Từ lâu câu nói vui dân gian này đã truyền miệng tại các vùng nông thôn Thừa Thiên Huế : “Vui như làng đẻ được ông Bộ”. (Ông Bộ tức là người con trai bán nam bán nữ). Gia đình nào may mắn đẻ được ông Bộ” thì phải khai báo ngay với làng để các quan hữu trách cấp trên bẩm báo với bộ Lễ, bộ sẽ cho nuôi nấng đứa trẻ theo nghi lễ trong cung, khi đủ tuổi sẽ được đưa vô Đại nội làm thái giám phục vụ công việc thường ngày trong cung cấm. Làng nào đẻ ông Bộ” sẽ được tha thuế trong ba năm. Vì thế mà dân làng vui mừng khi biết địa phương mình có “ông Bộ”.
Những người mới sinh đã bán nam bán nữ gọi là “giám sanh”. Tuy nhiên việc tuyển giám sanh thường khó và không an toàn tuyệt đối. Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những người đàn ông vì sinh kế tự nguyện cắt bỏ tinh hoàn để được tuyển vào cung làm thái giám thì gọi là “giám lặt”. Người làm thái giám trong cung gọi là Hoạn quan. Hoạn ở đây có nghĩa là làm tôi tớ. Nhưng do cái tên Hoạn quan làm cho người ta hiểu từ hoạn là thiến. 
Thái giám là những người thân cận và biết rõ đời tư của vua và được phép hầu hạ cung tần mỹ nữ của vua. Để tránh sự lộng quyền của thái giám, nhà Nguyễn chỉ dùng thái giám để sai vặt chứ không cho dự vào chính sự. Nhà Nguyễn đã có một bài học rút ra từ thái giám Lê Văn Duyệt thời Nguyễn sơ. Lê Văn Duyệt là một thái giám được ở chỗ màn trướng của Nguyễn vương (sau này là vua Gia Long) có công khôi phục lại sơn hà của nhà Nguyễn. Về sau với chức vụ Tổng trấn đã quyết định nhiều việc quan trọng ở Gia Định- Đồng Nai Ngoài ý muốn của vua. Điều đó làm cho các vua đầu triều Nguyễn, đặc biệt là vua Minh Mạng hết sức bất bình. Để tránh sự lộng quyền của thái giám cho muôn đời sau. Vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836), vua Minh Mạng cho dựng tại Văn Thánh miếu một tấm bia khắc rõ chủ trương chỉ dùng thái giám để “sai khiến, truyền lệnh trong chốn nội đình mà thôi, không được dự một chút nào mọi việc triều chính bên ngoài. Ai phạm phải điều này đều bị trừng trị nặng không chút khoan tha”. 
Về cuối đời, các thái giám triều Nguyễn phải cư trú ở một ngôi nhà phía Bắc hoàng thành là Cung Giám viện. Họ không được chết ở những chốn linh thiêng như trong Đại nội hoặc trên lăng tẩm. Cuộc đời của thái giám bên cạnh phải chịu số kiếp của kẻ tôi tớ suốt đời trong cung cấm, cũng phải phải chịu số phận hẩm hiu cô đơn khi sống, hoang lạnh khi chết.
<i>Hình ảnh những Thái giám dưới triều Nguyễn</i>
Hình ảnh những Thái giám dưới triều Nguyễn
Ngày nay, cái tên thái giám, hoạn quan chỉ còn trong sách vở cũ, lớp trẻ lớn lên không biết thái giám, hoạn quan là loại người gì.