[Hiểu Sách]: Hiểu đúng về Trái tim
Không như những vết thương vật lý có thể quan sát trực tiếp bằng mắt, những tổn thương tâm lý thường khó nhận biết hơn và ít được chú...
Không như những vết thương vật lý có thể quan sát trực tiếp bằng mắt, những tổn thương tâm lý thường khó nhận biết hơn và ít được chú trọng. Tuy nhiên trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi trải qua đại dịch, người Việt đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần. “Chữa lành” trở thành một đề tài nhận được sự chú ý hơn bao giờ hết. Bên cạnh ưu điểm, mặt trái của xu hướng này là sự quá tải về thông tin và phương pháp thực hành. Áp dụng chưa xong một cách thức thì một chỉ dẫn khác “nghe có vẻ có lý hơn” đã xuất hiện, cùng với đó là tâm lý khao khát, nóng vội tìm kiếm “một con đường thoát khổ” làm cho cá nhân người đó trở nên bối rối và bất lực nhiều hơn.
Bài viết này được truyền cảm hứng từ cuộc trò chuyện của tôi với một người bạn. Bạn tôi là người khá nghiêm túc trong việc nghe pháp thoại, đọc sách chữa lành và vận dụng luật hấp dẫn vào cuộc sống. Một hôm, bạn ấy nói với tôi rằng không hiểu vì sao khi càng thực hành những gì bạn học được, bạn càng cảm thấy khổ. Bạn tự hỏi tại sao đã thử bỏ qua những tình huống người khác đối xử không tốt với bạn, không nghĩ đến nữa nhưng điều đó lại làm bạn cảm thấy khó chịu nhiều hơn.
Tôi nói với bạn: “Kiến thức đúng sẽ hướng dẫn chúng ta cách tiếp cận và chuyển hóa vấn đề, không phải là bỏ qua hay lờ đi nó”. Bạn hỏi lại: “Là như thế nào? Nó quá khó để chuyển hóa trừ khi tớ cố nhìn nó theo kiểu tốt rồi vượt qua thôi”. Đó là giây phút tôi nghĩ mình cần viết bài viết này.
1- Mượn lời từ một quyển sách
“Hiểu về trái tim” một quyển sách tôi rất trân quý được viết bởi Thiền sư Minh Niệm. Khi xuất bản vào năm 2010, sách có số lượng in lần đầu tiên đạt mức cao kỷ lục: 100.000 bản. Trong đó, 15.000 bản đã được bán hết ngay trong ngày ra mắt. Hơn một thập kỷ trôi qua, đến nay “Hiểu về trái tim” vẫn là một trong những quyển sách được đông đảo độc giả quan tâm tìm đọc. Sự chân thành, thấu cảm của Thầy Minh Niệm về con người và cuộc sống được truyền đạt một cách giản dị, gần gũi qua từng trang sách.
Tuy nhiên để hiểu được chiều sâu những nội dung đó, đòi hỏi bạn đọc cần có thêm sự thực hành và chiêm nghiệm qua thời gian. Trong đó, theo cảm quan cá nhân của tôi, có một số định đề sẽ dễ được bạn đọc hiểu theo cách riêng, hiểu chưa đủ hoặc hiểu chưa đúng từ đó dẫn đến việc thực hành sai và có kết quả không như mong đợi.
Trong bài viết này, tôi xin phép sử dụng hiểu biết còn hạn chế của mình từ góc nhìn của ngành Khoa học Tâm lý để trao đổi về một số đề mục liên quan được sách đề cập. Qua đó, mong có thể hỗ trợ cho những ai cũng rất trân quý quyển sách này có thể ứng dụng nó một cách hiệu quả hơn. Cùng bắt đầu nhé!
2- Hiểu về trái tim là hiểu về những gì?
50 khái niệm đã được đề cập trong quyển sách, như Khổ đau, Hạnh phúc, Tức giận, Ích kỷ, Tham vọng, Thành thật, Nghi ngờ, Lo lắng, Buông xả, Bình yên,… nếu nhóm những đề mục này để phân loại, chúng ta có thể thấy được, “Hiểu về trái tim” đồng nghĩa với hiểu về ba yếu tố: suy nghĩ, cảm xúc và hành vi.
Các yếu tố này liên tục tác động qua lại và ảnh hưởng lên nhau. Do đó, việc thay đổi hành vi sẽ không hiệu quả, nếu chúng ta chỉ tập trung vào “sửa hành vi”. Thay vào đó, để “ngựa không quen đường cũ” chúng ta cần hiểu được động lực của suy nghĩ và cảm xúc phía sau. Khi suy nghĩ và cảm xúc thay đổi thì hành vi ắt tự nhiên được chuyển hóa.
Ngược lại, muốn thay đổi cảm xúc thì cần xem lại nguồn gốc suy nghĩ và hành vi. Thật phi lý nếu chúng ta khuyên một người đang tuyệt vọng rằng: “Thôi đừng buồn nữa, hãy vui lên!”. Sẽ hợp lý hơn nếu chúng ta có thể gợi mở cho họ góc nhìn đa chiều về khó khăn mà họ đang gặp phải. Để từ đó họ có thể chủ động lựa chọn thay đổi suy nghĩ và hành vi. Đó cũng là phương cách mà “Hiểu về trái tim” hỗ trợ bạn đọc. Vì có hiểu mới có thương và thương một cách thật sự, không gượng ép.
3- Nhận diện cảm xúc không phải để đè nén hay thao túng cảm xúc
Bạn có biết rằng lý do một người bị mắc trầm cảm không phải bởi vì họ không vui mà bởi họ đã không cho bản thân được phép buồn trong quá nhiều ngày. Đó là hậu quả của việc đè nén cảm xúc.
Có khi nào bạn từng tức giận và hối hận ngay sau đó bởi thấy bản thân thật tầm thường và xấu xí. Bạn căm ghét chính mình, và tự hứa lần sau không được nổi giận nữa, sẽ cư xử nhẹ nhàng hơn. Và tất cả chỉ dừng lại ở đó.
Cơn giận đó đã không được bạn thấu hiểu, nó đã bị chối bỏ, thậm chí còn được bao phủ bởi tấm màn nhung của sự lịch thiệp. Cơn giận của bạn không biến mất, nó đang được tích tụ lại và như một chiếc nồi áp suất sẽ bùng nổ vào một ngày không xa. Nói như vậy cũng không có nghĩa là khuyến khích bạn vung vẫy sự giận dữ của mình bất cứ khi nào có thể để chúng không bị dồn nén. Do đó, mệnh đề “nhận diện và chuyển hóa cảm xúc” cần được hiểu đúng là rất quan trọng. Hiểu và áp dụng sai một phương pháp còn có hại hơn so với khi bạn chưa biết gì về nó.
Chúng ta cần hiểu không chỉ những “cảm xúc dễ chịu” như vui vẻ, tin tưởng, hi vọng mới nên được chấp nhận, mà những “cảm xúc khó chịu” như buồn bã, sợ hãi, chán ghét, giận dữ cũng cần được trân trọng. Thậm chí bạn còn cần dành nhiều thời gian hơn để hiểu và vỗ về chúng. Bởi những “cảm xúc khó chịu” xuất hiện cũng với mục đích tốt, như là cách cơ thể và tâm trí báo hiệu rằng có vấn đề gì đó không ổn, nhằm bảo vệ bạn. Do đó, mọi cảm xúc đều cần được trân quý và yêu thương như chính chúng là.
4- Bên dưới sự tấn công là những nhu cầu không được đáp ứng
Cảm xúc như một củ hành nhiều lớp. Nghĩa rằng cảm xúc đầu tiên mà chúng ta nhận diện được chưa chắc là cảm xúc cốt lõi, mà cần được bóc tách thêm. Ví như người mẹ giận con cái, đó chỉ là cảm xúc bề mặt. Nếu đặt câu hỏi sâu hơn: “Vì sao mình lại tức giận?”. Thì ta sẽ thấy ẩn bên dưới có ít nhất một nhu cầu không được đáp ứng. Đó có thể là mong muốn có được kết nối với con cái nhưng không làm được. Hoặc có thể là muốn con cái có thành tích tốt để mình được đẹp mặt với nhà hàng xóm.
Những câu hỏi phù hợp với tình huống trên sẽ là: “Tôi nổi giận bởi nhu cầu nào của tôi đã không được đáp ứng? Liệu nhu cầu đó có hợp lý? Tôi có cách đáp ứng nào khác lành mạnh hơn thay vì giận dữ không? Nếu muốn tăng kết nối với con cái, thì có lẽ tôi nên chủ động quan tâm và thấu hiểu con chứ không phải là thái độ hằn học. Nếu muốn đáp ứng nhu cầu được kính trọng từ người hàng xóm, thì vì sao tôi lại có mong cầu nhận được sự kính trọng đó?”. Và cứ tiếp tục như vậy, bóc tách càng nhiều lớp thì chúng ta càng hiểu và chấp nhận bản thân được triệt để hơn.
Lý do ngầm ẩn thì muôn màu vạn trạng, chỉ có duy nhất một điểm chung đó là xuất phát điểm từ nhu cầu của bản thân, chứ không phải từ nhu cầu của đối phương. Chúng ta áp đặt thái độ lên người khác để mong muốn họ thỏa mãn giúp cho nhu cầu của mình. Điều đáng lưu tâm là hầu hết quá trình này đều xuất hiện một cách ngẫu nhiên, tự động và vô thức. Vậy cách để lấy lại quyền tự chủ cuộc đời mình đó là cần rèn luyện cho bản thân lối sống tỉnh thức, điều sẽ được đề cập ở mục tiếp theo.
5- Thiền, không phải chỉ là ngồi yên
“Thiền” là một trong những phương thức hữu hiệu giúp rèn luyện lối sống tỉnh thức, tăng khả năng nhận diện và làm chủ suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bản thân. Tuy nhiên trong những năm gần đây, thiền nổi lên như một trào lưu, nhiều người chưa tìm hiểu về thiền cũng muốn tham gia ngồi thiền ngay lập tức vì quá khao khát một con đường thoát khổ. Phạm vi bài viết này sẽ không đề cập đến phương pháp hành thiền, thay vào đó sẽ tập trung vào hai khía cạnh dễ được hiểu sai về thiền.
Một, việc ngồi thiền không dành cho tất cả mọi người. Ngồi thiền không phù hợp với người đang trầm cảm (từ trung bình đến nặng) hoặc loạn thần. Bởi vốn dĩ người mắc các rối loạn này không chỉ là vấn đề về tâm lý, mà cả về mặt sinh học họ cũng đang thiếu một số chất dẫn truyền thần kinh cần thiết để có thể kiểm soát luồng suy nghĩ của chính mình. Do đó, trạng thái ngồi yên để thiền chỉ làm những dòng suy nghĩ luẩn quẩn, miên man trong họ hoạt động càng dữ dội hơn. Thay vào đó, việc vận động thể lực và tiếp xúc với thiên nhiên sẽ được khuyến khích là có lợi.
Bên cạnh đó, nhiều người định nghĩa ngồi yên bất động được hàng giờ đồng hồ chính là thiền, thậm chí mang tư duy so sánh, ai ngồi được lâu hơn thì ắt sống được tỉnh thức hơn mà lại ít chú trọng về cái cốt lõi bên trong. Nếu ngồi yên cả ngày mà tâm không định, lúc thì tìm về quá khứ, khi thì truy cầu đến tương lai, chánh niệm không thành, còn bận tham sân si, tuệ không sáng thì những điều đó đi ngược với bản chất của thiền. Ngược lại, một người vẫn có thể đang thiền khi họ đang chạy xe, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn,... miễn là người đó thực hiện những công việc này một cách tỉnh thức và tập trung vào hiện tại. Bởi thiền không chỉ là hành vi mà còn là trạng thái tinh thần.
6- Sức dung chứa của trái tim
Với tôi ở một góc độ nào đó có thể xem “sức dung chứa của trái tim” tương đồng với “khả năng chịu đựng stress”, còn “điều bất như ý” tương đồng với “tác nhân tạo stress”.
Theo tâm lý học thần kinh, cảm giác căng thẳng cũng có lợi nếu nó ở mức trung bình, bởi nếu quá thấp sẽ không thúc đẩy động lực phát triển của bạn, nếu quá cao nó sẽ hủy diệt bạn, dẫn đến tình trạng kiệt sức, rối loạn lo âu hoặc trầm cảm. Mỗi người có “khả năng chịu đựng stress” khác nhau. Khi xuất hiện một “tác nhân tạo stress” quá lớn, ta có 2 cách để giữ cân bằng: (1) là phải giảm “tác nhân tạo stress” hoặc (2) là phải tăng “khả năng chịu đựng stress”.
Tương đồng với điều đó, khi đứng trước “điều bất như ý” quá lớn trong cuộc sống, ta không nhất thiết phải chọn đối đầu trực diện nếu như “sức dung chứa của trái tim” của ta không sẵn sàng. Bạn không cần phải cố gắng thấu hiểu, tha thứ, chấp nhận người khác nếu bản thân mình đang chưa đủ sức để làm điều đó. Bởi như một cơn căng thẳng cường độ cao, “điều bất như ý” đó sẽ nhấn chìm bạn.
Nói như vậy không có nghĩa là bạn nên liên tục tránh né. Trong thời gian tạm lánh, bạn cần thực tập để mở rộng “sức dung chứa của trái tim”. Nếu “dung lượng trái tim” chưa đủ lớn để cho phép bạn tha thứ cho người từng chủ động làm tổn thương bạn, thì sẽ hợp lý hơn nếu bạn có thể bắt đầu với việc tập tha thứ cho người đã vô tình nói điều gì đó làm bạn không vui. Tiếp tục thực hành và nâng dần mức độ, đến một thời điểm khi “nội lực” đã đủ thì “điều bất như ý” khi xưa tự nhiên không còn là vấn đề với bạn nữa.
Bạn không cần ép buộc bản thân phải tha thứ ngay lập tức nhưng bạn có thể tha thứ thật sự trong tương lai. Bởi chúng ta không thể cho đi cái mà mình đang không có, sự bình an hay tình yêu thương.
7- Tiến bộ không phải đường thẳng, mà là đường đèo
Quá trình phát triển của bạn mang dạng hình xoắn ốc đi lên, nghĩa rằng trên tiến trình của sự thay đổi, bạn sẽ luôn có khả năng sẽ lặp lại chính con người cũ của mình. Nhưng đó không phải là điều đáng để thất vọng, bởi tiến bộ không có nghĩa là trở nên hoàn hảo.
Tiến bộ là mỗi khi gặp lại tình huống cũ, nhân cách cũ thì khả năng nhận diện suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của bạn đã trở nên tốt hơn. Bạn chấp nhận được bản thân và ý thức được rằng mình còn có nhiều lựa chọn khác tốt hơn trong hành xử. Thời gian bạn cần để đương đầu với điều bất như ý ngắn hơn. Khả năng hiện hữu cũng cao hơn, bởi bạn biết rõ tương lai thì chưa tới và quá khứ thì không còn tồn tại.
Không ngoa khi nói rằng, sách như một món quà mà mỗi lần đọc lại chúng ta đều nhận thấy sự tươi mới. Tôi đọc quyển sách này lần đầu tiên vào năm 2020, lúc đó đọc chỉ với tâm thế muốn tìm được một con đường thoát khổ nhanh nhất có thể. Sau thời gian thực hành và chiêm nghiệm, tôi nhận ra, chỉ khi ngừng áp lực bản thân phải là một người tốt, một người bình an, một người hạnh phúc thì khi đó ta mới có thể chí công vô tư để sống và cho đi một cách thật sự.
Thật khó để nói có một cách hiểu nào đúng toàn diện về trái tim, sự thật chỉ có thể đến từ quá trình “thử, sai và sửa” của chính bạn. Cho đến khi trái tim bạn cảm thấy thật sự an ổn thì đó là cách hiểu đúng nhất. Dù bạn đang ở đâu trên hành trình phát triển, tôi cũng mong bạn có thể kiên nhẫn. Bởi trích lời Thầy Minh Niệm, “kiên nhẫn chính là chứng tích của tình yêu thương đích thực”, với chính mình và người xung quanh. Trân quý bạn đã có mặt ngay tại đây, chính lúc này, để “Hiểu về trái tim”!
Chloe Châu.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất