Nguyễn Phương Mai sinh năm 1976 tại Hà Nội. Cô có tập truyện ngắn đầu tay mang tên Đối Diện vào tuổi 17, vào năm 24 tuổi cô đã trở thành thư ký tòa soạn Hoa Học Trò. Định nghĩa của chị về sự thành công khác với nhiều người ( cho tôi xin phép được gọi chị vì những điều mà chị làm trong cuộc sống cho thấy rằng chị vẫn còn rất trẻ) không phải là nhà lầu, xe hơi,.. Chị chọn cách sống dịch chuyển, lúc thì nơi này mai thì nơi kia. Không bị bó hẹp trong một khuôn mẫu nhất định, chị không chọn những nơi mà mọi người thường hay đến mà chọn những nơi cực kỳ khó hiểu và khác người. Nhưng chính vì theo quan niệm “thân lừa ưa nặng”hay là “con lừa có cá tính” của chị đã mang đến cho chị nhiều điều mới mẻ, mở mang hơn. Chị đã dịch chuyển để chị hiểu hơn và đóng góp cho bản thân hoàn thiện hơn. Cũng không chỉ dành riêng cho bản thân mà những điều chị đúc kết chị muốn mang đến cho xã hội xung quanh chị được phát triển hơn, văn minh hơn. 
Trong cuộc sống hiện nay, mấy ai tự chọn mình ví với hình ảnh của con lừa? Mà nếu như bị ai đó gán mình với con lừa thì cũng thật khó chấp nhận. Tuy vậy, chị lại “tự nguyện” lấy con lừa đại diện cho bản thân. Con lừa dù không dễ nghe, không sang trọng nhưng tinh thần của con lừa là sự di chuyển khác với con bò, con trâu. Không có đứng thong thả gặm cỏ mà luôn luôn di chuyển. Không muốn chỉ là một con lừa mà chị còn muốn mình thành một con lừa có cá tính bằng cách đâm đầu vào những vũng nước. Chỉ khác rằng, những vũng nước đó không đơn giản mà ẩn chứa những sự nguy hiểm, gian truân. nhưng có sao, con lừa đó sau mỗi lần nhảy xuống những vũng nước đó lại có thêm những khám phá, những góc nhìn khác và tất cả những điều đó đã được đúc kết trong seri “Lên đường với trái tim trần trụi” cùng với tác phẩm “Tôi là một con lừa”.
Với tinh thần “lên đường với trái tim trần trụi”, không đắn đo suy nghĩ, gạt bỏ mọi định kiến, không mong chờ hay phán đoán, chị Mai đã đến những nơi mà chị thỏa sức “mạo hiểm” như tại xích đu cao nhất thế giới Nevis tại Queenstown (New Zealand). Với lý do có phần kỳ cục, muốn bù lại những tháng ngày không được chơi xích đu khi còn bé nên chị quyết định lên chiếc xích đu với độ cao 160m, thung lũng vách đá dựng bao quanh. Để rồi sau đó là những tiếng hét, những tiếng chửi rủa trong suốt thời gian “đu”. Sự can đảm, muốn được khám phá của chị còn được thể hiện qua nhiều chuyến đi khác nhau như leo dây ở thác Maletsunyane, lặn dưới Hẻm Cá Mập tại Nam Phi,.. Những chuyến đi đó mạo hiểm và nghĩ rằng chị là con gái mà làm được những điều như thế thì chắc là tự hào lắm nhỉ. Nhưng đối với tác giả, mọi ý nghĩ về kỷ lục chỉ là vô nghĩa. Cảm thấy lố bịch vì sự kiêu căng của loài người trước thiên nhiên bao la hùng vĩ. Chị chỉ dừng lại tại những trải nghiệm đỉnh cao đó nhưng không lấy đó làm tự hào. 
Không chỉ có những trải nghiệm từ những chuyến đi mạo hiểm kia, chị đến những nơi mà có tỷ lệ tội phạm… hàng top trên thế giới, hay là những nơi mà nghèo đói ám ảnh những người dân.Chị muốn được khám phá cuộc sống, muốn thử cảm giác sống đó dù có phần nguy hiểm. Bỏ ra số tiền vé chỉ bằng giá của một cuộn giấy vệ sinh để chứng thực cho câu chuyện về những chuyến tàu vận chuyển người như vận chuyển gia sức của Ấn Độ.  Chị đến Nam Phi hiểu được sự khắc nhgieetj của chế độ phân biệt chủng tộc dù đã bị xóa bỏ nhưng dư âm nó để lại khiến cho những người dân ở đây hàng ngày vẫn phải đối mặt sự đe dọa từ bên ngoài. Chị đến Úc, Mỹ tưởng như là những đất nước có sự phát triển, văn minh như những gì bóng bẩy trên những trang báo từng nói. Ấy vậy mà sự kì thị mà những người dân bản địa hay những người dân nhập cư phải nhận khiến cho những câu văn của chị có phần chua chát. 
Tuy vậy, có những nét đẹp văn hóa, thiên nhiên trong cuốn sách này khiến cho tôi mơ được một ngày đặt chân lên những vùng đất đó. “Rực rỡ” là từ mà chị dùng để miêu tả Guatemala, “ngôi nhà sơn rực rỡ, những bộ quần áo truyền thống đua sắc, kể cả những chiếc xe lọc cọc khách (và rất nhiều loại gia súc cũng vút đi trên đường gió bụi như những tác phẩm nghệ thuật. Lặn biển tại Honduras, có vùng Caribbean nổi tiếng nhiều xác tàu. Đặt chân lên Bolivia có biển muối mang tên Salar de Uyuni với mười tỷ tấn muối tương đương mười nghìn ki lô mét vuông.
Có những khung cảnh thật thơ mộng với sự ưu ái của thiên nhiên dành cho những vùng đất đó. Nhưng lại có những nơi mà những di tích lại xây dựng bằng những sự đau thương, mất mát. Tên của những người bị chính quyền ám sát và bức hại trong Cuộc chiến Bẩn thỉu ( Dirty War) được xếp thành một kim tự tháp cao ngút trời tại Argentina. Cristobal Colon nơi mà hàng trăm lăng mộ lộng lẫy như cung điện trú ngụ, đối lập với cuộc sống nghèo đói, bụi bặm và đổ nát của người sống. Nghĩa địa của người Do Thái tại Praha mang tên Beith Hajaim - Nghĩa địa cao tầng đầu tiên trên thế giới ra đời với ý nghĩa sâu xa mà chỉ người Do Thái mới hiểu.
Trên những chặng đường, chị học được từ những văn hóa của các nước khác nhau. Nhưng có những người bạn đồng hành cùng với chị trong những chuyến đi đã cho chị những điều mới mẻ mà như chị nói: “ Thế giới này mới rộng lớn làm sao, càng đi càng thấy mình nhỏ bé và ngu ngốc”. Kể cả một người bạn đồng hành đặc biệt đó chính là mẹ chị, chị còn cảm thấy “Đưa mẹ đi chơi để mẹ mở mang đầu óc, rốt cục qua bao chuyến đi, tôi nhận thấy hóa ra mình mới chính là kẻ có lãi.”.
Từ những chặng đường đó, những trải nghiệm đó đã cho chị thêm nhiều góc nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Có những nơi ta nghĩ là hiện đại và văn minh nhưng thực ra có những định kiến ẩn nấp sau những cái mà người ta gọi là văn minh đấy. Cảm nhận về người phụ nữ Việt Nam với một quan điểm khác. Cũng có thể là chuyện thi đại học được chị đưa ra những quan điểm sâu sắc.
Thật may mắn khi có được quyển sách này trong tay, được biết được hiểu hơn về thế giới rộng lớn bao la. Cuốn sách như là một nguồn cảm hứng cho tôi tìm đến sự tò mò đối với tri thức, sự thôi thúc khám phá tìm hiểu. Cảm ơn chị Nguyễn Phương Mai vì đã là người khám phá, vì đã liều lĩnh, vì đã đi mà không mang theo định kiến hay mong chờ, vì đã để trái tim rộng mở, trần trụi trong mỗi chuyến đi.