[Review] Tôi nói gì khi nói về chạy bộ
Vài nét về tác giả: Có lẽ đối với ai say mê văn học Nhật Bản, Haruki Murakami không còn là một tác giả xa lạ. Ông là một tiểu thuyết...
- Vài nét về tác giả:
Có lẽ đối với ai say mê văn học Nhật Bản, Haruki Murakami không còn là một tác giả xa lạ. Ông là một tiểu thuyết gia và dịch giả nổi tiếng nhất Nhật Bản, không những ở trong nước, ông còn rất nổi tiếng cả ở nước ngoài với những tác phẩm như Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót,…
Có lẽ “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” là một cuốn sách có nội dung khá khác với những tác phẩm của ông. Nói về tựa sách, Haruki Murakami đã lấy cảm hứng từ tuyển tập truyện ngắn “What we talk about when we talk about love”- Chúng ta nói gì khi nói về tình yêu. Cuốn sách cũng là nhiều mẩu chuyện ngắn về cuộc đời chạy bộ của tác giả được tác giả viết trong rất nhiều năm.
- Nội dung:
Nếu bạn là một người chạy marathon chuyên nghiệp, có lẽ bạn sẽ rất đồng cảm với những cảm xúc của tác giả trong cuốn sách này.Tác giả mô tả nhiều khi rất kỹ càng suy nghĩ của ông, cảm giác của ông từ đường chạy dù ở Hawaii hay ở Nhật hay ở đâu đi chăng nữa. Trên những con đường với chỉ một mình, ông suy nghĩ rất nhiều hoặc có khi là không suy nghĩ gì cả, cứ thế chạy thôi, dù miêu tả kỹ càng nhưng không cụ thể. Vì bạn biết mà, trên đường đua nếu không phải là suy nghĩ về đích thì ngta sẽ suy nghĩ vẩn vơ gì đó, hoặc chỉ chúi mũi chạy mà không suy nghĩ gì. Chính vì thế, chạy marathon rất khác so với chạy nước rút, bạn chỉ có một ý nghĩa duy nhất, về đích. Hơn nữa, trên đường chạy dài hàng chục km, cơ thể chúng ta luôn muốn đình công. Và thử thách khó nhất trên đường chạy là bắt cơ thể phải vượt qua ước muốn đình công để hoàn thành đường đua. Chạy bộ hơn 30 năm, tham gia hơn 20 cuộc thi marathon, mỗi ngày chạy hơn 10km, Haruki là người hiểu rõ hơn ai hết về cảm giác ấy, nhất là khi ông ngày càng có tuổi.
Mình không phải là người chuyên nghiệp, quãng đường mình chạy dài nhất là 10km đường núi khi tham gia Sapa Moutain Marathon năm 2017. Chặng đầu của cuộc đua khi bạn còn sung sức và hưng phấn, suy nghĩ của bạn sẽ lang thang một chút, bạn đưa mắt ngắm nhìn mây trời, thung lũng rồi cánh đồng lúa ở Sapa. Nhưng khi chạy được gần một nửa, giữa trời nắng chang chang, dù có bao nhiêu người chạy thì cũng giống Haruki, đây chỉ là cuộc đua giữa bạn và bản thân mình. Dù hai chân bạn nặng như chì, hay cơ thể bạn mệt mỏi rã rời, điều duy nhất bạn phải làm chính là giữ cho mình bước tiếp đến khi nào về đích.
Còn nếu bạn chưa bao giờ chạy marathon, hoặc chưa bao giờ chạy bộ, cuốn sách này cũng dành cho bạn. Bạn sẽ hiểu vì nó không chỉ đơn thuần về chạy bộ mà còn là tinh thần và cuộc đời của tác giả. Bạn sẽ thấy ông gần gũi hơn rất nhiều với bạn, lý do ông bắt đầu chạy bộ (có thể cũng giống bạn) là vì muốn giảm cân. Đầu đuôi câu chuyện là thế này, ông mở một quán rượu đến năm 29 tuổi và quen với lối sống ngủ ngày làm đêm, làm việc chân tay trong quán rượu. Khi ông quyết định dành toàn bộ thời gian và tâm huyết của mình vào việc viết tiểu thuyết, cơ thể ông bắt đầu phì ra do ngồi hàng giờ liền cùng lối sống đảo lộn. Tác giả lựa chọn chạy bộ vì đó là môn thể thao dễ dàng nhất chỉ cần một đôi giày tốt là bạn đã có thể chạy rồi, không phải đến phòng gym hoặc phòng tập chuyên biệt. Đồng thời, chạy bộ cũng phù hợp với ông do đây không phải là một bộ môn đối kháng và chỉ là vấn đề của bản thân mình, vượt qua những mệt mỏi đau đớn của bản thân mình. Có điều dần dà, tác giả cũng tìm thấy niềm vui ở các môn thể thao khác là bơi lội và đạp xe. Nhưng không vì thế mà chạy bộ kém nổi bật trong cuốn sách này.
Khi đọc về mệt mỏi đau đớn trên đường đua, tác giả lại cho chúng ta cảm giác muốn được chạy bộ, muốn đôi chân mình được chạy trên những chặng đường, đổ mồ hôi nhễ nhại, chạy đến khi mệt rã rời. Tinh thần của ông cho mỗi chặng đua là thử thách bản thân, chiến đấu và chiến thắng chính mình chứ không phải là dành một danh hiệu nào đó. Haruki là một người Nhật rất điển hình, một dân tộc sinh ra ở một nơi cằn cỗi toàn thiên tai, bão lụt, ông luôn thử thách bản thân mình và không bỏ cuộc.
“Tôi dốc hết sức mình, chịu đựng cái cần chịu đựng, và tôi có thể, theo cách riêng của mình, mãn nguyện. Từ thất bại và niềm vui, tôi luôn cố gắng bước ra sau khi đã hiểu thấu một bài học cụ thể.”
Và biết đâu được, khi gấp cuốn sách này lại bạn lại muốn xỏ chân ngay vào giày và chạy đâu đó quanh công viên chẳng hạn. Ai mà biết được, đúng không nào?
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất