"Giáo điều" của tuyển dụng: Đừng mắc bẫy!
Dành riêng cho các bạn sinh viên sắp ra trường hay những bạn trẻ đang loay hoay tìm việc mới. Dưới đây mình sẽ giải đáp một số câu...
Dành riêng cho các bạn sinh viên sắp ra trường hay những bạn trẻ đang loay hoay tìm việc mới. Dưới đây mình sẽ giải đáp một số câu nói mà nhà tuyển dụng hay nói với bạn, đúc kết từ những năm bon chen làm việc ở các công ty >10.000 nhân viên. Có thể điều này không đúng với start up hoặc doanh nghiệp nhỏ, nhưng nếu bạn có ý định dấn thân vào các tập đoàn lừng danh, mình tin rằng có thể tham khảo.
1. "Còn trẻ thì phải ham học hỏi, đừng mong lương cao."
Đây là câu cửa miệng khi đội ngũ nhân sự thoả thuận lương với một bạn trẻ mới ra trường. Câu này có phần đúng, và phần sai. Phần "đúng" ở đây là khi bạn trẻ, bạn phải đề cao việc học hỏi lên trên hết, tiền là thứ theo sau. Nhưng phần "sai" ở đây chính là: Khi không đáp ứng được cuộc sống, thì đừng mong học hỏi được điều gì hết. Không phải ai ra trường cũng có thể được bố mẹ nuôi rồi đi làm với đồng lương "ba cọc, ba đồng" nhưng bù lại "được phát triển". Mức lương dựa trên năng lực mà công ty đánh giá bạn, nhưng chấp nhận mức lương đó hay không là quyết định của bản thân mỗi người.
Thông thường, những công ty lớn sẽ chi trả mức lương thấp hơn cho người mới bắt đầu, phần là do lợi dụng danh tiếng của mình để "doạ rồ" ứng viên, phần là vì ở một công ty to thì việc bạn làm sẽ đóng vai trò một con ốc vít trong cả bộ máy khổng lồ. Do không phải kiêm nhiều việc, nên lương của bạn có khả năng sẽ thấp hơn một người cùng trình độ nhưng lăn xả ở doanh nghiệp ít người. Tuy nhiên, BẠN CÓ THỂ THOẢ THUẬN MỘT MỨC LƯƠNG ĐỦ SỐNG. Không phải bất kỳ ai ra trường cũng phải nhận 3-4 triệu bạc rồi làm bục mặt đến 8h để chứng minh được sự "kiên trì, ham học hỏi" của mình. Nếu trong những năm đại học bạn chăm chỉ tham gia câu lạc bộ, đi làm, tích luỹ kiến thức và kỹ năng mềm, v.v..., bạn hoàn toàn có thể hiểu rõ yêu cầu của một công việc đòi hỏi 1-2 thậm chí là 3 năm kinh nghiệm cũng như hoàn thành tốt nó. Mức lương không đến từ độ tuổi, mà đến từ sự dày dạn và tự tin của bạn. Đừng vì thứ định kiến "ra trường chỉ được thế thôi" mà không dám đưa ra yêu cầu, không dám nói lên điều bạn xứng đáng được nhận.
2. "Công ty chị không tuyển người hay nhảy việc. Bên chị cần em gắn bó lâu dài".
Một chút về bản thân mình nhé. Mình đi làm từ năm 2 đại học, thậm chí bỏ cả học để đi làm (có các chiến hữu điểm danh cho). Mỗi công ty mình từng làm qua 03 tháng có, 06 tháng có, dài nhất thì được hơn 01 năm. Mình đều ghi hết vào CV và đến khi nhảy việc lương đều cao lên như bình thường. Khi được hỏi lý do tại sao nghỉ công ty cũ, mình bình tĩnh trả lời hướng đi của bản thân, một cách thẳng thắn. NHẢY VIỆC KHÔNG SAO CẢ, CÁC BẠN Ạ. Vì những lý do sau đây:
Ở tập đoàn lớn, thay người như thay áo diễn ra hàng ngày.
Đi làm rồi mới thấy, số người gắn bó với một công ty thì ít, mà ra đi tìm cơ hội mới thì nhiều. Hôm nay mất đi 01 người, vài ba ngày sau lại có 01 người khác thay thế dễ như mua mớ rau ngoài chợ.
Vậy nguồn nhân lực lấy ở đâu? Chính là sự quay vòng giữa các công ty cho nhau. Bạn đi từ công ty này đến công ty khác, thì cũng có người từ công ty khác nữa đến thay vị trí cũ của bạn. Những người sếp mà bạn kính trọng, ngay ngày mai có thể quên đi bạn là ai và có nhân viên mới. Hoặc chính họ, khi thấy cơ hội khác tốt hơn cũng sẵn lòng để lại vị trí cho người khác tiếp quản. Đó chính là cách vận hành của một bộ máy. Bạn chỉ là một mắt xích nhỏ, không quan trọng và cũng không đáng để bận tâm. Đặc biệt với những vị trí thấp, không ai có nhiều thời gian đến mức kiểm tra reference của bạn từ nơi cũ, bởi đồng lương họ phải bỏ ra cho bạn cũng không quá đáng kể. Vì thế, chỉ cần bạn đủ năng lực thuyết phục tập đoàn cho bạn 01 vị trí, không quan trọng bạn đến từ đâu hay bạn đã làm ở chỗ cũ bao lâu.
Đồng thời, nhân sự cũng đi "câu" người từ nơi khác.
Nếu bạn có Linkedin và chịu khó cập nhật title của mình, không sớm thì muộn, một ngày sẽ có HR/ headhunt từ nơi nào đó gọi điện cho bạn và offer vị trí khác. Về cơ bản, "cướp" người từ công ty đối thủ là công việc của nhân sự. Vậy tại sao những người sẵn sàng đi "săn" người chỗ khác, lại khuyên bạn phải ở nguyên một chỗ không động đậy? Nếu ai cũng làm việc "ổn định" ở một chỗ, thì mình khẳng định, bộ phận tuyển dụng là người chết đầu tiên, vì không đạt KPI *cười nhẹ*.
Và cuối cùng, công ty sẵn sàng ruồng bỏ bạn vì bất kỳ lý do gì.
Có thể là "do em không hợp với không khí của team", có thể là "anh định tuyển cháu của ông chú của sếp anh thay vị trí của em". Cũng có thể là do các sếp đánh nhau nên cần nhân viên làm "tốt thí" (tin mình đi, cái này mình đã từng chứng kiến tận mắt). Hoặc gần đây nhất, nhiều người mất việc vì Coronavirus phải không nào?
Một doanh nghiệp càng lớn càng phải chịu sức ép từ nhiều bên, cũng như càng phải tính toán cẩn thận cho sự trường tồn của chính họ. Mình hiểu tâm lý nhiều bạn ra trường mong muốn được cống hiến hay ghi nhận ở một nơi nào đó. Nhưng ở một bộ máy càng to, điều đó càng khó. Khi đến thời điểm quyết định, doanh nghiệp phải đưa ra lựa chọn cho sự an nguy của chính mình. Và bạn cũng vậy. Không cần phải "cố đấm ăn xôi" ở lại một nơi, nếu bạn cảm thấy đường "đi lên" còn dài quá và bạn có cơ hội tốt hơn. Cơ hội đó có thể đến thậm chí là chỉ 03 tháng sau khi bạn nhận lời một tổ chức, nhưng cũng không sao cả. Phát triển bản thân luôn là mục tiêu cao nhất, và chỉ bản thân bạn biết cái gì là đúng, là tốt. Đừng để những "stereotype" như "công việc ổn định", "làm lâu rồi lên chức" hay "gắn bó với công ty" ảnh hưởng đến mình.
3. "Công ty đã dạy cho em nhiều kinh nghiệm, vậy mà đến khi năng lực nâng cao em lại rời bỏ nó."
Nói ra được câu này, chắc xác suất cao hơn là sếp trực tiếp, chứ không phải nhân sự. Còn lý do là gì? Vì việc bạn rời đi, người chịu tác động nhất chính là SẾP của bạn, KHÔNG PHẢI AI KHÁC. Họ phải tìm người thay thế, training lại từ đầu, phải làm việc với nhân sự để thoả thuận lương cho người mới trong một số trường hợp. Vậy nên để tránh phiền phức, họ sẽ tìm cách giữ bạn ở lại. Câu nói trên nghe có vẻ tình nghĩa, nhưng cũng chỉ là một lời nói để phục vụ cho lợi ích của người ngoài mà thôi.
Nếu công ty không đào tạo em, thì hậu quả là gì?
Mối quan hệ giữa ứng viên và nhà tuyển dụng là win-win. Bạn vào đây, chấp nhận mức lương thấp là chấp nhận đỡ rủi ro tổn thất cho công ty. Ngược lại, họ đào tạo bạn trước hết ĐỂ BẠN LÀM VIỆC CHO HỌ. Vì nếu họ không làm, họ có đội ngũ nhân sự chất lượng thấp => sản phẩm đưa ra thị trường kém => BÁN CHO MA? Công ty đào tạo bạn là ĐIỀU TẤT YẾU, chứ không phải là SỰ MANG ƠN. Khi trình độ của bạn cao hơn, đòi hỏi lương cao là điều đúng đắn phải làm, vì nó xứng đáng với những gì bạn mang lại. Và nếu công ty không chấp nhận trả lương cho bạn, bạn cứ đi.
Mình đã từng chứng kiến những người rời khỏi 1 tổ chức không lâu, ngay sau đó đã quay lại với vị trí và mức lương cao hơn. VÌ HỌ CÓ QUAN HỆ, VÀ CÓ GIÁ TRỊ VỚI NHỮNG NGƯỜI TUYỂN HỌ LẠI. Hãy làm cho bản thân bạn có giá trị trước, để bạn tự tin được với chính mình. Và rồi thị trường sẽ mong muốn có bạn.
Còn "giáo điều" nào mà nhà tuyển dụng hay nói với bạn nữa? Cùng chia sẻ với mình nhé!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất