Review sách Từ nụ đến hoa
Đạo Phật đối với tôi không phải là một tôn giáo. Đó là một con đường giúp tôi nhận diện lại bản thân ở nhiều góc cạnh khác nhau và...
Đạo Phật đối với tôi không phải là một tôn giáo. Đó là một con đường giúp tôi nhận diện lại bản thân ở nhiều góc cạnh khác nhau và ở mỗi khoảnh khắc trôi qua. Nhờ vậy, tôi thấy mình dài rộng hơn, dễ chấp nhận mọi người hơn và thấy cuộc sống này đáng sống biết bao. Để bắt đầu con đường này, ai cũng phải trải qua quá trình mà Phật gọi là Văn - Tư -Tu. Văn tức là nghe. Tư có nghĩa là suy nghĩ, đánh giá xem những điều mình nghe, mình biết có đúng không. Nếu thấy đúng thì sẽ tiến tới bước là Tu tức là sửa đổi. Có lẽ, tôi đang trên đoạn đường của Văn. Tôi đã và đang đọc các cuốn sách về đạo Phật của những tác giả là những nhà tu hành và không phải là nhà tu hành. Quả thực, đọc những cuốn sách về đạo Phật, tôi như lạc vào một thế giới khác, thế giới của an nhiên và vững chãi.
Tôi có một ý định là sẽ review những cuốn sách mà mình tâm đắc với hy vọng đây sẽ là gợi ý cho các bạn muốn tìm hiểu về đạo Phật mà chưa biết bắt đầu từ đâu. Cuốn sách đầu tiên mà tôi muốn giới thiệu có tựa đề Từ nụ đến hoa, sách của thiền sư Soko Morigana, dịch giả Thuần Bạch. Thông qua lời kể giản dị, chân thành của thiền sư, ta sẽ bắt gặp ban đầu là một chú sa di vụng về, đầy hoài nghi và vướng mắc để rồi cuối cùng là hình ảnh một vị thiền sư thân tâm an lạc, thông suốt.
Trên cả hành trình đó, tôi đặc biệt ấn tượng với một khoảnh khắc mà ngài phải đối mặt. Đó là khi chú sa di Soko được chuyển sang một thiền viện mới ở Kyoto do lão sư đầu tiên tuổi quá cao, không thể tiếp tục đồng hành dạy dỗ. Theo truyền thống của nhà thiền, một vị tăng xin đăng nạp vào một thiền viện mới sẽ bị thử thách lòng quyết tâm tu tập. Thiền viện trước hết sẽ là nhẹ nhàng từ chối, sau đó là dùng lời cộc cằn, thô lỗ để đuổi vị tăng kia đi. Nếu vị tăng vẫn khăng khăng chờ đợi ngoài cổng, họ sẽ cho người ra lấy gậy đánh đập đuổi đi. Bằng những hành động đó, thiền viện sẽ đánh giá lòng can đảm, sự nhẫn nhục và sức chịu đựng của thiền sinh để từ đó quyết định tiếp nhận hay từ chối. Chú sa di Soko đã trải qua ba ngày quỳ phủ phục ngoài cổng chùa trong điều kiện rét mướt, nhịn đói và bị đối xử phũ phàng như vậy. Chỉ mới đến đêm của ngày đầu tiên thôi mà biết bao cảm xúc, ý nghĩ đã phát sinh, trào lên như thác, cuốn trôi đi quyết tâm lúc ban đầu của vị tăng trẻ tuổi ấy. Cảm xúc đầu tiên là sự xót thương cho bản thân: “Tại sao mình lại để cho họ đối xử như một cái giẻ rách vậy? Tại sao tôi phải ở trong tư thế khốn nạn này trước cánh cổng đáng ghét này? Cha mẹ của tôi chết rồi, nhưng dù sao tôi cũng vẫn còn trở về Toyama được mà. Tôi vẫn còn họ hàng ở đó, tôi vẫn có thể sống được mà không phải bị đối xử tàn nhẫn như thế này.” Thế mới biết con người yếu đuối đến nhường nào. Hoàn cảnh bất như ý mới xuất hiện mà tâm đã đầy dao động. Quyết tâm ban đầu tưởng như sắt như đá mà giờ chẳng thấy đâu, chỉ còn tiếng than thân, trách móc. Bằng một sức mạnh tiềm tàng nào đó, vị tăng ấy đã không bỏ cuộc. Đã bò lại chỗ tiền đường và bắt đầu làm mới và củng cố quyết tâm của mình. Để rồi ngài rút ra một bài học về lòng can đảm: "Trực diện với con người bất an của mình, trong bất cứ điều kiện nào, và rồi trở về với cái tâm của lúc ban đầu, tự mình đứng dậy sau khi tâm đã thay đổi, suy yếu, và sụp đổ, để rồi củng cố trở lại cái quyết tâm muốn hoàn thành tới nơi lời nguyện ban đầu … phải chăng đây chính là ý nghĩa của sự can đảm?" cũng như nhận định được sự quan trọng của việc "người thiền sinh phải trở nên trống rỗng hoàn toàn và đi vào trong thiền viện với một tâm khiêm tốn, nhẫn nhục. Ở trong cái xó góc trước cổng chùa này, người sa di thiền sinh bị bắt buộc phải nghĩ cho thấu suốt tất cả những điều ấy và dọn mình để hành động cho thích hợp". Đọc đến đoạn này, tôi như thấy mình trong đó. Đã bao lần tôi hạ quyết tâm cũng tức là bấy nhiêu lần nó lung lay, dao động không ngừng. Đáng tiếc là tôi đã không đủ can đảm dọn mình, củng cố lại quyết tâm và tiếp tục vững chãi trên con đường mình đã chọn.
Thiền sư Soko Morigana không dùng những lời đao to búa lớn, cũng không rao giảng những bài học đạo đức. Ngài đã kể lại quãng đời làm thiền sinh của mình có những lúc non nớt, nhận định sai lầm và tâm dao động nhưng cũng có lúc tràn đầy nhiệt huyết, lòng quyết tâm và sự tin tưởng. Đó chẳng phải là câu chuyện riêng của ngài mà tôi nghĩ nó là câu chuyện của nhiều bạn trẻ hiện nay, trong đó có tôi. Làm cách nào để tiếp tục vững bước, làm cách nào từ một nụ hoa bé bỏng lại có thể nở thành một bông hoa thơm ngát, mời các bạn đọc cuốn sách này. Biết đâu bạn sẽ tìm được đáp án của những vấn đề trong lòng bạn.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất