Thiên tài là rất hiếm - có lẽ chỉ 1 đến 5 người trong 10 triệu người.
Đây là kết quả hiện lên đầu tiên khi mình google câu hỏi "How rare are geniuses" (Thiên tài hiếm như thế nào?) Mình không muốn bàn về độ chính xác hay đáng tin của số liệu này, vì bản thân trong câu nói cũng đã dùng từ "có lẽ" rồi. Nhưng một điều chắc chắn là câu nói này muốn nhấn mạnh mức độ hiếm có khó tìm của thiên tài, với các năng lực được liệt kê vào dạng thiên bẩm.
Nhưng những người ở giữa, hoặc gần với đỉnh tháp trí tuệ ấy thì không phải là hiếm, họ có thể được gọi là các chuyên gia, nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ,...những người có năng lực cao và hiểu biết chuyên sâu về một hoặc nhiều lĩnh vực nào đó. Bác sĩ chuyên khoa thần kinh học Daniel Levitin đã viết trong tác phẩm "This Is Your Brain On Music" (2006) của mình rằng:
Mười nghìn giờ đồng hồ luyện tập là đòi hỏi bắt buộc để đạt được cấp độ tinh thông và khả năng trở thành một chuyên gia đẳng cấp thế giới – trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Nghe giống như một câu nói tuyên truyền trong các cuốn sách self-help phải không, nhưng mình nghĩ vị bác sĩ này không đưa ra kết luận như vậy từ một sự ngẫu hứng nào đó đâu. Nhìn vào mặt tích cực, có thể hiểu vị bác sĩ muốn truyền cho chúng ta động lực cố gắng, khuyến khích chúng ta thiết lập lại suy nghĩ (mindset) để thành công. 
Tuy nhiên, trong một chương trình về trí tuệ mà mình được xem, một giám khảo khoa học đã phải thốt lên rằng, những giới hạn và năng lực của bộ não con người thực sự quá ấn tượng, có những hiện tượng mà cho đến bây giờ các nhà khoa học vẫn phải đang nghiên cứu. Nếu chúng ta áp dụng quy luật 10,000 giờ của bản thân để chạy đua với các bộ não thiên tài như vậy thì thực sự là quá mạo hiểm. 

Nhắc tới bộ não thiên tài, có điều gì đặc biệt hơn ở những bộ não thiên tài với tuổi đời rất nhỏ?

Nguồn ảnh: express.co.uk

Nếu bạn có cơ hội được tiếp xúc với những đứa trẻ như vậy, hoặc chính là người trực tiếp chăm sóc và nuôi dạy chúng, thì đó thực sự là một cuộc hành trình thú vị nhưng cũng lắm niềm đau. 

Không có tên gọi chính thức

Ở trong tiếng Việt, chúng ta có những từ như "thiên tài", "thần đồng", "tài năng", "năng khiếu", "có tài",...được sử dụng rộng rãi một cách cảm tính mà không có bất kì tiêu chuẩn nào. Nhưng điều này cũng dễ hiểu mà thôi, vì thực sự rất khó để định nghĩa chính xác những đứa trẻ ở trường hợp này. Thậm chí bản thân hai từ "thiên tài" ở tiêu đề của mình cũng không phù hợp để dùng, nhưng mình đã để chúng trong ngoặc kép rồi.
Không chỉ khó khăn với tiếng Việt, hành trình tìm những từ ngữ để miêu tả gần và đầy đủ nhất những học sinh như vậy trong tiếng Anh cũng gặp không ít trắc trở, một số ví dụ có thể liệt kê là:
• Able pupils 
• More able pupils 
• The very able 
• Exceptionally able 
• Gifted 
• Talented 
• Gifted and talented 
• Those with exceptional talent 
• Pupils with marked aptitude
Tất cả những tên gọi trên đều miêu tả những đứa trẻ có khả năng, năng lực nổi trội/đặc biệt trong một hoặc nhiều lĩnh vực nào đó. Nhưng chúng đều có vấn đề. Ví dụ như cụm từ "more able", cụm từ này muốn ám chỉ rằng những đứa trẻ này sở hữu khả năng, năng lực học tập, làm việc, hoạt động,...cao hơn, nhưng mà cao hơn ai mới được? Nếu một học sinh được cho là more able, thì rất có thể dẫn đến một sự ngộ nhận khác là các học sinh còn lại sẽ bị cho là less able (năng lực kém hơn). Việc so sánh như vậy dù vô tình hay cố ý cũng khiến môi trường học tập chung trở nên không thoải mái.
Nguồn ảnh:  borntosoar.com.au
Một số cụm từ khác lại mang sắc thái quá tâng bốc dễ khiến người ta hiểu nhầm rằng đây là một dạng năng lực bẩm sinh, do vậy nên những nỗ lực trong quá trình học tập của những đứa trẻ này không còn quan trọng. Nói cách khác, sở hữu năng lực cao trong một lĩnh vực nào đó cũng có thể được cho là "gifted" (có tài, có năng khiếu, tài năng, có khả năng đặc biệt...), thiên về việc nhấn mạnh rằng đây không phải là một dạng năng lực mà ai cũng có thể sở hữu.
Và rồi cuối cùng, một cụm từ dường như được chấp nhận rộng rãi và ưu tiên sử dụng nhất đó là "highly able pupils", chỉ những học sinh có năng lực học tập và làm việc vượt xa các bạn bè đồng trang lứa của mình.
Nhưng xin nhắc lại rằng, vẫn không hề có một khái niệm nào được chấp nhận hoàn toàn, hoặc được chính thức công nhận. 

Không hề có một tiêu chuẩn rõ ràng để xác định những đứa trẻ này trong môi trường giáo dục

Cụ thể hơn là, không một bài test nào có khả năng chỉ ra rằng một đứa trẻ có phải là "highly able" hay không. Giáo viên có thể tham khảo một số cách thức sau:
1. Đánh giá kiến thức, kĩ năng hiện tại của trẻ, những gì trẻ đã đạt được và tốc độ tiến bộ 
2. Quan sát và nhận biết một số hành vi nhất định ở học sinh có liên quan đến việc sở hữu năng lực học tập, làm việc cao
 3. Thu thập thông tin từ những người khác như bạn bè của đứa trẻ, phụ huynh, đồng nghiệp, và các chuyên gia khác cũng đang làm việc với trẻ.
Mỗi một đứa trẻ như vậy có cách thể hiện tài năng của mình rất khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh, lĩnh vực. Chúng có thể giỏi xuất chúng ở một bộ môn nào đó, nhưng lại dở tệ ở một bộ môn khác. Hoặc chúng có xu hướng giấu đi tài năng của mình vì một vài lí do nào đó, chẳng hạn như một cậu bé sẽ bị cho là không thú vị (uncool) khi là một tên mọt sách (geek), mặc dù còn một cụm từ rất đẹp đó là "người đam mê những hoạt động trí não"
Một phân cảnh trong phim Gifted (cùng đạo diễn với bộ phim 500 Days of Summer - Marc Webb) có thể được coi là ví dụ thú vị cho việc này. Mary, một cô bé thiên tài toán học 7 tuổi đã chấp nhận im lặng và để mọi người hiểu nhầm về tài năng của mình. Lý do là vì bài toán mà cô được yêu cầu giải từ một giáo sư đại học thực chất là đã sai đề. Nhưng vì cậu của cô bé dặn rằng người lớn không thích bị chỉ ra lỗi sai nên cô đã im lặng. Cô nói, không ai lại thích một đứa trẻ quá thông minh cả. (Nobody likes a smartass)

Ở điểm này những bài test về năng lực, kiến thức dường như không còn đủ nữa, chúng ta cần vượt xa khỏi những cách thức truyền thống để kết hợp với các yếu tố như quan sát xã hội, tiếp cận bằng cảm xúc, hoặc sử dụng cả những liệu pháp tâm lí. 
Vì không có một tiêu chuẩn cụ thể nào để xác định những đứa trẻ này trong môi trường lớp học, nên sự hiểu biết của giáo viên đối với đối tượng học sinh của mình đóng vai trò rất quan trọng. Đôi khi trực giác của một giáo viên và sự can thiệp kịp thời cũng có thể hữu ích trong quá trình này.

Xu hướng tác động/can thiệp vào sự phát triển não bộ của con trẻ

Cùng với sự phát triển ngoạn mục của công nghệ (remarkable technology advances), các nghiên cứu về bộ não con người (brain analysis) trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Các nghiên cứu này cũng được công bố rộng rãi và mọi người bắt đầu áp dụng cũng kết quả nghiên cứu ấy nhằm tối ưu hóa (optimize) khả năng của bộ não. Có những gia đình đã nghiên cứu và áp dụng chúng ngay từ khi đứa trẻ còn chưa ra đời, rồi trong suốt cả quá trình phát triển của đứa trẻ ở những năm đầu đời (early brain development). Tất cả những điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi (accelerate) cho sự phát triển của não bộ, khiến chúng đạt được mức độ phát triển cao nhất có thể. 
Kết quả là số lượng những đứa trẻ với bộ não phát triển ngoạn mục như vậy ngày càng nhiều. Ở Trung Quốc, người ta thậm chí còn đang xem xét sẽ cho bộ môn lập trình vào chương trình học chính thức dành cho học sinh tiểu học. Các phụ huynh cũng cho con mình làm quen với bộ môn này từ mẫu giáo. Một học sinh tiểu học thậm chí còn điều hành một kênh dạy lập trình riêng dành cho mọi người. Nếu phương Tây lâu nay vẫn chuộng hình thức phát triển tự do, không nặng về chương trình học, ưu tiên các hoạt động ngoại khóa, phát triển kĩ năng thì nay cũng đã dần mọc lên các lò đào tạo thiên tài. Các bà mẹ châu Âu cũng dần du nhập hình thức đào tạo con trẻ từ các bà mẹ châu Á, với những khoản tiến kếch xù đầu tư vào giáo dục cho con.
Điều này thực sự đã tạo ra thách thức không hề nhỏ cho ngành giáo dục. Việc gia tăng số lượng những đứa trẻ với năng lực cao như vậy khiến cho ranh giới để phân biệt giữa "thiên tài" và "người bình thường" trở nên mong manh hơn, đi cùng là sự thay đổi lớn trong hệ thống giáo dục, chương trình học, cách giảng dạy và mặc bằng chung của lớp học. Bên cạnh đó còn là những hệ lụy xã hội khi mà người người nhà nhà đều đổ xô đi học với tâm lí đám đông và nỗi lo khi con mình không theo kịp các bạn cùng lớp. 

Bây giờ trở lại với câu hỏi ở tiêu đề, liệu chúng ta có thực sự biết cách để dạy những đứa trẻ "thiên tài" này không?

Mình muốn tiếp cận vấn đề này theo một cách khác hơn, mình muốn mượn bộ phim Gifted để nói về vấn đề này. Trong một buổi nói chuyện thân mật với cô giáo Bonnie của Mary, khi được hỏi về nỗi sợ lớn nhất của mình là gì, Frank -  người cậu đã nuôi nấng Mary từ khi cô bé lọt lòng thay cho người mẹ, cũng là chị gái của cậu, ra đi do tự tử, đã không ngần ngại trả lời rằng:
Tôi sợ mình sẽ làm hỏng cuộc đời của con bé.
Frank cho rằng chị gái của mình muốn cậu đem lại một cuộc sống bình thường cho Mary, nơi cô bé được sống vui vẻ như những đứa trẻ khác, có bạn bè, có những chuyến đi chơi, được rèn luyện các khả năng xã hội,...Chứ không phải sống tách biệt với thế giới và giam cầm bản thân trong những căn phòng nghiên cứu, rồi tự kết liễu cuộc đời mình như những gì mẹ nó đã làm. Nhưng đồng thời, cậu cũng hoài nghi về cách của mình, khi liên tục có những người nhắc nhở cậu về tài năng đặc biệt của cô bé, chính cậu đã kìm hãm và đánh cắp đi những cơ hội phát triển mà cô bé xứng đáng có được. Cậu từ chối cho cô bé học ở một trường học dành cho những đứa trẻ có tài năng đặc biệt - Oaks, mặc kệ suất học bổng toàn phần, và liên tục tìm cách "làm phiền" Mary với những trò chơi mỗi khi cô bé vùi đầu quá lâu vào việc giải toán. 
Đỉnh điểm của sự hoài nghi này là Frank đã bị thuyết phục với ý kiến giao Mary cho một gia đình khác nuôi nấng, với việc đảm bảo những điều kiện phát triển tốt nhất cho Mary và đặc biệt là, ngôi nhà ấy có chiếc piano mà Mary luôn mong muốn có được, mà cậu thì không có khả năng mua. Nhưng cậu đã phản bội lại niềm tin mà Mary đã dành cho mình, khi cậu đã hứa rằng sẽ không bao giờ rời xa cô bé.
Nhưng cuối cùng thì Frank cũng đã nhận ra việc làm sai lầm của mình và tìm mọi cách để đem cô bé về khi phát hiện gia đình kia vẫn tiếp tục thông đồng với bà ngoại Mary, người luôn bị ám ảnh với việc đạt được những thành tựu thay đổi thế giới trong toán học, ép cô bé 7 tuổi này hằng ngày vùi đầu vào giải toán. Một lời thoại mà có lẽ người xem Gifted rất khó lòng quên được khi Frank mang Mary trở lại, đó là:
If Mary is this amazing, sweet human being then I must be doing something right.
"Nếu Mary là một cô bé tuyệt vời và đáng yêu như thế này, thì có lẽ cậu đã nuôi dạy con một cách đúng đắn."
Đúng vậy, có thể người cậu Frank không phải là một nhà khoa học, một nhà tâm lí, hay người am hiểu về giáo dục, nhưng cậu yêu thương cháu gái của mình thật lòng, và luôn mong muốn cô bé trở thành một con người tử tế, vui vẻ, cậu dành thời gian cho cô bé, trò chuyện và chơi đùa với cô bé mỗi ngày. Cậu dạy cô bé những bài học về cuộc sống, cậu cho cô bé biết ngoài kia con người thường cư xử như thế nào, nhưng vẫn không quên dạy cô bé có một trái tim yêu thương với cuộc sống này.

Một cô bé mẹ mất từ khi lọt lòng, người cha thì chưa từng một lần đến thăm, mọi người xung quanh thì luôn muốn đưa cô bé đi để sử dụng tài năng đặc biệt của cô, nếu không nhờ tình yêu thương và những nỗ lực của Frank, rất có thể cô đã giống những nhà thiên tài ở ngoài kia, trầm cảm, sống cô độc, vùi mình trong các nghiên cứu, sau đó đau khổ ra đi và để lại những thành tựu cho nhân loại. 
Isaac Newton, một nhà vật lí học lẫy lừng với định luật vạn vật hấp dẫn nổi tiếng của ông, và rất nhiều những nghiên cứu khác thuộc nhiều lĩnh vực, đã trải qua một tuổi thơ bất hạnh thiếu vắng đi bóng dáng cha mẹ. 
Tâm trạng Newton có thể thay đổi rất nhanh, từ hưng cảm đến trầm cảm, nên ông có thể mắc chứng rối loạn lưỡng cực, có thể kèm theo chứng loạn thần. Việc ông khó khăn trong việc giao tiếp có thể là bằng chứng cho sự tự kỷ. Các bức thư chứa đựng những ảo tưởng điên loạn cho thấy chứng tâm thần phân liệt. 
Người ta vẫn luôn ca ngợi rằng cho dù mắc bao nhiều bệnh đi nữa cũng không thể ngăn Isaac Newton tạo nên những thành tựu khoa học vĩ đại cho nhân loại.  Đúng vậy, nhưng liệu có bao nhiêu người trong thời điểm đó thực sự quan tâm đến ông, hỏi ông cảm thấy thế nào, có đau khổ không, có cần giúp đỡ gì không. Một số ghi chép nói rằng ông đã sống cô độc như vậy đến cuối đời. Trong ngần ấy năm, ngần ấy căn bệnh, chỉ tưởng tượng những gì ông đã trải qua cũng đủ để người ta thấy đau lòng. 
Rồi nhìn một loạt cái tên khác trong danh sách thiên tài, bác sĩ Semmelweis, người đầu tiên kêu gọi đồng nghiệp "rửa tay cứu người" vừa được Google Doodle vinh danh gần đây, cũng đã kết thúc đời mình trong bệnh viện tâm thần, vì đồng nghiệp cho rằng ông bị điên. Ông đã viết một bức thư ghi rằng:
'Nếu không rửa tay, bác sĩ sẽ là bạo chúa của y học!' 
Và rồi điều này đã làm nổi giận các bác sĩ khác và họ quyết định viết đơn tố cáo Semmelweis bị điên rồi tống ông vào bệnh viện tâm thần. Ông là một bác sĩ thiên tài, nhưng người ta cũng gọi ông là một nhà thiên tài thất bại. Vì tuy ông rất tài giỏi, nhưng lại quan liêu và hống hách, mọi chuyện có lẽ sẽ khác hơn nếu ông cư xử khác đi. 
Các nhà khoa học thời xưa có thể thành công với những nghiên cứu có giá trị của mình, nhưng lại gặp rắc rối với việc diễn đạt, trình bày, cũng như các mối quan hệ và giao tiếp, cùng với một loạt các tiền sử bệnh tâm lí,...nên đa phần họ đều trải qua một cuộc đời không mấy hạnh phúc.
Thiên tài thường cô độc, câu nói đau lòng này dần trở thành câu nói điển hình mỗi khi người ta nhắc đến hai chữ thiên tài, nhưng có thực sự đáng phải như thế không? Liệu chúng ta có thể như Frank trong bộ phim Gifted kia, đem lại một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc cho cô bé thiên tài Mary? Mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau, và những tranh cãi xung quanh việc giáo dục những đứa trẻ như vậy vẫn sẽ tiếp diễn, nhưng vốn dĩ trong bất kì điều gì, tình thương luôn là ngọn đèn soi sáng mọi con đường, một đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi tình thương, bất luận chúng là kiểu trẻ con nào, có năng lực ra sao, cũng sẽ trở thành một con người tuyệt vời, theo cách này hoặc cách khác. 
Nguồn tham khảo/Nguồn cảm hứng:
- Bộ phim Gifted, đạo điễn Marc Webb
- Guidance for addressing the needs of highly able pupils.