Về bản dịch Kiều của Mica Huỳnh
Thi thoảng trong truyền thống đọc Kiều , bình Kiều , và dịch Kiều lại có những khoảnh khắc truyền cảm hứng mạnh mẽ. Như trường...
Thi thoảng trong truyền thống đọc Kiều, bình Kiều, và dịch Kiều lại có những khoảnh khắc truyền cảm hứng mạnh mẽ. Như trường hợp bản dịch chơi cho vui 48 câu Kiều của Mica Huỳnh, tức Huỳnh Minh Quân, chỉ đơn giản là một thực hành giống với Mạnh Quỳnh hát vọng cổ bằng tiếng Anh, nhưng rất có thể đó là lần đầu tiên xuất hiện một bản dịch vừa tuân thủ nghiêm ngặt cái niêm luật của câu thơ lục bát lại vừa chuyển hoá ý tứ câu thơ cho hợp với tinh thần của thời đại.
Trong số 12 bản dịch Kiều sang tiếng Anh mà Trần Lê Hoa Tranh thống kê năm 2016, cộng thêm bản Kiều in Dương Tường’s version của Dương Tường năm ngoái và bản dịch của Timothy Allen (The Song of Kieu: A New Lament for a Broken Heart, 1990) là 14, thì ta thấy có hai thái độ ứng xử với thể lục bát trong chuyện dịch Kiều.
Đọc thêm:
Thái độ thứ nhất là ưu tiên bám sát nghĩa, trung thành với các hình ảnh thơ, ý thơ của Nguyễn Du mà xem nhẹ hình thức là thể lục bát, lấy cái cách gieo vần của thơ tiếng Anh làm hình thức mới cho bản dịch, thậm chí chuyển nó thành hẳn văn xuôi. Đây là cách làm của Lê Xuân Thuỷ (The Soul of Poetry inside Kim Van Kieu, xuất bản lần đầu năm 1963), Huỳnh Sanh Thông (The Tale of Kieu, xuất bản lần đầu năm 1973), Vladislav V. Zhukov (The Kim Van Kieu of Nguyen Du, xuất bản lần đầu năm 2004), nhóm Mary Cowan, Carolyn Swetland, Đặng Thế Bính, Paddy Farrington, Elizabeth Hodgkin và Hữu Ngọc (The Tale of Kiều, NXB Ngoại Văn, circa 1980s), và Phan Huy Mạc Phi Hoàng (The Tale of Kiều), Amo Abbey (Kieu: An English Version Adapted from Nguyen Khac Vien’s French Translation, 2008). Hãy xem qua cách mà các dịch giả trên dịch mấy câu thơ đầu trong Kiều:
Trăm năm trong cõi người ta Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau Trải qua một cuộc bể dâu Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Lê Xuân Thuỷ biến hai dòng thành bốn dòng:
Within a span of one hundred years Of human life and tragedy What a bitter struggle it wagged Between talent and destiny
Huỳnh Sanh Thông cố giữ sao cho giữ nguyên số dòng, và ý của mỗi câu nằm trọn trong một dòng, nhưng nghe thiếu tính thơ:
A hundred years - in this life span on earth Talent and destiny are apt to feud
Đây là bản dịch của Timothy Allen (The Song of Kieu: The New Lament for a Broken Heart, 1990) khá tự do, giản dị, nhưng cũng không có dấu vết gì của thể lục bát:
It’s an old story: good luck and good looks don’t always mix. Tragedy is circular and infinite. The plain never believe it, but good-looking people meet with hard times too. It’s true. Our ending is inevitable: long years betray the beautiful
Bản dịch của Dương Tường khá giống với Huỳnh Sanh Thông và Lê Xuân Thuỷ:
In the one-hundred-year span of a human life Destiny implacably sets upon Talent.
Bản dịch của Phan Huy Mạc Phi Hoàng:
In the hundred-year span of a human life, Talent and fate are always apt to strife. Through experience of a harrowing change, What we witnessed filled our hearts with tearing pain.
Nhóm dịch giả của NXB Ngoại Văn thì dịch như sau:
Chàng Kim từ lại thư song, Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây. Sầu đong càng lắc càng đầy, Ba thu dồn lại một ngày dài ghê. Mây Tần khóa kín song the, Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao. Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao, Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng. Buồng văn hơi giá như đồng, Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan.
Dịch thành:
At his window, among his books this memory Possessed the young man Kim. The more he measured his distress, the more it grew, it overflowed. Long were the days of waiting, Like the long-drawn sadness of many Autumns. The curtains like a veil of mist held fast their secret, His dear mirage in the world's red dust half hidden seemed. Moons changed in the course of the long nights, The oil in the lamp burnt low, And ever his thoughts turned to search for the same face, His heart still yearning for that other heart. Cold and close as a bell seemed his small room, His writing brushes idle lay by the lute with idle strings,
Vladislav V. Zhukov là người Úc chứ không phải người Nga như cái tên ông gợi ra. Ông cho rằng nhạc tính câu thơ quan trọng, và ông cũng phê bình rằng bản dịch của Lê Xuân Thuỷ bỏ qua tính thơ ca, cũng không hài lòng với bản của Huỳnh Sanh Thông, nên muốn làm một bản dịch mới "nghiêm ngặt hơn". Tuy nhiên, nếu xem qua bản dịch của Zhukov:
Dập dìu lá gió cành chim Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh, Giật mình mình lại thương mình xót xa Khi sao phong gấm rủ là Giờ sao tan tác như hoa giữa đường Mặt sao dày gió dạn sương Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?
Dịch thành:
A windnlown leaf… a branch on which each bird alights… Sighs Kieu, as morning speeds and nighty meets bew flights of libertines Or as she sums the sight (when wine and laughter leans In vestige-hours) of stark and soul-profaining scenes that tell the state Of one who from silk ranks and garlanded of late Now lies a cast-off boutonniere, dilapidated, petal-marred Has her face yet to night-gales acquiesced, grown hard? Her body, common fare of ribard, myriad ardor, tired? Turned dull?
Ta thấy rằng Zhukov cố gắng diễn giải Kiều bằng nhiều chữ hơn, và cũng đặt trong một hình thức có vần điệu. Ông thậm chí cũng cố để đưa vào những từ tiếng Anh mang phong vị cổ xưa để gợi lên cái cổ xưa cho người đọc.
Tuy nhiên ’nhạc điệu’ này không phải là cái ’nhạc điệu’ của câu thơ lục bát, và cả cái phong vị cổ xưa gợi lên trong óc người bản ngữ đâu giống với cái phong vị cổ xưa trong óc người Việt khi đọc một câu Kiều. Điều này là bất khả kháng trong dịch thuật, bởi vì một sự trông có vẻ giống thực ra lại không thể giống hoàn toàn. Những cái connotation gợi lên trong óc của một người Việt khi nghe một người đứng trên sông Hương hát “Hò ơi, phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ/ bến Vân Lâu thuyền vó đơm sâu” nó không giống với sea chanty của thuỷ thủ ở vùng Địa Trung Hải. Chúng ta có thể giải thích cho một người nói tiếng Anh hiểu được, nhưng không thể làm cho họ cảm được một cách trọn vẹn cái cảm giác của chúng ta khi nghe mấy tiếng ầu ơ ví dầu. Dante trong Convivio nói rằng không thể dịch thơ từ tiếng mẹ đẻ sang tiếng khác mà không làm mất đi cái hài hoà, êm ái của nó. Điều này có lẽ những ai tìm hiểu nhiều về lý thuyết dịch có thể nói lại cho tường minh và khoa học hơn chăng?
Cách làm của Zhukov, theo đó, giống như người ta nắm cát trong tay, càng nắm chặt càng dễ trôi. Lúc này, chính những người dịch với phong thái tự do như Bùi Giáng lại mới có thể mở ra những con đường khoáng đạt hơn.
Chỉ có một người trong số 14 người dịch nói trên đi con đường thứ hai: chuyển tải nội dung, nhưng vẫn cố gắng gìn giữ lại cái "nhạc điệu” của thể lục bát. Đó là Michael Counsell (Kieu, The Tale of a Beautiful and Talented Girl, xuất bản lần đầu năm 1994).
Bản của Bạch Vân Bùi Trọng Hợp (The Story of Kim-Van-Kieu), của Ngô Đình Chương (My version of Kieu, 1993), của Thuỳ Dương, và của Thái Hùng Tâm (The Story of Kieu - The New Cry of Painfulness, 1996) mình chưa được thấy nên chưa rõ thuộc nhóm nào.
Hãy xem cách Michael Counsell dịch 6 câu đầu:
Trăm năm trong cõi người ta Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau Trải qua một cuộc bể dâu Những điều trông thấy mà đau đớn lòng Lạ gì bỉ sắc tư phong Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
Ông dịch thành:
It’s always been the same: Good fortune seldome came the way of those endowed, they say With genius and a dainty face What tragedies take place within each circling space of years! “Rich in good look” appears to mean poor luck and tears of woe Which may sound strange, I know but is not really so, I swear since Heaven everywhere seems jealous of the fair of face
Ta có thể thấy Michael Counsell nhận thức được rất rõ đặc trưng của tiếng Việt là monosyllabism, mỗi một chữ ghi ra là một âm tiết. Cách khoảng lặng giữa hai âm tiếng cũng là khoảng cách giữa hai chữ viết. Thế nên đặc trưng thơ lục bát là dòng trên 6 chữ, dòng dưới 8 chữ thì đọc lên thành tiếng cũng là ở trên 6 âm tiết, ở dưới 8 âm tiết. Michael Counsell đã dựa trên đó để dịch, nên có thể thấy bản dịch của ông là một chuỗi dòng thơ 6 tiếng nối liền 8 tiếng. Ngoài ra Michael Counsell còn rất hiểu cái cách gieo vần của thể lục bát: đuôi câu lục vần với tiếng thứ sáu của câu bát, đuôi câu bát vần với đuôi câu lục sau.
Tuy nhiên, cái mà Michael Counsell chưa làm được là quy luật bằng-trắc chưa thật sự giống với câu thơ lục bát. Điều này có thể xuất phát từ việc tiếng Anh không phải là tone language như tiếng Việt, nên Michael Counsell chưa thuần thục trong việc nắm bắt cái nhạc điệu của tiếng Việt. Và chính vì bám sát niêm luật vần của thể lục bát mà vẫn cố giữ lại các chi tiết của ý, nên Michael Counsell đã khiến số câu nhiều hơn gấp đôi, từ 6 dòng dịch thành 12 dòng.
Chính đây là lúc ta thấy cái bản dịch ‘just for fun’ của Mica Huỳnh vô tình tiếp nối con đường của Michael Counsell, nhưng lại làm được một việc là lược bỏ các chi tiết nghĩa, để giữ được sự tương đương về số dòng, nhưng cái ý thơ tổng thể vẫn không mất đi:
Đọc thêm:
Cách dịch của Mica Huỳnh như một trò đùa, nhưng nó lại làm được một việc mà bản dịch năm ngoái của Dương Tường không làm được: mang đến một sức sống mới cho Kiều, khiến nó trở nên relevant với thời đại, không phải bằng hướng tiếp cận trang trọng của tháp ngà học thuật cũ kỹ mà bình dân witty kiểu gen Z.
Mica Huỳnh bỏ qua sự trung thành với những ước lệ tượng trưng hay điển cố điển tích, thay vào đó cách diễn đạt linh hoạt, sinh động của thời buổi toàn cầu hoá.
Ở đây tôi không nói Mica Huỳnh cao hơn hay thấp hơn những bậc đi trước, cũng không bàn về chuyện nếu chấp nhận những bản dịch như này có gây ra hậu quả gì hay không, mà tôi chỉ muốn nói rằng Mica Huỳnh đã trở thành một ví dụ về việc tiếp nhận và chuyển hoá tác phẩm Kiều trong thời đại của chúng ta bây giờ.
Phải ở cái thời đại mà ELT không còn là grammar-translation, phải sang communicative approach, lúc mà người ta học tiếng Anh bằng tai, thì mới làm chủ những giống và khác trong tiếng nói giữa hai ngôn ngữ mà có một đề xuất về dịch như thế.
Nãy giờ chắc mọi người nghe thấy buồn cười khi chỉ có một bản dịch chơi mà có thể take it seriously và viết một bài phân tích dài như này, nhưng có thể mọi người không biết rằng hồi thập niên 90 có hẳn một truyền thống học thuật ở Mỹ là Madonna studies, chuyên nghiên cứu về Madonna đấy. :D
14.04.21
Đọc thêm:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất