“Cuộc đời ta thay đổi theo hai cách: Qua những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc”
~ Harvey MacKay ~

Hết nửa đầu năm 2021 rồi, bạn đã đọc được bao nhiêu cuốn sách?

Từ nửa cuối năm 2020, tớ bắt đầu nghiêm túc hơn với “công cuộc” đọc sách bằng cách tự đặt ra mục tiêu mỗi tháng 2 cuốn. Vậy nên với năm 2021, mục tiêu của tớ là 24 cuốn. Và tớ không đơn độc, bởi tớ biết mục tiêu đọc nhiều sách hơn và ăn uống lành mạnh hơn được đa phần tất cả mọi người viết vào New Year’s resolutions của chính mình^^
Nhưng cũng giống bao người khác, mục tiêu viết ra thì nằm trên giấy còn bản thân thì nằm trên giường^^ Bởi, đọc sách không phải nhu cầu tự nhiên hàng ngày như ăn mặc ở… mà chúng ta bắt buộc phải làm, mà là một nhu cầu tự thân. Vậy nên, đến với đọc sách cũng cần phải có kỷ luật. Sau đây số “bí kíp” mà tớ đúc rút ra được trong quá trình làm bạn với sách mà tớ vẫn đang áp dụng thường ngày:


1. Lên lịch cho việc đọc sách mỗi ngày

Bạn có thể thích sách, thích việc đọc sách, nhưng không có nghĩa là bạn dễ dàng mở 1 cuốn sách để đọc. Bạn có thể thấy chán nản khi nhìn cuốn sách dày cộp trên giá, thậm chí còn chán không buồn lấy chúng xuống. Vậy thì hãy đi từ việc nhỏ nhất – “lên lịch” cho bản thân bằng việc dành ra 10 phút mỗi ngày cho việc đọc, vào bất cứ một khoảng thời gian nào nếu như bạn không xếp được 1 thời điểm cố định trong ngày. Không quan trọng là đọc vào buổi sáng hay buổi tối, quan trong là bạn xây dựng được một thói quen nhỏ (smaller habits, bigger results). Sau này, việc thay đổi từ 10 phút lên 1 (vài) tiếng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Đừng chờ đợi đến khi bạn có *tâm trạng đọc*, mà hãy bắt đầu đọc để bản thân có *tâm trạng đọc*.
Trong kỳ học, tớ cố gắng duy trì mỗi ngày dành 1 hiệp pomodoro (25 phút) cho việc đọc sách, và thường đọc vào buổi tối. Những ngày không có lịch học, hay như thời gian nghỉ hè này, tớ cố gắng dành khoảng 1-2 tiếng mỗi ngày cho việc đọc. Sáng chưa làm thì chiều làm, chiều chưa xong thì tối làm nốt. Làm cho đủ, không được bỏ dở dang. Mình phải tự đưa mình vào khuôn khổ kỷ luật, bởi kỷ luật chính là nền tảng của thành công mà. Không tự đưa bản thân vào “khuôn khổ”, chắc tớ trôi dạt ra biển rồi sóng Xuân Quỳnh cuốn tớ đi mất từ bao giờ chẳng hay =))))

Ảnh: Unsplash

2. Thông báo cho cả thế giới biết

Mục tiêu của chúng ta mà có càng nhiều người biết, chúng ta sẽ càng tập trung mà hoàn thành cho trọn vẹn mục tiêu ấy. Bởi vì, nếu không hoàn thành thì sẽ ngại, sẽ xấu hổ. Ngại với bản thân thì ít, ngại với mọi người thì nhiều, sợ người ta nghĩ mình “chỉ biết nói, chả biết làm”. Thế nên nếu muốn đặt mục tiêu đọc sách chăm chỉ hơn, mà bản thân không phải người thực sự nguyên tắc, 1 tip là hãy chia sẻ mục tiêu ấy lên mạng xã hội để càng nhiều người biết càng tốt. Hoặc các bạn có thể lên Goodreads, tạo “Reading Challenge” cho chính mình, rồi nhìn vào đó, hay ghé qua mục tiêu của bạn bè trên đó mà phấn đấu thực hiện.
Việc lâu lâu tớ up story 1 câu quote trong sách mà tớ thấy tâm đắc, hoặc ảnh sách tớ đang đọc, không phải để khoe khoang gì, mà tớ học ở bí kíp này nè. Up story = tạo động lực cho bản thân thui. Rồi gần đây tớ đến với Goodreads, tớ thấy THĐă*g với NHPh* (2 người bạn cũ của tớ) đọc cũng kha khá sách, xong cũng rate 4-5 sao các kiểu, tớ mò vào xem sách chúng nó đọc, xem tiến độ và xem “2021 reading challenge” của chúng nó để tớ phấn đấu theo =)))) Hơi dở người nhưng tớ thấy tớ bớt lười và cực kỳ có động lực luôn ấy.

Đọc thêm:


Ảnh: Unsplash

3. Đừng ép bản thân phải hoàn thành mọi cuốn sách mà mình bắt đầu

Từ bỏ một cuốn sách thường có cảm giác như chúng ta đang thừa nhận thất bại. Nhưng nếu bạn muốn đọc nhiều hơn, thì việc biết từ bỏ một cuốn sách là rất quan trọng. Khi bạn ép mình phải hoàn thành một cuốn sách khó đọc, một cuốn sách dở, hoặc cuốn sách bạn không thực sự “cảm” được, bạn sẽ không thích khoảng thời gian đọc sách mỗi ngày, mở sách ra là muốn đóng sách lại, thấy đọc sách như một cực hình. Sau đó, bạn sẽ trì hoãn và cuối cùng là dừng đọc hoàn toàn. Từ bỏ một cuốn sách không phù hợp là cơ hội để bạn có thêm cơ hội, thêm thời gian cho một lựa chọn thích hợp hơn.
Có một lần, tớ chính tay chính chân bước vào hiệu sách Nhã Nam với tâm trạng hí hửng tìm 1 cuốn sách rồi về đọc ngấu nghiến bới sách này do mình đi mua offline chứ không phải online =)))) Nhưng rồi cũng chính tay tớ gấp sách lại rồi cất lên giá sau khoảng 50 trang đầu cuốn đó. Bởi lẽ tớ cảm thấy sách khó đọc, khó ngấm, không phù hợp với tớ ở thời điểm đó. Ngay sau đó, tớ có cơ hội đến với cuốn “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” – 1 trong những cuốn sách yêu thích nhất của tớ. Vậy nên cuộc đời vẫn còn những điều khác tốt đẹp chờ đón bạn – khi cánh cửa này đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra, chỉ sợ bạn mãi đứng yên trước cánh cửa đóng mà thôi.


4. Đọc sách có chọn lọc và chuẩn bị sẵn sàng cuốn sách tiếp theo

Mỗi lần gần đọc xong 1 cuốn sách là tớ lại đau đầu chuyện chọn sách mới, mặc dù đầu năm tớ đã viết cho mình một danh sách các đầu sách muốn đọc. Lên Shopee, Tiki, các group review sách trên FB, tìm đọc các bài review về một số cuốn sách mình đang nhắm tới. Đau đầu chọn thể loại, chọn sách, rồi lại chọn nhà bán uy tín nhưng giá rẻ và phải freeship =)))) Phải gọi là ối dời ơi luôn. Và mệt mỏi chỉ hết khi sách đã được thanh toán rồi ngồi chờ shipper gọi điện giao hàng mà thôi. Và trong khoảng thời gian hí hửng chờ sách mới về, tớ sẽ có động lực để hoàn thành nốt cuốn còn đang dang dở để đến khi sách về, tớ ung dung unbox hít hà mùi sách mới rồi mở ra đọc luôn để xem lựa chọn của mình đúng hay sai^^ Đúng thì đọc tiếp mà sai thì mình xem lại điều số 3.

Ảnh: Unsplash


5. Biết lợi ích của việc đọc sách

Nếu tớ lấy bận bịu làm cái cớ để không đọc sách, tớ sẽ không bao giờ đọc sách được nữa. Tớ chỉ có một ít lý do để tiếp tục đọc, và vô số lý do để bỏ. Tất cả những gì tớ có thể làm là giữ cho một ít lý do đó được đánh bóng đẹp đẽ =)))) Đấy, tớ đã tự nhủ thầm là như thế đấy. Mà mấy cái lý do để tiếp tục đọc nó lại chính là lợi ích của việc đọc sách chứ chả phải đao to búa lớn gì. Những gì tớ nhận được từ việc đọc kể sương sương được như sau:
- Nâng cao kiến thức. Mỗi loại sách khác nhau sẽ đều mang đến cho chúng ta một lượng kiến thức nhất định, không có sách nào là vô bổ cả. Đọc sách dù ít dù nhiều hay đọc về bất cứ lĩnh vực gì, bạn đều sẽ nhận được những trải nghiệm. Và không ai dám chắc chăm đọc sách thì sẽ thành công nhưng những người thành công thì đều chăm đọc sách.
- Tăng cường sự tập trung, đồng thời khi đọc mình cũng vừa tư duy, vừa phân tích theo diễn biến câu chuyện
- Tạo thói quen lành mạnh, giúp thoát khỏi những thói quen xấu như nghiện smartphone, nghiện MXH. “Lựa chọn khôn ngoan nhất là dùng thời gian lên mạng xã hội để đọc sách”
- Kích thích tinh thần phong phú, góc nhìn, suy nghĩ đa chiều, và làm cho nội tâm ta sâu sắc hơn…

Ảnh: Unsplash
Cuối cùng, xin mượn tạm lời của nữ tác giả Louise L. Hay trong cuốn “Chữa lành nỗi đau” để kết bài: “Tôi khuyên bạn hãy đọc tất cả những gì bạn có thể đọc để làm tăng hiểu biết và nhận thức của bạn. Có rất nhiều kiến thức về các lĩnh vực để bạn tìm hiểu. Ngay cả quyển sách bạn đang cầm trên tay đây cũng chỉ là một bước trong chuyến hành trình dài của đời bạn mà thôi.
Việc đổi mới chính mình là công việc của cả một đời người. Nếu bạn càng học hỏi nhiều thì bạn càng có thêm sự hiểu biết, và nếu bạn thực hành thường xuyên thì bạn sẽ có những cảm nghĩ ngày càng tốt đẹp, và cuộc sống của bạn sẽ càng tuyệt hảo hơn.”
Chúc các bạn một ngày tốt lành <3 

Đọc thêm: