"SELF-FULFILLING PROPHECY"
"SELF-FULFILLING PROPHECY"- "Lời tiên tri tự ứng nghiệm", hay "Lời tiên tri tự hoàn thành". Hiểu đơn giản là hiện tượng khi một người...
"SELF-FULFILLING PROPHECY"- "Lời tiên tri tự ứng nghiệm", hay "Lời tiên tri tự hoàn thành". Hiểu đơn giản là hiện tượng khi một người tin tưởng vào một điều chưa diễn ra, cuối cùng điều đó sẽ trở thành sự thật.
Có một thói quen mà bản thân mình duy trì gần đây đó là từ chối nạp bất kì thông tin gì mà làm giới hạn năng lực của mình. Ví dụ những câu như "Mày không làm được đâu, mơ ít thôi, ăn hại,...".
Okay, cứ cho là những người đó họ có ý tốt khi đưa lời khuyên để giúp mình chọn con đường đúng đắn, phù hợp. Nhưng mà, tại sao họ biết cái gì là không đúng đắn và phù hợp với mình? Họ biết gì về mình? Biết được bao nhiêu %? Họ biết được gốc gác, giáo dục, mối quan hệ, lối sống, tính cách, suy nghĩ, cảm xúc, tâm lý, ngoại hình, sức khỏe, học thức, tư duy, tài năng, điểm yếu, điểm mạnh, văn hoá, dân tộc, tôn giáo, môi trường, tiềm năng, giá trị,... của mình hay không? Họ có chịu trách nhiệm gì cho mình không?
Và mình cũng không quan tâm nhiều đến tâm linh bói toán kiểu năm nay năm hạn không được làm cái này cái kia, sẽ gặp xui xẻo, đổ vỡ,... Không nói đến chuyện "tâm linh không đùa được đâu" nhé:)). Nhưng mình không thích tiếp nhận những thông tin như vậy vì nó tác động rất xấu đến suy nghĩ của mình. Nó giống như một cái bẫy tâm lý có thể sẽ cản trở sự phát triển của mình khi mình cứ vô thức tự dự đoán những kết quả tiêu cực.
Hồi bé đi học mình hay đạt điểm thấp nên không được giáo viên quan tâm nhiều. Cô luôn tin rằng mình không thể đạt đủ điểm qua cấp hay không thể học tốt sau này vì cô đã hình thành một ấn định tiêu cực về khả năng của mình. Rồi cô cũng không chủ động, không cung cấp đủ hỗ trợ, khích lệ hay cơ hội cho mình vì thấy mình không tiềm năng gì. Do ảnh hưởng của giáo viên nên mình cũng bắt đầu tin rằng mình "dốt" thật. (Giải toán toàn dưới 5 điểm thì chẳng dốt:v). Mình giảm tinh thần, năng suất trong việc học tập rất nhiều, không hăng hái, không tha thiết thiết gì nữa vì mình nghĩ lực học của mình chỉ có vậy. Và càng như thế mình lại càng dốt dần, từ 5 điểm xuống còn 1-2 điểm:)).
Đấy là 1 ví dụ cho hiện tượng "Self-fulfilling prophecy" mình nhắc ở phần đầu tiên ấy. Đấy là "niềm tin" của bạn về những gì "sẽ xảy ra" sẽ thúc đẩy những hành vi, quyết định khiến kết quả đó "cuối cùng sẽ thành hiện thực". Nếu bạn tin rằng bạn sẽ thành công trong một kế hoạch thì năng lượng tích cực sẽ được kích hoạt giúp bạn có thể làm việc tập trung, chăm chỉ hơn... và cơ hội tốt cứ ngày càng rộng mở hơn với bạn. Bởi vì bạn đã tư duy và hành động tích cực, tạo ra môi trường tích cực thì khả năng cao bạn sẽ đạt được thành công trong dự định của mình. Còn nếu bạn nghĩ mọi thứ diễn ra sẽ không như ý muốn thì bạn có xu hướng nỗ lực ít hơn hoặc không thực hiện được các bước có thể xoay chuyển tình thế. Điều đó có nghĩa là việc mong đợi điều tồi tệ sẽ càng dẫn đến kết quả tồi tệ nhất.
Viết lằng nhằng quá:v. Mình lấy thêm ví dụ cho dễ hiểu vậy.
Bạn là người hướng nội "ngại giao tiếp". Khi được mời tham gia vào một sự kiện cộng đồng, bạn hay tự suy nghĩ tiêu cực về khả năng tương tác xã hội của mình, kiểu như nghĩ mình sẽ không thể tìm thấy chủ đề để trò chuyện, mình không bằng họ, không thể thu hút sự chú ý… "Trước khi" tham gia sự kiện mà bạn đã có thái độ và suy nghĩ như vậy thì có thể dẫn đến "hành vi tự giới hạn". Bạn sẽ có xu hướng né tránh giao tiếp. Càng né thì bạn hành động trong vô thức theo kiểu đúng một người kém giao tiếp nên sẽ khiến mọi người xung quanh cảm thấy bạn không quan tâm hoặc không muốn giao tiếp và không ai muốn giao tiếp với bạn thì sẽ tạo ra khoảng cách cho mối quan hệ. Vậy lại càng có thêm căn cứ để bạn tin rằng bạn là người kém giao tiếp, người không biết kết nối. Cuối cùng bạn thành người như thế thật. Mà trong khi đó thực tế là tất cả mọi người đều có sự ngần ngại khi gặp người mới chứ không phải riêng bạn. Chỉ khác ở cái thái độ, cách nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực thì có thể thay đổi đáng kể cách người khác nhìn nhận về bạn và bạn sẽ tự tin hơn trong tất cả các cuộc gặp gỡ. Khi tự tin rồi thì bạn cảm thấy thoải mái và dễ kết nối với mọi người hơn, tự khắc vốn giao tiếp của bạn sẽ tăng lên và bạn sẽ hoạt ngôn hơn.
Hay nói về tâm linh đi. Bạn là người thiên hướng tin vào tâm linh như năm hạn, tam tai, thái bạch hay đen đủi… Vậy nên khi gặp phải một vài khó khăn trong năm hạn, bạn lại càng tin rằng đó là vận mệnh của mình, rồi tự ràng buộc và hạn chế hành động tiếp theo của mình. Vì "sợ" nên bạn không dám làm gì nhiều nữa, rồi "tạm dừng lại" hết những kế hoạch hay dự định lớn của mình. Cứ "tạm dừng mãi" rồi bạn cũng quên dần luôn. Cuối cùng là bạn bỏ lỡ nhiều cơ hội, bạn chẳng làm được cái gì và thất bại. Thất bại đúng hệt như bạn "tự dự đoán". Nhưng trong thực tế, những biến cố xấu đấy có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên và không có sự liên quan chặt chẽ với năm hạn hay các khái niệm khác. Chính vì bạn xem bói trước về sự đen đủi nên nó hình thành ngay trong tâm thức của bạn nên bạn càng để ý nhiều hơn đến sự đen đủi mà bỏ qua hết mọi điều tốt đẹp xung quanh. Rồi mọi hành động của bạn y như người đang mang đầy rủi ro thật vậy, khúm núm ngần ngại sợ sệt rồi dẫn đến kết quả không mấy tốt đẹp rồi lại đổ lỗi do năm xui.
Ví dụ rõ hơn trong một cuộc thi đấu vật, khi vừa nhìn thấy đối thủ cao to đen hôi thì bên người mỏng gầy đã rén hết cả rồi:)). Kiểu đầu không xuôi thì đuôi không lọt ấy. Và tự họ nghĩ ngay mình sẽ thua rồi chẳng còn tha thiết dùng hết sức để chống chọi nữa. Như vậy lo chẳng thua thật. Mà trong khi đó chưa chắc kết quả cuối cùng là họ sẽ thua.
Vậy nên có những chuyện bạn không làm được hay thất bại có thể là do tâm thức bạn chưa đủ vững chứ không hẳn là do bạn không đủ năng lực. Tâm thức thường đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành "niềm tin và hy vọng", tạo nên một dạng "tự chứng thực" của dự đoán ban đầu.
Môi trường sống xung quanh góp phần khá lớn trong việc hình thành tâm thức, nhưng thật đen vì chúng ta đang sống trong một xã hội đầy rẫy những người kéo tâm thức của chúng ta xuống:)).
Những đứa trẻ có nhiều ước mơ, hoài bão mà nhiều người lớn cứ bảo nó bớt tham vọng lại đi, mày dốt, mày không làm được đâu… Họ nhìn ở một khía cạnh rất nhỏ hay góc độ của người đi trước đã thất bại rồi đánh đồng tất cả đến các thế hệ sau cũng sẽ thảm hại như vậy.
Cứ cho là tham vọng quá không tốt đi. Phải biết vị trí mình ở đâu rồi là trèo cao ngã đau... Nhưng mà thay vì người lớn cứ dìm tham vọng của trẻ xuống thì tại sao người lớn không học cách phân tích, góp ý rồi dẫn dắt và bày ra nhiều kế hoạch hợp lý khác cho trẻ tự lựa chọn... Hay thậm chí người lớn còn chưa từng trải qua hoặc chỉ đơn giản là nghe những lời khuyên cực kì sáo rỗng từ nhiều người khác.Không có gì là dễ cả. Đúng, thì đời không như là mơ mà. Vậy tại sao người lớn không dạy trẻ cách quản lý rủi ro, cách nhìn nhận và xử lý vấn đề, cách rút ra bài học hay cách đứng dậy sau những lần khủng hoảng, thất bại sấp mặt.
Đích đến thành công hay thất bại có lẽ đâu có quan trọng bằng những chặng hành trình trải nghiệm. Tuổi trẻ là tuổi nhiều "lửa" nhất mà cứ bị dập tắt đi bởi những lời lẽ tiêu cực và độc hại khiến trẻ tự nghĩ mình là một đứa "vô dụng" nên bị chết trong tư duy ngay khi còn chưa bắt đầu. Rồi sau nó không có nổi một ước mơ, không biết mình thích gì, không có một cái mục tiêu gì để bám vào mà cứ mặc kệ cho dòng đời xô đẩy.
Những việc "chính bạn" chưa làm thử thì bạn sẽ không biết năng lực thực sự của mình mạnh đến cỡ nào đâu. Làm thử đi mới biết được. Làm thử thấy thất bại thì cũng đừng vội nghĩ mình ăn hại. Cứ từ từ bình tĩnh thui không dễ gãy lắm=)). Bạn đã bắt đầu làm là đã thành công rồi còn kết quả như thế nào còn phụ thuộc thêm vào rất nhiều yếu tố khác nữa. Suy cho cùng kết quả thành công hay thất bại chỉ là sự kỳ vọng của bạn mà thôi. Giữ vững cái "chí" vì cái gì tốt đẹp thường đến muộn mà.
Mỗi khi sự nghi ngờ xuất hiện, khi bạn tự nghĩ mình không đủ giỏi hay nghĩ mình được gắn nhãn là một loại người này người kia thì bạn cứ lắc đầu mạnh một cái và nói tao có thể làm được và bắt tay vào làm ngay lập tức, không để đầu óc suy nghĩ nhiều nữa...
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất