Liệu rằng người Trung Quốc có thực sự hạnh phúc dưới sự điều hành của Đảng Cộng Sản hay không?
-------------------
Tôi xin kể câu chuyện về 1 gia đình ở Trung Quốc xuyên suốt 4 thế hệ:
Bức hình được chụp vào năm 1984. Trong hình gồm có bố mẹ của bố tôi, bà nội của bố tôi, TÁM người anh em của ông cùng với vợ/ chồng và con cái của họ. Tôi chính là đứa bé được bồng ở phía ngoài cùng bên phải của bức hình, còn người phụ nữ đang bồng tôi đó chính là mẹ của tôi.
1. Thế hệ của ông bà tôi - trước khi Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra đời
Nainai (bà nội) của tôi sinh vào những năm 1920s trong 1 gia đình giàu có. Gia đình của bà sở hữu gần như toàn bộ đất đai trong làng. Bà biết làm toán cũng như đọc viết, thậm chí bà còn biết sử dụng bàn tính (Abakus) - bà là 1 cô gái Trung Quốc được giáo dục tốt thời bấy giờ, đó là dấu hiệu nhận biết 1 người xuất thân từ tầng lớp quý tộc (ít nhất là ở mức độ vùng miền). Bà có tổng cộng 11 anh em cùng cha khác mẹ, đa thê thời bấy giờ còn là 1 điều hợp pháp và được xã hội chấp nhận. Cuộc sống của bà có lẽ sẽ mãi êm đềm nếu như không có sự kiện năm 1949 - Đảng cộng sản đã tịch thu tất cả mọi thứ mà gia đình bà sở hữu, sau đó chia đều chỗ của cải đó cho dân làng. Nainai cũng được nhận lại 1 phần đất đai tương đương với mọi người khác trong làng, nhưng giờ không còn là địa chủ nữa bà phải tự thân ra đồng bình đẳng như tất cả.
Để được chia phần nhiều hơn (gia đình càng lớn thì đất được chia cho càng nhiều) cũng như có thêm lao động trong nhà, bà đã hạ sinh đến 11 người con chỉ trong vòng 15 năm, 2 người trong số họ đã chết ngay sau khi chào đời. 9 người con còn lại của bà đều vẫn còn sống đến tận ngày hôm nay.
Popo (bà ngoại của tôi) cũng sinh ra trong 1 gia đình có của cải, nhưng không giống như nainai, tuổi thơ của popo không được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi như vậy. Mẹ của popo bị bán cho nhà giàu từ khi chỉ mới 11 tuổi để làm vợ cho bố của popo. Gia đình của mẹ popo rất nghèo nên bố mẹ của bà quyết định chỉ giữ lại những đứa con trai và người con gái lớn nhất (để chăm lo công việc nội trợ trong nhà), những người con gái còn lại đều bị bán. Xuất thân từ tầng lớp dưới đáy xã hội, mẹ của popo chưa bao giờ được đối xử tốt hơn những hầu gái khác cho dù có là dâu trong nhà. Điểm khác biệt duy nhất giữa bà và những cô hầu gái khác đó là được ăn nằm với cậu con trai út trong nhà và sinh con cho cậu. Và cậu ấm đó sau này đã trở thành bố ruột của popo.
Cuộc đời của mẹ popo chỉ trở nên tươi sáng lên nếu bà hạ sinh cho nhà chồng được 1 người con trai. Nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra. Thay vào đó bà đã trở thành mẹ của 4 cô gái. Bởi vậy cũng chịu chung số phận với mẹ mình, popo của tôi bị đối xử cũng không khác gì những cô hầu gái trong nhà. Bố ruột của popo sau đó cưới 1 cô gái khác xuất thân từ 1 gia đình "môn đăng hộ đối", kể từ đó popo trở thành hầu gái cho người em gái may mắn cùng cha khác mẹ của mình.
Mãi cho đến năm 1949, popo được giải phóng và trở thành 1 "phụ nữ tự do" bởi Đảng Cộng Sản. Cũng như nainai, popo cũng được nhận đất từ chính phủ. Mẹ của bà qua đời không lâu sau đó, vậy nên popo quyết định bỏ lại sau lưng tất cả mọi thứ, kể cả người bố ruột và những chị em của mình để chuyển đến 1 nơi thật xa - thành phố Phật Sơn. Tại đây popo gặp 1 chàng trai trẻ, có với nhau 5 mặt con. Nhưng chỉ có 4 người may mắn được sống. Cuộc sống lúc nào cũng đầy khó khăn cho popo, nhưng bà luôn mỉm cười, cứ như vậy cuộc đời của bà cứ nhẹ nhàng trôi qua.
Popo và tôi, chụp năm 1986
2. Thế hệ của bố mẹ tôi - những ngày non trẻ của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa
Nếu tôi phải kể lại đầy đủ những gì được nghe từ bố mẹ suốt bao năm qua, câu trả lời này sẽ cực kỳ dài. Vậy nên tôi sẽ giản lược đi khá nhiều chi tiết không quan trọng. Nếu phải tóm tắt 1 cách ngắn gọn hết sức có thể thì nó sẽ là - rất khó khăn.
Bố tôi có 8 người anh em cả thảy, còn mẹ tôi có 3. Lúc đó Trung Quốc bị tàn phá gần như hoàn toàn. Bạn hãy nghĩ về Syria, Iraq hay Iran ngày nay; sau đó tưởng tượng mọi thứ tệ đi đến mức bạn không thể hình dung ra được nữa. Đó chính là hình ảnh của Trung Quốc ngày ấy... Không chỉ bố mẹ lẫn anh em ruột của họ được ăn no, ai cũng được cho đi học hành đầy đủ. Mọi người đều có thể đọc, viết, làm tính. Thậm chí cả những bác gái, điều mà trước kia họ không bao giờ dám mơ đến nếu không may mắn được sinh ra trong 1 gia đình với nhiều đặc quyền hơn người.
Truyền thống của chúng tôi là 1 người phụ nữ sẽ không rời khỏi gia đình đã sinh ra cô ấy, và sau đó khi đã kết hôn cô ấy sẽ chuyển đi và sống nốt phần đời còn lại với bên nhà chồng. Chị em gái của bố tôi đều được gả đi từ sớm (18–22 tuổi), nainai của tôi nói với họ là đã đến lúc tìm người đàn ông để lo cho các con rồi. Vì cưới chồng sớm nên không có dì hay bác gái nào của tôi được học tiếp lên cao, tất cả họ đều phải gác lại đèn sách để phụ giúp gia đình và giúp cho những anh em trai khác có cơ hội được tiếp tục học tập. Nainai bảo là "mấy thằng con trai quan trọng hơn”. - bởi vì ông bà không đủ khả năng để cho tất cả con cái được đi học, họ đành lòng phải đưa ra sự lựa chọn đó...
Hai người dì của tôi đã oán trách nainai suốt nhiều năm trời. Họ khao khát được học, được mở rộng tầm mắt của mình, được sống cuộc đời phóng khoáng hơn. Thay vào đó, họ lại bị lôi ra khỏi con đường học vấn chỉ vì giới tính của mình. Họ được dạy rằng kiếm được tấm chồng tốt còn quan trọng hơn cả có công ăn việc làm. Họ cảm thấy bất công. Nhưng sau này khi đã trở thành những người mẹ, cả 2 đều phải đưa ra lựa chọn tương tự. Thế nên họ đều đã tha thứ cho nainai.
Dì bên trái có 3 người con, dì bên phải thì có 5.
Ngược lại mẹ của tôi lại nhận được sự giáo dục bài bản hơn so với phần lớn các cô gái cùng lứa. Anh em trai của mẹ đều bỏ học sớm để ra đi làm hỗ trợ cho gia đình cũng như giúp cho cô em gái được học tiếp lên cao hơn. (học phí hoàn toàn được nhà nước hỗ trợ, nhưng mẹ tôi không đi làm để tiếp tục học hành nên cần phải được nuôi ăn) Mẹ tôi vào học trường Sư Phạm. Bà thuộc 1 trong những lứa giáo viên đủ tiêu chuẩn đầu tiên của cả đất nước, thậm chí còn có thể sử dụng tốt tiếng Anh.
Popo nói với mẹ rằng: giáo dục là lối thoát duy nhất của con.
Vậy nên mẹ tôi đã rất kiên tâm và 1 lòng tin tưởng vào lối thoát duy nhất của cuộc đời mình. Thậm chí vượt qua cả thời kỳ Cách mạng Văn hoá…
Bố tôi lúc ấy là 1 "Hồng vệ binh" trong thời kỳ Cách mạng văn hoá. Chỉ vì muốn có được tấm vé từ Quảng Châu đến Bắc Kinh để được gặp gỡ và nghe Mao chủ tịch dạy dỗ, ông đã bán đứng giáo viên tiếng Anh của mình. Ông bí mật báo cáo với chính quyền rằng cô giáo đang đọc 1 quyển sách tiếng Anh. Sau đó dẫn đầu 1 đội Hồng vệ binh đến ký túc xá của cô ấy, lật tung cả căn phòng lên để tìm toàn bộ sách tiếng Anh giấu trong nhà và đốt sạch đi. Sau tất cả họ ném người giáo viên đáng thương vào 1 chuồng lợn bẩn thỉu, cạo 1 nửa đầu của cô ấy và thay nhau ném trứng vào người cô. Họ miệt thị cô là "tiểu tư sản" và "kẻ phản quốc". Sau đó bố tôi cũng được lên chuyến tàu đến Bắc Kinh, nghe Mao chủ tịch khen ngợi và giảng dạy. Ông hết sức tự hào.
Mẹ tôi thì chỉ mới 16 tuổi khi cách mạng văn hoá bắt đầu diễn ra. Bà rất yêu văn học phương Tây của các tác giả như Charles Dickens, chị em nhà Bronte, Jane Austen, cha con nhà Dumas… Bà kể rằng thời đó bà phải bán những suất ăn trưa của mình cho bạn học để kiếm tiền mua sách. Bà có 1 tâm hồn hết sức lãng mạn, bà thường ngồi mơ mộng về các Lãnh chúa và Quý cô trong sách, lâu đài, quần áo đẹp, găng tay lụa là, bơ và pho-mát, đôi mắt xanh và mái tóc vàng, lời nói ngọt ngào, sự tao nhã, ngọn lửa tình yêu rạo rực của họ… Thế giới bên ngoài trong đôi mắt mẹ tôi ngày ấy được chiếu qua 1 lăng kính hết sức lung linh, bà muốn 1 ngày nào đó được bước ra ngoài và tận mắt chứng kiến tất cả những điều đẹp đẽ này. Dần dần xung quanh bà tràn ngập những quyển sách phương Tây trong đó có chế độ phong kiến quân chủ, chủ nghĩa tư bản hay hệ thống cấp bậc bên cạnh những câu chuyện tình mơ mộng.
Hồng vệ binh ập đến và xới tung căn nhà của mẹ tôi lên, yêu cầu bà phải bàn giao hết sách tư bản ra. Mẹ tôi nói rằng bà là 1 người cộng sản trung kiên và đã tự tay đốt sạch mọi "cuốn sách xấu xa" rồi. Mẹ tôi đã nói dối. Bà chôn những quyển sách sâu dưới nền nhà. Hồng vệ binh không thể tìm ra được manh mối nào cả nhưng vẫn yêu cầu bà phải rời bỏ cương vị giáo viên để đi trại cải tạo ở các miền quê. Họ gọi bà là "kẻ phản quốc".
Mãi cho đến những năm 1980, mẹ tôi gặp bố. Họ yêu nhau. Và tôi ra đời.
Hồng vệ binh, Kẻ phản quốc và Tôi
3. Thế hệ của tôi  - sự vươn mình của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa
Vào năm 1989, chúng tôi sống ở thành phố Phật Sơn, 1 nơi rất gần với Hồng Kông. Chúng tôi bắt được rất nhiều đài của Hồng Kông và xem các chương trình qua TV. Tôi còn nhớ suốt thời gian xảy ra sự kiện Thiên An Môn, cứ mỗi 6 giờ tối hàng ngày là bố và mẹ tôi lại bỏ hết mọi thứ đang làm để theo dõi kênh tin tức TVB. Họ đóng hết cửa và kéo kín rèm, vặn nhỏ volume hết mức có thể, yên lặng theo dõi tin tức mà không nói ra 1 lời nào. Sau khi xem xong, họ lại kéo rèm mở cửa ra và tiếp tục làm những thứ vừa bị bỏ dở. Lúc đó tôi chỉ mới 5 tuổi và không hiểu gì những chuyện đó cả. Cho đến 1 ngày...
Lúc còn bé tôi thích vẽ nguệch ngoạc khắp mọi nơi, vì không có cuốn sổ tay riêng nên tôi hay vẽ lên những trang báo cũ mà bố đã đọc rồi. Hôm đó tôi thấy hình của 1 người đàn ông trên báo, không suy nghĩ gì tôi vẽ cho ông 1 bộ ria mép trông khá buồn cười và lấy bút đỏ tô son lên bức ảnh ấy. Mẹ tôi đi ngang qua vô tình liếc thấy và mặt bà trở nên trắng bệch. Bà chộp ngay lấy tờ báo, xé vụn nó ra hàng ngàn mảnh, đóng cửa kéo rèm lại kín mít và bà bắt đầu đốt sạch chỗ báo vương vãi đó gay giữa phòng khách. Mọi thứ diễn ra trong sự im lặng đáng sợ. Sau đó mẹ mới dặn tôi: "người đàn ông đó là Đặng Tiểu Bình, con không được phép vẽ bất cứ thứ gì lên hình ảnh của ông ấy 1 lần nào nữa". Dường như chưa đủ, bà còn dặn thêm: cũng như tất cả những người nào xuất hiện trên báo.
Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy sợ chính quyền.
Nhưng đó cũng là lần duy nhất.
Mãi đến Trung học cơ sở tôi mới bắt đầu được học Lịch sử ở trường học. Ở tuổi 12, lần đầu tiên tôi được xem những thước phim lịch sử mà đến bây giờ vẫn còn ám  mình. Tôi sẽ không đi vào chi tiết những gì mình đã được xem, nhưng bất cứ ai là học sinh trong giai đoạn những năm 90 sẽ biết tôi đã phải xem những gì. Bài học lịch sử đầu tiên tôi được dạy chính là: cuộc sống chúng ta đang có ngày hôm nay đã phải trả bằng 1 cái giá rất đắt.
Thông điệp của những giờ học lịch sử không hề xoay quanh việc dạy chúng tôi phải ghét bỏ những kẻ thù nào, hay ca ngợi công lao của Đảng Cộng Sản to lớn ra sao. Môn học này dạy cho chúng tôi về cách ông cha mình đã hy sinh như thế nào để có được ngày hôm nay. Chúng tôi phải cùng nhau đòan kết và trân trọng những gì mình được ban cho. Vào tiết học cuối cùng, thầy giáo lịch sử dặn dò chúng tôi: Cách duy nhất để ngăn cản lịch sử lặp lại chính là tự bản thân chúng ta phải mạnh mẽ đứng trên đôi bàn chân mình. Cách duy nhất để chúng ta trở nên mạnh mẽ không gì khác ngoài học tập và lao động thật chăm chỉ.
Tôi phải thừa nhận thời thơ ấu của mình rất tuyệt vời. Tôi không có nhiều đồ chơi đắt tiền nhưng mẹ làm cho tôi rất nhiều thứ hay ho - máy bay giấy, diều vải, cờ tự làm, ná tre, những túi cát nhỏ để học tính, thẻ ghi nhớ để học mặt chữ...
Tôi có thể đọc sách khi chỉ mới 6 tuổi. Từ "Nghìn lẻ một đêm", "Truyện cổ Grimm" cho đến "Cổ tích Andersen". Tôi tiếp nhận tất cả những sách văn học nước ngoài đó 1 cách hoàn toàn cởi mở. Mẹ còn dạy cho tôi thêm tiếng Anh căn bản và chúng tôi hay trao đổi với nhau những đoạn hội thoại ngắn bằng tiếng Anh.
Sau đó tôi có em trai.
Thằng nhóc được sinh ra vào cuối những năm 80, giai đoạn mà Chính sách một con đang diễn ra rầm rộ ở Trung Quốc. Khi bụng của mẹ tôi bắt đầu to ra, nhà chúng tôi thường xuyên phải tiếp những "vị khách" xa lạ. Họ là những quan chức địa phương cố gắng thuyết phục mẹ tôi phải phá cái thai này đi. Những lời lẽ như "Cô sẽ phải mất việc", "Một đứa con là đủ rồi", "Chúng tôi không thể châm chước cho cô được" hay "Làm thế nào nhà nước thực hiện chính sách được nếu ai cũng như cô?" được nhắc đi nhắc lại đến thuộc lòng. Mẹ tôi vẫn nhất quyết không chịu từ bỏ, bà thường trốn vào phòng ngay khi nghe thấy có tiếng người từ xa để tránh phải gặp họ. Cho đến ngày em trai tôi ra đời.
Mẹ tôi phải đến 1 bệnh viện nhỏ ở thành phố bên cạnh để sinh em. Đổi lại cho cuộc sống của em trai tôi là công việc của cả bố lẫn mẹ, ngoài ra họ còn phải nộp phạt 3300 Nhân dân tệ. Thời đó 1 mảnh đất 170 mét vuông chỉ có 2000 nhân dân tệ, lương của mẹ tôi là 150, còn của bố là 350 mỗi tháng. Cả bố lẫn mẹ đều đã đoán trước được điều này, nhưng họ chấp nhận cái giá phải trả để có được em tôi. Không chỉ bởi vì nó là 1 đứa con, nó còn là 1 đứa con trai.
Một đứa con trai.
Tôi và em trai
Tôi đoán là bố mẹ tôi đã chuẩn bị hết mọi thứ từ trước. Sau khi mất việc, bố tôi đã mở 1 doanh nghiệp riêng. Trở nên giàu có (theo tiêu chuẩn thời bấy giờ). Vào đầu những năm 2000, chúng tôi sống trong 1 biệt thự rộng 760 mét vuông, bao quanh bởi vườn tược, 1 hồ cá và 1 hồ bơi.
"Hồng vệ binh", "Kẻ phản quốc" và 2 đứa con của họ. Hay còn gọi là "Gia đình ích kỷ chống lại chính sách một con"
Bố mẹ quyết định cho tôi đi New Zealand học khi tôi 17 tuổi. Họ không biết gì về NZ cả, tất cả những gì chúng tôi biết lúc bấy giờ thì đây là 1 đất nước nói tiếng Anh có số lượng cừu nhiều hơn dân số.
Họ vấp phải phản ứng gay gắt từ cả dòng họ khi thông báo là muốn gửi tôi đi du học. Bởi vì bố mẹ tôi khởi nghiệp kinh doanh nhờ tiền cho mượn của họ hàng. Mỗi người anh em của họ góp 1 chút ít vào để hỗ trợ, đổi lại họ sẽ được chia phần lợi nhuận tương ứng hàng năm. Và lý do họ phản đối là như sau:
  1. Tôi là con gái
  2. Thay vì đổ 1 núi tiền cho tôi đi học thì nên dùng để tái đầu tư cho ra thêm nhiều tiền hơn
  3. Họ vẫn còn con cái của mình. Họ cảm thấy chỉ đầu tư vào tôi là không công bằng.
Bố tôi bắt đầu suy nghĩ lại. Nhưng mẹ tôi thì không, bà nói rằng hoặc là cả 2 sẽ được hưởng sự giáo dục tốt nhất có thể, hoặc không đứa nào cả.
Và tôi đi du học.
Christchurch , New Zealand, 2001
Năm 2003, em trai cũng sang NZ với tôi.
Tôi học được rất nhiều thứ về Trung Quốc tại NZ, nhưng không phải vì họ thích nói hay viết về đất nước này. Thực tế là suốt 10 năm đầu ở đây không có 1 ai nói về TQ với tôi. Tôi đã học về quê hương mình nhờ quan sát từ xã hội văn minh, phát triển, cởi mở ở đây. Tôi nhận thức được ưu nhược điểm của nền dân chủ và những gì đã xây dựng nên nó. Tôi đã chứng kiến bạn cùng lớp đại học đi bỏ phiếu cho 1 chính trị gia mà cậu ta chưa từng nghe tên chỉ vì sợ bị phạt nếu không đi bầu cử. Nhưng tôi cũng chứng kiến nhiều đồng nghiệp của mình tranh luận về việc chính trị gia nào sẽ là lựa chọn tốt cho họ và quốc gia. Điều tốt là ở NZ có nhiều người đi bầu vì họ biết họ muốn gì hơn là đi bầu vì sợ bị phạt. Trung Quốc thì ngược lại…
Tôi đã từng làm 1 công việc bán thời gian với mức lương tối thiểu, cô gái làm cùng tôi nói rằng 1 ngày nào đó sẽ nghỉ làm. Với cô ấy thì đẻ con thậm chí còn kiếm nhiều tiền hơn là đi làm mấy công việc vớ vẩn này. Trung Quốc thì ngược lại…
Tôi cũng tiếp xúc với rất nhiều con người thú vị với những góc nhìn mới mẻ về thế giới. Càng ở đây lâu tôi càng hiểu rõ hơn những thứ được học trong lớp Chính trị ở Trung Quốc.
“Đặt tập thể lên trên cá nhân” (集体利益高于个人利益), chính là chìa khoá của các chính trị gia Trung Quốc (quan điểm cá nhân của tôi). Tôi từng ghét học chính trị khi còn ở Trung Quốc bởi vì đó là những giờ học siêu nhàm chán, và có quá nhiều thứ phải học thuộc lòng. Học thuộc lòng, không cần hiểu. Mãi đến sau này khi đã sống ở khắp các nơi trên thế giới, gặp vô số con người, tôi dần dần hiểu rõ hơn về đường lối chính trị đầy tranh cãi của Đảng Cộng Sản Trung Quốc - đó đều là những chính sách cần thiết và hiệu quả nhất có thể cho 1 đất nước như Trung Quốc tại các thời điểm khác nhau. Một đất nước với phần lớn dân số nghèo đói, thất học và thiếu tầm nhìn.
Ngày nay có lẽ rất nhiều người đã nghe về “Một vành dai - Một con đường”. Bạn có tin là 20 năm trước tôi đã được nghe về nó không? Họ gọi nó là “西部大开发“(Hướng phát triển cho Trung Quốc sang các vùng phía Tây). Lúc đó tôi nghĩ là, ồ phải rồi, lại thêm 1 khẩu hiệu đẹp đẽ. Còn bây giờ thì sao, họ đã không mơ mộng, họ thực sự đang hiện thực hoá nó.
4. Thế hệ của con gái tôi - Cộng hoà Dân Chủ Nhân dân Trung Hoa đã lớn mạnh.
Đám cưới của tôi và chồng tại Từ đường của tổ tiên
Chồng tôi là người Áo. Tôi có đứa con gái yêu dấu năm 33 tuổi.
mọi
thứ.
Cô bé được sinh ra tại bệnh viện tư mắc nhất HK.
Nó có mọi thứ mà 1 đứa trẻ mới sinh cần lẫn không cần, trước cả khi được ra đời. Quà tặng được bạn bè tôi trên khắp thế giới gửi về. Nó có 1 cái giường em bé trong mơ, những loại quần áo tốt nhất cho em bé, bình sữa không BPA, dầu gội và sữa tắm em bé đắt tiền, hay thậm chí là 1 cái xe nôi chống sốc.
Nó có hộ chiếu Áo
và hộ chiếu Trung Quốc (HK).
Nó có mọi thứ mà tôi không có vào ngày ấy.
Còn tôi có mọi thứ mà bố mẹ tôi không có khi họ còn thơ ấu.
Khi được hỏi “Con đến từ đâu?”, nó sẽ trả lời “Con là người Trung Quốc và người Aó” chứ không phải là "Con là một nửa Trung Quốc một nửa Áo". Tôi dạy nó rằng con không cần phải lựa chọn giữa việc là ai, hay con là một nửa của cái gì cả.
Tên con bé là Anna Chen-Rainer
Hiện giờ thì chúng tôi sống ở Áo và về Trung Quốc 2 lần 1 năm. Anna rất thích Trung Quốc. Bố mẹ tôi rất là chiều chuộng nó, và nó cũng thích sự chú ý từ những người hàng xóm, họ gọi nó là “洋娃娃”- em bé búp bê. Gần nhà chúng tôi ở Trung Quốc có 1 công viên khổng lồ với đầy đủ sân chơi, bể bơi trong nhà, bể bơi ngoài trời và cả 1 bãi biển nhân tạo, rạp chiếu phim, phòng gym, sân quần vợt, sân bóng rổ…. - Chỉ mất 10 phút chạy xe để đến đấy. Trái ngược với cuộc sống yên bình tĩnh lặng của nước Áo, Anna yêu thích cuộc sống “sôi động” ở Trung Quốc hơn hẳn.
-------------------
Bố tôi nói rằng ông đã dằn vặt rất nhiều về những gì đã làm với người giáo viên tiếng Anh ấy, ông từng nghĩ rằng mình đã làm điều đúng đắn, ông từng được dạy rằng mình đã làm điều đúng đắn. Sau này ông đã quyết định dành cả phần đời còn lại của mình để chuộc lại lỗi lầm năm xưa. Ông luôn luôn gửi quà và tiền đến người giáo viên ấy mỗi dịp lễ tết, ông thường lái xe đến thăm và trò chuyện với cô, ông cũng sẵn lòng đưa cô đi khám bệnh vì các con cái của cô đều ở xa…
Mẹ tôi nói rằng bà tha thứ cho tất cả những người Hồng vệ binh như bố tôi. Đối với bà, đó chỉ là "những sai lầm của tuổi trẻ"
Nainai của tôi, người từng là tiểu thư nhà địa chủ, người từng bị oán ghét bởi dân làng trong Cải cách ruộng đất, sau này đã trở thành 1 người được tôn trọng nhất trong làng. Bà từng giúp dân làng mình và cả các làng bên viết và gửi thư (bà là 1 trong số rất ít người biết đọc và viết trong làng). Khi nainai qua đời, toàn bộ dân làng đều đến xếp thành 1 hàng dài để đưa nốt bà đi những đoạn đường cuối cùng trên hành trình về nơi yên nghỉ.
Còn popo của tôi là 1 người tôn thờ Đảng, bà luôn nói với tôi rằng Đảng đã cứu vớt cuộc đời những con người thống khổ như bà.
Sự thật là, người dân Trung Quốc có 1 mối quan hệ yêu ghét rất phức tạp đối với nhà cầm quyền của họ. Tôi không ở đây để thay mặt cho 1.4 tỉ người dân, tôi ở đây để thay mặt cho gia đình mình nói lên cái nhìn của chúng tôi về chính phủ. Trải qua 4 thế hệ, chúng tôi đã trải qua đủ mọi thứ cung bậc cảm xúc, đã từng tổn thương, đã từng yêu mến, đã từng giận dữ, hết lần này đến lần khác.
Chúng tôi không bao giờ quên những điều đó.
Nhưng chúng tôi tha thứ cho tất cả.
Gia đình tôi không bao giờ xem Đảng Cộng Sản như là đối tượng phải chịu trách nhiệm cho những khó khăn của mình. Nếu có ai phải nhận lấy trách nhiệm thì đó chính là những người đã đưa ra những chính sách sai lầm. Nhưng họ đã là chuyện của một thời quá vãng.
Giờ đây bố mẹ tôi đã nghỉ hưu. Mẹ tôi đến Trung tâm hỗ trợ người cao tuổi 3 lần 1 tuần để học hát, học nấu ăn, học nhảy và trau dồi tiếng Anh. Tất cả chỉ với 1 mức phí tượng trưng nho nhỏ. Bố tôi thì chơi mạt chược với bạn bè hàng ngày. Cả 2 đều được hưởng chăm sóc y tế miễn phí. Cả 2 đều đã ngưng lái xe từ 6 năm trước - họ được phát thẻ xe bus cho người cao tuổi và có thể đi đến mọi nơi ở Phật Sơn mà không tốn 1 xu…
Tất cả chúng tôi đều hạnh phúc và biết ơn vì đã có được cuộc sống ngày hôm nay.
Có nhiều người gọi tôi là Dư luận viên, họ không chứng minh được điều đó, và tôi cũng không cần phải chứng minh điều ngược lại. Tôi viết câu trả lời này để vinh danh những người đã hy sinh lợi ích cá nhân của mình vì 1 Trung Quốc tốt đẹp hơn, tôi và những người khác được tận hưởng những điều tốt đẹp này chính là nhờ có sự hy sinh của họ.