Witcher, Thợ Săn Quái Vật, và Thuật Sĩ - một câu chuyện thú vị về dịch thuật
Nhã Nam gần đây vừa tung bản demo cho bìa The Last Wish, cuốn đầu của series Witcher. Đáng chú ý nhất, cái bìa đó cho thấy Nhã Nam...
Bài viết được đăng lại từ Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) cùng với một số chỉnh sửa về nội dung. Link bài gốc được đăng ở cuối bài.
Nhã Nam gần đây vừa tung bản demo cho bìa The Last Wish, cuốn đầu của series Witcher. Đáng chú ý nhất, cái bìa đó cho thấy Nhã Nam đã chốt sẽ chuyển ngữ từ “witcher,” cái nghề mang tính thương hiệu của series, thành “thuật sĩ.”
Quyết định ấy làm bùng nổ rất nhiều tranh cãi, với phần đông tin rằng “thuật sĩ” không lột tả được trọn vẹn bản chất của “witcher,” và cảm thấy giữ nguyên chữ “witcher” hoặc dịch nó thành “thợ săn quái vật” thì sẽ chuẩn xác hơn.
Vì bản thân vốn trước giờ toàn quen gọi witcher là, ờm... witcher, mình cũng thấy từ thuật sĩ nghe dị vl. Nhưng cá nhân mà nói, mình tin chữ “thuật sĩ” ít nhất cũng phù hợp ngang, nếu không muốn nói còn hợp hơn, hai đề xuất thay thế hiện đang được đa số ủng hộ.
Để hiểu được tại sao “thuật sĩ” lại ổn, trước hết ta cần bàn về gốc gác của chữ “witcher” cái đã.
Về "wiedźmin" và "witcher":
“Witcher” kỳ thực không phải là tên gốc của cái nghề trong truyện. Đây cũng chỉ là một bản dịch, cách chuyển ngữ tiếng Anh của “wiedźmin,” thuật ngữ được tác giả Andrzej Sapkowski dùng trong bản tiếng Ba Lan gốc. “Wiedźmin” là một biến thể của “wiedźma,” tức “phù thủy” (hay chuẩn hơn thì là “người phụ nữ sử dụng tà thuật”) trong tiếng Ba Lan. Từ “wiedźma” vốn chỉ dùng cho nữ giới, còn phù thủy nam thì là “wiedźmak,” nhưng vì cái nghề mà Sapkowski khắc họa trong truyện không chỉ là phù thủy đơn thuần, thế nên ông đã tự chế ra chữ “wiedźmin” để ám chỉ rằng cái nghề này cũng từa tựa một phù thủy nam, nhưng không hẳn như thế. Đáng chú ý là từ “wiedźmak” về sau cũng được xuất hiện trong truyện, và cũng dùng để tả các wiedźmin luôn, chỉ có điều nó được dùng dưới dạng thuật ngữ miệt thị, nhằm chửi các wiedźmin là đám cùi bắp, phép thuật không đủ lên tầm pháp sư chính hiệu.
Khi bộ truyện được dịch sang tiếng Anh, việc “wiedźmin” khởi sinh từ cái gốc “wiedźma” của từ luôn được dùng làm nền tảng. Ban đầu, “wiedźmin” được dịch là “hexer,” tức “kẻ yểm bùa,” biến thể của từ “hex,” tức “ma thuật.” Thú vị là hexer còn có thể coi là từ mượn, lấy từ chữ “hexer” trong tiếng Đức (tức “nam phù thủy,” phiên bản đảo giới của từ “hexe,” mang nghĩa “nữ phù thủy”). Đây là cái tên chính thức của nó trong một thời gian dài. Thế rồi đến năm 2007, CD Projekt đã chuyển thể bộ truyện thành game, và trong phiên bản tiếng Anh của game thì đã để “wiedźmin” là “witcher,” biến thể của từ “witch” (tức “phù thủy”).
