Quân khu Nam Đồng – ký ức của những người con nhà lính.
Đôi điêu về tác giả: Bình Ca là một người con của khu tập thể Nam Đồng, câu chuyện được viết chính là những sự kiện có thật cách đây diễn ra trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Tác giả Bình Ca vừa là người kể, vừa là nhân chứng, cũng là người tham gia trực tiếp vào các sự kiện. Quân khu Nam Đông là tác phẩm đầu tay của tác giả Bình Ca, mặc dù tác giả tự nhân mình là một tay mơ nhưng có lẽ chính vì sự không chuyên đó nên câu chuyện của Quân khu Nam Đông hiện lên một cách giản dị, tự nhiên và cuốn hút người đọc.
Nội dung của truyện: Khu tập thể Nam Đồng là khu gia đinh lớn nhất Thủ Đô thời bấy giờ. Truyện không có nhân vật chính, mỗi chương truyện là hành trình kể lại sự trưởng thành của những chàng trai ở khu Nam Đồng. Đó là nhóm thanh niên đang tuổi ăn, tuổi lớn, họ có những suy nghĩ còn khờ dại nhưng có lẽ vì chính những suy nghĩ ấy mà họ đã có một tuổi trẻ độc nhất vô nhị. Mặc dù đang ở trong giai đoạn chiến tranh nhưng họ vẫn bày ra đủ trò chơi nghịch ngợm, thậm chí đánh nhau. Rồi những câu chuyện tình yêu giản dị, mộc mạc của những thanh niên ngày xưa với những bức thư tay cái mà có lẽ ở thệ hệ của mình và các bạn sau này đã không còn nữa.
Đọc sách mà nể các cụ ngày xưa, đời sống tinh thần của các cụ phong phú quá. Họ chơi đùa hồn nhiên, nhưng vẫn không quên phụ mẹ việc nhà, các anh trai Nam Đồng chẳng ngại bất cứ việc gì. Họ tắm cho lợn, quạt mát cho lợn, “thủ trưởng lợn” lúc ấy được xem là tài sản quý giá nhất trong nhà, nhân vật Ngọc trong truyện còn hi sinh nụ hôn đầu đời của mình để hô hấp cho lợn, còn nhân vật Khanh thì từng ước mơ “ước gì mình được làm con lợn nhà đó”
Rồi họ rủ nhau hát Quốc Ca thật to lúc chào cờ, mặc cho sự ngạc nhiên của thầy cô giáo và các bạn học sinh khác, nhân vật Việt còn một mình đơn ca thật to trước toàn trường, anh còn chơi lớn khi hát tiếp bài Trường Ca bài hát của nhà trường mặc dù không thuộc. Rồi họ vẽ tranh biếm họa thầy cô, cô giáo Nga dạy sử được các cậu học trò vẽ thành hình ảnh một con lật đật có nốt rồi trên môi, tay cầm một quyển sách lịch sử. Họ bẻ chân gà nhà cô giáo để trả thù việc cô cho điểm kém, thậm chí sau đó họ còn đánh sâp tất cả chuồng gà trong khu tập thể.
Trong truyện cũng dành không ít trang để miêu tả về các trận đánh nhau của các thanh niên trong khu Nam Đồng, họ đánh nhau vì những lí do riêng và nhiều người đã phải đi tù vì không vạch rõ giới hạn. Rồi chuyện tình của các chàng trai, khi mà họ phân chia thằng này yêu nhỏ này, động viên, tư vấn tình cảm cho nhau, còn đe dọa là nếu không tấn công nhanh thì sẽ bị cướp. Rồi viết thư tình còn nhờ nhau viết hộ, một ông viết mà cả hội cứ lấy mà tham khảo, còn không thì chép lại rồi gửi luôn cho người yêu. Rồi yêu cầu khi hẹn hò về thì phải báo cáo để cho cả hội tư vấn, mình rất thích lúc tác giả miêu tả cảnh người cho bạn mượn bộ quần áo đẹp nhất, người lấy xe máy của bố cho bạn mượn, anh em thì có bao nhiêu tiền thì đưa hết cho bạn để làm tình phí, thậm chí còn cử người ngồi giữ chỗ tại ghế đá trên Hồ Tây, đọc đến đấy thấy tình anh em đồng lòng vì nhau vẫn đang được các thế hệ tiếp nối và tiếp tục phát huy các cụ ạ, tất cả hết lòng để anh em có người yêu.
Ở Quân khu Nam Đồng, tác giả cũng đưa vào những hồi ức, bị kịch của chiến tranh như hình ảnh nhân vật Phúc suốt tuổi thơ chờ đợi một lá thư của bố, giật mình khi nghe tiếng khóc vang lên giữa khu tập thể. Vậy là lại thêm một gia đình nữa có người đã đi mãi không về.
Chốt lại, Quân khu Nam Đồng là một cuốn sách cực kỳ cực kỳ đáng đọc, bạn sẽ cười, sẽ suy nghĩ khi đọc nó. Tác giả Bình Ca đã đưa chúng ta quay lại một thời kỳ khó khăn nhưng hào hùng của Đất Nước, được chứng kiến những kỷ niệm đẹp của tuổi trẻ thanh niên Nam Đồng.