Mình biết đến cuốn sách khá là tình cờ. Đương nhiên ban đầu cũng không tính sẽ đọc cuốn sách này, nhưng lúc đọc “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” của Ocean Vuong rồi “Trên đường” của Jack Kerouac rồi đọc cuốn gì đó nữa đều nhắc đến “Của chuột và người” nên mình khá tò mò (mặc dù lúc đó đã đọc review thì cũng phần nào nắm được cốt truyện rồi) không biết sách này hay như nào mà được nhắc tới nhiều thế.
Nói qua về tác giả thì đây là một tác giả khá nổi tiếng ở Mỹ, được ví như tượng đài văn học Mỹ, nhưng khi đọc thêm về tiểu sử của ông thì mình có thể nói tóm gọn ông như “bông hoa nở muộn”, do ban đầu ông không đạt được nhiều thành tựu về nghiệp văn chương này, vì thế mà ông đã phải làm khá nhiều công việc tay chân khác để đảm bảo cho cuộc sống, nhưng thực tế là không thành công trong bất cứ công việc nào cả. Mình nghĩ nhờ vốn trải nghiệm dày như vậy mà những câu chuyện của ông mới đủ sâu, đủ hay để ông có được vị trí như vậy, cũng như khâm phục ông vẫn viết, vẫn xuất bản nhờ thế mà những tác phẩm về sau của ông được để ý tới, tiêu biểu là cuốn “Của chuột và người” cũng đã được dựng thành phim.
ảnh tự chụp :)))
ảnh tự chụp :)))
Khi đọc truyện và xem phim, mình cứ liên tưởng đến “Hoa trên mộ Algernon” bởi một phần trong truyện cũng có nhân vật có vấn đề về thần kinh, tức bên ngoài thì to xác nhưng bên trong chỉ là một đứa trẻ.
Câu chuyện kể về người dân lao động nghèo khổ dưới hình ảnh hai nhân vật George và Lennie rong ruổi trên con đường đi đến nơi làm thuê, họ phải thay đổi nhiều chỗ làm do rắc rối phát sinh từ Lennie (người không được bình thường). Mình vẫn cứ thắc mắc, sao Geogre ngay từ đầu đã ôm cục nợ này, khi mà mỗi lần Lennie gây chuyện thì George lại phải xử lý trong khi George với Lennie cũng không hẳn có quan hệ họ hàng gì, liệu mình là George thì mình có chịu cưu mang thêm một người như vậy không khi mà chính bản thân mình còn chưa lo xong. Mà có khi không có Lennie, ước mơ của George có khi nhanh biến thành sự thật hơn.
Cả câu chuyện bạn đọc sẽ cảm nhận được niềm khao khát của những người dân nghèo khổ này, họ chỉ mong đi làm kiếm đủ tiền và ước mơ về một ngôi nhà nhỏ, có vườn, có trang trại để tự trồng trọt, chăn nuôi, không còn phải vất vả trong cảnh làm thuê. Ai cũng mơ như thế nhưng chẳng ai chạm được vào giấc mơ đó cả. Tuy đây là chuyện được viết từ hơn 80 năm về trước, nhưng với cuộc sống hiện đại ngày nay, cũng vẫn phản ánh được thực trạng này. Kể cả là lao động tay chân, hay làm văn phòng thì nhiều người vẫn mơ ước mua được nhà, mua được đất, được sống trong không gian riêng tư để không phải chịu cái cảnh ở thuê hay trả góp nên chúng ta vẫn cứ miệt mài làm việc mà nhiều ước mơ cứ gác lại, không biết đến bao giờ mới thực hiện được.
Trong chuyện có cảnh con chó của ông Candy bị bắn chết vì nó đã quá già, quá hôi, quá vô dụng rồi. Nó gợi mình đến nhân vật Lão Hạc và Cậu Vàng trong văn học Việt Nam. Hình ảnh này như ẩn dụ cho việc khi con người trở nên vô dụng thì khả năng cũng sẽ bị loại bỏ một cách dã man như thế, Candy trong truyện cũng là ông lão già, không còn sức lao động để làm được những công việc nặng nhọc nữa rồi. Cảnh ông nằm im, bất động một hồi khi nghe thấy tiếng súng nổ bắn chú chó của ông như thể hiện việc ông cam chịu, chấp nhận một tương lai tương tự như thế.
Cả câu chuyện mình tâm đắc nhất nhân vật người da màu – tên Crooks, vì là da màu nên hắn luôn bị phân biệt đối xử, hắn phải ở một gian phòng riêng, không ai nói chuyện với hắn, chắc vì thế mà hắn có suy nghĩ rất thực tế. Hắn đã nói với Lennie khi nghe Lennie kể lể về giấc mơ với George:
“Tao đã thấy cả trăm thằng ngoài đường và trong các trại, với tay nải trên lưng và cũng cái ý khốn khổ đó trong đầu. Cả trăm đứa. Tụi nó tới làm, rồi bỏ việc, rồi lại đi. Thằng khốn nào cũng có miếng đất nhỏ trong đầu. Và chưa hề có thằng khốn nào tậu được đất…Tụi nó lúc nào cũng nói tới miếng đất, nhưng chỉ trong đầu tụi nó thôi”. Thật sự, đối với cá nhân mình đây như một câu kéo những người mơ mộng trở về với thực tại. Nhưng mình hy vọng chúng ta vẫn phải vượt lên, dám chạm tới ước mơ một lần để rồi dù có thành hay bại thì ta cũng vẫn cảm thấy hạnh phúc vì ta dám làm, dám thực hiện nó. Thay vì đến lúc hấp hối, ta cứ mãi nhắm mắt không yên vì đã không đủ dũng cảm để làm điều mà chúng ta mong muốn.
Tuy muốn viết thêm, nhưng mình nghĩ nên kể lể đến đây để các bạn thấy thích thú và tìm đọc cuốn sách này. Lưu ý thêm là đoạn cuối sách mình đã vừa đọc vừa khóc, có thể do mình nhạy cảm, dễ bị cuốn vào câu chuyện của nhân vật nên vậy, nhưng quả thực đó là một cái kết mà mình nghĩ sẽ gây bất ngờ cho người đọc, và mỗi người đọc sẽ có một suy nghĩ riêng về nó.