nguồn: Cuộc dự thi Song Hành: Mạng lưới ung thư vú Việt Nam - Breast Cancer Network Vietnam

Câu chuyện sau được viết bởi bác gái ruột của mình.

Bài viết này mình không làm bản song ngữ vì muốn các bạn cảm nhận được trọn vẹn những tâm tư và chia sẻ của gia đình mình.

Cả đời, bố tôi là nhà khoa học. Bố luôn tin khoa học có thể giải quyết được tất thảy. Vậy nên cái ngày mắc bệnh ung thư, ông vẫn bảo chữa bệnh đến 75 tuổi chết là vừa.
Khổ nỗi, thời gian đâu có rộng rãi vậy. Mổ và hóa trị chưa được bao lâu, ông lại tái phát. Tốc độ phát triển của khối u thật đáng nể. Ông vẫn tràn đầy hy vọng vì đọc các bài báo nói rằng bệnh viện Quảng Châu (Trung Quốc) tìm ra phương pháp trị ung thư mới.
Còn tôi, người được tiếp thu triết lý của Đức Phật nên hiểu rằng cái chết vốn là một phần của cuộc sống. Đạo làm con báo hiếu cần giúp cha mẹ đi nốt đoạn cuối cuộc đời một cách suôn sẻ, bình an. Tôi tự đi tìm đọc các tài liệu hướng dẫn về việc chuẩn bị cho người sắp sửa ra đi.
Bạn không thể nói với một người đang khát khao sống rằng họ sẽ chết, rằng họ hãy từ bỏ chữa bệnh đi… Bạn cũng không thể giảng giải đạo lý với họ. Nhưng nếu bạn cũng vào hùa với họ để tạo ra ảo giác về sự sống, thì sau đó khi ảo ảnh tan vỡ, họ sẽ đau khổ gấp trăm lần.
Tuyển tập thơ ông mình viết trong nhiều năm trước khi mất, cũng may là kịp in ấn trước khi ông mất.
Tuyển tập thơ ông mình viết trong nhiều năm trước khi mất, cũng may là kịp in ấn trước khi ông mất.
Ông rất hay hỏi tôi: “Theo con, bố có nên mổ, bố có nên uống thuốc XXX?”. Tôi đáp rằng: “Không ai ngoài bố có thể quyết định mạng sống của mình, bố muốn thế nào, con sẽ làm theo. Con không thể quyết định giùm nhưng con có thể cung cấp các thông tin khách quan để bố tự ra quyết định”. Như đã hứa, tôi làm theo tất cả yêu cầu của ông, không phản đối bất cứ quyết định nào mặc dù tôi biết chẳng giúp ông sống thêm.
Quá trình tự ra quyết định, cũng là quá trình giúp ông nhận thức dần dần về khả năng sinh tồn của bản thân và cái chết đang đến gần. Đến một ngày, ông nói với tôi: “Thôi, bố không đi Trung Quốc nữa, bố ở lại Việt Nam vì bố biết là bệnh không chữa được nữa rồi. Bố chấp nhận chết”.
Cái nhìn về cuộc đời của ông mình.
Cái nhìn về cuộc đời của ông mình.
Khi ông chấp nhận sẽ ra đi, ông bắt đầu suy nghĩ về những điều mình mong mỏi. Tôi hỏi ông muốn làm nốt những việc gì? Còn ai ông muốn tâm sự, giãi bày không? Ông muốn lễ tang của mình thế nào?
Ông bắt đầu thổ lộ về những lỗi lầm muốn sám hối, dặn dò về phần tài sản, sách vở để lại. Ông muốn mời các anh em vào chơi, muốn kêu cháu ngoại về, mời những người bạn, học trò thân thiết đến tâm sự… Ông chia sẻ những điều mới nhận ra sau thời gian lâm trọng bệnh. Hóa ra, có nhiều điều mà khi làm nhà khoa học, ông chả mấy ngó ngàng. Dường như mấy tháng cuối đời, nhờ trải nghiệm bệnh tật tê tái, ông mới nhận ra được sự thật đơn giản mà suốt 70 năm tồn tại ông chưa từng thấy quý trọng.
Nhớ ông nhiều.
Nhớ ông nhiều.
Nhờ những trải nghiệm với ông, tôi có thể nói bị ung thư chưa hẳn đã là tệ nhất mà có lẽ còn chút may mắn. Vì bạn còn có thời gian sắp xếp cho cuộc ra đi của mình, còn kịp làm nốt những điều dang dở và nói lời yêu thương chưa kịp hoặc chưa dám nói.
Lúc ông ra đi cũng là lúc mong muốn của ông được thực hiện đủ đầy. Lễ tang được chuẩn bị trước nên cũng đầy đủ, tươm tất theo ý nguyện. Không khóc than, không ai oán để người ra đi được yên lòng. Những vòng hoa thật đẹp dành cho một linh hồn yêu hoa trái. Người đi – Người ở đều chia tay nhẹ nhàng.
Mình và ông, 13 năm trước.
Mình và ông, 13 năm trước.
Chia tay Cha, tôi còn cuộc song hành với Mẹ - một chiến binh ung thư vú. Tôi không biết trải nghiệm song hành cận tử sắp tới là gì. Chỉ biết rằng, nếu hiện tại ta sống hết lòng với người xung quanh như thể ngày mai chúng ta sẽ ra đi thì cho dù cuộc chia tay diễn ra bất cứ lúc nào chúng ta sẽ chẳng còn gì phải hối tiếc phải không?
Duy Bùi, Paris 2022.