Dường như chẳng ai có thể ngang ngược được nữa khi hoa lá đua nở, muôn thú thân thiện, ríu rít đào hang xây tổ và hót ca, phải không nào?

1. Thông tin chung

– Tên tác phẩm: Khu Vườn Bí Mật
– Tác giả: Frances Hodgson Burnett
– Thể loại: Văn học thiếu nhi
Trong các thể loại sách muốn đọc của mình, có văn học kinh điển, là những tiểu thuyết mà nội dung mãi mãi không lỗi thời. Nhưng cũng chính vì điều đó nên nghĩ cứ mua để đó, có hứng thì đọc. Nhưng khi biết trong năm 2020, sẽ có 2 phim chuyển thể dựa trên thể loại này, là “Khu Vườn Bí Mật” và “Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã”, nên ưu tiên đọc 2 cuốn này sớm để coi phim.

2. Đánh giá tổng quan

Truyện kể về hành trình thay đổi bản thân, tình bạn và tình yêu thiên nhiên của các cô cậu nhóc. Nội dung đơn giản, nhẹ nhàng mà có sức hấp dẫn lạ kì. Dường như tôi luôn có chút thiên vị với những cuốn viết về thiếu nhi và thiên nhiên đẹp như vậy, có lẽ do quá yêu thích truyện của Nguyễn Nhật Ánh chăng.
Thiên nhiên – hay cụ thể là khu vườn – được khắc hoạ vô cùng sinh động. Có thể nói đây mới là nhân vật chính của tác phẩm, khi từng thay đổi nhỏ của khu vườn cũng được miêu tả kĩ càng và chân thực, đảm bảo sẽ thoả mãn những cái đầu thích mộng mơ.
Phép màu là từ được nhắc đến khá nhiều, khi nói về những lợi ích mà khu vườn mang lại. Đó là phép màu của sức sống, thứ mà rất dễ nguội lạnh khi ta rơi vào một hoàn cảnh tồi tệ hoặc mất niềm tin. Để lấy lại sức sống cho bản thân, ta cần phải “thấy” những hình ảnh rõ ràng để tiếp sức cho động lực. Và còn gì phù hợp hơn khi tận tay góp sức và tận mắt trông thấy sự hồi sinh của một khu vườn cằn cỗi cơ chứ. Phép màu của thiên nhiên, của lao động, của tình bạn đã đem lại món quà sức sống cho các cô cậu nhóc, còn độc giả chúng ta, sẽ nhận được niềm cảm hứng lan toả trong từng câu chữ, để khi gập sách lại, ai cũng ước có một khu vườn của riêng mình. Cuốn sách đích thị là một phép màu.
Viết về thiếu nhi nhưng phù hợp với mọi đối tượng, trẻ em sẽ tìm được niềm cảm hứng với thiên nhiên, người lớn sẽ tìm được tuổi thơ của mình, hoặc sống lại một tuổi thơ khác, người sắp trở thành cha mẹ sẽ tìm thấy một phương pháp nuôi dạy con hợp lý. Nói chung, một tác phẩm trong trẻo và ý nghĩa như vậy, ai cũng có thể dễ dàng yêu thích vô điều kiện.

3. Tản mạn

Như mọi khi, đây là phần lan man về một vài ý được nhặt ra trong cuốn sách, không phải đánh giá nội dung.
Tôi tin chắc rằng có Phép mầu trong mọi vật quanh ta, chỉ có điều chúng ta không đủ ý thức để nắm bắt và buộc nó phục vụ chúng ta…
(Colin)
Đúng vậy, và thứ có thể vận hành các phép màu quanh ta chính là khoa học.
Tuy yêu thích sự mộng mơ lãng đãng nhưng tôi vẫn ưa giải thích mọi thứ dưới góc nhìn khoa học. Khu vườn không thể hồi sinh chỉ nhờ vào sự nhiệt tình của tụi trẻ, mà phải cộng thêm sự chỉ dẫn bài bản, chăm sóc đúng cách thì mầm xuân mới nảy nở. Sự thay da đổi thịt của Mary và Colin không đến từ sự phép thuật nào cả, mà do quá trình vận động và hít thở dưới bầu không khí trong lành. Hay ngay cả những cảm xúc mới lạ diễn ra trong đầu tụi trẻ cũng có thể diễn giải bằng các phản ứng hoá học trong bộ não của chúng.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, có những điều tôi chẳng muốn lí giải, phải tự huyễn hoặc mọi thứ diễn ra là do cảm xúc dẫn lối, để tự giải thoát mình khỏi cảm giác tội lỗi mãi đeo đẳng…
Dĩ nhiên, đó là thứ Phép màu sai lầm, nó được bắt đầu bằng từ “quá muộn”.
(Ông Craven)
Không bao giờ là quá muộn cả, dù mất khá lâu để công nhận điều này, nhưng không sao, vì… không bao giờ là quá muộn :)))
“Quá muộn” chỉ là cách để biện hộ cho sự mất niềm tin, sợ thay đổi, sợ bắt đầu lại mà thôi. Khi chưa thử, chưa xác nhận rõ ràng mọi chuyện thì không thể kết luận được.
Phép mầu đúng đắn có thể tạo ra một chuỗi kì tích, thì phép màu sai lầm cũng vậy. Một sự kiện xui xẻo sẽ kéo theo một loạt hành động sai lầm, nên thứ “Phép mầu sai lầm” kia thật sự đáng sợ.
Nên mong cho ai đang loay hoay mất phương hướng sau một chuỗi cố gắng không thành, rằng đừng vì cảm giác sợ bắt đầu lại, sợ thua kém, sợ làm ai đó thất vọng, mà mất đi sự lạc quan, mất đi những Phép màu đúng đắn.
2020.01.29
Phúc