Bản chất con người là như thế nào khi nhìn dưới lăng kính khoa học ?
Tư tưởng của cuốn sách này được tác giả trình bày rõ ràng ngay từ lúc đầu: ông nêu ra những lý thuyết lớn về bản tính người từ trước đến nay, rồi sau đó ông lập luận để khẳng định tại sao những lý thuyết này lại sai lầm. Phần sau đó ông đưa ra những ý tưởng về điều gì làm nên bản chất người và rằng tại sao những bằng chứng và phát biểu khoa học dựa trên bằng chứng và thực nghiệm lại bị bác bỏ một cách tàn nhẫn bởi những người theo lý thuyết cũ và cách mà khoa học đã bị chính trị hóa và đạo đức hóa như thế nào. Qua đó, tác giả chỉ ra rằng: chỉ bằng cách tôn trọng sự thật và những bằng chứng mà khoa học chỉ ra , chúng ta mới có khả năng đối diện và giải quyết những vấn đề cấp bánh và quan trọng mà chính bản tính của chúng ta đã tạo ra.
Vậy đầu tiên, những lý thuyết cũ (và vẫn đang tồn tại đến ngày nay) về bản tính người là gì ? Và nó có mâu thuẫn như thế nào với những gì mà khoa học chỉ ra về bản tính người? Có 3 lý thuyết lớn về bản tính người đó là:
1. Thuyết “Tờ giấy trắng”: nội dung chủ đạo của thuyết này đó là: con người sinh ra đều trong sạch như tờ giấy. Mọi thứ hình thành nên nhân cách chúng ta đến từ trải nghiệm, từ môi trường và giáo dục. Và do đó, điều này mở ra khả năng vô hạn của con người.
2. Thuyết “Người man di cao quý” thì lại cho rằng mọi thứ thuộc về thiên nhiên đều là tốt đẹp, và do đó con người tự nhiên cũng là tốt đẹp và cao quý, vị tha, yêu chuộng hòa bình, chúng ta chỉ bị hủy hoại đi bởi văn hóa và tiếp xúc với những thói hư tật xấu của thời đại.
3. Thuyết “Linh hồn trong cỗ máy” lại phát biểu rằng linh hồn con người là độc lập với thể xác, bởi cơ thể có thể tách rời còn tâm trí thì không, điều đó đặt ra khả năng rằng, khi cơ thể không còn thì có thể tâm trí vẫn tồn tại. Và vì vậy, linh hồn con người là cao quý và không bị xác thịt chi phối.
Vậy còn bản chất con người là gì dưới góc nhìn khoa học và nó mâu thuẫn ra sao với 3 học thuyết trên? Nhìn từ góc độ khoa học (dưới lăng kính của sinh học và tâm trí- khoa học nhận thức) thì con người, dù là có nhiều khác biệt giữa các cá nhân, nhưng đằng sau những khác biệt ấy, là một bản chất con người phổ quát, thứ giúp chúng ta có thể hiểu nhau, thúc đẩy ta hành động và chi phối ít nhiều cách chúng ta suy nghĩ và cảm nhận. Vậy bản chất con người phổ quát đấy là gì ? Có 5 ý tưởng lớn về điều này:
Thế giới tinh thần có thể kết nối với thế giới vật chất bằng các khái niệm về thông tin, điện toán và phản hồi. Như vậy, không có sự tách biệt hoàn toàn giữa linh hồn và thể xác. Chính xác hơn, cách chúng ta suy nghĩ, xử lý thông tin là một quá trình vật lý với những chất hóa sinh được tạo ra và khoa học đang dần dần hé mở cách thức mà tâm trí hình thành.
Tâm trí không thể là tờ giấy trắng, bởi những tờ giấy trắng không làm gì cả. Chúng ta có những bản năng chung, và chính những điều ấy thúc đẩy chúng ta có chung một khuynh hướng hành động. Văn hóa và giáo dục không thể nhào nặn con người một cách vô hạn được.
Các chương trình tổ hợp hữu hạn trong tâm trí có thể tạo ra một phạm vi vô hạn các hành vi. Chẳng hạn như ngôn ngữ, ta được trang bị khả năng học hỏi ngôn ngữ nhưng không được học sẵn một ngôn  ngữ cố định, điều đó cho phép ta có hàng sa số những biến thể của các ngôn ngữ khác nhau, nhưng đồng thời cũng cho phép những  người với ngôn ngữ khác biệt vẫn có thể tìm cách để cùng hiểu về một thứ.
Các cơ chế tinh thần phổ quát có thể làm nền tảng thu hẹp những khác biệt bề mặt giữa các nền văn hóa. Văn hóa ở mọi nơi đều khác biệt nhưng có thể quy về những điểm chính là những thứ mà con người dù ở đâu cũng quan tâm như: ăn uống, hôn nhân, hay là sự mê tín,…
Tâm trí là một hệ thống phức tạp bao gồm nhiều bộ phận tương tác với nhau. Điều đó cũng có nghĩa, ta không thể giản lược và nói về bản chất con người bằng một từ duy nhất như cao quý hay xấu xa. Hành vi của mỗi chúng ta được xuất phát từ cuộc đấu tranh nội tâm giữa các mô-đun tinh thần mà mỗi một mô-dun lại có một kế hoạch và mục tiêu khác nhau.
Bên cạnh đó, ngành di truyền học cũng chỉ ra rằng các gen có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi của chúng ta (và có một số ảnh hưởng bởi gen không hề cao quý chút nào). 18.000 tính từ chỉ đặc điểm tính cách trong từ điển có thể quy về 5 điểm chính: hướng nội hay hướng ngoại, thất thường hay ổn định, thờ ơ hay cởi mở với trải nghiệm, hòa nhã hay thù địch, có chủ định hay vô định. Cuối cùng tâm lý học tiến hóa đã chỉ ra rằng: sự tiến hóa chính là trung tâm của những hiểu biết về sự sống, bao gồm cả sự sống của con người. Chúng ta tồn tại đến ngày nay vì được thửa hưởng những đặc điểm cho phép tổ tiên chúng ta tồn tại và sinh sản, chúng ta chính là kết quả của chọn lọc tự nhiên. Cho dù trí não của chúng ta rất phức tạp và tinh vi, nó không tách rời khỏi tiến hóa mà ngược lại chính nhờ nghiên cứu tiến hóa, chúng ta hiểu về những động lực đã hình thành nên những suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Với những tư tưởng như vậy, tâm trí và bản chất con người nhìn từ góc độ khoa học phủ định hoàn toàn 3 học thuyết lâu đời ở trên. Tâm trí không thể là tờ giấy trắng, nó được trang bị những năng lực nhất định ngay từ khi ra đời và được hoàn thiện dần trong quá trình sống. Nếu tâm trí là tờ giấy trắng, nó sẽ thực sự dễ bị uốn nắn và thao túng bởi các đối thủ, và như thế không thể có tính sinh tồn. Học thuyết người Man di cao quý cũng bị vạch trần. Đầu tiên là bởi bất cứ thứ gì hoàn toàn cao quý khó có thể là sản phẩm của chọn lọc tự nhiên, vì chọn lọc tự nhiên không quan tâm đến đạo đức, xung đột lợi ích là rất phổ biến giữa các sinh vật sống, những người cao quý có xu hướng và những người về đích cuối cùng. Thứ 2, những bằng chứng về lịch sự đã chỉ ra rằng, bạo lực và chiến tranh đã liên tục xảy ra trong lịch sử loài người, kể từ thời nguyên thủy để tranh giành các nguồn lực và cả để trả thù. Bạo lực cũng là một thứ được trang bị vào trong gen của chúng ta vì nó có ích cho quá trình sinh tồn của loài người. Tương tự như vậy: tình yêu, ý chí, lương tâm, thứ chúng ta vẫn hay gắn bó với linh hồn, và tách rời khỏi bản năng sinh học, thì thực ra, với khoa học, nó cũng là một phần của sự thích nghi trong quá trình tiến hóa của loài người và có sẵn trong mạch não chứ không hề tách biệt và thiêng liêng như ta tưởng.
Khi tư tưởng khoa học phản bác lại những học thuyết trên thì đồng thời khoa học cũng bị tấn công từ nhiều phía, từ chính những người theo đuổi học thuyết trên, lẫn những tấn công từ khoa học chính trị khi cố gắng gán khoa học với những động cơ chính trị vào đạo đức. Trong phần còn lại của cuốn sách, Steven Pinker lần lượt nêu ra các luận điểm này : ông làm rõ nhưng hiểu sai nghiêm trọng, những suy xét vô căn cứ và nêu ra những bằng chứng khoa học rõ ràng để chứng minh, và chính qua đó người đọc được làm sáng tỏ những luận điểm và những khía cạnh mở rộng từ những ý tưởng cơ bản đã kể trên. Ông tách biệt những kết luận của khoa học với những lập luận đạo đức để bảo vệ quyền con người và sự tiến bộ của xã hội. Tác giả cũng chỉ ra rằng, chỉ bằng cách nhìn nhận những gì chúng ta thực sự là, với cả những điểm xấu và điểm tốt, chúng ta mới có hi vọng thay đổi và cải thiện bản thân và xã hội, cũng như từ bỏ những suy nghĩ không tưởng về khả năng của con người, để tránh khỏi những đau khổ mà chúng ta không đáng phải chịu đựng.
Về cách viết thì Steven Pinker viết quá hay, văn phong của tác giả rất sắc sảo, lập luận logic nhưng lại không hề khô khan. Tác giả thường xuyên trích dẫn văn thơ, điện ảnh và thể hiện hiểu biết sâu rộng ở nhiều lĩnh vực, không chỉ lập luận khoa học, cả những lập luận về đạo đức cũng rất thuyết phục, cộng với khả năng dẫn dắt các ý tưởng một cách khéo léo, mượt mà.
°°°°°°°°°°°°°°°°
Xuyên suốt hành trình của cuốn sách, bạn sẽ đi qua những cảm xúc cơ bản và sâu sắc nhất của con người: từ tình cảm gia đình, nỗi sợ hãi, xu hướng bạo lực, đạo đức và sự tôn nghiêm, nỗi đau khổ, đam mê quyền lực, và cả giới tính và sự thu hút giới,…Những điều mà cuốn sách chỉ ra, cho thấy rằng một mặt chúng ta có tính phổ quát giống nhau, nhưng mặt khác cũng khó lòng mà định nghĩa chính xác ta là người như thế nào, bởi những phần khác nhau trong con người liên tục tương tác và đưa ra những quyết định khác nhau ở những hoàn cảnh khác nhau, khi thì tử tế , khi thì ích kỷ. Con người ta được xây dựng từ gen và kết hợp với môi trường và giáo dục, từ từ hình thành nên cái mà chúng ta coi là một nhân cách duy nhất. Sẽ là không tưởng nếu ta muốn đập đi và xây dựng lại thành một con người với toàn các điểm tốt và tương thích hoàn hảo với xã hội hiện đại, nhưng đồng thời, cũng chỉ với khả năng vốn có của mình, sẽ luôn có điều gì đó mà ta có thể làm tốt hơn, và nhân loại vẫn luôn tiến lên vì điều đó.