Xét theo những gì ta biết về các wiedźmin, cả phiên bản “hexer” lẫn “witcher” đều có chung một điểm: chúng nó khá tối nghĩa. Cả hai đều chỉ toát lên chất phù thủy thôi chứ không lột tả được gì khác hết. Nó không dính gì đến săn lùng, không gợi ra việc giết quỷ, không động đến bản chất đâm thuê chém mướn của cái nghề. Nếu được xướng trần lên, không đi kèm giải thích gì cả, cả hai đều gợi cảm giác đang ám chỉ đến một kẻ sử dụng tà thuật hoặc phép ma gì đấy.
Không phải ngẫu nhiên các dịch giả bản tiếng Anh lại chọn từ “hexer” và “witcher” thay vì “monster hunter,” “witch-knight,” “slaymancer,” hay bất cứ thuật ngữ nào khác khả dĩ thể hiện trọn vẹn hơn công việc của các wiedźmin. Có hai lý do chính để họ chốt hai từ như vậy.
Lý do đầu tiên, đồng thời cũng dễ thấy nhất, là họ cần duy trì một cách tối đa tinh thần của từ “wiedźmin.” Vì như đã nói ở trên đấy, “wiedźmin” vốn cũng chỉ là biến thể của từ phù thủy, chứ không nhồi kèm ngữ nghĩa mới nào hết, thế nên khi độc giả Ba Lan nghe thấy từ “wiedźmin,” họ cũng chỉ có cảm tưởng người làm nghề này biết yểm bùa chú sao đó, chứ chẳng thể nào từ đấy luận được ra đây là một gã giang hồ đi lang bạt khắp nơi để chém quái vật kiếm cơm. “Hexer” và “witcher” giúp tạo hiệu ứng tương tự ở các độc giả quốc tế: biết tay này có dính đến phù phép, nhưng không thể luận thêm được nghĩa nào khác trừ khi được cấp thêm thông tin.
Lý do thứ hai nằm sâu bên trong tác phẩm. Như bên trên đã nói, “wiedźmin” là một từ lạ, và nó cũng không lột tả chính xác bản chất những người làm nghề này, thế nên ta sẽ bắt gặp những trường hợp các nhân vật trong truyện không hiểu wiedźmin cụ thể là làm gì, hay thậm chí còn nhầm nó với phù thủy hoặc pháp sư. Ví dụ như trong The Lesser Evil, mẩu truyện ngắn thứ tư trong cuốn The Last Wish, ta bắt gặp một đoạn như thế này:
“In front of the alderman's house. He brought some sort of dragon in to trade, a cross between a spider and a crocodile. People were saying he’s a witcher.” “And what’s a witcher?” Fifteen asked. “Eh? Civril?” “A hired magician,” said the half-elf. “A conjurer for a fistful of silver. I told you, a freak of nature. An insult to human and divine laws. They ought to be burned, the likes of him.”
Mình tạm dịch như sau (chữ “witcher” sẽ được đảo thành “wiedźmin”):
“Trước nhà ủy viên. Hắn mang theo một con rồng gì đó đến để đổi chác, trông như lai giữa nhện và cá sấu ấy. Người ta bảo hắn là một wiedźmin.” “Thế wiedźmin là gì vậy?” Fifteen hỏi. “Hở? Civril?” “Một pháp sư mướn,” gã bán tiên nói. “Một thằng phù thủy cứ quăng cho nhúm bạc là vẫy đuôi ngay. Tao thề với mày, hắn là phường quái thai đấy. Một sự sỉ nhục cả với luật pháp con người lẫn các quy lệ thiêng liêng. Những kẻ như hắn phải bị đem thiêu mới vừa.”
Bây giờ, nếu anh em thế một từ mang tính lột tả cao vào chữ “wiedźmin,” chẳng hạn từ “monster hunter” (tức “thợ săn quái vật”), cuộc trò chuyện bên trên sẽ trở nên rất ngô nghê. Thợ săn quái vật thể hiện quá rõ ràng wiedźmin là cái nghề gì rồi: đi săn quái vật. Kết hợp với việc lúc bấy giờ, Geralt (wiedźmin được nhắc đến ở đoạn này) vừa mang một con quái to đùng đến trước cửa nhà ủy viên thị trấn, câu hỏi của Fifteen tự dưng biến thành rất xuẩn ngốc, kể cả nếu xét theo chuẩn một thằng cướp vô học.
Thêm vào đó, việc gã bán tiên nêu ra một loạt từ đồng nghĩa với cái gốc phù thủy của wiedźmin cũng sẽ không còn giá trị liên hệ như lúc đầu, bởi vì các từ ấy cách xa chữ thợ săn quái vật quá. Khi đặt cạnh nhau, “magician,” “conjurer,” và “witcher” đều chung chạ cái gốc gác phép thuật, giúp cách giải thích nghe ăn nhập hơn hẳn so với việc dùng “magician” và “conjurer” để tả về “hunter.”
Ok, xong vụ cái tên tiếng Ba Lan và tiếng Anh rồi, giờ quay về với “thuật sĩ,” cái tên tiếng Việt Nhã Nam đặt cho wiedźmin.
Về "thuật sĩ":
Cũng như với “hexer” và “witcher,” “thuật sĩ” đáp ứng được tiêu chí bám sát tinh thần từ “wiedźmin,” và cũng giảm thiểu được khả năng gây mâu thuẫn với ngữ cảnh bên trong tác phẩm. Dẫu là một từ có sẵn trong từ điển rồi chứ không phải chém mới (định nghĩa nó ở đây), “thuật sĩ” vẫn là từ hiếm gặp, tạo cảm giác lạ tai khi nói lên. Ngay cả khi không biết về cái nghĩa “người sử dụng ma thuật” của nó, chữ “thuật” cũng đủ để khiến người đọc lờ mờ mường tượng ra nó có liên quan đến sự ảo diệu, một bí thuật nào đó, tương tự cách từ “wiedźmin” gợi đến “wiedźma” hoặc “witcher” gợi đến “witch” vậy.
Ngoài ra, việc “thuật sĩ” không nói toạc ra gì ngoài chuyện đây một người có dính dáng đến phép thuật không khiến nó kém cạnh so với các thuật ngữ khác. Một lần nữa, anh em hãy nhìn lại chữ “wiedźmin” với “witcher” và “hexer” nhé. Không ai dựa vào đây mà lại luận ra nổi người làm nghề này sẽ đấm nhau với quái như Võ Tòng cả. Sở dĩ phần đông thấy cấn trước từ “thuật sĩ” là vì đã có ngữ cảnh bên ngoài, biết rõ “thuật sĩ” không thể nào tả hết những gì các wiedźmin làm, nhưng lại quên mất rằng “witcher” cũng giống y hệt như vậy.
Thêm nữa, nếu xét kỹ ngữ nghĩa gốc Hán của chữ “thuật sĩ,” ta sẽ thấy cái tên này còn làm toát lên bản chất của các wiedźmin một cách rõ ràng hơn cả “witcher” nữa kia.
“Thuật” là phần hay nhất của cái tên này. Nó thực chất không chỉ bó hẹp trong việc chỉ bùa phép ảo ma hay gì cả, mà có nghĩa là “phương pháp,” “nghề,” và “kỹ thuật.” Nó có thể đại diện cho kiếm thuật, y thuật, võ thuật, phép thuật,… đủ kiểu trên đời. Vậy tức là nếu hiểu theo nghĩa đen, từ “thuật sĩ” sẽ chỉ là “kẻ tinh thông nghề,” còn hắn tinh thông nghề nào hay tinh thông bao nhiêu nghề thì không rõ. Vì các wiedźmin không chỉ dùng được ma thuật ở cấp thấp (phép thuật) mà còn biết đấu kiếm (kiếm thuật), biết bào chế thuốc và trị thương căn bản (y thuật), tay không vẫn dần được cho cả một đại đội lính ra bã (võ thuật), việc gọi họ là “thuật sĩ” đảm bảo không có khả năng nào của họ bị cho ra rìa hết, bất chấp việc phép thuật thần bí là thứ dễ hiện lên trong óc chúng ta nhất so với tất cả các thứ thuật khác khi nghe thấy cái tên đó được nêu ra.
Về chữ “sĩ” thì có thể anh em sẽ quen thuộc với nó nhất trong câu “sĩ, nông, công, thương,” chỉ tầng lớp nghiên cứu trí thức, và nghe có vẻ sẽ hơi lệch với hình tượng wiedźmin bắp thịt cuồn cuộn, chém quái. Tuy nhiên, nếu đã đọc vào truyện, anh em sẽ thấy các wiedźmin không phải hạng võ biền. Họ kỳ thực rất sát với thành phần trí thức tinh hoa của xã hội.
Ngay từ hồi nhỏ, trong quá trình huấn luyện làm wiedźmin, họ không chỉ đơn thuần tập chiến đấu mà còn phải nghiên cứu nhiều thứ mang tính học thuật rất vất vả, gần ngang chúng ta cày đại học bây giờ. Chính thế nên lúc “tốt nghiệp,” wiedźmin có kiến thức cao hơn hẳn mặt bằng chung người dân bình thường, đọc thông viết thạo, am tường lịch sử và thần thoại tứ phương, nói được mấy thứ tiếng liền, cả cổ ngữ lẫn tiếng hiện đại. Ngay cả xét theo tiêu chuẩn thời nay, wiedźmin đã thuộc hàng anh tài về trí tuệ rồi, chứ đừng nói là cái thời phiên phiến Trung Cổ như vậy. Kết hợp với việc họ có tuổi đời dài gấp mấy lần người thường, thường xuyên chu du đó đây, wiedźmin có rất nhiều dịp mở mang đầu óc, dần dẫn đến có tư duy triết lý chẳng khác nào hiền nhân cả.
Bên cạnh đó, cái chữ “sĩ” này còn có hai nghĩa nữa. Đầu tiên, đây là chức danh tôn trọng, dùng để gọi những người có phẩm hạnh hoặc có tài nghệ cao cường. Ta có thể thấy điều này thể hiện trong những từ như “dũng sĩ,” “tráng sĩ,” “võ sĩ,” “kiếm sĩ,”… Nó cũng còn được dùng để chỉ lính tráng trong quân đội, thể hiện qua những từ như “chiến sĩ,” “sĩ khí,” “sĩ quan,” “binh sĩ,” “thượng sĩ” (chữ “sĩ” trong “thượng sĩ” gốc là chỉ “quan,” nhưng vì ngày nay mấy cái tước kiểu này đã được chuyển thành bậc quan đặc thù của quân đội, mình sẽ vẫn gộp nó vào),… Nói vậy tức là “sĩ” vừa có thể là những người trí óc tinh hoa, vừa có thể là những con người oai phong và mạnh mẽ. Vì wiedźmin về cơ bản là những siêu chiến binh, nhưng đồng thời cũng là dân đầu óc thông tuệ có số có má, “sĩ” rất hợp để chỉ những con người này.
Kết luận:
Tựu trung lại, “thuật sĩ” quả thật là một từ nghe rất lạ tai, đặc biệt với những ai đã nghe quen các thương hiệu thay thế như “witcher” hay “thợ săn quái vật.” Nhưng như đã phân tích bên trên, đây là một từ bám rất chuẩn tinh thần chữ “wiedźmin,” và thậm chí còn lột tả nghề đó một cách tốt hơn cả hai phương án kia nếu ta đào sâu xuống. Có lẽ sẽ phải mất một thời gian mới nghe quen nổi cái từ “thuật sĩ,” nhưng mình tin nó không phải là một lựa chọn tồi cho việc chuyển ngữ chữ “wiedźmin” đâu.
Xem bài viết gốc tại:
Đọc thêm:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất