SỰ HỌC Ở VIỆT NAM
Ôi, sao cứ phải bắt trẻ thế kỷ 21 phải biết câu chuyện của chúng ta?
1. Vấn đề một số gia đình/đơn vị giáo dục quá sùng bái tiếng Anh mà quên dạy trẻ diễn đạt tiếng Việt là hoàn toàn có thật. Tôi đã gặp một vài cháu bị yếu tiếng Việt như vậy hồi 2019. Vấn đề ở đây là, tiếng Anh của các cháu cũng không quá giỏi đến mức thay thế được tiếng Việt. Nếu con tôi cực giỏi tiếng Anh mà mù đặc tiếng Việt thì tôi cũng chỉ hơi buồn chứ không quá buồn. Vì sao vậy? Ngôn ngữ suy cho cùng cũng là công cụ như đao với kiếm. Múa đao giỏi rồi thì múa kiếm kém cũng chẳng sao. Múa được cả hai binh khí thì càng tốt. Nhưng tôi quan sát thấy, hiếm có hiệp sỹ nào giỏi cả kiếm và đao ngang nhau. Đâu nhất thiết bắt con cái phải giống hệt cha mẹ! Tại sao ta có quyền bắt trẻ em yêu cái cha mẹ yêu và ghét cái cha mẹ ghét? Nhiều người cứ than thở trẻ em bây giờ không biết con cà cuống và không biết thế nào là xay lúa giã gạo. Hôm qua, tôi nằm mộng thấy Nguyễn Trãi hiện về hỏi tôi tại sao tôi bỏ học chữ Hán, bỏ mặc áo the khăn xếp? Tại sao bỏ quốc hồn quốc túy? Tôi bảo, không ngờ người như cụ lại hỏi tôi câu ngớ ngẩn vậy. Ôi, sao cứ phải bắt trẻ thế kỷ 21 phải biết câu chuyện của chúng ta? Chúng sẽ có câu chuyện thú vị riêng của chúng. Vả lại, dù câu chuyện của chúng tồi tệ hơn của ta thì ta cũng chẳng làm gì được trước quy luật nghiệt ngã của thời gian. Không ai tắm được 2 lần trên một dòng sông huống chi là 2 thế hệ.
2. XÂM LĂNG VĂN HÓA là khái niệm ít được bàn thấu đáo.
Cuộc xâm lăng văn hóa long trời lở đất vào Châu Á của người Châu Âu đã diễn ra vào đầu thế kỷ 20. Và nó không hẳn xấu, thậm chí còn rất tốt.
Trước khi người Âu vào, chúng ta không hề biết dân chủ, nhân quyền, tự do cá nhân, tự do ngôn luận. Chúng ta thậm chí còn không biết cắt tóc, cạo râu, đánh răng và khám chữa những căn bệnh đơn giản. Người Tây vô cùng kinh ngạc trước tỷ lệ thai nhi và sản phụ tử vong cao ngất ngưởng. Họ đã dạy ta cách tiêm chủng và vệ sinh thường thức. Chúng ta được khai mở về mỹ thuật, khoa học – kỹ thuật, kiến trúc, văn học, triết học, kinh tế, giáo dục. Họ dùng từ “khai hóa” cho những dân tộc lạc hậu không hề vô lý.
Như vậy, xâm lăng văn hóa đã và đang diễn ra. Chúng ta được hưởng lợi từ nó không ít và đương nhiên, một số cái tốt cũng bị loại mất trong làn sóng Âu hóa.
Bởi thế, đứng trước văn minh Tây Âu, có hai dòng tư tưởng ngược nhau nhưng đều tồn tại và đều có lý do để tồn tại. Một là cổ vũ Âu hóa. Hai là cổ vũ phục hưng quốc túy quốc hồn. Hai phe đối lập ấy đã nương vào nhau mà sống vì thiếu cái nào cũng hỏng cả. Ở Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam đều có những nhân vật thuộc 2 đối lập ấy. Khang Hữu Vy, Lương Khải Siêu, Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Phan Châu Trinh, Phan Khôi, Tự Lực Văn Đoàn, Nguyễn Văn Vĩnh thuộc phe Âu hóa. Saigo (Nhật Bản), Đông Hồ, Viêm Thế Khải, Phạm Quỳnh…thuộc phe phục cổ.
Nhưng kết quả ra sao? Cái gì cần đến là đến, cái gì phải đi là đi. Theo tôi, bàn về cái gọi là xâm lăng văn hóa hoàn toàn vô bổ. Trong diễn biến của nó, thế lực nào gây được ảnh hưởng mạnh thì nó được chấp nhận và trở thành phổ biến rộng khắp. Thế lực nào yếu và lạc hậu sẽ bị nhấm chìm. Sở dĩ cả thế giới bây giờ mặc sơ-mi, comple, cà vạt vì nó ưu việt và tiện dụng hơn cách ăn mặc truyền thống của hầu hết các dân tộc. Nó đã thắng trong cuộc giao tranh văn hóa. Chiến thắng ấy hoàn toàn xứng đáng. Sao phải than thở? Các dòng nhạc rap, pop, rock, hiphop cũng vậy. Chúng được lan tỏa khắp thế giới. Trái lại, tuồng chèo, cải lương phải thu mình lại trong những sân khấu nhỏ. Tất cả đều có lý do cả. Tại sao ta phải trăn trở về những quy luật tất yếu của vũ trụ?
Và thật thú vị, sức mạnh văn hóa không luôn luôn thuộc về kẻ mạnh vũ lực. Người Mông Cổ, Mãn Thanh cai trị được Trung Nguyên của Hán tộc nhưng cả người Mông và người Mãn đều sửa mình theo văn hóa Hán. Chứng tỏ văn hóa có lối đi riêng của nó. Nó không thuộc về ý chí của nhà cầm quyền. Nếu nhà cai trị cố tình làm ngược, hậu quả sẽ vô cùng tai hại.
3. Sự can thiệp của nhà nước vào văn hóa nghệ thuật và giáo dục cần được bàn sâu và đa chiều hơn.
Biết được nhạc thính phòng, dân ca, tuồng chèo đang thoi thóp, nhà nước chi tiền để bảo tồn chúng. Đó là sự can thiệp đúng và nên làm. Tuy nhiên, nhà nước không thể làm được gì hơn. Chẳng hạn như, không ai có thể bắt trẻ em nghe Quan Âm Thị Kinh thay vì nghe rap Lối Nhỏ của Đen Vâu.
Việc chọn gì để học, việc gì để làm của người dân, nhà nước hoàn toàn không thể và không nên can thiệp. Nghĩa là cố tình can thiệp, hậu quả e rằng còn tồi tệ hơn so với để mọi việc diễn ra tự nhiên theo bàn tay vô hình của Adam Smith. Thực tế đã chứng minh, nhà nước sờ tay vào lĩnh vực gì thì lĩnh vực ấy đều thua lỗ và đổ nát. Tư nhân hóa, cổ phần hóa xong thì đa số lại sống dậy và vươn lên mạnh mẽ. Vậy ra, xã hội cũng vận hành như một cơ chế sinh học, không ai có thể đốt cháy giai đoạn, điều chỉnh một cách thô bạo vào hoạt động của nó.
Gần đây, theo tôi quan sát, giáo dục đã dần được cởi trói và nó cần phải được cởi trói hơn nữa. Ý kiến nào nói nhà nước cần điều chỉnh vào cơ cấu nghề nghiệp và việc học của dân là hoàn toàn đi ngược xu hướng thời đại. Nhà nước không nên và cũng không thể làm nổi việc đó.
Người dân a dua chọn sai, làm sai một thời gian sẽ tự nhận ra và tự điều chỉnh. Ví dụ ngày nay, một loạt học sinh nông thôn Nghệ An đã không thi đại học mà chuyển qua học nghề. Ai bảo các cháu làm điều đó? Chắc chắn phải do các cháu (và cha mẹ các cháu) tự nhận thấy cầm tấm bằng đại học cũng không đảm bảo về một tương lai tốt mà chi phí lại quá tốn kém (cả thời gian và tiền bạc).
Cách đây 30 năm, dân ta đổ xô đi làm nail bên Mỹ và hốt bạc. Bây giờ nhu cầu thị trường ít đi, người ta lại không đua nhau học nghề nail như xưa nữa. Mọi thứ theo tự nhiên diễn ra nhịp nhàng lắm.
Sao không phạc nhiên đy?
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất