Lịch sử chỉ là cái đinh để tôi móc tấm tranh của mình lên đó
Alexandre Dumas
Lý do đầu tiên mình bắt đầu đọc cuốn này là bởi cái tên, cái tên lạ lùng thơ thẩn quá. Mà thực, dịch The Remains Of The Day thành Tàn Ngày Để Lại được cũng hơi bị đỉnh luôn mà. Mặc dù cụm “tàn ngày để lại” không dưng mà nói thì trên quan điểm cá nhân mình mà nói, thì chẳng có nghĩa gì cả. Nhưng mà vào văn vẻ cái thì lại là một chuyện khác ngay, thơ ngay, mùa thu mộng mer ngay.
Và đấy, cuốn sách này cũng mộng mơ lắm cơ. 
Mặc dù nam chính đã gần đất xa trời rồi và bối cảnh truyện cũng đã chết từ lâu :D
Mình thật sự đã phải vật vã lết qua nửa đầu cuốn sách, lết ngay từ những trang đầu tiên.
Bởi vì bạn ơi, tác giả là Kazuo Ishiguro không có nghĩa tác giả là người Nhật, tác giả sống ở Anh không có nghĩa là tác giả vẫn viết theo kiểu Nhật. Và nếu bạn là người thích đọc Murakami Haruki thì bạn sẽ nhận ra là mình đang bị ảo cái kiểu viết của Ishiguro với Murakami. Tức là, không phải ở chỗ văn phong viết giống nhau, mình biết là tư thế viết mỗi người mỗi khác, nhưng mà mình shock ở chỗ không có một màu Nhật Bản nào.
Cũng không phải là không phải văn Nhật thì mình không thích đọc. Mình là tuýp tạp chủng cứ hay là đọc. Ấy vậy mà cái cuốn này nó không chịu hay từ đầu, nó làm mình khổ, và mình biết nhiều người cũng khổ sở y như mình khi lướt qua 1 lượt review :))
Còn nếu bạn hỏi lý do vì sao khổ thế mà mình vẫn cố đọc, thì cũng có 2 lý do: 1 là vì em A - người đã cho mình mượn cuốn này dù chưa đọc, với tư cách là người cầm nó đầu tiên, mình cảm thấy có bổn phận phải hoàn thành nó; và 2 là vì bìa sách đẹp quá.
Đẹp kinh điển luôn!! Đúng phong cách mình thích, bìa cứng, có cover, title dập nổi, mình rất thích bức họa bìa và cách phối màu của cuốn này, lại còn tag “Nobel Prize in Literature” rất hằn học kiểu: “không đọc thì hối hận thôi, không hiểu thì chịu thôi, dù sao tôi cũng được công nhận rồi”.
Mình đọc được một bình luận thế này: [Cuốn sách đã trở thành điển hình cho phong cách và thế giới quan của ông mà Ủy ban Nobel đã ca ngợi “vực thẳm ẩn bên dưới ảo tưởng về sự kết nối với thế giới của chúng ta’’].
Cuốn sách này có thể phân tích một cách ngắn gọn theo cách hình hóa thế này: chiếc bàn phủ khăn trải bóng mượt, đẹp và sang, bên dưới đã mục và lung lay.
Thiên nhiên Anh, cá tính Anh, các vấn đề của nước Anh - câu chuyện của một ông quản gia cũng rất Anh, Stevens. Trọng tâm của cuốn sách là những chiêm nghiệm của Stevens về “phẩm cách”, làm sao để có thể trở thành một quản gia hoàn hảo; thứ lý tưởng "cha truyền con nối".
Giống như một cuốn hồi ký, Ishiguro triển khai chuyện đời người quản gia rất chậm trong lời kể rù rì tự thoại. Stevens lội ngược về miền Tây gặp cô Kenton, đồng nghiệp cũ. Đi 1 chặng đường, lội qua 3 cánh đồng ký ức :))
Lượn từ chuyện của Stevens, chuyện của cô đồng nghiệp cũ, chuyện của ông chủ cũ, rồi lái sang chuyện những người gặp trên đường. 
Sách đọc rất mệt vì cảm giác câu cú rất rườm rà, nhân vật hành xử rất bộ tịch, mạch truyện rất..đúng tuổi (của nhân vật chính) :)) Nhưng mà thôi thì nếu bạn đủ kiên nhẫn (như mình) thì đến cuối sách, tất cả sẽ theo nhau gút lại khiến người đọc nhận ra, bản chất câu chuyện không chỉ thế, nhưng câu từ ấy chỉ là lớp áo bên ngoài (lớp áo không mỏng, hơi dày là đằng khác). Hay nói trắng ra: tự huyễn hoặc để thấy mình cao sang giữa đời dù trong lòng trống huơ trống hoác.
Người ta bảo Tàn ngày để lại thuộc vào loại sách để đọc lại, và không chỉ một lần, bởi dưới những sự kiện thoạt trông chẳng có gì kia lại có nhiều hơn những gì được nói. À thì đây, chính dịch giả Lý Lan - người dịch cuốn Dạ khúc của Ishiguro đã chia sẻ: “Nếu đọc hết sách của ông, người ta sẽ bị cuốn vào thế giới của ông khó dứt ra được, nhưng khi quan sát riêng lẻ từng cuốn sách, có thể ấn tượng sẽ không nhiều. Những cuốn lạ và độc đáo nhất của ông lại không hoàn hảo nên khó được ưu tiên chọn dịch, còn những cuốn phổ biến nhất lại thường mang lối viết đơn giản một cách lừa dối. Một số quyển tôi đọc đến lần thứ hai mới tạm gọi là hiểu, mà với tốc độ xuất hiện sách mới và hay của thời này thì mấy ai có thời gian dành cho một cuốn sách ít ấn tượng đến lần thứ hai?”.
Vâng chính là mình đây!
Nói đi cũng phải nói lại, mình khá thích bối cảnh lâu đài thời hoàng kim được miêu tả trong sách. Những giai thoại sinh hoạt và làm việc đời thường của giới kẻ ăn người làm trong một tòa nhà quý tộc Anh gắn với biến động lịch sử lớn, mà theo như ở đây là sự trỗi dậy của tinh thần bài Do Thái và chủ nghĩa phát xít cùng những nỗ lực ngoại giao của nước Anh trước Thế chiến thứ hai.
Mình cũng thích tính cách được xây dựng ở nhân vật cô nội quản Kenton, rất mạnh mẽ và quyết liệt, trong cả công việc và tình yêu, đúng đấy, làm người thì nên như thế. Vậy nên đi đến cuối sách (và cả cuối cuộc đời cô) mới có thể chắc chắn: “nhận ra mình đang có một thứ cũng tốt gần bằng như thế (như thế ở đây là một cuộc đời tưởng tượng), thậm chí còn hơn thế, và biết cảm kích vì điều đó.’’ Chà, thế là quá đủ rồi.
Ngoài nhân vật cô Kenton, người cháu trai Cardinal và Harry Smith - người dân ở làng Moscombe cũng tạo được sự lôi cuốn với mình. Mình nghĩ, chắc hẳn sự nồng nhiệt trong việc bày tỏ quan điểm của họ cũng góp phần nào khiến ông Stevens cảm thấy lung lay và nghi ngờ về lý tưởng của ông.
Ai cũng bàn về Stevens như thể ông đã lãng phí cả cuộc đời cho một lý tưởng phù phiếm không còn tính thời đại nữa, phong kín cảm xúc cả cuộc đời của mình đến độ khi tự sự, độc thoại nội tậm cũng không hề nhận ra được sự vỡ vụn trong tâm tưởng từ lúc nào, một lớp phủ che giấu sự sứt sát của chính ông với bản thân mình, và với cả độc giả chúng ta, mà lại giấu đi một cách vô tình chứ không hề cố ý. Đây có thể là một sự chua xót mà người đọc có thể đồng cảm với vị quản gia, hối tiếc thì thời nào cũng có, không chỉ ở những năm 30. Lý tưởng và sự thật lệch pha là chuyện có thể gặp trong bất kỳ cuộc đời nào, nhưng đi đến tận cuối đường mới nhận ra là lỡ mất tình yêu của cuộc đời thì đúng là thấm thật, nó thấm theo cái kiểu lặng lẽ, tràn đầy từ lúc nào không biết. Sự tinh tế của người viết, theo mình nghĩ, là ở chỗ đó. 
Đấy, thế là đọc mà  không thực tâm chú mục vào phía bên kia – tức phía không được phơi ra trên bề mặt tiểu thuyết – thì ta sẽ chẳng hiểu nổi là ông bị làm sao.
Dù sao thì, Stevens vẫn sẵn sàng tiếp tục làm việc, tiếp tục cống hiến cho người chủ mới, tiếp tục theo đuổi lý tưởng của mình. Nhưng qua cái kết nơi cầu cảng, đoạn đặc tả hoàng hôn, mình nghĩ chúng ta đều có thể tin rằng chắc chắn, sẽ có điều gì đó khác đi kể từ đây.
Một chút trailer để các bạn có hình dung thực về bối cảnh sách, phim nhận được 8 đề cử Oscar cơ đấy: https://youtu.be/L1aCp1Z1gAo