1. Thông tin chung

- Tên tác phẩm: Võ Sĩ Đạo, Linh Hồn Nhật Bản
- Tác giả: Inazo Nitobe
- Dịch giả: Nguyễn Hải Hoành
- Thể loại: Non Fiction
 Võ Sĩ Đạo, điều mà ai cũng biết là đặc trưng của tinh thần Nhật Bản. Nhưng cụ thể nó là gì, từ đâu mà có và ảnh hưởng của nó tới người Nhật như thế nào thì không phải ai cũng có thể trả lời được. Rất may, cách đây hơn 100 năm, tiến sĩ Inazo Nitobe đã cho ra mắt một đầu sách nhằm giới thiệu khái niệm Võ Sĩ Đạo cho người phương Tây, sau đó được phổ biến cho toàn thế giới.

2. Về tác phẩm

 Trước hết, cho phép tôi nói về bản thân một chút. Hồi bé không có biết Võ Sĩ Đạo hay Bushido là khỉ khô gì hết, chỉ biết tới Samurai thôi. Hồi đó đứa trẻ mê hoạt hình nào cũng biết tới Samurai Jack; hay lớn hơn 1 chút là mê game, ôi thôi game thì bạt ngàn, như Samurai Showdown, Onimusha hay gần đây nhất là Ghost of Tsushima. Nói vậy để thấy, Samurai được văn hoá đại chúng ưu ái tới mức nào, gieo vào những cậu nhóc trên khắp thế giới hình ảnh những chiến binh cương trực, khảng khái, luôn đại diện cho chính nghĩa.
 Sau khi tốt nghiệp Đại Học, tôi có cơ may được sống và làm việc tại Nhật trong 5 năm. Khi đó tôi mới được trực tiếp trải nghiệm và thấy rõ hơn về lối sống của người Nhật. Đa phần, y chang như sách báo vẫn nói, thậm chí còn hơn thế nữa. Họ lịch sự, đúng giờ, hoà nhã, trọng lễ nghĩa, làm việc hết mình và phục tùng cấp trên tuyệt đối. Ở Việt Nam, nếu bạn làm được những điều trên, bạn là cá nhân xuất sắc và sẽ được mọi người ngưỡng mộ. Còn ở Nhật, đó là những đức tính cơ bản của họ. Không có người Nhật nào khen nhau vì tới đúng giờ hay kiên nhẫn xếp hàng cả. Họ làm những việc đó tự nhiên như hơi thở (hay ít nhất họ diễn giỏi).
 Và tôi tự hỏi, làm thế nào mà họ có ý thức tự giác cao và đồng đều tới vậy? Câu trả lời là một hệ thống đạo đức được bắt nguồn từ các Samurai, mang tên Võ Sĩ Đạo.
 Cuốn sách được trình bày rất súc tích và khoa học, đúng tinh thần của một tác phẩm nhằm giới thiệu một nét văn hoá đặc trưng ra thế giới. 11 chương đầu là giải thích chi tiết các khía cạnh của Bushido, và 6 chương sau nói về sự ảnh hưởng của nó tới các mặt trong cuộc sống người Nhật. Nói một chút về tác giả, do được tiếp xúc sớm với nên văn hoá Tây Phương, nên xuyên suốt cuốn sách, tác giả luôn có sự so sánh với Hiệp Sĩ Đạo (Chivalry) hay Ki-tô giáo. Một mặt để độc giả thế giới dễ tiếp cận nội dung hơn, mặt khác như ngầm tự hào rằng, những gì mà một quốc gia nhỏ bé ở Phương Đông sở hữu cũng không kém cạnh gì Lục Địa Già. Sự khoa học trong cách trình bày và lòng tự tôn dân tộc của chính tác giả làm cho tôi, một người Á Đông cũng thấy tự hào lây.
 Để giải thích một hệ thống, một nền tảng đạo đức của cả một dân tộc là một chuyện không đơn giản, nên để đọc cuốn sách này, đòi hỏi độc giả nên có một chút hiểu biết về Phật giáo, Nho giáo, Ki-tô giáo, thời kỳ Phong Kiến. Và với giới hạn trong hơn 200 trang sách, tôi tin những gì tác giả đem tới cho độc giả đã cô đọng hết mức rồi. Đó cỏ thể chưa phải câu trả lời hoàn chỉnh cho mọi thắc mắc về Võ Sĩ Đạo, nhưng tính khái quát và gợi mở của các chủ đề đủ hấp dẫn để thôi thúc người đọc tìm hiểu thêm, đào sâu hơn và tự rút ra được kết luận cho mình.
 Tóm lại, để biết từ đâu tạo nên một dân tộc quật cường đến thế, một đất nước vì sao không cần môn đạo đức mà vẫn duy trì được tính tự giác cao ở mỗi người dân như vậy, hãy bắt đầu từ cuốn sách này. Một cuốn sách không dày, nhưng để hiểu hết nó, phải cần nhiều thời gian. Vì tuy nhỏ bé nhưng trong đó cô đọng linh hồn của cả một dân tộc.

3. Tản mạn

Về Đạo Trung

"Nho giáo ở Trung Quốc coi sự hiếu thảo của con cái với cha mẹ là nghĩa vụ cao nhất, còn ở Nhật Bản thì sự trung thành với vua chúa là mỹ đức số một"
 Những năm đi làm tại Nhật cho tôi thấy rõ một điều, rằng một nhân viên văn phòng có thể không về thăm cha mẹ trong nhiều năm liền, nhưng họ luôn sẵn sàng phục vụ cho công ty. Đối với họ, được công nhận trong một tập thể là điều tối quan trọng để tồn tại. Có lẽ mỗi năm nhảy 1 công ty là đặc quyền dành riêng cho người nước ngoài. Với người Nhật, một CV với lịch sử làm việc tại nhiều công ty là một điều sỉ nhục. Khi sự trung thành là yếu tố quan trọng nhất, thì bị đuổi việc coi như chấm hết cuộc đời. Họ biết, khi đã bị một tổ chức từ chối, thì họ rất khó được chấp nhận ở những nơi khác, họ trở thành người thừa, buộc phải biến mất một cách lặng lẽ, hoặc sống như những người vô gia cư.
 Với áp lực khủng khiếp về lòng trung thành như vậy, chả trách từ quân sự cho tới kinh tế, Nhật luôn duy trì được vị trí ổn định trong top các nước đi đầu. Nhưng phải sống ở nơi mà ai cũng đặt lợi ích của tập thể lên trên cá nhân như vậy, liệu có quá khắc nghiệt với những người sáng tạo, thích thử thách với nhiều lĩnh vực hay không? Họ ắt hẳn là hiền tài, nhưng do không hợp với sự cứng nhắc của xã hội, mà Nhật Bản đang đánh mất một phần chất xám sang các nước phương Tây. Và với xu hướng lười sinh đẻ và không thích làm văn phòng của giới trẻ Nhật hiện nay, họ đang phải đối mặt với vấn đề thiếu lao động trầm trọng, buộc phải sử dụng người nước ngoài như một biện pháp thay thế. Nếu người Nhật không từ bỏ sự phân biệt "trong-ngoài" (kì thị, không coi trọng người nước ngoài) như hiện nay, họ sẽ khó mà có được sự trung thành như người bản địa. Xu thế đang buộc họ phải thay đổi, nhưng điều đó có làm sứt mẻ tinh thần Võ Sĩ Đạo hay không?

Về Phụ Nữ

"Người đàn bà xả thân vì chồng và vì gia đình mình, cũng như người đàn ông xả thân vì vua chúa và đất nước - đây là cái chết đường đường chính chính, không phải là không có niềm vui"
 Nếu mỹ đức của đàn ông là hết mình vì tập thể, thì của phụ nữ là hết mình vì gia đình. Do Võ Sĩ Đạo chịu ảnh hưởng của Nho giáo và phát triển từ thời Phong Kiến, nên vấn đề trọng nam khinh nữ là không thể tránh khỏi. Tuy tác giả có nói, đó là sự khác biệt về địa vị, chứ không phải là bất bình đẳng; rằng sự phục vụ của phụ nữ đến từ sự tự nguyện; ... Nhưng thực tế mà tôi thấy, phụ nữ Nhật thời nay vẫn đang chịu lép vế và không được coi trọng.
 Một anh bạn đồng nghiệp người Việt của tôi tán được một cô gái Nhật, và sau khi họ kết hôn, cô ấy ngay lập tức bỏ việc để ở nhà nội trợ. Một lần đi leo núi, tôi gặp một gia đình 2 vợ chồng và 2 đứa con, trong khi ông bố và 2 đứa trẻ không phải mang vác gì cả, thì người mẹ phải thồ rất nhiều đồ trên lưng. Có thể nói họ làm vậy là tự nguyện, là nét đẹp của người phụ nữ Á Đông, họ sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp cá nhân để phục vụ gia đình. Ừ cũng có thể đấy. Nhưng, hay là do họ không có lựa chọn khác?
 Tại công ty mà tôi từng làm việc, không có nhân viên nữ nào giữ vị trí cao. Dường như việc sử dụng nhân viên nữ chỉ để làm hài lòng các phong trào đòi bình quyền mà thôi, nên chức vụ của họ chỉ quanh quẩn ở vị trí tiếp tân, phụ tá hay làm những việc lặt vặt. Con đường thăng tiến gần như là không có, là do đâu? Nói là do tinh thần Võ Sĩ Đạo liệu có gì sai? Tôi không dám bàn sâu, vì không đủ kiến thức, tôi chỉ hi vọng phụ nữ được có tiếng nói ở bất kì đâu, vì quanh tôi rất nhiều người phụ nữ tuyệt vời, và không một nền đạo đức nào nên kìm kẹp sự tự do của họ hết.

Về Linh Hồn Việt

 Võ Sĩ Đạo là linh hồn của Nhật Bản, vậy người Việt chúng ta có gì? Sách vở không cho tôi câu trả lời, thầy cô không cho tôi câu trả lời, ba mẹ cũng không cho tôi câu trả lời.
 Võ Sĩ Đạo có mặt hạn chế thật, nhưng người Nhật đoàn kết, biết bảo vệ nhau và giữ hình ảnh đất nước khi ra thế giới. Còn chúng ta dường như vẫn đang quảng bá những hình ảnh xấu xí khi ra nước ngoài. Tại Nhật số người nước ngoài phạm tội trước đây nhiều nhất là Trung Quốc, nhưng vài năm gần đây người Việt dần chiếm thế thượng phong.
 Là do chúng ta thiếu một hệ thống đạo đức thống nhất? Thực tế đang như vậy, không thể thay đổi quá khứ và hiện tại, thì cố gắng cho tương lại vậy. Điều chỉnh hành vi của mình hàng ngày, đến khi nào không còn ai bấm còi khi đèn đỏ còn 2 giây, việc đúng giờ không còn là chuyện đáng khen nữa, thì tôi mới có thể tự hào về nền đạo đức của chúng ta được...
Sài Gòn, ngày 23 tháng 8, 2020
Phúc