Trong lịch sử của ngành công nghiệp game, có một thể loại mặc dù cực kỳ lâu đời và là nền tảng cho nhiều thể loại khác nhưng nó lại chưa bao giờ được chú ý nhiều. Đó chính là những game thuộc dạng text-based, có nghĩa gameplay chủ đạo là văn bản, là những câu chữ thay vì đồ họa. Những game dạng này thường khá kén người chơi vì nó yêu cầu chúng ta phải đọc rất nhiều, nên cũng dễ hiểu khi giờ không mấy ai quan tâm nữa và thể loại này rơi vào tình trạng chết lâm sàng. Tuy vậy, những người làm game tâm huyết vẫn ngày ngày cố gắng đưa dòng game này trở lại. Không nhiều game đạt được thành công như mong đợi, dù thế, có một cái tên đã nổi bật lên và được đánh giá là sự hồi sinh cho dòng game text adventure - một nhánh lớn của game text-based. Đó chính là Orwell, một trong những game text adventure của thời đại mới xuất sắc nhất. 


TƯƠNG LAI ĐEN TỐI


Orwell là một series game giả lập giải đố theo dạng episode - nghĩa là các màn chơi của nó được chia thành các tập ứng với mỗi ngày trong game. Vì lý do này mà Osmotic - nhà phát triển của game còn gọi 2 phần của series là 2 seasons - 2 mùa, giống như các bộ phim truyền hình. Cho đến nay, Orwell đã có 2 phần game, hay ta nên gọi là 2 mùa cho đúng ý nhà phát triển. Mùa 1 có tên là Orwell: Keeping an eye on you, hoặc gọi đơn giản là Orwell, ra mắt vào tháng 12 năm 2016 và có 5 episode. Mùa 2 có tên Orwell: Ignorance is strength được ra mắt vào tháng 2 năm 2018 và chỉ có 3 episode. Nội dung của Orwell xoay quanh một quốc gia độc tài giả tưởng chỉ được gọi đơn giản là “The Nation” trong một tương lai gần. Vì sao nói đây là một quốc gia độc tài? Lý do nằm ở hệ thống theo dõi, kiểm soát công dân của nó một cách cực kỳ toàn diện ở mọi mặt - internet, điện thoại, camera, máy tính, ngân hàng, báo chí,... Thậm chí quốc gia này còn thông qua một đạo luật có tên là Safety Bill - một đạo luật cho phép chính phủ mở rộng tầm kiểm soát đời sống và thông tin cá nhân của người dân thông qua các hệ thống an ninh. Tuy nhiên thế vẫn là chưa đủ, những nhà lãnh đạo của quốc gia này cần một công cụ tối ưu nhất để giúp họ kiểm soát mọi thứ dưới danh nghĩa giữ gìn trật tự trị an.
Đó là lý do mà Orwell ra đời. Orwell chính là tên được đặt cho hệ thống theo dõi bí mật trong game. Orwell cho phép người dùng truy cập vào thông tin cá nhân của mọi công dân, nghe lén điện thoại, xem trộm tin nhắn, email và theo dõi cả tài khoản ngân hàng. Nói ngắn gọn, Orwell có thể kiểm soát thông tin của từng cá nhân ở mức độ cao nhất. Dưới sự quan sát của Orwell, không có khái niệm bảo mật thông tin, không có cái gọi là riêng tư. Từng giây, từng phút, bất cứ ai làm gì, hệ thống của Orwell đều có thể biết và quan sát.

Đây quả là một tương lai đen tối và ảm đạm, cũng không có gì khó hiểu khi Orwell là game có bối cảnh dystopia - một bối cảnh mang chiều hướng tiêu cực. Dystopia có thể dịch thô ra là “phản địa đàng”, là trái ngược với Utopia. Nếu như Utopia là một xã hội không tưởng cực kỳ tốt đẹp thì Dystopia hoàn toàn ngược lại. Đặc trưng của những thế giới mang chiều hướng Dystopia chính là sự thoái hóa của xã hội, thể chế lãnh đạo phi nhân tính và độc tài. Những tác phẩm lấy bối cảnh này có thể khai thác rất nhiều khía cạnh khác nhau để qua đó làm nổi bật lên tương lai đen tối và ảm đạm. Những khía cạnh ấy trải dài từ chính trị, tư tưởng, tôn giáo, kinh tế, phân hóa xã hội, công nghệ, bạo lực gia tăng và thậm chí là gia đình hay bản ngã của mỗi con người. 

Một trong những tác phẩm lấy bối cảnh Dystopia nổi tiếng nhất là cuốn tiểu thuyết có tên 1984 của George Orwell và nó chính là cảm hứng để Osmotic tạo nên hai phần game của mình. Orwell - tên game và cũng là tên hệ thống theo dõi trong cốt truyện chính là lấy từ tên tác giả của 1984. Mặc dù lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết, nhưng hai phần game Orwell đã giảm nhẹ đi rất nhiều sự nặng nề của tác phẩm. Chính phủ của The Nation trong Orwell vẫn kiểm soát được gần như hoàn toàn mọi thông tin cá nhân của dân chúng, nhưng nó không độc tài và cực đoan đến khủng khiếp như chính phủ Oceania của 1984. Những con người của Oceania còn không dám bày tỏ suy nghĩ cá nhân của mình, họ lo ngại và cảnh giác với mọi người xung quanh, kể cả những người trong gia đình, thậm chí là những đứa trẻ. Bất cứ lúc nào, một ai đó cũng có thể bị trừ khử và biến mất hoàn toàn vì một hành động, lời nói khác biệt với tư tưởng của chính phủ dù là nhỏ nhất. Trong 1984, tự do gần như đã chết hoàn toàn.
Còn trong Orwell, tự do đang chết.

CÁI CHẾT CỦA TỰ DO


Cốt truyện tổng thể ở cả hai mùa của Orwell thực ra khá đơn giản. Với mùa 1, câu chuyện của nó xoay quanh việc nhân vật chính là chúng ta - một điều tra viên được phân công sử dụng hệ thống Orwell để ngăn chặn những vụ đánh bom nơi công cộng và tìm ra kẻ chủ mưu. Trong quá trình điều tra nghi can, bạn sẽ khám phá ra một nhóm hoạt động với tư tưởng phản đối kiểm soát thông tin của chính phủ có tên là The Thought, nghĩa là Tư Tưởng. Ở mùa 2, câu chuyện diễn ra trong cùng khoảng thời gian với mùa 1 với nhân vật chính là một điều tra viên khác. Lần này, nhiệm vụ của chúng ta là đối đầu với một trang báo có tên là The People’s Voice, nghĩa là Tiếng Nói Của Nhân Dân. Chủ bút của tờ báo là một blogger người nhập cư tên là Raban Vhart và có tư tưởng chống chính phủ The Nation. Chúng ta cần làm mọi cách để hạ thấp uy tín của tờ báo nói chung và blogger kia nói riêng, qua đó ngăn cản ông ta kêu gọi người dân đứng lên biểu tình bạo loạn. Câu chuyện của mùa 2 còn đi vào nhiều vấn đề phức tạp hơn như dân nhập cư, sự can thiệp của The Nation vào cuộc nội chiến ở quốc gia láng giềng Parges. Nhưng để nói ngắn gọn thì cốt truyện của Orwell đặt chúng ta vào vai những người làm việc cho chính phủ, bằng mọi giá phải giữ gìn trật tự an ninh.

Vậy đến đây, chúng ta có thể tự đặt ra câu hỏi rằng: ai mới là kẻ phản diện? Nếu suy nghĩ theo logic thông thường ở các tác phẩm mang màu sắc Dystopia, vậy thì chính bản thân chúng ta là kẻ phản diện, đúng thế chứ? Chúng ta là đại diện cho chính phủ độc tài, có tham vọng kiểm soát hoàn toàn người dân và giết chết đi tự do của họ. Chúng ta moi móc vào đời tư của những người bị điều tra để rồi dùng chính những thông tin đó làm bằng chứng kết tội họ. Đó chẳng phải là những việc mà một kẻ phản diện sẽ làm hay sao?
Thế nhưng đó chỉ là những suy nghĩ ban đầu của bạn mà thôi. Đến khi thực sự truy cập vào Orwell, triết xuất những dòng thông tin của nghi phạm, bạn dần dần sẽ hình thành suy nghĩ khác đi. Những kẻ mà bạn đang điều tra đều có thể là người đã đặt bom cướp đi mạng sống của nhiều người. Họ thường xuyên có những phát ngôn chống đối chính phủ và muốn phá vỡ trật tự trị an. Một vài người lại có cả những vấn đề tâm lý và thậm chí cả tiền án tiền sự nữa. Rồi ở mùa 2, thậm chí Raban Vhart còn gài bẫy được cả đội đặc nhiệm của The Nation, sử dụng nó làm công cụ nhằm kích động người dân. Chứng kiến những cá nhân như vậy, liệu bạn còn có thể chắc chắn rằng việc mình làm là xấu hay không?

Bạn thấy đấy, suốt trong quá trình chơi, Orwell luôn khiến chúng ta phải tự đặt câu hỏi về hành động của mình. Những gì chúng ta đang làm là xâm phạm tự do cá nhân của con người, nhưng nếu nó có thể ngăn chặn được các thảm kịch trong tương lai, vậy thì có đáng để làm không? Hơn thế nữa, một khi đã quen với hệ thống của Orwell và nhận ra quyền lực mình đang nắm trong tay, bạn sẽ bớt đi cảm giác tội lỗi rất nhiều. Như ngay từ đầu game, cấp trên của bạn đã khẳng định: bạn có toàn quyền xử lý thông tin và ông ta chỉ xem được những gì bạn muốn cho ông ta xem mà thôi. Điều này có nghĩa là mọi quyết định của bạn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nghi phạm. Việc có tải thông tin lên hệ thống Orwell hay không sẽ quyết định số phận của nghi can đó. 
Lấy ví dụ như ở episode 3 trong mùa 1 của Orwell khi chúng ta khoanh vùng được nghi can của các vụ đánh bom là một cựu nữ quân nhân có tên Nina Maternova. Lúc ấy, Nina đã nhận ra mình đang bị theo dõi và trở nên hoảng loạn rồi quyết định chạy trốn. Tùy thuộc vào lượng thông tin mà chúng ta tải lên máy chủ Orwell mà đội SWAT sẽ có cách hành động khác nhau và qua đó số phận của Nina cũng sẽ khác đi. Nina sẽ hoặc trốn thoát được, hoặc bị bắt giữ, hoặc trong trường hợp tệ nhất là bị bắn hạ. Chỉ với những dòng thông tin tưởng như không mấy quan trọng, ví dụ cô ta định lên chuyến xe bus nào hay hồ sơ bệnh án của Nina ghi chú cô bị mắc chứng PTSD mà có thể quyết định đến cả mạng sống của một người. Đến đây, bạn sẽ nhận ra được quyền lực đáng sợ của Orwell khi hệ thống này biến bạn trở thành một người vừa là Bồi thẩm đoàn, vừa là Quan tòa, vừa là Đao phủ. Bạn là người duy nhất tiếp xúc trực tiếp với mọi thông tin của nghi can và hành động của bạn quyết định xem người đó có tội hay không. Nghi can đó sống hay chết, bị bắt hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào bạn.

Orwell đã đặt bản thân chúng ta vào cái gọi là vùng xám của đạo đức. Những việc chúng ta làm khó mà đánh giá được dưới góc nhìn đạo đức thông thường. Một mặt, chúng ta xâm phạm quyền tự do cá nhân bằng cách theo dõi và nghe lén điện thoại, tin nhắn, email. Mặt khác, những hành động ấy lại nhằm một mục đích tốt hơn là giữ gìn trật tự trị an, bảo toàn an ninh quốc gia. Những gì chúng ta làm là hy sinh một vài cá nhân để bảo đảm an nguy của hàng triệu người. Orwell đã chứng tỏ sự hiệu quả đến đáng sợ của nó trong việc chỉ điểm, bắt giữ, tiêu diệt tội phạm và khủng bố. Cho dù bạn thích thú hay căm ghét nó, cũng không thể phủ nhận rằng nó có ích thực sự. Game đã khéo léo đưa chúng ta vào cái bẫy của chủ nghĩa vị lợi khi khiến chúng ta tin rằng trật tự trị an là lợi ích thực sự. Dưới vai trò là một điều tra viên của chính phủ, chúng ta dần tin rằng hệ thống Orwell thực sự là một điều có lợi cho quốc gia. Suy cho cùng, tự do cá nhân có để làm gì, nếu như xã hội loạn lạc, nguy cơ khủng bố và bạo loạn đầy rẫy cơ chứ? Cứ như thế, Orwell làm cho chúng ta tin vào cái gọi là hy sinh lợi ích của cá nhân để hướng đến lợi ích cho tập thể mà quên đi thực tại rằng chính phủ của The Nation đang từng bước xóa bỏ tự do của người dân.
Trong Orwell, tự do quả thực đang chết, và điều đáng sợ là chính bản thân chúng ta khi chơi game cũng tin rằng điều đó lợi nhiều hơn hại.

NHỮNG LỰA CHỌN CỦA MỖI NGƯỜI


Bây giờ, chúng ta hãy cùng điểm lại những cái kết ở mùa 1 và mùa 2 của Orwell. Tùy thuộc vào lựa chọn của chúng ta suốt quá trình chơi và những lựa chọn quan trọng ở episode cuối mà game sẽ có những kết thúc khác nhau.
Ở mùa 1 của Orwell, có tất cả 4 cái kết:
- Kết thúc thứ nhất: nhân vật chính chọn trung thành tuyệt đối với chính phủ của The Nation và tìm được thông tin quan trọng để kết tội nhóm Tư Tưởng là những kẻ khủng bố đứng đằng sau các vụ đánh bom. Toàn bộ các thành viên của nhóm Tư Tưởng bị bắt giữ, nhân vật chính được tuyên dương, hệ thống Orwell được công bố cùng với thành tích để người dân chấp nhận nó
- Kết thúc thứ hai: nhân vật chính phản bội chính phủ để gia nhập nhóm Tư Tưởng. Bằng những nỗ lực của mình, nhân vật chính đã trưng bày bộ mặt thật của chính phủ, khiến một quan chức cấp cao phải từ chức và Orwell bị ngừng hoạt động. Đổi lại, nhân vật chính sẽ bị truy nã.
- Kết thúc thứ ba: nhân vật chính tự hy sinh danh tính và thông tin cá nhân của bản thân để đưa Orwell ra ánh sáng. Với hành động này, người dân biết về Orwell và phản ứng rất tiêu cực, buộc chính phủ phải hủy bỏ hệ thống. Nhóm Tư Tưởng trở thành một đảng phái chính trị và nhân vật chính trở thành một thành viên danh dự của họ.
- Kết thúc thứ tư: nhân vật chính ban đầu muốn phản bội chính phủ nhưng không thành do không có đủ thông tin để truy cập vào tài liệu mật. Vì thế nhân vật chính đành phải quay sang kết tội nhóm Tư Tưởng là khủng bố. Tất cả các thành viên của nhóm bị bắt giữ, nhân vật chính bị truy nã do có hành vi muốn phản bội, hệ thống Orwell được công khai và nhận được phản ứng trung lập từ phía người dân. 
Tuy nhiên, cho dù Orwell kết thúc như thế nào thì đến cuối cùng, hệ thống ấy vẫn sẽ tồn tại, dưới dạng này hay dạng khác. Cho dù bề ngoài chính phủ The Nation có tuyên bố đã tắt bỏ hệ thống thì Orwell vẫn còn đó, bí mật hoặc công khai. Những nỗ lực của nhóm Tư Tưởng rốt cục cũng không thay đổi được gì nhiều, Orwell sẽ vẫn tồn tại.

Sang đến mùa 2 của Orwell, game cũng có 4 kết thúc, nhưng kỳ thực có 3 kết thúc không thực sự khác nhau cho lắm. Ở mùa 2, đến episode cuối cùng của game, chúng ta được làm quen với một công cụ mới của Orwell, và có lẽ là công cụ đáng sợ nhất của toàn hệ thống - Influencer. Nếu như các công cụ khác của Orwell chỉ giúp chúng ta điều tra thông tin nghi can, nghe lén điện thoại, email và truy cập vào thiết bị điện tử cá nhân của họ thì Influencer còn đi xa hơn. Với công cụ này, chúng ta có thể lọc ra những thông tin có thể dùng để chống lại nghi can - Raban Vhart, chủ bút tờ báo Tiếng Nói Của Nhân Dân, biến tấu nó khác đi và lan truyền một cách triệt để thông tin ấy trên mạng xã hội. Sự đáng sợ của công cụ này nằm ở chỗ nó lợi dụng số đông người dùng internet để lan truyền một thông tin gây hại tới đối tượng và khiến họ chịu đựng cái mà người ta gọi là cyber bully. Nghi can sẽ bị hàng chục ngàn người dùng internet sỉ vả, xúc phạm. Điều đáng sợ là thông tin ấy dựa trên phần nào sự thật chứ không phải bịa ra cho có nên đối tượng khó mà phản bác hoàn toàn. Với việc chịu đựng áp lực khủng khiếp từ mạng xã hội, nghi can sẽ dần trở nên mất bình tĩnh và tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, tùy vào sức nặng của thông tin mà chúng ta phát tán, Orwell mùa 2 sẽ kết thúc với 4 cái kết như sau:
- Kết thúc thứ nhất: bằng việc lật tẩy những lời nói dối của Raban Vhart trong quá khứ, ông ta cảm thấy tội lỗi. Raban tổ chức một buổi phát sóng radio trực tiếp và tự sát.
- Kết thúc thứ hai và ba: những thông tin mà nhân vật chính phát tán khiến người thân của Raban giận dữ. Raban vẫn sẽ tổ chức buổi phát sóng radio trực tiếp nhưng sẽ bị bắn chết bởi em trai hoặc vợ của mình.
- Kết thúc thứ tư: nhân vật chính quyết định phản bội chính phủ. Anh ta tìm được mật mã để truy cập vào những tài liệu mật và phát tán chúng, chứng minh những dính líu trực tiếp của The Nation tới cuộc nội chiến ở quốc gia láng giềng Parges. Với thông tin này, Raban Vhart đứng lên kêu gọi biểu tình để chống lại sự giả dối của chính phủ.

Bây giờ bạn hãy thử suy nghĩ xem, trong những cái kết trên, đâu sẽ là kết thúc mang chiều hướng tốt? Trung thành tuyệt đối với chính phủ có phải tốt không khi đến cuối cùng người dân và cả bản thân nhân vật chính tiếp tục mắc kẹt trong một chế độ mà tự do dần bị tước bỏ? Không những thế, việc tuân theo mệnh lệnh như một cái máy còn ảnh hưởng đến bao nhiêu người, dù họ có tội hay không. Chúng ta hiểu rõ hơn ai hết bộ mặt thật của chính phủ - một thể chế độc tài, làm mọi cách để giữ vững quyền lực, không từ thủ đoạn nào. Nhưng nếu chúng ta chọn phản bội chính phủ thì sao? Biểu tình, bạo loạn sẽ xảy ra, tất nhiên rồi. Đến lúc ấy, có gì chắc chắn rằng chế độ này liệu có thể bị lật đổ? Hay là cho đến cuối cùng The Nation sẽ đàn áp các cuộc biểu tình và đưa mọi thứ quay lại đúng khuôn khổ? Chúng ta không có cách nào biết được tương lai và game cũng không cần phải làm rõ điều ấy. Điều quan trọng là qua những trải nghiệm như thế, bạn cần phải biết mình muốn làm gì và hành động ấy sẽ dẫn đến kết thúc như thế nào.

2 + 2 = 5


Với những ai đã từng đọc hoặc biết đến tác phẩm 1984 của George Orwell, hẳn là phép tính "2 + 2 = 5" đã không còn xa lạ gì. Hai tựa game Orwell lấy cảm hứng từ chính cuốn tiểu thuyết đó, và lẽ dĩ nhiên tư tưởng của chúng cũng có nét tương đồng. 
Tại sao 2 + 2 mà lại bằng 5 trong khi đáp án đúng phải là 4?
Phép tính này đại diện cho một chi tiết đáng sợ trong tác phẩm 1984 của George Orwell. Đó là khi chính phủ của Oceania đã đạt được sự kiểm soát gần như hoàn toàn về mặt tư tưởng với toàn thể người dân. Những gì mà người dân được phép tin là những gì chính phủ cho phép tin, còn lại thảy đều sai hết. Sự kiểm soát này chặt chẽ đến mức nó có thể bẻ cong cả sự thật, đồng thời ám chỉ đến câu nói: một sự dối trá khi có quá nhiều người tin rồi sẽ biến thành sự thật. 2 + 2 là phải bằng 4, đó là chân lý, nhưng nếu một ngày kia chính phủ bảo rằng 2 + 2 = 5 thì liệu có ai dám đứng lên phản đối không? Chắc chắn là không, bởi vì chống đối chính phủ đồng nghĩa với cái chết, với sự biến mất hoàn toàn không một dấu vết. Vậy thì còn cách nào ngoài chấp nhận lời tuyên bố kia, dù nó có sai trái? Nhưng rồi dần dần, người ta sẽ chấp nhận 2 + 2 là phải bằng 5 chứ chưa bao giờ bằng 4. Đó chính là sự kiểm soát hoàn toàn về mặt tư tưởng, một sự kiểm soát đáng sợ.
Vậy điều này có liên quan gì đến hai phần game Orwell?

Ở trên, chúng ta đã nói rằng trong Orwell, tự do đang chết, chính phủ đang dần kiểm soát được tư tưởng của người dân. Bằng chứng rõ nhất là ở episode 3 của Orwell: Ignorance is strength. Với công cụ Influencer, chính phủ dễ dàng bẻ cong sự thật và biến tấu nó để triệt tiêu những kẻ chống đối. Vậy còn bao lâu nữa trước khi họ kiểm soát được hoàn toàn suy nghĩ của người dân, bắt người dân chỉ tin theo những gì họ nói? Hơn nữa, hãy để ý đến tên của phần 2 - Ignorance is strength, ngu dốt là sức mạnh. Câu này có nghĩa gì? Cũng là để chỉ việc kiểm soát tư tưởng của chính phủ. Người dân chỉ cần tin theo những gì chính phủ nói, vậy là được, mặc kệ điều đó đúng hay sai, bởi vì theo triết lý của chính phủ trong Orwell, khi không phải bận tâm đến chuyện đúng - sai thì họ sẽ dành được nhiều sự quan tâm đến việc khác hơn và khiến cho quốc gia mạnh lên. Câu khẩu hiệu này chính là lấy từ trong tác phẩm 1984 mà như đã nói ở trên, đã truyền cảm hứng cho game. Đây chính là vế cuối cùng trong 3 câu khẩu hiệu mà chính phủ Oceania trong tiểu thuyết tạo nên:
Chiến tranh là hòa bình
Tự do là nô lệ
Ngu dốt là sức mạnh

KẾT


1984 đã truyền rất nhiều cảm hứng để tạo nên hai phần game Orwell, và cho dù game có làm nhẹ đi tương lai đen tối ở bản gốc, thì tư tưởng của nó vẫn còn hiện hữu. Tương lai của Orwell và xa hơn là 1984 rất đen tối và đáng sợ và chẳng ai trong chúng ta muốn nó trở thành hiện thực cả. Dù rằng đem đến một viễn cảnh sởn gai ốc như thế, mình nghĩ rằng các bạn vẫn nên chơi hai phần game Orwell. Ngoài ra, Orwell còn là một trong số ít game thực sự mang tính chất choices matter - lựa chọn trong game thực sự có sức nặng và tác động đến bản thân mỗi người chơi. Mình không chắc là bạn sẽ thấy thoải mái khi chơi Orwell, nhưng mình tin rằng nếu bạn đã từng thích những game Dystopia như Paper, Please hoặc dòng game Metro, Fallout thì đây là một tựa game bạn không nên bỏ qua.