<i>pinterest.jp</i>
pinterest.jp
Sẽ như thế nào nếu có ngày bạn lạc vào một ngôi nhà cũ mà nơi đó có thể kết nối được với quá khứ và tương lai. Tưởng chừng đây chỉ là một cốt truyện cũ nhưng dưới ngòi bút tài tình của nhà văn Higashino Keigo, cuốn sách đã mang đến cho độc giả trải nghiệm với những cung bậc cảm xúc khác nhau. 

Tác giả Higashino Keigo 

Higashino Keigo (4/2/1958) là một tác giả người Nhật Bản được biết đến rộng rãi qua các tiểu thuyết trinh thám của ông. Ông từng là Chủ tịch thứ 13 của Hội nhà văn Trinh thám Nhật Bản từ năm 2009 tới năm 2013. 
Ông được sinh ra ở Osaka. Sau khi tốt nghiệp Đại học Osaka với bằng Cử nhân kỹ thuật ngành Kỹ thuật điện, ông bắt đầu sáng tác tiểu thuyết trong khi vẫn tiếp tục làm công việc kỹ sư lại Nippon Denso Co. (hiện là DENSO) từ năm 1981. Ông đã thắng giải Edogawa Rampo, giải thưởng hàng năm dành cho các tác phẩm trinh thám chưa được xuất bản vào năm 1985 với tiểu thuyết Hōkago ở tuổi 27. Ngay sau đó, ông bỏ việc và bắt đầu chuyên tâm vào nghiệp sáng tác tại Tokyo.
Vào năm 1999, ông đã thắng Giải thưởng Văn học Trinh thám Nhật Bản cho tiểu thuyết Bí mật của Naoko, bản dịch tiếng Việt do Nhã Nam thực hiện. Năm 2006, ông giành giải Naoki lần thứ 134 với tác phẩm Phía sau nghi can X. Tiểu thuyết này đồng thời cũng chiến thắng tại giải Honkaku lần thứ 6. Tác phẩm cũng được xếp đầu tiên trong danh sách các tiểu thuyết trinh thám được xuất bản tại Nhật Bản hàng năm.
Bản dịch tiếng Anh của Phía sau nghi can X đã được đề cử giải Edgar năm 2012 ở hạng mục Tiểu thuyết xuất sắc nhất và Barry Award năm 2012 ở hạng mục Tiểu thuyết đầu tay xuất sắc nhất.
Không chỉ viết tiểu thuyết trinh thám, Keigo còn viết cả các tiểu luận văn học cũng như tác phẩm dành cho thiếu nhi. Mỗi tác phẩm của ông đều có phong cách khác nhau, nhưng nhìn chung ông thường hiếm khi đưa quá nhiều nhân vật vào một tác phẩm mà thường đào sâu vào tâm lý nhân vật.

Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya

Mở đầu câu chuyện là ba tên tội phạm Atsuya, Shota và Kohei đang chạy trốn tìm kiếm nơi ẩn náu sau phi vụ ăn trộm đầu tiên của chúng. Tình cờ bắt gặp một ngôi nhà bỏ hoang, tiến lại gần chúng phát hiện ra đây là một tiệm tạp hóa cũ với chiếc bảng hiệu “tiệm tạp hóa Nayami”. 
Được biết, hơn 30 năm trước đây từng là một tiệm tạp hóa của ông Yuji Namiya. Ông bắt đầu giải đáp những câu hỏi không đầu không đuôi cho những đứa trẻ trong xóm khi chúng đến mua hàng nhà ông. Sau một khoảng thời gian, phát hiện ra ngoài những đứa trẻ còn có cả người lớn cũng muốn trút bầu tâm sự cùng ông. Ông quyết định sẽ nhận thư tư vấn qua khe cửa ngày hôm trước và mọi người sẽ nhận được thư phản hồi ở thùng sữa sau tiệm vào sáng sớm hôm sau. 
Trong khi đang thảo luận việc phải làm tiếp theo thì đột nhiên có một lá thư bí ẩn qua khe cửa yêu cầu được tư vấn. Dù bản thân cũng gặp nhiều rắc rối và những vấn đề cần tìm lời giải cho mình, nhưng cả ba tên trộm vẫn quyết định viết thư hồi âm. Kể từ đó, những điều kỳ lạ bắt đầu xảy ra trong chính căn nhà.  
Cuốn sách kể về 5 câu chuyện tưởng chừng như không liên quan đến nhau. Nhưng bằng lối tư duy logic tác giả đã khéo léo lồng ghép thời gian, không gian, nhân vật liên kết nhau một cách hợp tình hợp lý mà không có một hạt sạn nào. 

Ai cũng có nỗi niềm riêng

Cuốn sách xoay quanh những khó khăn, biến cố cuộc đời mà con người gặp phải. Lựa chọn giữa tình yêu hay sự nghiệp của nữ vận động viên, hay có nên từ bỏ giấc mơ mà mình đang theo đuổi của chàng nhạc sĩ trẻ. Mỗi chương là một câu chuyện, nhân vật, thời điểm, địa điểm khác nhau nhưng cuối cùng họ đều liên kết đến tiệm tạp hóa thần kỳ. 
Điều đặc biệt của tiệm tạp hóa là những bức thư phản hồi đầy viết tay tâm huyết, chỉn chu đến từ ông chủ Yuji. Bất kì ai cũng có nỗi băn khoăn, đau đáu riêng nhưng để tìm được người chia sẻ cùng không phải là điều dễ dàng. Ông chủ tiệm đã từng nói: “Câu trả lời của bố có tác dụng là bởi ý chí của bản thân người đó chứ không phải vì thứ gì khác. Nếu bản thân họ không muốn sống tốt, sống hết mình thì dù có nhận được câu trả lời nào cũng thế thôi”. Thật vậy, cuộc sống của chúng ta sẽ xảy ra như thế nào do chính chúng ta lựa chọn. Lời khuyên từ ông chủ tiệm tạp hóa chỉ để củng cố, làm rõ con đường mà chúng ta muốn hướng đến nhưng chưa đủ can đảm mà thôi. 

Những bức thư đến từ quá khứ 

Ảnh bởi
Joanna Kosinska
trên
Unsplash
Đây không phải là cuốn sách đầu tiên sử dụng yếu tố kỳ ảo trong sáng tác tiểu thuyết. Nhưng bằng hình thức truyện lồng truyện, sự kiện này nối tiếp sự kiện kia, nhân duyên từ quá khứ liên kết tương lai. Nhiều tình tiết, lớp lang nhưng không gây cho người đọc cảm thấy khó hiểu và nặng nề. 
Trong khi ba tên trộm đang khó hiểu sau khi nhận được bức thư nhờ tư vấn nhưng không có ai bên ngoài. Chúng phát hiện ra nếu đóng cửa tiệm thì thời gian sẽ ngưng đọng, rồi những bức thư nhờ tư vấn cứ tiếp tục được gửi đến cách đó từ 30 năm trước. Bọn chúng có thể lờ đi những bức thư đó và đợi trời sáng là có thể chạy thoát. Nhưng lòng trắc ẩn nổi dậy, cả ba quyết định không bỏ mặc mà giúp đỡ những người xa lạ đến từ quá khứ này. 
Bằng giọng văn hóm hỉnh, tác giả đã xây dựng được hình tượng ba chàng trai lúng túng khi lần đầu tiên trở thành người tư vấn giúp đỡ người khác. Mặc dù, nhận thấy có gì đó kì lạ trong cách trả lời thư của ông chủ tiệm. Không còn phong thái nhẹ nhàng, thân thiện như trước thay vào đó là sự thẳng thắn có phần nóng nảy nhưng những người nhận được tư vấn vẫn tin tưởng và biết ơn những lời khuyên dành cho họ. Nhờ đó, lần đầu tiên trong đời ba tên trộm nhận ra bản thân tồn tại trên cuộc đời này vẫn có ý nghĩa.
Tác giả đã ngầm nhắc nhở chúng ta thông qua nhân vật ba tên trộm rằng ai không ai trong xã hội này được sinh ra mà không mang giá trị. Chúng ta chỉ nhận ra bản thân có ích cho đến khi được người khác công nhận dù là một hành động nhỏ. 

“Không có bản đồ” 

Trong bức thư cuối cùng mà ông Yuji Namiya đã viết: 
“Gửi người vô danh,Ông già này đã suy nghĩ rất nhiều về lý do bạn cất công gửi tới một tờ giấy trắng. Đây chắc chắn là một chuyện lớn, tôi không thể trả lời bừa được.Sau khi vận dụng hết cái đầu già cỗi này, tôi hiểu bức thư này có nghĩa là ‘không có bản đồ’. Bản đồ là giấy trắng thì dĩ nhiên lúng túng rồi. Ai cũng sẽ thấy mất phương hướng. Nhưng bạn hãy thử thay đổi cách nhìn. Vì còn là giấy trắng nên bạn có thể vẽ bất kỳ bản đồ nào. Tất cả là tùy ở bạn. Mọi thứ đều tự do, khả năng là vô tận. Điều này thật tuyệt. Tôi mong bạn hãy tin vào bản thân và cháy hết mình với cuộc đời…” - Trích Tiệm tạp hoá Namiya”
Dù chỉ là một tờ giấy trắng được gửi đến nhưng ông chủ vẫn rất nghiêm túc suy nghĩ trả lời bức thư. Nếu như là người khác họ sẽ nghĩ đây là trò đùa của bọn trẻ hay chỉ đơn thuần người ta gửi nhầm. Còn đối với ông đây lại là tâm trạng rối bời của một người đang cần lắm nơi giải bày tâm sự nhưng không thể cất lời. Theo cách hiểu của ông, tờ giấy trắng có nghĩa “không có bản đồ” vì không phải ai cũng có thể biết rõ con đường mình nên đi, đích mình muốn đến. “Mọi thứ đều tự do, khả năng là vô tận.” Một tờ giấy trắng thì bạn có thể vẽ lên đó những con đường mình muốn đi, bạn tự do trên chính lựa chọn của mình. Không ai biết được điều gì đang đợi bạn ở phía trước, nhưng chỉ cần bạn bước đi, không gì là không thể. 

Lời kết 

Tác giả đã thành công truyền tải thông điệp lòng nhân ái, sự quan tâm với cộng đồng. Không có gì bất ngờ khi cuốn sách được yêu thích trên toàn thế giới và được chuyển thể thành phim điện ảnh ở Nhật Bản và cả Trung Quốc. Hi vọng độc giả sau khi đọc cuốn sách này cũng sẽ “tin vào bản thân và cháy hết mình với cuộc đời.”