Anh nghĩ em cũng biết, sắp đến thời hạn rồi, anh muốn em rời khỏi đây

1. Thông tin chung

– Tên tác phẩm: Sự Cứu Rỗi Của Thánh Nữ (聖女の救済 – 2008)
– Tác giả: Higashino Keigo
– Dịch giả: Mia Nguyễn
– Thể loại: Tiểu thuyết – Trinh Thám
 Tiếp tục là Keigooooooo đây!!!
 Tôi đã đọc Phía Sau Nghi Can X cách đây hơn 5 năm, nhưng mới xem phim chuyển thể gần đây, nên bị gợi lại ấn tượng với nhân vật Galileo. Về các truyện có nhân vật này thì ở Việt Nam đã dịch được 4 cuốn. Ngoài cuốn vừa nhắc ở trên ra thì 3 cuốn còn lại là Sự Cứu Rỗi Của Thánh Nữ, Phương Trình Hạ Chí và Ma Thuật Bị Cấm. Tranh thủ mấy ngày ốm cày nốt nào!!!

2. Về tác phẩm

 Truyện thuộc chuỗi các tác phẩm về thám tử Galileo, thể loại trinh thám thuần, nên cố nhiên, nó sẽ bị so sánh với Phía Sau Nghi Can X. Tôi dù cố công tâm đến mấy, cũng không thoát khỏi định kiến này. Rõ ràng, truyện thua kém người anh em kia khá nhiều.
 Đầu tiên là Galileo. Anh quá mờ nhạt. Do lần này có thêm sự phối hợp từ phía cảnh sát, nên vai trò điều tra được chia nhỏ ra cho nhiều người. Tuy có cố gắng làm nổi bật yếu tố khác biệt là một cảnh sát nữ, nhưng về tổng thể, lại không có cá nhân nào vượt lên tỏ ra mình là đầu tàu phía điều tra cả. Galileo thì tương tác quá ít với vụ án, người đọc cũng không thấy được quá trình suy luận và sự thiên tài của anh.
 Phe đối trọng, thủ phạm, cũng không đủ sức nặng. Truyện kể theo hướng cho biết hung thủ ngay từ đầu, phần bí ẩn là hành trình đi tìm bằng chứng và cách thức gây án. Với cách kể này, người đọc (trong đó có tôi) sẽ dễ kì vọng vào một kịch bản đấu trí gay cấn, nhưng không. Thủ phạm tuy được xây dựng như một “thánh nữ” tài sắc vẹn toàn, nhưng trong quá trình điều tra, cô không có động thái cản trở hay đánh lạc hướng nào cả. So với việc kì công sắp xếp một kế hoạch hoàn hảo như vậy, thì việc cô thản nhiên để cho tác phẩm của mình bị sục sạo, quả đã gây ít nhiều hụt hẫng.
 Bản thân vụ án cũng không quá xuất sắc. Tuy gây được ấn tượng bởi cách gây án “ngược đời”, nhưng bị thiếu đi các mồi nhử. Như đã nói ở trên, sự hời hợt của thủ phạm khiến câu truyện mất đi sự căng thẳng. Ngoài ra, cách thức tìm ra bằng chứng bị đơn giản hoá bằng việc sử dụng một thứ “công nghệ cao”, điều này làm giảm đi vai trò của việc suy luận.
 Tiếp theo là cách kể. Lần này Keigo cho tôi có cảm giác hơi giống trinh thám Mỹ, khi sử dụng một mạch truyện thẳng, đi hết từ manh mối này đến manh mối khác. Nhưng mạch truyện lại không đủ nhanh để gây cảm giác phấn khích, thậm chí có một mối nối không thật sự chắc chắn, làm câu chuyện có chút chòng chành. Tuy plot ở cuối khá đáng giá, nhưng phần lớn câu chuyện đi khá chậm và ít biến cố, nên truyện chỉ thực sự thu hút ở đoạn cuối. Tôi không thích kiểu này lắm. Vì plot twist sau cùng có xoắn tới đâu, cũng không thể cứu vớt được cả một quãng dài nhàm chán trước đó.
 Cuối cùng là thông điệp và các câu chuyện bên lề. Một trong những thế mạnh của Keigo là mượn câu chuyện để phản ánh một vấn đề xã hội nhức nhối nào đó. Nhưng với cuốn này, tôi phải đọc vài review của vài người khác mới nhận ra truyện đang phản ánh vấn đề “gia trưởng”. Tôi không nhận ra sớm cũng phải thôi, vì nhân vật gia trưởng trong truyện lại… chết ngay từ đầu, mọi thứ về hắn chỉ được thuật lại qua lời kể của người khác, nên không đủ để tôi chú ý tới. Các câu truyện bên lề thì gần như không có. Tôi rất thích các tác phẩm ngoài câu chuyện chính ra, còn được đầu tư vào các khía cạnh bên lề như đi sâu vào một ngành nghề, hay một phong tục, địa danh nào đó. Điều này cho người đọc có thêm được những kiến thức mới. Nhưng cuốn này lại không làm được điều đó, khiến tổng thể hơi khô và kém sắc.
 Nói vậy không có nghĩa đây là một cuốn trinh thám tệ. Tôi vẫn cho nó 3* trên Goodread vì tính ra, đây vẫn là một cuốn trinh thám chỉn chu so với mặt bằng chung. Nhưng vì những người anh em khác của nó đã làm quá tốt, nên bị đem ra so sánh là điều đương nhiên.
Sài Gòn, 27 tháng 6, 2020
Phúc

Đọc thêm: