Tôi có một người bà con cũng lâu rồi không gặp. Anh là chủ của một cửa hàng nhỏ. Khoảng hơn ba năm về trước, vào dịp giỗ ông bà tôi có về quê gặp và trò chuyện với anh. 
Theo lời anh kể, ban ngày anh ra cửa hàng, ban đêm về nhà thảnh thơi xem phim cày game và chơi với con. Công việc ít áp lực, thu nhập tốt, lại không phải gặp rủi ro mất việc do chạy chỉ tiêu, KPI. Việc kinh doanh của anh cũng khá thuận lợi nên cuối tháng tiền cứ về đều đặn để đưa cho vợ. Anh có một khoản tiết kiệm nhỏ trong ngân hàng, một căn nhà, một mảnh đất từ tài sản thừa kế từ mẹ. Các thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh. Anh có một người vợ chu đáo, sống tiết kiệm và yêu thương mình, hai cô con gái của anh vừa ngoan ngoãn lại biết vâng lời. Vì thế anh cảm thấy rất hài lòng với cuộc sống mình. Một ngày của anh trôi qua một cách thật bình yên.
Nhưng cái mà anh kể với tôi là anh của quá khứ và hiện tại. Hiện tại của anh là ba năm về trước. 
Rồi thời gian sau đó, gia đình anh lâm vào cảnh nợ nần. Vợ anh bị người ta gạt vay ngân hàng làm ăn đến tán gia bại sản. Vốn kinh doanh không còn, mọi tài sản của anh cũng đã bị đưa vào ngân hàng cầm cố thế chấp, có nhà cũng không thể về vì lúc nào chủ nợ cũng vây kín. Họ chỉ chực chờ anh về rồi buông lời đe dọa. Dù đã gần bốn mươi nhưng lại không có kinh nghiệm làm việc, nên anh phải cùng vợ con tha hương và làm bảo vệ cho một tòa nhà công ty để mưu sinh mỗi ngày. Hai chữ ổn định giờ đây đối với anh thật xa vời. 
Câu chuyện của anh làm cho tôi suy ngẫm rất nhiều về ý nghĩa thực sự của ổn định. Và tôi nhận thấy, rằng bản chất của sự ổn định chính là cảm giác đánh lừa suy nghĩ của chúng ta. Nó làm cho chúng ta mất đi hứng thú với việc phát triển bản thân. "Việc gì phải cố gắng khi mọi chuyện đã đâu vào đó. Khi đã có một mái nhà che thân, một gia đình đầy đủ sum vầy, một công việc ổn định cùng một khoản tiết kiệm trong ngân hàng?”. Nó tạo cho chúng ta cảm giác hài lòng giả tạo, khiến chúng ta lầm tưởng rằng cuộc sống chỉ cần bấy nhiêu là đủ. Và chúng ta bắt đầu bao biện rằng chỉ có những người tham lam mới đòi hỏi nhiều hơn. Quan điểm sống đơn giản và biết đủ mới làm cho chúng ta hạnh phúc.
Thế nhưng, bản năng của con người là phát triển, tiến hóa và khác biệt. Đó cũng chính là quy luật của vạn vật trong tự nhiên. Muốn tồn tại, chúng phải thích nghi với môi trường và luôn thay đổi nếu không muốn bị liệt vào nhóm có nguy cơ tuyệt chủng. Con người cũng không ngoại lệ. Khi người ta phát minh ra một thứ gì đó tiến bộ hơn, thì cái cũ sẽ dần bị thay thế. Khi máy tính được phát minh, người ta dần quên đi máy đánh chữ. Khi internet xuất hiện, người ta ít đọc báo giấy hơn. Khi Apple cho ra đời điện thoại cảm ứng, người ta ngày càng ít xài điện thoại phím số. Một người hôm nay miệng không ngừng nói lời yêu thương bạn, nhưng ngày mai chắc gì người ta vẫn cảm thấy như vậy. Và chắc gì người ta không thay thế bạn khi tìm được người khác tốt hơn?
Ai trong mỗi chúng ta rồi một lúc nào đó cũng phải đối mặt với khó khăn và thử thách. Và một khi vấn đề xuất hiện, cái khái niệm “ổn định” đó sẽ làm cho chúng ta phải hoài nghi về cuộc sống của mình.
Chúng ta không cảm thấy vui vẻ với công việc nhưng vẫn ở lại vì mức lương “ổn định”. Và im lặng mỗi khi được hỏi về những kế hoạch cho việc phát triển sự nghiệp trong tương lai.
Chúng ta than vãn vì không đủ tiền trang trải khi người thân đột nhiên mắc phải bệnh hiểm nghèo, mặc dù thu nhập của chúng ta rất “ổn định”. Nhưng trước giờ chúng ta không tiết kiệm và đầu tư đúng cách. 
Chúng ta không hài lòng với bạn đời vì đã từng bị phản bội lòng tin, nhưng vẫn chấp nhận sống trong đau khổ. Vì bản thân phải dựa vào sự ổn định tài chính từ họ, để rồi sau đó chúng ta phải sống trong nỗi sợ bị thay thế mỗi ngày.
Và cuối cùng, chúng ta đánh mất niềm vui trong cuộc sống.
Việc mang trong mình cái mác “ổn định” quá lớn sẽ làm cho con người ta trở nên ù lỳ, thiếu quyết đoán. Khi chúng ta dựa dẫm quá nhiều vào sự ổn định, chúng ta sẽ không kịp thích nghi khi cuộc sống xảy ra nhiều biến động. Điều này dẫn đến tiêu cực trong suy nghĩ, và trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến việc nảy sinh ý định tự tử.
Hoặc tệ hơn là áp đặt tư tưởng ổn định lên thế hệ sau. Điều này sẽ giết chết tương lai của cả bạn và con bạn. Và đáng sợ nhất là chúng ta hầu như có xu hướng chưa bao giờ đổ lỗi cho ai ngoài hoàn cảnh, khi chính chúng ta mới là những người chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình.
Chúng ta đều biết rằng đại dịch covid 19 vừa qua gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội. Nhiều công ty phá sản, nạn thất nghiệp tràn lan, một số doanh nghiệp may mắn trụ lại nhưng buộc phải giảm biên chế để tiết kiệm chi phí. Nhiều bà nội trợ chật vật trong việc kinh doanh để phụ giúp kinh tế gia đình. Nhiều lao động vì hậu covid nên buộc phải nghỉ việc vì lý do sức khỏe không đáp ứng yêu cầu công việc. Và còn rất nhiều người có nghề nghiệp được xem là ổn định như kế toán, hành chính bị đào thải khỏi thị trường lao động. Đặc biệt, đối với những nhân viên lâu năm, chuyển việc là một điều vô cùng khó khăn khi tuổi tác đã khá cao so với mặt bằng chung của ngành, và họ thất nghiệp. Chưa kể thất nghiệp còn có thể kéo theo xáo trộn trong cuộc sống gia đình, vì họ chưa bao giờ nghĩ đến ngày mình sẽ bị cho thôi việc. Và bây giờ thì họ không biết phải làm gì. Cái được xem là “ổn định” bỗng chốc giống như bong bóng xà phòng, mong manh vô cùng.
Chúng ta thường nghĩ khó khăn và thử thách là do số phận, là điều hiển nhiên. Nhưng chúng ta làm được gì, và nên làm gì trước khi chúng ập đến? Chúng ta không thể kiểm soát khó khăn từ thế giới bên ngoài, nhưng chúng ta có thể tìm cách thay đổi và khắc phục trước khi chúng kịp xảy ra.
Trước hết, hãy thay đổi nhận thức, hãy thoát khỏi vòng lặp ổn định, và học cách chấp nhận: Để có một cuộc đời ổn định, trước hết bạn phải chấp nhận rằng nó không ổn định. Tôi không khuyên bạn nên bi quan và từ bỏ mọi thứ. Chấp nhận vấn đề ở đây là để tìm ra giải pháp phù hợp và giải quyết chúng. Quan trọng là bạn phải biết rủi ro là điều không thể tránh khỏi và nó có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Hãy lập một checklist những việc cần làm, hệ thống hóa các khoản thu chi và nghiêm túc tuân thủ chúng. Nếu muốn học thêm kỹ năng hay kiến thức nào đó mà bạn thấy bổ ích, hãy học. Nếu cảm thấy bản thân không có cơ hội phát triển, hãy chuyển việc, hãy tìm một môi trường mới tương xứng với năng lực của mình. Ngoài ra, dù bạn đang làm việc ở bất kỳ ngành nghề nào thì một ít kiến thức quản lý tài chính sẽ giúp đỡ bạn rất nhiều trong việc đối phó với các rủi ro có thể xảy ra trong tương lai. 
Hãy hành động, chăm chỉ thêm một chút, tập trung vào phát triển bản thân thêm nhiều chút. Hãy cập nhật kiến thức mỗi ngày, đọc nhiều hơn, ra ngoài gặp gỡ và học hỏi nhiều hơn. Hãy quan tâm đến cơ thể của bạn và bắt đầu tập thể dục từ hôm nay để ngăn ngừa rủi ro bệnh tật trong tương lai. Hãy lắng nghe cảm xúc của người thân xung quanh nhiều hơn. Cố gắng từng ngày, và bạn sẽ nhận ra rất nhiều thay đổi tích cực trong cuộc sống của mình.
Bài toán cuộc đời không bao giờ có đáp số. Trái Đất vẫn không ngừng quay, thế giới vẫn luôn biến động từng ngày, và trời không phải lúc nào cũng hửng nắng. Chúng ta không thể nào chắc chắn rằng ngày mai sẽ vẫn được sống trong vui vẻ bình an. Do đó chúng ta nên giữ vững tâm thế và chuẩn bị thật tốt để đương đầu với mọi khó khăn. Tư tưởng đúng, thái độ đúng đối với từng hoàn cảnh mới chính là thứ tạo ra sự ổn định. Chấp nhận rủi ro và tìm cách kiểm soát chúng mới chính là phương pháp an toàn nhất để tạo ra nền tảng tương lai bền vững cho chính chúng ta, cho những người thân yêu của mình.
Đừng tin vào sự ổn định, hãy tìm cách để sống một cuộc đời xứng đáng với năng lực của mình.