Cuộc sống ở đây quá trật tự, quá dễ đoán và – không hề có nỗi đau.

1. Thông tin chung

– Tên tác phẩm: Người Truyền Ký Ức (The Giver – 1993)
– Tác giả: Lois Lowry
– Thể loại: Dystopian (Phản địa đàng)
Biết tới cuốn này qua giới thiệu của kênh cà rốt và thỏ về thể loại Dystopian, sách mỏng và được đánh giá dễ đọc, nên mình chọn nó cho tuần đầu tiên đi làm ở thành phố mới.

2. Đánh giá

Đúng như được giới thiệu, truyện rất dễ đọc, dễ cảm thụ đến bất ngờ nếu so với cuốn 451 độ F cùng thể loại (cũng đúng thôi vì sách đã được sử dụng trong chương trình giảng dạy tại nhiều trường trung học Mỹ). Lời văn đơn giản, cộng với truyện được kể dưới góc nhìn của một cậu bé 12 tuổi, nên dù thông điệp khá nặng, thì tôi vẫn đảm bảo ai cũng có thể dễ dàng tiếp nhận được ý đồ tác giả.
Truyện kể về một thế giới giả tưởng với sự “Đồng Nhất” được đặt lên hàng đầu. Nơi mọi người chỉ cần tuân theo các quy định là có thể sống một cuộc đời an toàn, không nỗi đau, phiền muộn hay lo nghĩ. Nghe khá quen thuộc và ai cũng có thể thấy được mùi bất thường trong đó. Nhưng không sao, vì đó chỉ là bối cảnh, công cụ để truyền đạt thông điệp mà thôi. Hơn nữa, ý tưởng về vai trò của “Người truyền ký ức” khá thú vị nhưng tôi không muốn spoil ở đây (ai đọc Harry Potter có lẽ sẽ thấy tương đồng trong tập 5).
Truyện ngắn, thông điệp rõ ràng, có chiều sâu, dễ đọc dễ hiểu, nên không ngạc nhiên khi nó có cho mình một bộ phim chuyển thể vào năm 2014. Nhưng coi trailer thấy phim bị thêm thắt khá nhiều drama không cần thiết (điều mà các hãng phim Hollywood không thể bỏ qua) nên chắc sẽ không xem đâu.
Nói chung là truyện hay, hoàn thành tốt nhiệm vụ truyền tải thông điệp: ký ức, trải nghiệm cá nhân và cảm xúc quan trọng hơn sự an toàn vô cảm. Truyện chỉ thiếu một vai phản diện để tăng sự kịch tính nữa là đúng chuẩn tác phẩm giải trí. Nhưng có lẽ tác giả đã đúng khi không đưa nó vào, vì sự đơn giản này lại rất vừa vặn để mọi lứa tuổi có thể tiếp cận cuốn sách.

3. Tản mạn

Như mọi khi, đây là phần lan man về một vài ý được nhặt ra trong cuốn sách, không phải đánh giá nội dung.
“Chú ý. Xin nhắc rằng những rung động phải được báo cáo để bắt đầu chữa trị.”
Ở một thế giới bài trừ cảm xúc cá nhân thì sự rung động đương nhiên là một căn bệnh.
Còn ở thế giới của chúng ta thì sao? Rung động có cần phải chữa không?
Không, kể cả những trái tim khốn khổ vì thất tình sau khi rung động không đúng thời điểm, cũng không cần chữa. 
Chữa để làm chi, cảm xúc thì không cần chữa, dù nó tệ thế nào. Vì cái cần làm là chấp nhận chứ không phải chối bỏ, tất cả đều là trải nghiệm. Có trải nghiệm thì tâm hồn mới phong phú, biết mùi phản bội sẽ thêm yêu sự chân thành. Vậy thì cứ hồn nhiên đi, cứ tiếp tục rung động đi, đừng sợ!
Phúc
2020.02.16