“Thân gửi mùa Hạ" mang lại nhiều cung bậc cảm xúc: hài hước, đáng yêu, cảm động và cũng có những nỗi buồn và nỗi bất an mơ hồ. Và bạn sẽ được thấy mình được sống trọn vẹn từng khoảnh khắc của hè bởi lối miêu tả như có như không, lối kể chân thực, tự nhiên của tác giả.
Tác giả của cuốn sách – Tove Jansson là nữ nhà văn nổi tiếng người Thụy Điển. Bà là người đã tạo nên nhân vật nổi tiếng: Moomin – một sinh vật giống hà mã với tính tình mơ mộng dễ thương. Ngoài ra, bà còn viết nhiều tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên như A Winter Book, Fair Play, Sun City và Sculptor’s Daughter. Bạn nhận giải thưởng của Viện Hàn lâm Thụy Điển vào năm 1994.
Hình ảnh cuốn sách "Thân gửi mùa Hạ" của tác giả Tove Jansson
“Thân gửi mùa Hạ” - Những trăng văn trong trẻo mà đầy chiêm nghiệm
“Thân gửi mùa Hạ” kể câu chuyện về cuộc sống của một gia đình ba người trên hòn đảo nhỏ thuộc vịnh Phần Lan: Bà nội, Sophia và bố của Sophia. Mỗi người có tính cách đặc trưng của lứa tuổi, của thế hệ.
Nếu Sophia là cô cháu gái có tâm hồn ngây thơ, nhạy cảm nhưng đôi khi trưởng thành bất chợt và hay lí sự; thì bà nội là người nhiều trải nghiệm, trầm tư nhưng có lúc cũng rất trẻ con và hay trốn bố của Sophia để hút thuốc. Còn bố của Sophia – nhân vật không có một lời thoại trong cả cuốn sách, là người đàn ông luôn cần mẫn làm việc.
Xuyên suốt cuốn sách, độc giả sẽ đi qua những câu chuyện nhỏ, bình dị cùng bà nội và Sophia. Đó chuyện về chú mèo, về người bạn cũ, về những ngày bão nổi, về người hàng xóm mới… Ở đó, những lối nói hay hình ảnh ẩn dụ để người đọc tự mình chiêm nghiệm, suy ngẫm.
Một câu chuyện nhỏ kể ông giám đốc Malander xây một ngôi biệt thự lớn trên hòn đảo và trở thành láng giềng của gia đình Sophia. Nhưng căn biệt thự này đã chắn mất tầm nhìn thoáng đãng về phía triền núi đá và nó phá vỡ những thứ vốn “trung thành với đúng cách mà chúng vẫn tồn tại và vận hành”. Và giữa ông chủ của ngôi biệt thự sang trọng kia với những người “dân đảo chính hiệu” như gia đình Sophia thì khó tìm được sự đồng điệu.
Bà nội nghĩ: "Ông Malander có một ý tưởng và đã cố gắng để thực hiện nó nhưng chuyện gì cũng cần có thời gian. Đôi khi ta chỉ thấu hiểu mọi sự khi quá muộn màng, rồi ta ngần ngại không muốn bắt đầu lại từ đầu, hoặc cũng có thể ta đã quên mất mà chẳng hề nhận ra mình đã quên.
Trong lúc chống thuyền về nhà, bà nhìn ngôi nhà lớn đã phá ngang đường chân trời của mình và nghĩ rằng thực ra nó cũng chẳng khác nào một cột mốc phân luồng. Nếu ta nheo mắt lại và nghĩ theo một cách khác thì căn biệt thự ấy cũng gần giống cột mốc đó, một điểm đánh đấu nhìn thấy rõ được để biết rằng chỗ này người ta cần bẻ lái.
Mỗi lần trời nổi bão, bọn họ lại nhớ đến ông giám đốc Malander và nghĩ ra nhiều cách để cứu thuyền cho ông ta. Ông ta không bao giờ ghé thăm đáp lễ và vì thế ngôi biệt thự của ông trở thành một nơi chất chứa thật nhiều băn khoăn và chiêm nghiệm.”
Những câu chuyện trong “Thân gửi mùa Hạ” còn gợi nhắc về sự vụt qua của mùa, của thời gian thông qua lối miêu tả tự nhiên, chân thật.
“Khi gió tây nam thổi, người ta có thể dễ dàng cảm thấy ngày tháng cứ gối đầu, thay phiên nhau mà không có mấy đổi thay hoặc sự kiện rõ ràng, cả ngày lẫn đêm đều từa tựa nhau trong tiếng gió thì thầm”.
Rồi “Đêm cứ xuống và ngày cứ lên. Mỗi người có một bận tâm riêng, quỹ đạo riêng trên hòn đảo này, hiển nhiên đến nỗi người ta chẳng buồn nói về chúng, bởi có nói gì thì cũng không ai thán phục hoặc cảm thông”.
Với “Thân gửi mùa Hạ”, bạn sẽ được gợi nhớ về tuổi thơ bình yên cùng bà vui chơi, cùng bà khám phá thiên nhiên. Cuốn sách cũng vương vất những nỗi buồn, cảm giác giác man mác, tiếc nuối khi những ngày mùa hè đang trôi qua cùng nỗi bất an trước cơn hung dữ của bão lớn, của số phận.
Nhưng hơn hết, cuốn sách đọng lại ở người đọc tình yêu thương của bà nội dành cho Sophia, hình ảnh cần mẫn làm việc của người cha và những kỉ niệm vui, buồn của những ngày mùa hè của Sophia và bà nội trên hòn đảo nhỏ.