"Kỳ thực trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi"
Lỗ Tấn

Không có mô tả ảnh.
Nguồn ảnh: Page "Người trong muôn nghề"
Nếu bạn đang trăn trở nên đi theo con đường nào hoặc bạn thích một ngành/ công việc nào đó nhưng lại không biết liệu mình có phù hợp, những khó khăn, thách thức,... mà bạn sẽ phải đương đầu thì "Người Trong Muôn Nghề" có lẽ là cuốn sách dành cho bạn. 
Ngay cả mình - một người đã ra trường được gần một năm và đã chọn một lối đi trước khi tốt nghiệp thì đôi khi vẫn mông lung về quyết định của chính bản thân mình. Câu hỏi "Liệu mình có thực sự phù hợp?", nếu bạn trả lời sớm được thì quá tuyệt rồi đúng không, nhưng nếu không thì cứ bình tĩnh và bắt tay vào làm. Ngay cả bây giờ, mình vẫn chưa trả lời được câu hỏi đó. Vì khi bạn không biết nên đi đến đâu thì chọn đi đường nào đâu có quan trọng? Quan trọng là bạn đi như thế nào nữa. 
Trong bài viết này, mình xin phép được trích ra 23 câu nói mình tâm đắc nhất, cũng chính là 23 câu nói giúp mình nhìn nhận lại bản thân, sự nghiệp và những gì đã-đang xảy đến. 

1. Nỗ lực và thái độ phải dẫn đến kết quả và sự chuẩn xác. Chất lượng kết quả và tiêu chuẩn cao trong công việc sẽ nói với cả thế giới bạn là ai. 

Câu này của tác giả làm mình nhớ đến một câu quote "Work hard in silence, let success be your noise". Nhiều người nói, quan trọng là quá trình chứ không phải là kết quả. Mình không hoàn toàn đồng ý. Nếu kết quả tệ nhưng bạn nói quá trình bạn làm việc rất chăm chỉ, bạn làm điều này điều kia bla bla... vậy tại sao kết quả lại tệ và nếu vậy thì chắc chắn phương thức làm việc của bạn có thể có vấn đề, bên cạnh các yếu tố khách quan khác. Đôi khi người khác không có thời gian để nhìn vào cả một quá trình của bạn.

2. Tập trung đạt được kết quả tốt nhất ở mọi việc bạn được giao

Với mình, ngoài ra cần tập trung đạt được kết quả tốt nhất ngay cả việc bạn không được giao. 

3. Garbage in - Garbage out

Từ ngày đi làm full-time, mình nhận ra chốn công sở thực sự phức tạp và... tương đối nhiều thị phi. Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng,... bạn có thể tiếp nhận rất nhiều thông tin từ các nguồn khác nhau, từ công việc đến đời tư của người trong công ty, dù biết một cách chủ động hay bị động, thì việc chắt lọc thông tin và kiểm chứng thông tin, đôi khi là bỏ đi những thông tin rác là vô cùng quan trọng. 
Mọi thông tin luôn cần được kiểm chứng và từ những góc nhìn khác nhau thì câu chuyện đã khác rồi. Huống hồ còn được "tam sao thất bản" theo nhiều cách. Bạn nghe tin một đồng nghiệp đang làm nhân viên bình thường ở công ty bạn chuyển qua làm manager cho một công ty khác. Bạn nghe người khác nói rằng do có ô dù, hay năng lực kém nhưng lại ăn may lên cao bla bla,... Nếu bạn chỉ tiếp nhận thông tin và coi nó là đúng thì vô hình chung thành kiến sẽ được hình thành. Bạn đã làm việc trực tiếp với người đó? Bạn đã nghe sếp trực tiếp của họ đánh giá họ?,... Khi thông tin chưa được kiểm chứng thì nó chưa là sự thật, vậy thôi. 

4. Cuộc sống của mỗi người là khác nhau. Con dường sự nghiệp khác nhau, mục tiêu khác nhau nên đương nhiên thành tựu đến vào những thời điểm khác nhau. Vì vậy không thể so sánh bản thân với người khác, chỉ có thể so sánh bản thân với chính mình. 

Việc tham gia vào chương trình MT, được gặp những người bạn đồng trang lứa vô cùng tài năng khác đã cho mình mở mang tầm mắt rất nhiều. Và tất nhiên, theo đó là không ít những sự đánh giá từ lãnh đạo các cấp nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. 
Nếu không cẩn thận, sẽ rất dễ bị rơi vào cái hố của việc luôn so sánh bản thân mình với một MT khác. Thực ra đôi lần mình cũng bị như vậy, và cũng thật may đã tỉnh lại đúng lúc. Khi bạn là một MT thì mọi người trong một công ty ở tất cả các cấp độ sẽ luôn có sự so sánh giữa bạn và những người khác. Và cũng có khi, những điều đó sẽ đến tai bạn, bằng một cách chính thức hay không chính thức và những điều đó có thể là tốt hay xấu. Cách mình thoát khỏi điều đó chính là tập trung vào mục đích của mình khi đến đây, vào giá trị của bản thân và những gì bạn mang lại. 
Việc bạn và những người khác đang đi trên cùng một chuyến xe không có nghĩa bạn và họ có chung một điểm đến. 

