu thông tin như vậy, không thể có sự đồng ý thực sự, và do đó, nguyên tắc tự chủ hay tự quyết bị xâm phạm.
Hầu hết các nhà đạo đức học đều đồng ý rằng nguyên tắc quan trọng nhất của y đức thực sự là không gây hại. Ngay cả khi bệnh nhân yêu cầu một quy trình, nếu quy trình đó có khả năng gây hại, bác sĩ nên tránh thực hiện. Hồi quy tiền kiếp có thể có kết quả tốt, nhưng chúng cũng mang một số rủi ro đáng kể. Những rủi ro đó vượt xa những kết quả có lợi có thể có của loại trị liệu này.
Rủi ro lớn nhất trong quá trình hồi quy tiền kiếp là nhà thôi miên có thể cấy những ký ức sai lầm vào đối tượng, và do đang chìm trong trạng thái dễ tin và làm theo những sự gợi ý, đối tượng có thể cảm thấy chúng hoàn toàn có thật. Việc cấy những ký ức sai lầm này thậm chí không cần phải cố ý. Nhà trị liệu có thể hỏi một câu hỏi, chẳng hạn như “Bạn đã từng là một người lính trong cuộc Cách mạng Hoa Kỳ chưa?”, và đối tượng, vì cô ấy rất mong muốn đưa ra một câu trả lời làm hài lòng nhà trị liệu, cô có thể đưa ra những câu trả lời không thực. Nếu nhà thôi miên hỏi một câu hỏi dẫn dắt về một trải nghiệm đau thương cho đối tượng, ngay cả khi trải nghiệm đau thương đó chưa bao giờ thực sự xảy ra, thì nó thực sự có thể trở nên hoàn toàn có thật đối với người bị thôi miên.
Trên thực tế, mối nguy hiểm này trở nên đặc biệt gay gắt trong khủng hoảng đạo đức gây ra bởi sự Nghi thức Bạo hành thờ Quỷ Satan vào những năm 1980 ở Mỹ. Hàng trăm bệnh nhân đã sử dụng thôi miên để khôi phục ký ức về những lần bị lạm dụng về tình dục và nghi thức được cho là đã xảy ra trong thời thơ ấu của họ. Một cuộc điều tra kỹ lưỡng của FBI đã được tiến hành và không có bằng chứng nào được tìm thấy để chứng minh cho các cáo buộc lạm dụng tình dục trong nghi lễ, Tuy nhiên, các nhà thôi miên đã hỏi những câu hỏi dẫn dắt, và từ đó "cấy" những ký ức không có thật vào tâm trí bệnh nhân. Sau các buổi thôi miên, những đối tượng này phải đối mặt với những hậu quả rắc rối khi có những ký ức sai lầm về những sự kiện đau thương mà trên thực tế chưa bao giờ xảy ra với họ.
Rủi ro tương tự cũng xuất hiện trong hồi quy tiền kiếp. Trong các liệu pháp này, một ký ức giả về sự kiện đau thương từ kiếp trước có thể được cấy vào đối tượng, gây ra tác hại đáng kể. Do đó, theo nguyên tắc không gây hại của y học, thôi miên hồi quy tiền kiếp là hoạt động vi phạm đạo đức.
Hơn nữa, thời gian và nguồn lực lãng phí cho thôi miên hồi quy tiền kiếp có thể được phân bổ tốt hơn cho các liệu pháp hiệu quả hơn nhiều. Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) là một phương pháp dựa trên bằng chứng khá hiệu quả trong điều trị rối loạn tâm trạng và lo âu. Đề nghị một bệnh nhân quay trở lại kiếp trước để đối mặt với một sự kiện đau buồn nhằm điều trị một rối loạn tâm lý là phi đạo đức, trong khi trên thực tế, sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu họ được điều trị bởi các bác sĩ tâm thần hoặc nhà tham vấn trị liệu theo các phương pháp đã được chứng minh là hiệu quả.
Biên tập: Keira Ngo