Đã rất lâu rồi, mình mới có cảm giác thực sự đọc một cuốn sách. Cả nửa năm nay mình chưa đọc cuốn nào cho trọn, đã thử đọc 3 cuốn từ thể loại dễ chịu nhất đến khó nhằn nhất, nhưng được quá nửa thì để đó.
Cho đến khi bắt đầu đọc “Bất hạnh là một tài sản: Về nhà” của Phan Việt.
Mình không biết phải bắt đầu từ đâu cho đúng, vì quả thực kiến thức và những triết lý cuộc sống trong cuốn sách này nhiều đến nỗi mỗi lần đọc, mình đều kè kè bên cạnh cuốn sổ tay hoặc điện thoại để kịp chụp lại những điều quý giá đó. Bởi trước đây mình đọc nhiều sách hay nhưng được vài tháng là quên gần hết, nên lần này mới quyết tâm ghi lại. Kể cả bây giờ khi ngồi gõ những dòng này, mình vẫn chưa đọc trọn nửa cuốn, nhưng những điều cần ghi nhớ thì mênh mông.
Nên bài review này sẽ dài hơn nhiều chút. Nhưng mình cam đoan sẽ là một bài review có giá trị.
“Về nhà” nằm trong series “Bất hạnh là một tài sản” của cô Phan Việt – một tiến sỹ đang giảng dạy tại đại học ở Mỹ. 2 cuốn trước đó là “Một mình ở châu Âu” và “Xuyên Mỹ”, mình chưa đọc.
Cuốn sách kể về những chiêm nghiệm của tác giả, cũng có thể coi là một hành trình “về nhà”, về lại với ngôi nhà trong tâm hồn và có lẽ là về đúng con đường chân lý sống của cô. Sau cuộc đổ vỡ hôn nhân, từ lần gặp “ma” – một hiện tượng kỳ lạ không thể giải thích, từ mùa hè khi trở về Việt Nam, cô có duyên gặp gỡ một sư thầy rồi đến chùa nghiên cứu và viết ra cuốn sách này, với cái nhìn chân thật và trong sáng nhất.
RẤT NHIỀU RUNG ĐỘNG
Những dòng cảm xúc ở đoạn đầu cuốn sách thực đã hạ gục mình bởi sự chân thật của nó. Cô Việt kể về mình sau ly hôn với những chơi vơi, trống trải, băn khoăn về ý nghĩa thực sự của cuộc sống khi mà nó cứ lặp đi lặp lại một chu trình mỗi ngày đầy máy móc và mệt mỏi. Rồi cảm xúc của một người trí thức Việt Nam đang sống ở nước ngoài, trăn trở về những điều rất xã hội của con người, giữa nước Mỹ phồn thịnh và một Việt Nam mới chớm.
Và cả những khao khát rất đơn giản của một người phụ nữ: cần tìm một nửa kia để yêu thương. Đoạn cô Việt ra tòa làm nhân chứng để minh oan cho chồng cũ, rồi đoạn 2 người ở sân bay, mình thực sự đã rất xúc động. Một thứ cảm xúc mình chưa bao giờ trải qua (vì mình còn chưa có bồ chứ nói chi là có chồng và bỏ chồng ) nhưng không hiểu sao mình rất xúc động.

Một người giỏi giang, cựu sinh viên Ngoại thương, sau là phó giáo sư giảng dạy ở đại học thuộc một nền giáo dục hàng đầu thế giới, lại còn viết sách, đi khắp Âu Mỹ Á, có đầy đủ tiền tài danh vọng, vậy mà vẫn còn muộn phiền, những muộn phiền rất thật.
MỘT CÁI NHÌN KHÁC VỀ PHẬT GIÁO
Đó chính là thay đổi lớn nhất trong suy nghĩ của mình từ khi đọc cuốn sách này. Bản thân mình là người không có tôn giáo, nên trước khi đọc luôn tự nhủ sẽ cảm nhận nó bằng cái nhìn trong sáng và khách quan nhất có thể.
Cũng là vì không theo đạo, nên mình (và đại đa số nhiều người nữa), hẳn chỉ biết về đạo Phật thông qua những ngày lễ lớn như Vu Lan, Trung thu, Phật Đản, đi chùa đầu năm và thông qua … Tây Du Ký :)))) Thật ra, Phật giáo có nhiều điều thú vị và sâu sắc hơn chúng ta vẫn nghĩ. Nó khác hẳn suy nghĩ thiển cận và quy chụp của mình về một tôn giáo với những nghi lễ rườm rà, có chút gì mê tín, lệch đi với xã hội và tư duy hiện đại, và chùa chiền là nơi những người tìm đến cầu bình an nhưng chưa bao giờ thỏa mãn về cái “an yên” trong lòng mình.
Phật giáo là một tôn giáo mang tính duy lý và vô thần, tức hệ thống giáo lý của Phật giáo không hướng đến sự sùng bái thần linh mà hướng đến nhận thức chân lý hay còn gọi là giác ngộ. Nói đơn giản thì không có thánh thần, ai cũng có thể thành Phật nếu kiên trì tu tập. Đạo Phật không ép buộc hay khuyến khích thờ cúng bất kỳ ai. Vậy cho nên việc dâng lễ cúng bái, quyên tiền công đức có mục đích duy nhất là để người cúng bái tạo công đức, gieo nhân lành.
Tôn giáo nào cũng có lịch sử và một quy trình xã hội hóa, bản địa hóa, nên nó biến đổi theo địa phương và theo chế độ chính trị. Những cái ta thấy là hiển nhiên ở thời này nhưng chưa chắc đã là sự thật mà chỉ là sản phẩm nhất thời hoặc qua một quá trình lịch sử.
Có vài kiến thức thú vị trong quá trình đọc sách song song với search google để đọc thêm về đạo Phật, mình liệt kê ở đây để bản thân ghi nhớ chớ hông vài bữa quên mất :)))
  • Thánh thần ở trong Tam giới, Phật thì xuất Tam giới. Thánh thần ở đây là Ngọc Hoàng cùng các vị tướng, Thánh Mẫu,… Tam giới là Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới. Điều này coi Tây du ký chắc cũng nhiều người hiểu nè.
  • Con người mỗi khi thấy những ai bất hạnh, bị hoạn nạn đau khổ thì liền tỏ lòng thương xót và thốt lên câu: Tội nghiệp quá!… Hai chữ tội nghiệp là danh từ chuyên môn của Phật giáo với ý nghĩa chỉ cho nghiệp báo tội ác đã định. Cụm từ “tội nghiệp quá!” là câu nói của người bình dân hàm súc hai ý nghĩa: Một là phán định tội lỗi, và hai là tâm linh chia sẻ. Phán định tội lỗi, nghĩa là người này đã gây nghiệp tội ác quá nặng trong quá khứ cho nên giờ đây phải chịu quả báo khổ đau không thể trốn tránh. Tâm tình chia sẻ, nghĩa là thấy họ hoạn nạn đau khổ thì bộc lộ tâm tình thương hại để san sớt phần nào niềm đau nỗi khổ của họ. (Wikipedia)
  • “Xá lợi” là một sự vi diệu! Khi Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn thì kim thân của Ngài được các đệ tử hỏa thiêu, sau khi thiêu thì còn lại những hạt nhỏ nhiều màu sắc, gọi là “xá lợi”. Nếu tu tập tinh tiến, giữ gìn giới luật nghiêm cẩn thì xá lợi sẽ tự sinh sôi, còn không tu hành thì xá lợi sẽ biến mất. Ban đầu mình cũng có suy nghĩ như cô Việt, “nhất định phải có một cách giải thích khoa học nào đó” cho việc này. Nhưng sau đó mình có search google thì biết là hiện nay vẫn chưa có cơ sở khoa học nào giải thích chính xác được. Mình còn tìm hiểu được câu chuyện về “trái tim xá lợi” của hòa thượng Thích Quảng Đức. Sau khi ngài tự thiêu để phản đối việc chính phủ của Ngô Đình Diêm đàn áp Phật giáo Việt Nam, thân xác ngài được hỏa thiêu lại và hóa thành tro nhưng trái tim thì vẫn còn nguyên vẹn. Kỳ diệu!
  • Đi “an cư, kết hạ”, gọi tắt là đi hạ, là việc mỗi năm chư tăng phải tập trung ở một nơi trong ba tháng mùa hạ/mùa đông để tụ tập miên mật, không ra ngoài. Pháp an cư bắt đầu từ thời Đức Phật Thích Ca. Đức Phật nhận thấy mùa hè ở Ấn Độ là mùa mưa, côn trùng sinh sôi nảy nở nên khi chúng tăng ra ngoài khất thực thì dễ dẫm chết các loài côn trùng. Mùa mưa cũng đi lại khó khăn nên khó trong việc giữ uy nghi của người xuất gia, nên đề ra pháp an cư để trong suốt ba tháng hè (hoặc đông) chỉ ở trong chùa tu tập chứ không ra ngoài.
  • Lễ Vu Lan xuất phát từ ông Mục Kiều Liên, một trong các đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca. Sau khi chứng quả, ông Mục Kiều Liên dùng thần thông nhìn khắp các cõi xem mẹ mình đã chuyển sinh vào cõi nào thì thấy mẹ đang ở dưới địa ngục, phải chịu tra tấn, đói khát. Ông đau lòng trở về bạch Phật, Phật nói rằng mẹ ông chịu quả báo của việc phá chùa hủy báng tăng trong quá khứ. Để cứu mẹ thì vào ngày mãn hạn an cư, ông Mục Kiều Liên có thể sắm lễ, thỉnh chư tăng thụ trai rồi xin chú nguyện cho mẹ. Do đó mới có ngày Vu Lan – ngày mà những người muốn tưởng nhớ cha mẹ hoặc tăng phước đức thì sẽ thỉnh chư tăng thụ trai và tụng kinh chú nguyện.
  • Vì sao mọi người khi khấn bái lại nói “con lạy chín phương trời, con lạy mười phương Phật”? Vì Phật có ở Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, Đông Nam, thượng và hạ, còn trời thì không có hạ. Có thể hiểu là Phật thì ở khắp mọi nơi, hóa thân vào cả các cõi dưới để cứu độ chúng sinh. Ngay cả ở địa ngục cũng có Bồ Tất Địa Tạng để hóa độ những người bị đọa vào địa ngục.
  • Về kinh Phật, có một lần mình được nghe tụng kinh lúc đi chùa gần nhà đợt lễ Vu Lan, có mấy đoạn thấy khó hiểu và dường như không thể cắt nghĩa, vậy thì sao vẫn phải niệm và làm sao để hiểu, để tu tâm? Đọc sách mới biết trong đạo Phật có năm thứ không giải nghĩa, chỉ có thể phiên âm, gọi là “ngũ chủng bất phiên”. Với chú thì phải “trì” chứ không “đọc”, nhập vào câu chú, không cần hiểu vẫn sẽ có tác dụng.
  • Trong tu hành (mà mình nghĩ có thể áp dụng trong học hành, công việc), Phật dạy phải trải qua các quá trình Văn – Tư – Tu – Tín – Nguyện – Hành, đại loại là “nghe” đã, rồi “suy nghĩ” xem có hợp lý không, rồi “sửa” lại thân, ý, khẩu, sửa các thói quen cuộc sống sao cho hợp, từ đó sinh “tin tưởng”, rồi mới phát “nguyện vọng” là muốn mọi người cũng “làm” được như mình. Chân lý!
SOI CHIẾU VÀO CUỘC SỐNG
Có một đoạn cô Việt viết mình rất nhớ “… từ lúc nhỏ tới giờ nếu thật trung thực, tôi cũng đã làm đủ thứ không ra gì. Dù tôi không cướp của giết người đánh cha chửi mẹ, nhưng mỗi ngày, từ lúc mở mắt thức dậy đến lúc nhắm mắt đi ngủ, tôi nghĩ đủ thứ điên rồ về người này người kia, việc này việc kia, điên điên đảo đảo lảm nhảm trong đầu đủ thứ chuyện, việc này đúng, việc kia sai, mình thế nọ, họ thế khác…”
Ôi chao là đúng và thấy tủi hổ dễ sợ. Không triết lý gì nhiều nghe có vẻ cao sang nhưng mình thấy cuộc sống của mình cứ vận vào hai điều là luật nhân quả và “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” mà sống là đã thấy đủ thứ phải suy nghĩ và chấn chỉnh. Gặp chuyện thường đổ do xui xẻo, do cái này cái kia, người này xấu người kia ác, nhưng bản thân mình chắc gì đã làm điều tốt đẹp cho đủ cơ chứ? Với cả thói bây giờ hay thích đi ngồi lê đôi mách tám chuyện thiên hạ, chuyện showbiz thì nắm rõ như lòng bàn tay cơ, ôi xấu hổ vãi.
Có rất nhiều chiêm nghiệm của cô Việt mình thấy rất quý giá, nó xuất phát từ kinh nghiệm của một tiến sỹ hơn 30 tuổi với rất nhiều kiến thức và trải đời mà một đứa mới chập chững 20 như mình cần nhớ. Kiểu như:
“Đừng ra quyết định theo kiểu vì ai mà quyết định hoặc nghĩ thay cho ai. Đó chỉ là những người được xem là nhân tố cần cân nhắc.”
“Đa phần chúng ta điên đảo tính toán để hơn thua với người với đời, rồi lại băn khoản tại sao mình phiền não và thua thiệt”
“Cẩn thận với những thứ nhân danh. Em đâu có chống lại cái xấu, em đang trả thù thôi. Cứ để nghiệp của lão ấy tự vận hành là được rồi, em không phải tự rước nghiệp xấu cho em làm gì”
Nếu đã đọc tới đây, bạn hẳn nghĩ, chắc mình sắp đi tu đến nơi mất rồi, hoặc nghĩ ôi dào nói thì dễ làm thì chắc gì đã được. Thực tâm thì mình cũng chẳng muốn việc tâm niệm trở thành một người tốt, sống đức hạnh chỉ là một lời nói “chót lưỡi đầu môi” đâu. Và bản thân mình hiện tại không có đạo, không có ý định đi tu. Nhưng sau cuốn sách này, mình học được nhiều, hiểu nhiều, thấy bản thân còn quá nhiều thiếu sót cả về kiến thức, kỹ năng, cách sống lẫn suy nghĩ, còn sai lè và xấu xa quá nhiều. Nên mình viết bài review này, nếu không ai đọc được, thì cũng là một ghi chép kiến thức và nhắc nhở để bản thân sống tốt và an yên hơn chút.
Đoạn này mình ghi chép lại bộ nguyên tắc 9 điều của AJ – bạn trai cô Việt, vì thấy hay hay và có thể vận được chút gì cho mình :))))))
  • Quy tắc “Số 3 thần thánh”: nếu có quá nhiều, hãy chọn 3 cái quan trọng nhất
  • Quy tắc “Sợ và tham”: mọi cảm giác, lời nói, hành xử đều có thể quy về gốc là sợ và tham, nếu có rắc rối hãy truy ra gốc sợ và tham để loại bỏ.
  • Quy tắc “Sợ chỉ là ảo tưởng”: đừng sợ, nỗi sợ chỉ là ảo tưởng
  • Quy tắc “Quay vòng”: hãy sắp xếp mọi thứ thành một vòng tròn khép kín
  • Quy tắc “Mọc sừng”: khi làm việc, hãy tập trung
  • Quy tắc “Để ý đến tiền”: muốn có tiền phải để ý đến tiền, dù không tham tiền
  • Quy tắc “Danh sách”: muốn làm việc hiệu quả, hãy lên danh sách việc cần làm rồi làm từng việc
  • Quy tắc “Rác”: không tích rác trong nhà (đối với chú AJ thì quà sinh nhật cũng là rác nên không nhận quà sinh nhật luôn í vãi thật huhu)
  • Quy tắc “Đừng tạo việc”: đừng cho, tặng, biếu, rủ rê mưu mô, tính toán cái gì