5. Sẵn sàng bắt tay vào làm và học hỏi liên tục, chứ không ngồi đó và "tưởng tượng". 

Khi bạn không biết mình nên làm gì, thì hãy thử từng thứ một để biết mình không thích/ không phù hợp với điều gì. Tưởng tượng và thực tế là hai thứ hoàn toàn khác nhau và nhờ việc bắt tay vào làm mình đã vỡ mộng cũng rất nhiều nhưng lại có được những bài học đắt giá...

6. Mọi vấn đề đều có logic bản chất và luôn phải đánh giá dựa trên một bức tranh tổng thể. 

Bản thân mình thấy rất may mắn khi được tiếp xúc với rất nhiều "chú/bác" với kinh nghiệm vài chục năm trong nghề và có tiếng trong ngành. Nhờ việc tham gia vào các dự án, mình dần học được cách tư duy, đánh giá và liên tục hỏi câu hỏi WHY? Sau một năm đi làm và nhìn lại những tranh luận trên giảng đường đại học hay khi tham gia các cuộc thi mới thấy mình đã "lớn hơn" tương đối rồi. 

7. Không có người thầy nào tốt hơn là việc tự đọc tài liệu. Hãy bắt đầu bằng việc tự học tử tế, đừng cho rằng chỉ cần học lỏm được vài thứ là mình đã đủ giỏi. 

Mình rất coi trọng việc học và tự học bên cạnh việc học từ người khác. Chính google và youtube đã giúp mình rất nhiều trong việc tự học, từ tiếng Anh, tiếng Hàn đến Photoshop,.. Và các website như của Nielsen hay McKinsey là nguồn kiến thức vô tận để tiếp cận với tri thức mới. 

8. Nếu sự tham lam về tiền bạc, danh vọng và sự so đo là nguồn cội của những đau khổ thì tôi nghĩ sự tò mò, ham hiểu biết, ham khám phá là cội nguồn của hạnh phúc. 

9. Hãy cố gắng trở thành chuyên gia ở lĩnh vực mình làm

Những người giỏi, thành công mình biết cho đến bây giờ dù có giỏi về nhiều lĩnh vực thì luôn có một lĩnh vực mà họ giỏi hơn cả. Mình coi đó là cái xương sống trong sự nghiệp của bất kì ai. Đôi khi mỗi thứ biết một thứ, cuối cùng lại thành không biết gì. Và việc bạn thực sự giỏi ở một lĩnh vực nào đó có thể là bàn đạp và cũng là miếng cơm trong lúc bạn bắt đầu tìm hiểu sang lĩnh vực khác. 

10. Cơ hội lớn nhất khi còn trẻ đó chính là nếu bạn chọn sai, bạn luôn có thể bắt đầu lại. 

Vì khi còn trẻ, bạn có sức khỏe và thời gian để sửa...

11. Hãy chắc chắn rằng mọi thứ xứng đáng: bạn xứng đáng (đủ khả năng, cam kết và sự chuẩn bị), khách hàng/ dự án xứng đáng (đừng là một phần của thất bại đã-nhìn-được-trước), hay đơn giản là tìm ra được một điều xứng đáng cho tất cả những sự không-xứng-đáng khác. Có khi là tiền, có khi là một người sếp giỏi đáng "bán mạng", hay có khi là "chưa thử sao biết". 

Thực sự đã có lúc mình từng có ý định dừng lại chương trình MT này. Và sau khi hỗ trợ 1 bạn ngoài ngành giải case đi  thi cho một công ty mình chợt nhận ra, hóa ra những mông lung mình hay nói là do mình chưa thực sự nhìn và đúc kết lại, mình chỉ biết lao đi. Mình từng thấy cực kì mông lung, từng khóc và khủng hoảng. Cuối cùng mình ở lại, sau khi tự hỏi và trả lời 3 câu hỏi:
- Mình đã cố hết sức chưa? 
- Tại sao mình mông lung? và liên tiếp các câu hỏi WHY sau đó.
- Mình còn có thể học được gì? Có điều gì ở công ty khiến mình còn vương vấn? 

12. Hãy đi hỏi trực tiếp những khúc mắc của bạn hoặc kiên nhẫn chờ thời gian trả lời. Mọi thông tin đều cần được kiểm chứng. 

Hoặc bạn tự tìm câu trả lời, hoặc thời gian sẽ trả lời thay bạn. 

13. Thành công không dành cho kẻ bốc đồng. 

14. "Lý do" là khái niệm dành cho kẻ thất bại.

Môi trường đi làm dạy mình một điều, đó là trước khi tranh cãi với người khác, hãy tranh cãi với chính mình đầu tiên. Khi bạn đối kháng với chính bản thân mình, có lập luận chặt chẽ, vững chắc thì những điều bạn đưa ra là "lý lẽ, dẫn chứng, chứng cứ" chứ không phải "lý do". 

15. Đến một thời điểm bạn phải lựa chọn xem bạn nên xuất phát từ đâu trước: đam mê hay tài chính, thì lời khuyên của tôi sẽ là hãy bắt đầu từ tài chính. 

Với riêng bản thân mình, nếu phải chọn giữa đam mê trước hay tài chính trước, mình sẽ chọn tài chính. Mình có một quan niệm là: Đam mê mà không ra tiền thì đó là đam mê chết. 
Mình là một đứa thích nhiều thứ nhưng lại chẳng đam mê thứ nào. Nó cho mình một điều nghe có vẻ là lợi thế đó là mình chọn làm những thứ thị trường cần và đem lại nguồn tài chính (có vẻ) tốt để nuôi sống bản thân ở đất Hà Nội và chu cấp cho gia đình phần nào đó, phù hợp với kĩ năng mình có và từ đó mình đầu tư công sức vào làm nó, hiểu nó. Trong thị trường lao động một số kĩ năng của ngành nghề này có thể áp dụng lên một ngành nghề khác nên không có điều gì là hoàn toàn phí phạm. 
Nếu bạn không cần lo về tài chính, hãy theo đuổi đam mê, còn nếu tài chính của bạn không đủ vững chắc, xin hãy củng cố nó trước. Mình là người khá tự tập và không muốn phụ thuộc vào bố mẹ, vì căn bản bố mẹ cũng không có điều kiện về tài chính để có thể chu cấp cho mình nếu mình theo đuổi một đam mê nào đó không kiếm ra nhiều tiền hay mất nhiều thời gian để có một nguồn thu nhập đủ tốt. Việc mình vay tiền bố mẹ để học đại học với lãi suất 0% cũng là một động lực để mình bớt ảo tưởng khi nhìn nhận nghề nghiệp cũng như lộ trình trong tương lai. 

16. Hãy bắt đầu "sống" thay vì chỉ ngồi tưởng tượng cuộc sống là như thế nào. 

Bạn sẽ không biết cuộc sống có vị như thế nào nếu bạn không lao vào nó. 
Mentor của mình từng nói: nếu em không làm thì dù em có suy nghĩ thêm 1 ngày, 1 tuần hay 1 tháng thì em vẫn cứ sẽ mông lung trong vòng xoay sự nghiệp và chứng tỏ bản thân và cuối cùng sẽ lại quay về điểm xuất phát. 

17. Để chiến thắng trong một cuộc đua, thì không nhất thiết em phải là người xuất sắc nhất, nhưng em cần nổi bật hơn đám đông ở một đặc điểm cụ thể nào đó

Khi đi phỏng vấn hay đọc các bài viết tuyển dụng, bạn thường hay nghe câu "Chúng tôi không tuyển những người xuất sắc nhất, chúng tôi tuyển những người phù hợp nhất" từ các tập đoàn lớn đến các công ty nhỏ. Và cái điều "phù hợp" nhất ấy không có nghĩa bạn phải fit hoàn toàn với tất cả các yêu cầu của họ, mà ở bạn nổi bật lên một kĩ năng cứng, kĩ năng mềm mà họ đang tìm kiếm.

18. Cách tốt nhất để em chứng minh được giá trị của mình trong một tổ chức là tạo ra đóng góp với tập thể đó. ... Hạnh phúc không phải là có được vị trí nghe "oai", mà là trở thành một người không thể thay thế. 

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, việc các công ty cắt giảm nhân sự là điều không tránh khỏi, và những người còn ở lại chính là những người không-thể-thay-thế. Họ là ai? Là những người không thể thiếu trong một tổ chức. Như thế nào là không thể thiếu? Là nếu thiếu họ, bộ máy không thể vận hành hoặc vận hành không còn trơn tru hay chi phí để hoàn thành công việc khi thiếu họ lớn hơn chi phí giữ lại khi cắt giảm họ. Là những người có đóng góp giá trị cho tổ chức và được công nhận bởi cấp quản lý,... 
Đôi khi chức danh không nói lên tất cả. 
---
PS: Dù điều gì xảy ra thì đó vẫn luôn là điều tốt hơn. 
Rủi ro, khó khăn luôn đi kèm cơ hội. Mong các bạn trong suốt hành trình của mình luôn có những trải nghiệm đáng giá, dù cho có thành công hay thất bại thì hãy luôn nhìn về phía trước và... mọi chuyện sẽ ổn thôi, khi ta còn yêu đời!
Đọc thêm: