Thực tình mình đã định viết vài dòng về cuốn này từ hai lần đọc trước, nhưng chẳng hiểu sao cứ viết rồi lại xóa rồi viết rồi lại xóa đến tận bây giờ. Thôi thì, nhân lần đọc lại thứ 3 mà vẫn cứ vấn vương mãi cái cảm giác buồn man mác này, hay dở thế nào chắc cũng phải để lại đôi dòng tâm tư.

Phụ trách ảnh: Anh Google
Mấy lần thử viết trước, có lẽ cái khó nhất với mình là không biết chọn ai, nhân vật nào, truyện nào để mà trải lòng mình ra:
chọn ông Sáu già đi bán vé số có con bìm bịp tiếng kêu não nề, suốt mấy chục năm, ông Sáu chuyển nhà đến ba mươi mấy lần, chỉ cốt cố tìm cho được người vợ đã bỏ ra đi vì một lần vô tình cãi vã ông trót to tiếng, để nói được lời xin lỗi với người ta; 
hay chọn người má trong câu truyện về phận đàn bà, hai người, người vợ trước con đoản mệnh chết trôi sông, chồng bỏ, đêm đêm cứ ngồi khâu may cái áo của con của chồng rồi rạng sáng lại tháo chỉ ra, vì không làm gì thì cái đau trong tâm nó chẳng thể chịu nổi, người còn lại, làm vợ người ta mà tâm trí người ta cứ gắn trọn với sông nước, với nỗi nhớ người trước, ngày ngày người ta ra bờ sông đứng nhìn xa xăm đến dăm bảy lần không thôi.
Mình thực sự trân trọng cảm giác được trải nghiệm từng mảnh đời những người dân Nam Bộ, nghèo, thậm chí là khổ, rất khổ, nhưng nặng nghĩa, nặng tình.
***
Ngay từ những dòng đầu tiên, cô Tư đã chạm được vào cảm xúc người đọc:

Mỗi lần nghe câu hát "Gió đưa cây cải về trời. Rau dăm ở lại ...", tôi hơi quạu, ông bà mình quá hiền lành đi, thí dụ có bị phụ phàng, thì cũng có chanh chua, hằn học một tí, "Gió đưa thằng quỷ sứ về thành. Để tui ở lại chành ành... đắng cay". Đau, tức vậy mà trách cứ nhẹ hều... Dường như người ta vẫn yêu, đến mức không thể giận dổi, nặng lời. Và mình thì chưa bao giở yêu ai đến như vậy?!!!

Cái lối viết chân quê, mộc mạc, đôi chỗ hóm hỉnh, cứ từng dòng từng trang cuốn người đọc vào những câu truyện, những mảnh đời.
***
Nhưng có lẽ điều thấm thía nhất đối với riêng bản thân mình, là đọc tác phẩm này khiến mình thực sự cảm thấy trưởng thành hơn về mặt cảm xúc. Từ chính truyện ngắn trung tâm "Cánh đồng bất tận" mà mình hiểu được rằng: sự nguy hiểm nhất trong cuộc sống, có lẽ lại đến từ chính những ngây thơ về cảm xúc. Vì khi sự ngây thơ ấy bị phá vỡ, giống như cách người cha của Nương đã đối mặt với tin vợ mình bỏ nhà theo trai:
"Nghe nói cha tôi còn cười, giọng ra vẻ giận, 'Bộ hết chuyện giỡn rồi sao, cha nội?' 

Có vẻ khó tin, khi một người nghĩ rằng, chỉ cần mình hết lòng yêu thương, gánh hết sự kiếm sống nhọc nhằn thì sẽ được đền đáp xứng đáng. Có vẻ buồn cười... Và cha tuột xuống đất, run rẩy..."

thì người ta sẽ rất dễ dẫn đến hụt hẫng vô vọng, chìm sâu vào cái hố đen mịt mùng chẳng còn chút ánh sáng nào dù là mong manh nhất. Không một cái gì trên đời này còn ý nghĩa, và ông ta cứ thế tụt dần tụt dần xuống để cuối cùng biến thành con quỷ đi trả thù đàn bà, khiến người ta có tình với mình rồi phũ phàng vứt bỏ, để những người đàn bà đáng thương ấy bẽ bàng với làng xóm đồng thời nhẫn tâm cắt đứt con đường trở về của họ. Cái nghiệp chướng ấy nó nặng quá, để rồi kết cục ông ta phải nhìn, phải dùng hai mắt của mình mà chứng kiến mấy thằng thanh niên trộm vịt đè chính đứa con gái của mình ra mà hãm hiếp, mà hùng hục xéo giày.
Đau, đau lắm. Nhưng biết làm sao.
...
Mình cũng không biết nữa, nếu đặt mình vào vị trí vợ bỏ ấy, thì mình biết làm sao? 
Nhưng mình có cảm giác rằng cảm xúc của bản thân, sau khi đọc truyện này rồi, nó sẽ không thể chế ngự và biến mình thành một con quỷ giống như thế. 

Đau khổ, đâu nhất thiết hủy hoại cả cuộc đời. 

Và quan trọng hơn, đau khổ, đâu nhất thiết phải tạo thêm đau khổ cho người thân, cho những đứa trẻ như Nương, như Điền!

...

Mình xin lỗi, nếu có spoil quá nhiều. Nhưng, tin mình đi, bạn chắc chắn sẽ không phải thất vọng nếu lựa chọn tác phẩm này đâu!

A Dreamer