Đâu là lần cuối bạn ngủ đủ 8 tiếng một ngày, hay thậm chí là 7 tiếng? Quá lâu rồi đúng không. Có thể là bộ phim bạn đang xem quá đỗi thú vị, hoặc là deadline dồn đống. Vì lí do gì đi nữa, bạn quyết định hy sinh giấc ngủ của mình.
Sai lầm.
https://www.health.harvard.edu/blog/strategies-to-promote-better-sleep-in-these-uncertain-times-2020032719333
https://www.health.harvard.edu/blog/strategies-to-promote-better-sleep-in-these-uncertain-times-2020032719333
Chúng ta thường nghĩ rằng giấc ngủ chỉ là thứ yếu. Trên mạng xã hội bây giờ đầy rẫy những câu chuyện kiểu như sinh viên chăm học ngủ 4 tiếng mỗi ngày, hay là doanh nhân trẻ làm 3 công việc cùng một lúc, chỉ ngủ 3 tiếng mỗi ngày. Đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi. Thứ mà truyền thông không nói với bạn là sự suy giảm về khả năng tư duy, sức sáng tạo, sức khỏe thể chất và tinh thần của những người như thế. Đó chỉ là một số mặt trong hàng ngàn tác hại mà thiếu ngủ mang lại thôi.
Bất ngờ đúng không, tôi cũng vậy.
Tôi cũng đã từng như bạn, cho đến khi đọc được cuốn sách “Why we sleep” (Sao chúng ta lại ngủ) của Matthew Walker.
Đôi nét về tác giả và tác phẩm
Tác giả Matthew Walker là một giáo sư khoa học thần kinh tại Đại học California. Qua cuốn sách “Why we sleep”, ông đã dành tâm huyết và kiến thức của hơn chục năm nghiên cứu nhằm mang đến cho người đọc bức tranh rõ nét nhất về giấc ngủ.
Qua thực nghiệm và nhiều cuộc nghiên cứu, Matthew Walker đã khẳng định rằng giấc ngủ là một trong những điều quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta, ngang bằng với cả ăn và uống. Ngủ sẽ giúp bạn chuyển kiến thức từ kí ức ngắn hạn (short-term memory) sang kí ức dài hạn (long-term memory). 
Ngoài ra, qua giấc ngủ, quá trình hồi phục của cơ thể sẽ diễn ra nhanh hơn, và ta không chỉ hồi phục được những vết thương vật lý mà còn có thể làm dịu đi những tổn thương tinh thần. Chính vì vậy, những người bị trầm cảm nặng thường là những người thiếu ngủ.
Ngược lại, thiếu ngủ sẽ gây ra tác hại trầm trọng. Một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông lớn nhất, lớn hơn cả uống rượu khi lái xe, đó chính là lái xe mà thiếu ngủ. Hơn nữa, thiếu ngủ khiến ta suy giảm 40% khả năng ghi nhớ thông tin. Mất ngủ lâu ngày sẽ khiến ta nhìn thấy ảo giác, thậm chí mất đi khả năng nhận dạng cảm xúc. 
Mất ngủ nguy hiểm đến nỗi tổ chức Guiness đã xóa bỏ hạng mục này ra khỏi danh sách của mình. (Danh sách này thậm chí còn chấp nhận việc nhảy từ độ cao 73m để nhúng bánh quy vào trà.)
Trên đây chỉ là một số trong vô vàn ích lợi và tác hại của ngủ đủ và thiếu ngủ.
 Đã thấy tầm quan trọng của giấc ngủ chưa, nếu rồi thì ngay sau khi đọc xong bài viết này hãy lên lịch đi ngủ sớm và đủ giấc ngay nhé!
 Một số mẹo để có giấc ngủ nhanh và ổn định
Nếu như bạn cố gắng mãi mà không ngủ được, khoan hãy sử dụng thuốc ngủ mà hãy thử áp dụng một số mẹo trong “Why we sleep”:
-   Đi ngủ theo giờ giấc cố định.
-   Thư giãn, đọc sách hoặc nghe nhạc nhẹ trước khi đi ngủ.
-   Tránh xa ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử.
-   Khi mất ngủ đừng nhìn vào đồng hồ, điều này chỉ khiến bạn ám ảnh hơn về thời gian mà thôi.
-   Đừng trằn trọc trên giường. Nếu cảm thấy không ngủ được thì hãy đứng dậy giãn cơ hoặc nghe nhạc nhẹ trước khi cố ngủ lại lần nữa.
Còn nhiều mẹo hơn nữa được liệt kê trong sách, nếu muốn các bạn có thể đọc sách để tìm hiểu thêm.
Kết
Gấp lại trang sách, tôi nhận ra bấy lâu nay mình đã đối xử tệ với giấc ngủ như thế nào. Giấc ngủ là một món quà quý giá mà tự nhiên đã ban tặng cho chúng ta. Hãy trân trọng giấc ngủ, trước khi ta không còn cơ hội để làm điều đó.
Chúc bạn có một giấc ngủ ngon tối nay.