A Man Feeding Swans in the Snow - | LensCulture

Chiến binh thế hệ Ipad

Tập trận không chiến Red Flag là cuộc tập trận lớn nhất của không quân Mỹ được tổ chức hằng năm. Cuộc tập trận kéo dài hai tuần được tạo ra với mục đích rèn luyện các phi công chiến đấu của Mỹ và đồng minh qua các bài huấn luyện khắc nghiệt sát với tình huống thực tế nhất. Mỗi khi các hệ thống vũ khí tối tân của không quân Mỹ được đưa vào trang bị, chúng đều liên tục bị đặt vào các tình huống tồi tệ nhất có thể để các chỉ huy đánh giá được chính xác khả năng tác chiến thực tế.
Nền tảng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 cũng không phải là ngoại lệ. Đây là hệ thống chiến đấu gây ra rất nhiều tranh cãi trong giới truyền thông, chính phủ lẫn Bộ quốc phòng Hoa Kỳ. Người ta chỉ trích nhiều về chí phí khủng khiếp để thực hiện dự án này: nuôi dưỡng toàn bộ đội bay này trong suốt vòng đời của nó sẽ ngốn chính phủ Mỹ 1700 tỷ USD, chi phí sản xuất cho mỗi máy bay ban đầu chỉ khoảng 38 triệu USD, đã bị đẩy giá lên hơn 120 triệu USD trong những năm 2016, 2017 trước khi về lại mức 80 triệu USD trong năm 2020. Tuy nhiên vấn đề lớn là người ta nghi ngờ về khả năng chiến đấu thực tế của nó liệu có xứng đáng với số tiền bỏ ra. Tập đoàn Lockheed Martin đã quá tham vọng khi dùng chung một nền tảng thiết kế cho 3 nhánh chiến đấu khác nhau: không quân, hải quân và thủy quân lục chiến, tích hợp quá nhiều công nghệ mới chưa được chứng minh, và đòi hỏi một nỗ lực khổng lồ để xây dựng hệ thống bảo dưỡng máy bay trên toàn cầu.
Quá đắt đỏ, quá cầu kỳ và quá thất vọng. Một cú lừa lớn cho người dân Mỹ.
Đó là những gì truyền thông Mỹ hay miêu tả về dự án này kể từ khi nó bắt đầu tư năm 2001.  
Sau khi được đưa vào huấn luyện từ năm 2016, máy bay F-35 được tham gia tập trận Red Flag lần đầu vào năm 2017. Và dùng từ "kinh ngạc" là còn quá nhẹ để miêu tả sự ngỡ ngàng của giới báo chí Mỹ về sức mạnh của hệ thống này. 
Here's how F-35 technology would be compromised if Turkey also had the  S-400 anti-aircraft system
Một chiếc máy bay F-35 tại căn cứ không quân Hill, Utah, ngày 18/01/2019

Trong đợt tập trận diễn ra vào đầu năm 2019, các phi công Mỹ điều khiển nhiều loại máy bay khác nhau gồm máy bay thế hệ cũ F-16 và thế hệ mới F-35 đã phải trải qua thử thách khó cực đoan để kiểm tra khả năng sống sót. Họ được bay vào vùng trời của "kẻ thù" nơi mà hệ thống định vị GPS bị vô hiệu hóa, hacker đối phương liên tục cố gắng tấn công vào hệ thống liên lạc và chỉ huy và các hệ thống gây nhiễu được hoạt động hết công suất. Tất cả điều đó nhằm khiến các phi công bị mù, mất liên lạc với chỉ huy mặt đất và trở nên mỏng manh giữa bầu trời.
Tham Mưu trưởng không quân Mỹ, tướng Dave Goldfein đã không giấu sự hài lòng khi ông nói rằng các phi công đã "vượt xa sự kỳ vọng của mọi người bởi chúng không chỉ sống sót mà còn có khả năng tiêu diệt mục tiêu."
Ông kể rằng ngay cả những phi công non trẻ nhất cũng đã nhanh chóng "bắn hạ" đối thủ trong các cuộc không chiến.
Chỉ huy của đội bay 388, Đại tá Joshua Wood chia sẻ:
-Trong nhóm chúng tôi có một phi công rất mới điều khiển máy bay F-35A, và chỉ mới thực hiện bay huấn luyện bảy hay tám lần. Anh ấy đã nói qua radio và báo với một phi công dày dạn kinh nghiệm hơn 3000 giờ bay điều khiển máy bay thế hệ thứ tư rằng: "Ê ông bạn, ông cần phải quay lại ngay. Ông sắp bị tiêu diệt rồi. Có địch ngay sát ông đó."
Rồi viên phi công trẻ đó bắn hạ ngay "kẻ thù" kia đồng thời truy lùng và hạ tiếp ba mục tiêu khác trong một giờ sau đó.
Điều ấn tượng của máy bay F-35 là dù người ta đã đoán trước được kết quả, người ta vẫn ngạc nhiên vì dự đoán đó trở thành hiện thực. Trong lần tham gia tập trận Red Flag lần đầu vào năm 2017, máy bay F-35 (khi đó còn yếu hơn phiên bản năm 2019) đã đạt tỷ lệ tiêu diệt đối thủ là 20:1, tức nó chỉ bị bắn hạ sau khi đã đánh bại 20 máy bay địch. Và rất nhiều lần phía ban tổ chức phải làm suy yếu nó đi để đội Đỏ (tức "phe địch") có thể đạt được kết quả gì đó mang tính tượng trưng. 
-------------------------------
Tuy nhiên điều mình muốn hướng đến ở đây không phải là sức mạnh của không lực Hoa Kỳ, mà là sức mạnh tạo ra được khi chúng ta kết hợp công nghệ tân tiến nhất với những bộ óc trẻ tài ba nhất hiện nay. Máy bay chiến đấu F-35 là máy bay được thiết kế cho thế hệ Gen Z, một thế hệ lớn lên cùng Internet, Youtube và màn hình cảm ứng. 
Nếu dùng từ chính xác, ta sẽ gọi F-35 là "nền tảng chiến đấu trên không", bởi vì nó được xây dựng như một máy tính bay. Bỏ qua qua các thông số kỹ thuật rườm rà về gia tốc, trọng lượng và radar, hãy hình dung mỗi chiếc máy bay F-35 như một trung tâm xử lý dữ liệu trên không, với các phần mềm liên tục được cập nhật như bạn cập nhật hệ điều hành OS và Windows. Số lượng phím bấm trong buồng lái được giảm bớt và thay bằng nhiều cần điều khiển giống máy tay cầm Playstation hoặc Xbox hơn. 
Trái tim của hệ thống là mũ của phi công với công nghệ Elbit. Mũ của phi công F-35 được tích hợp với các máy quay gắn xung quanh máy bay để tạo ra một hệ thống thực tế ảo khổng lồ, khi đội vào phi công sẽ có tầm nhìn như đại bàng, tức quan sát 360 độ. Tất cả thông tin phi công cần biết sẽ được hiển thị ngay trên mũ chứ phi công không phải nhìn vào màn hình trong buồng lái. Nếu họ nhìn xuống dưới chân họ sẽ thấy mặt đất ở dưới chứ không phải là sàn buồng lái. Họ có thể phóng to thu nhỏ tầm nhìn, và họ nhắm bắn mục tiêu bằng cách nhìn vào mục tiêu đó, chọn khóa mục tiêu và bấm nút khai hỏa. Mọi thứ hoạt động như bạn đang chơi game vậy. 
Bạn có thể xem thêm trong video giải thích bên dưới.

Với triết lý thiết kế như vậy, còn ai phù hợp để sử dụng những cỗ máy chiến đấu tân tiến này hơn là những người trẻ sinh từ nửa sau năm 1990 trở đi, những người cực kỳ nhạy với công nghệ, có thể nhanh chóng hiểu hết hằng hà sa số những thông tin hiển thị trong một màn hình nhỏ và đã được rèn thói quen tự khám phá, vọc tính năng của các ứng dụng mới. Đây là những thế hệ luôn tìm ra cách riêng để khai thác thông tin, xử lý thông tin và đưa ra hành động phù hợp nhất. Một thế hệ đã lớn lên trong sự nhận thức rằng thế giới này là vô cùng phức tạp và những luật lệ cũ, cách hành động cũ không còn phù hợp nữa. 
Thiếu tướng Jon Davis, chỉ huy của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đã nhận định:
-Tôi nghĩ rằng những bạn trẻ của thế hệ mới, những phi công mới mà chúng tôi đang huấn luyện và sẽ sớm ngồi lên chiếc F-35, sẽ là những người thực sự khai thác được hết khả năng chiến đấu của hệ thống này. Họ sẽ nói: "Này, đây là thứ tôi có thể làm được với hệ thống này. Đừng ngăn tôi lại, đừng ép tôi theo khuôn khổ".
Với thế hệ Gen Z, bầu trời là giới hạn của họ.

Những Con Bồ Câu Trắng Của B.F. Skinner

Điều đáng buồn là phần lớn người trẻ sẽ không có được những may mắn như các phi công tinh hoa kia: được nuôi dưỡng trong môi trường lành mạnh, được nhận sự giáo dục ưu việt nhất về mặt công nghệ và rèn luyện trong môi trường hà khắc của quân đội. Họ sẽ có rất ít, hoặc thậm chí là không bao giờ có cơ hội áp dụng những kỹ năng học được về việc khai thác sử dụng nền tảng số để áp dụng vào các hệ thống tân tiến phục vụ cho nhân loại. Trái lại, mỗi lần họ sử dụng Internet, họ lại như những chú chim bồ câu của B.F. Skinner.
Skinner (1904 - 1990), một chuyên gia nghiên cứu tâm lý tại trường Harvard, đã nghiên cứu về hành vi của động vật thông qua việc theo dõi những chú bồ câu bị nhốt suốt một thời gian dài trong những cái hộp. Ông nhốt những con bồ câu bị đói vào những chiếc hộp và rèn cho chúng cách kiếm ăn bằng cách mổ vào một nút nhựa. Trong một số tình huống, con bồ câu sẽ có đồ ăn mỗi khi nó gõ vào miếng nhựa. Trong tình huống khác, ông sẽ thiết kế để hệ thống chỉ đưa đồ ăn trong một khung thời gian cố định. Ví dụ là sau khi đã thả đồ ăn cho bồ câu, hệ thống sẽ không thả đồ ăn trong 5 phút tiếp theo. Sau 5 phút, nếu chú bồ câu mổ tiếp thì nó sẽ có đồ ăn. Những chú chim bồ câu không bao giờ thực sự  hiểu được logic này, nhưng chúng luôn đoán gần trúng về quãng thời gian phải chờ để mổ lần tiếp theo. Skinner sẽ thay đổi quãng thời gian chờ ăn một cách ngẫu nhiên. Có lúc thì nó là 60 giây, có lúc là 5 giây, có lúc là 50 giây, có lúc là 200 giây.
Phải chịu đựng sự những sự bất định đó trong thời gian dài, những con bồ câu phát điên. Thế là chúng cứ mổ và mổ và mổ. Một con bồ câu đã mổ vào miếng nhựa 2.5 lần mỗi giây trong suốt 16 giờ đồng hồ. Một con khác thì mổ đến 87,000 lần trong vòng 14 giờ đồng hồ, và số lần mổ dẫn đến việc có đồ ăn chỉ là chưa tới 1%. 
Ở một chiếc lồng khác, người ta thay đổi cách thức mở cửa sổ. Thay vì liên kết với nút bấm, cửa sổ này tự động mở 20 giây một lần. Điều thú vị là, ở những lần đầu tiên, nếu trùng hợp cửa mở ngay lúc con bồ câu làm một hành động nào đó – ví dụ như vỗ cánh – thì nó sẽ tự huyễn hoặc là mỗi lần vỗ cánh thì cửa mở. Hành vi này được củng dần, vì bồ câu đã xem như đó là công thức thành công của chính nó rồi. Điều này được gọi là “Sự tự huyễn hoặc của con chim bồ câu” – the pigeon superstition.
Từ những quan sát này, cũng như các thí nghiệm khác trên chuột và các nghiên cứu sâu hơn, Skinner đã rút ra được các kết luận mà sau này có đóng góp rất to lớn cho ngành nghiên cứu về nguyên lý vận hành có điều kiện. Một trong số các kết luận đó là:
Các sinh thể luôn luôn ở trạng thái vận hành trong môi trường sống của mình, nói khác đi các sinh thể không ngừng vận động và di chuyển, thực hiện những việc cần phải làm. Trong quá trình vận hành có chủ ý này, những sinh thể tiếp cận có chú ý nhiều hơn với những kích thích đặc biệt có ảnh hưởng đến những vận hành ấy. Những kích thích này được gọi là kích thích củng cố đơn giản hơn đấy là một tác nhân củng cố. Kích thích củng cố có nhiệm vụ thúc đẩy số lần của một vận hành nhất định tăng lên trong tương lai. Nghĩa là một hành vi sẽ xảy ra nhiều hơn sau khi sinh thể tiếp cận với nguồn kích thích có lợi. Đây là quá trình vận hành phản xạ có điều kiện: Một hành vi tạo ra một kết quả, và kết quả ấy sẽ thuyết phục sinh thể để tạo ra một xu hướng lặp lại những hành vi ấy trong tương lai.
Và những bộ óc nhạy bén đã không bỏ qua các bài học rút ra được này để xây dựng nên một thế giới số khổng lồ của thế kỷ 21. Vào năm 2014, Nir Eyal đã xuất bản quyển sách "Hooked - How to form habit-building products" (tiêu đề tiếng Việt: Dẫn dắt người dùng), với mục tiêu là để trả lời cho câu hỏi:
"Làm sao mà những công ty này chỉ bằng những dòng lệnh lập trình trên màn hình lại dường như có thể điều khiển tâm trí người dùng?"
Những công ty này chính là Facebook, Alphabet (công ty mẹ của Google), Snapchat, Instagram, Amazon và nhiều gã khổng lồ số khác. Chỉ một vài nhóm nhỏ các công ty Internet đã tạo nên xương sống cho thế giới số của chúng ta hiện nay. Họ kiếm tiền bằng cách thu hút tâm trí của người dùng, biến các suy nghĩ và cảm xúc thành các lượt nhấn "like, "thả tim" hay là những dòng bình luận. Họ dồn sức và tiền bạc vào nghiên cứu để làm sao phối hợp các ứng dụng các thuật toán tân tiến nhất với các kết quả nghiên cứu tâm lý học để có thể thu hút càng nhiều tâm trí của người dùng càng tốt. Toàn bộ vận mệnh của họ nằm trong các thuật toán đó. 
Phần lớn người dùng chúng ta hay tự trách bản thân hoặc trách người khác khi thấy họ bị nghiện Internet. Những cú nhấp chuột không ngừng nghỉ, những sự hưng phấn không dứt, những lần mỏi món cái vì dùng điện thoại di động. Chúng ta trách bản thân mình vì bị nghiện. "Nhưng chúng ta cũng phải nhìn về mặt còn lại của vấn đề", Tristan Harris, một chuyên gia thiết kế ở Google, đã chia sẻ như vậy với nhà báo Michael Schulson. Anh nói rằng ở những gã khổng lồ công nghệ, "họ có hàng trăm chuyên gia thống kê và nhà khoa học dữ liệu thuộc hàng thông minh nhất thế giới, học ở những trường hàng đầu trên thế giới, với nhiệm vụ là phá vỡ ý chí của bạn". 
Điều đáng lo ngại không chỉ là việc có những công việc như thế tồn tại, mà còn ở việc nó được ca ngợi. Khi quyển sách "Hooked" được xuất bản, nó không nhận phải bất kỳ sự chỉ trích nào mà còn nhận được sự khen ngợi trên khắp toàn cầu, được coi là kim chỉ nam cho việc phát triển sản phẩm của vô vàn các công ty công nghệ khác trên thế giới, kể cả ở Việt Nam. 
Quyển sách đó ghi rõ chi tiết mô hình bốn bước để khiến người dùng bị nghiện. Ví dụ hãy nói về màn hình trang chủ của Facebook (newsfeed). Hai bước đầu tiên khá là rõ ràng, đó là bạn sẽ thấy một kích hoạt (tức thông tin sẽ được sắp xếp để bạn có ham muốn kéo xuống dưới xem tiếp), và nó sẽ dẫn đến hành động (tức bạn thực sự kéo màn hình xuống). Điều quan trọng nhất là bạn không được phép biết được bạn sẽ thấy gì khi kéo xuống, phần phần thưởng ở đây phải là biến thiên, để đảm bảo rằng mỗi lần kéo xuống bạn sẽ thấy một thứ mới. Ví dụ như đó có thể là một video video ngẫu nhiên về nấu ăn, hoặc là hình ảnh quảng cáo một chương trình du học, hoặc là bài đăng của người nổi tiếng.
Và cuối cùng, theo Eyal thì nguyên quá trình này phải cho bạn cơ hội để đầu tư thêm vào về mặt cảm xúc, ví dụ như là bấm thích hoặc chia sẻ. Và các hành động đầu tư về mặt cảm xúc này phải tăng thêm về tính cường độ, như dẫn đến hành động bình luận, tương tác với người đăng bài, để từ đó càng khiến bạn bị dính vào hơn vòng lặp: kích hoạt -> hành động -> phần thưởng -> đầu tư.  Khi đó bạn đã bị "hooked". Khi đó bạn đã trở thành con bồ câu trắng trong chiếc hộp của B.F Skinner. 
Sẽ có tranh luận rằng các sản phẩm số này chỉ đang cho người dùng thứ họ muốn, bởi vì nếu người dùng không muốn thì họ sẽ không sử dụng. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ các nền tảng này phóng đại ham muốn đó lên ở mức quá lớn. Có rất nhiều người vô sòng bạc với dự định chỉ chi tiêu khoảng 500 USD, và trở ra với số tiền trong tài khoản giảm đi 5000 USD. Điều tương tự cũng xảy ra với những ai dùng mạng xã hội. Mọi người lên mạng xã hội là để mong được giải trí, kết nối với bạn bè hoặc cập nhật tin tức. Những thuật toán này không chỉ cho người dùng những điều đó, chúng luôn muốn cho chúng ta nhiều hơn một chút, và nhiều thứ một chút này xảy ra liên tục khiến chúng ta không kiểm soát được hành vi của mình. 
Chúng ta luôn trách người khác và coi họ là có vấn đề khi họ bị nghiện chúng, nhưng rõ ràng đó là một hướng đi sai lầm, một giải pháp sai lầm vì xác định sai vấn đề. Trừ khi bạn không sử dụng Internet, còn không thì bạn không bao giờ thoát được các thuật toán này. 
Và những người trẻ của thế hệ Ipad là những người phải chịu thiệt thòi nhất. Đây là những lứa trẻ lớn lên với Google, Youtube, trưởng thành cùng Instagram và Tiktok. Phần lớn cha mẹ của chúng sẽ đều nhờ đến "ông thần số" để giúp chúng trở nên ngoan hơn: coi Youtube khi ăn, quăng cho điện thoại để ngồi yên chơi game trong lúc ba mẹ ăn cơm, dọn dẹp. Những đứa bé vốn dĩ chưa phát triển về mặt nhận thức đã nhanh chóng bị lấn át bởi những cảm xúc hưng phấn tạo ra từ vòng lặp hooked, khiến chúng trở thành những nạn nhân bị "nghiện" từ rất sớm. Không có bất kỳ cơ chế phòng thủ nào để chống đỡ, chúng bị chìm ngập trong vô vàn thông tin hình ảnh sinh động dồn vào não, chúng không có cơ hội để được nghỉ ngơi và suy nghĩ. 
Matthew Bates là một giáo viên đã có 20 năm giảng dạy ở trường trung học bên Mỹ. Ông đã nêu rõ tác động của công nghệ số lên lứa trẻ thời nay trong một bài viết trên Quora:
"Với những học sinh ở độ tuổi tôi đang giảng dạy (11-14 tuổi), vấn đề lớn nhất mà các em đối mặt hàng ngày là sự suy yếu ngày càng nghiêm trọng của khả năng tập trung. Tôi nhận ra vấn đề này ngày càng trở nên tồi tệ chỉ trong vài năm qua. Trước đây trong lớp thường chỉ có một hoặc hai học sinh gặp rắc rối với vấn đề này. Bây giờ thì là hơn nửa lớp. 
Biểu hiện của việc thiếu khả năng tập trung có thể thấy qua các dấu hiệu sau:
-Không thể tập trung lắng nghe giáo viên giảng quá 1 phút.

-Hay tơ tưởng trong lớp, đãng trí, lén chơi game trên điện thoại hoặc laptop trong khi đáng lẽ là phải làm bài tập.

-Không thể tự mình đọc và nắm bắt được nội dung của tiểu thuyết nếu không có sự giúp đỡ của giáo viên.

-Nhanh chóng cảm thấy nhàm chán với những buổi học mà không có hình ảnh sinh động chiếu trên màn hình. Còn việc đọc sách và bàn luận với các bạn khác ư? Mơ đi.

-Không thể làm theo các bước hướng dẫn. Nếu tôi ra yêu cầu đề bài “đánh dấu đúng hoặc sai cho các câu sau, sửa lỗi sai của những câu đó”, hơn nửa lớp sẽ quên làm yêu cầu thứ hai.

-Xu hướng lo lắng và trầm cảm ngày càng tăng.

-Luôn cần sự kích thích và truyền cảm hứng từ những người lớn để có động lực làm những thứ chúng cần phải làm, và dốc hết sức vào làm.

-Mất đi khả năng thưởng thức những thú vui mà không có tính chất tương tác (giống như chơi game) hoặc có tính chất giải trí nhanh và kịch tính (như phim hành động). 

-Rất ít học sinh thưởng thức việc đọc sách, và càng ít bạn thích xem những bộ phim chậm, nội tâm, ít có hiệu ứng đặc sắc. "

Việc các thuật toán liên tục tạo ra một chuỗi các hưng phấn nhỏ không dứt (ví dụ như chuỗi video của Tiktok) đã dẫn đến sự hời hợt trong cuộc sống: thay vì cố gắng đọc và hiểu một chủ đề khó, nhiều bạn sẽ tìm đến các mục như "Giải thích cho bé lên 5" của Reddit để hiểu được phần bề mặt của vấn đề, và từ đó cảm thấy là đã đủ. Cũng như thay vì dành thời gian đọc hết quyển sách và cảm nhận, thì chỉ đọc tóm tắt sách, thay vì rèn luyện kỹ năng thì luôn cố gắng tìm các chương trình giống như "thuần thục lập trình Java trong 1 tuần", không thể làm việc nếu không có "động lực". 

Một Mình Có Buồn Không

All of humanity's problems stem from man's inability to sit quietly in a  room alone

Đầu năm 2020 mình có quay lại thăm trường cũ bên Singapore trước khi bùng dịch Covid-19. Hiển nhiên là sau gần 10 năm trường đã thay đổi rất nhiều: thay đổi về thiết kế bên ngoài, đã có chương trình mới để nữ sinh vào học chung (trường gốc là trường nam sinh), và do đó cái nhà vệ sinh nam khổng lồ đã bị cắt đôi ra thành hai nhà vệ sinh, trường cũng xây thêm phòng tập gym, thêm phòng thí nghiệm, giáo viên cũ của mình người thì nghỉ hưu, người thì chuyển sang nơi khác.
Nhưng cái khiến mình chú ý nhất đó là khi mình mở điện thoại ra, mình thấy wifi của trường. Mình đã mất một thời gian để nhớ lại xem hồi đó mình đi học như thế nào. Bởi khi đã quen với việc luôn được kết nối 24/7, một thế giới không có wifi bỗng trở nên quá xa lạ, và việc mình từng sống trong thế giới đó càng khiến mình cảm thấy ngỡ ngàng. Phải mất rất lâu để mình nhớ lại được cậu nam sinh 10 năm trước từng đi học như thế nào.
Có nhiều thứ khác biệt 10 năm trước so với bây giờ, nhưng cái sự khác biệt lớn nhất đó là sự yên lặng. Mười năm trước, mọi thứ yên tĩnh hơn rất nhiều, nhất là trong tâm trí của mình. Mỗi ngày mình mất 1 tiếng đồng hồ để đi học, đi lúc 6h sáng (tức 5h ở Việt Nam) và về thì có lúc 2h chiều, có lúc 5h chiều nếu phải tham gia hoạt động ngoại khóa. Đi học buổi sáng khi đó rất yên tĩnh. Mình chỉ ngồi lên xe và ngắm phố phường trong đêm, và nghĩ về mọi thứ có thể nghĩ. Mình không nghe nhạc bởi vì máy Sony Walkman đắt tiền mình mua đã bị vào nước và hỏng chỉ sau vài tháng sử dụng, và mình không dám xin bố mẹ mua máy mới nên đành chịu. Nên là mình đành phải ngồi trên xe, không nói gì, nhìn bạn bè ngủ, nhìn phố phường, nghĩ về mọi thứ có thể nghĩ.
Đó là một quãng thời gian dài của việc ngồi một mình với bản thân. Ngồi ở trạm đợi xe buýt và không biết khi nào nó sẽ tới. Ngồi trên tàu hỏa và để hết mọi tiếng ồn trong tàu ập vào tai. Ngồi trên xe buýt và nhìn phố phường. Trong thời gian ngồi mình cứ nhìn mọi thứ, nhìn lá cây, nhìn vỉa hè, nhìn đường, nhìn xe chạy, nhìn mấy bạn nữ sinh trường hàng xóm, nhìn những anh lính đi nghĩa vụ quân sự. Mình cũng nhớ rằng mình nói chuyện với bạn bè rất nhiều bởi vì không có gì để làm ngoài nói chuyện cả. Nếu chán quá thì lấy sách hoặc tài liệu ra đọc. 
Một mình ở đây không phải là ngồi và không có bạn bè ở bên. Một mình ở đây có nghĩa là tâm trí không bị xâm lấn bởi người khác trong thế giới số. Không có những tiếng cười trong đầu đến từ các meme trên Facebook, không có âm nhạc rộn ràng của các video hài hước, không có những tiếng chửi rủa đả kích từ các bình luận, hay là những tính ting ting báo có tin nhắn mới. Không có thông báo khuyến mãi. Mình không có ai để nhắn tin và không mong đợi tin nhắn từ ai. Mình chỉ có thể giết thời gian bằng cách ngồi đọc sách, và nếu đọc không hiểu thì ráng ngồi đọc lại. Cứ thế ngồi đọc, kiên nhẫn đọc. 
Sau này nhìn lại, mình thấy rằng việc ngồi một mình với bản thân đó cũng là cơ hội để mình học cách tự kiểm soát cảm xúc cũng như tính kiên trì với bản thân. Bất kỳ cô bé, cậu bé nào đến tuổi dậy thì đều cũng trải qua những cung bậc cảm xúc rất mãnh liệt, mình cũng không tránh khỏi. Những lần ngồi một mình ấy bao nhiêu suy nghĩ cảm xúc lại ập tới: tiêu cực về bản thân, về bạn bè, thầy cô, trường lớp, về những chuyện tình cũ, về gia đình, về cô đơn. Khi đó mình hoàn toàn không có lối thoát: không có kết nối Internet nào giúp mình thoát khỏi những suy nghĩ đó cả. Không âm nhạc. Không có những lời khuyên trên mạng. Không thể tâm sự với bạn bè trên Facebook hay Zalo. Không có những câu chuyện hài nhảm để quên đi. Không thể dùng Google để tìm được câu trả lời mà mình mong muốn cho những băn khoăn bất ngờ âp tới trong đầu. Không có trò chơi trên điện thoại để thoát được sự chán chường. Không có các video Youtube để nghe TedTalk nói về việc tự chữa lành bản thân. Điều mình có thể làm được là ngồi đó và hứng hết các suy nghĩ đó. Hằng ngày trong hàng năm trời. Mình không biết bao giờ những giọng nói bên trong đó sẽ kết thúc, và mình đã lo rằng nó sẽ không bao giờ kết thúc. Nhưng mình vẫn kiên trì tập luyện kiểm soát chúng, có gắng hiểu tại sao chúng lại đến, vì mình tin rằng mình sẽ làm chủ được chúng.
Mình chụp bạn bè đi học về. Mọi người đều như đang lạc trong thế giới riêng trong tâm trí họ, không bị gián đoạn bởi hình ảnh hay âm thanh nào khác. Ảnh chụp năm 2011. 
Tất nhiên mình không nói rằng hồi đó cuộc sống mình không có công nghệ. Mình vẫn lên mạng bằng laptop để xem Youtube, coi meme trên 9GAG, chơi game online hay đọc về mấy thuyết âm mưu ở trên blog cá nhân. Tuy nhiên cuộc sống của mình khi đó không phải là kết nối 24/24. Phần lớn thời gian ở trường mình không vào Internet bởi vì trường không có wifi, máy tính trong thư viện thì luôn bị người khác dùng. Như vậy thường mỗi ngày đi học mình chỉ lên Internet khoảng 3, 4 tiếng. 
Nhờ những trải nghiệm đó mình đã có thời gian và không gian để hiểu về cảm xúc bản thân, về những suy nghĩ trong tâm trí, cũng như có thể ngồi và suy nghĩ về xã hội, cuộc sống. Có rất nhiều bài viết của mình ở trên này dựa vào ý tưởng từ những lần ngồi và đi một mình thời đi học. 
Đây không chỉ là trải nghiệm của riêng mình. Sự yên tĩnh đã được chứng minh có lợi cho sức khỏe tinh thần ở những mặt sau:
Giúp chúng ta cảm thấy thoải mái về mặt tinh thần, từ đó có thể nhìn lại bản thân một cách chính xác hơn, giúp hiểu bản thân hơn.Giúp kích thích sự sáng tạo. Những dòng suy nghĩ không bị gián đoạn sẽ đưa bạn đến những nơi bạn chưa bao giờ đến.Giúp tăng năng suất khi học và làm việc. Sự yên tĩnh giúp chúng ta tập trung, từ đó có thể học và làm việc với hiệu quả cao.Với trẻ em, sự yên tĩnh giúp chúng bình tĩnh lại, giúp chúng học và nhận thức được thế giới quan chung quanh tốt hơn, cũng như học tính kiên nhẫn.
Và còn nhiều lợi ích khác đến từ sự yên tĩnh. Đừng nhẫm lẫn với việc ngồi yên tĩnh một mình với việc cô đơn. Đây là hai trạng thái hoàn toàn khác nhau.

Tìm lại sự yên tĩnh

Cũng giống như giới truyền thông đã hiểu sai hoặc đánh giá thấp sức mạnh của hệ thống chiến đấu F-35, một thời gian dài chúng ta đã đánh giá thấp sức mạnh của các công nghệ số lên trí óc con trẻ. Chúng ta chỉ sợ chúng tiếp xúc với những nội dung xấu mà không nhìn thấy được những mầm mống các vấn đề tâm lý đã được gieo rắc vào trong trí não của trẻ em. Tệ hơn là khi những đứa trẻ này lớn lên và những vấn đề bắt đầu được bộc phát, chúng ta lại nghĩ rằng đó là do bản tính đứa trẻ như vậy chứ hoàn toàn không bao giờ nghĩ đến rằng nguyên nhân là do những màn hình cảm ứng tưởng chừng như vô hại kia.
Những bạn trẻ mình gặp, những người sinh nửa cuối thập niên 1990 và 2000 đa số đều thông minh. Các bạn biết nhiều hơn mình khi mình bằng tuổi các bạn, tư duy tốt hơn, đọc nhiều hơn, sử dụng công nghệ số thành thạo hơn. Tuy nhiên, cũng như thầy giáo Matthew Bates nhận xét, mình thấy rõ các bạn gặp phải vấn đề lớn hơn mình thời đó rất nhiều về mặt tinh thần. Xét rộng ra cả những người lớn tuổi hơn như lứa của mình, những người 9X đời đầu và 8X, cũng đang bị ảnh hưởng nặng. Có rất nhiều người ở tuổi 20 hiện nay cảm thấy mệt mỏi, bế tắc với cuộc sống, gặp các vấn đề về tâm lý. Và mạng xã hội là một yếu tố lớn đóng góp cho điều đó. 
Các bạn bị thế giới số xâm lấn trước khi người tre tạo ra cho mình những kỹ năng quan trọng như kỹ năng tập trung, kỹ năng ngẫm nghĩ, kỹ năng kiềm chế cảm xúc, kỹ năng giao tiếp cũng như khả năng tự đưa ra nhận định cho bản thân. Các bạn vẫn sẽ được rèn luyện các kỹ năng này khi lớn lên nhưng giai đoạn đó trở nên khó hơn rất nhiều so với mình hồi trước bởi vì các bạn thiếu đi một thứ trong quan trọng: thời gian yên tĩnh. 
Tâm trí của chúng ta không còn được cơ hội để yên tĩnh như trước mà như mảnh đất trống, nơi mọi loại ứng dụng xâm lấn với đủ loại thanh âm sắc màu. Tất cả mọi ham muốn của con người đều được khuếch đại lên, cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Điều đó tạo ra một thế giới trở nên cực kỳ phân cực. Một mặt chúng ta có những người xuất chúng làm chủ công nghệ để tạo ra đóng góp to lớn cho nhân loại, mặt khác chúng ta cũng có đầy rẫy những người mãi mãi là nô lệ của những cảm xúc ấy.
Điều đáng buồn đó là đây là sự thật trong thế giới này và chúng ta không thể thoát được chúng. Nếu bạn chịu khó đọc nhiều về vấn đề các công ty công nghệ kiểm soát tâm trí chúng ta, bạn sẽ thấy được một xu hướng kỳ lạ. Đó là sau một hồi phân tích, lên án và chỉ trích những tập đoàn này, người viết sẽ quay lại và nói rằng người dùng Internet phải tự thay đổi bản thân, cho dù rõ ràng các tập đoàn công nghệ kia có lỗi rất lớn. Bởi vì cho dù chúng ta có cố gắng như thế nào thì cũng không thể tách rời cuộc sống của mình với những thuật toán lạnh lùng kia. Chúng ta không thể mong chờ vào sự nhân từ của họ. Facebook vẫn tiếp tục phát triển ứng dụng Instagram Youth cho trẻ em bất chấp các quan điểm phản đối của nhiều tổ chức bảo vệ sức khỏe trẻ em. 
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta đang rơi vào tình huống vô vọng không lối thoát. Chúng ta có thể cải thiện được vấn đề bằng cách tạo ra không gian yên tĩnh của riêng mình và thưởng thức sự yên tĩnh đó. 
Với bản thân mình, mình đã dần kiểm soát lại được cảm xúc của mình và cân bằng tâm trí bằng những hành động sau:
Dành thời gian ngồi hoặc đứng một mình quan sát phố phường. Mình không làm gì ngoài ngồi nhìn và nhìn mọi thứ. Điều này cũng áp dụng khi lái xe. Giảm tối thiểu việc tham gia vào các hoạt động trên mạng: không xài thêm mạng xã hội mới ví dụ như TikTok, không quan tâm đến các phát ngôn gây tranh cãi, cố gắng tranh luận thắng thua trên mạng xã hội, sử dụng những câu nói đang "hot trend". Cố gắng duy trì hoạt động thể chất bằng cách đi bộ, tập thể dục.Dành nhiều thời gian để đọc sách và nói chuyện với mọi người ngoài đời thực hơn là trên mạng. Mình nhận ra rằng càng lớn mình càng có ít bạn, do đó còn ai có thể giữ được làm bạn thì phải cố gắng giữ. Dành thời gian để làm điều có ích: hỏi thăm giúp đỡ người thân, viết bài trên Spiderum. 
Mình thấy rằng cuộc sống của con người ở trên Trái Đất này bản chốt vốn là vô nghĩa, và các công ty công nghệ giúp nó trở nên sinh động hơn bằng cách tạo ra cho chúng ta vô vàn cảm xúc khác nhau. Nhưng những cảm xúc đó là nhất thời. Chúng ta không cần nhiều cảm xúc như thế, quá nhiều cảm xúc khiến chúng ta cảm thấy bị lấn át và không kiểm soát được suy nghĩ, hành động của bản thân mình. 
Do đó điều đầu tiên bạn có thể làm để kiểm soát lại cuộc sống của bạn, và tránh bị rối trí như những chú chim bồ câu kia, là tạo ra sự yên tĩnh cho riêng mình. 
Chúc bạn thành công.
Husky.
Ảnh đầu bài: Người đàn ông đang cho thiên nga ăn bởi Marcin Ryczek

Đọc thêm