[Review Sách] Siddhartha
Siddhartha là cuốn tiểu thuyết đạt giải Nobel Văn chương năm 1946 của nhà văn Hermann Hesse. Cuốn sách được dịch bởi dịch giả Lê Chu...
Siddhartha là cuốn tiểu thuyết đạt giải Nobel Văn chương năm 1946 của nhà văn Hermann Hesse. Cuốn sách được dịch bởi dịch giả Lê Chu Cầu. Tác phẩm chứa đựng tư tưởng Phật Giáo về ý nghĩa của cuộc sống- chốn “Sắc sắc không không” ràng buộc nhân thế.
Chàng thanh niên
Siddhartha sinh ra và lớn lên trông một gia đình Bà La Môn giáo. Anh thông tuệ, đẹp đẽ, tốt lành nên được cha mẹ yêu thương, thầy bạn quý mến.
Cuộc sống của Siddhartha vốn dễ dàng nếu anh không biết suy ngẫm. Thế nhưng, Siddhartha yêu việc suy ngẫm mọi thứ, đặc biệt về chính mình.
Anh chưa biết mình là ai, đang tìm kiếm điều gì, tìm thấy điều đó bằng cách nào, để đạt mục đích gì. Sự ưu tư với muôn vàn câu hỏi của Siddhartha khiến anh cảm thấy mình không thuộc về cuộc sống êm ấm hiện tại.
Một ngày, anh trông thấy các vị Sa môn đi qua. Anh quyết tâm sẽ đi theo các vị Sa môn này vào chốn rừng sâu núi thẳm để tu luyện, để kiếm tìm điều anh còn thiếu.
Đêm hôm ấy, anh xin phép cha lên đường. Nỗi đau khổ của người cha, người mẹ không thể ngăn bước anh đến với khao khát được làm sáng tỏ bản ngã của chính mình.
Siddhartha cùng người bạn Govinda đã lên đường theo các vị Sa môn.
Vị sa môn
Trở thành sa môn, hai bạn trẻ cùng nhau bước vào quá trình tu tập gian khổ.
Đó là học cách vượt qua sự đói rét, làm chủ cảm xúc, làm chủ thể xác, điều khiển các giác quan với công phu thiền định lớn lao.
Cơ thể càng khánh kiệt thì Siddhartha lại càng cảm thấy thấy mình đạt được thành tựu, học được tất cả tri thức uyên áo của các sa môn. Nhưng anh vẫn chưa thấy chính mình, trong âm thanh thì thầm với anh tiếng “OM” cao cả tượng trưng cho Đại Ngã nơi trần thế.
Giai đoạn khổ hạnh tưởng chừng không hồi kết này bị cắt ngang khi Siddhartha và Govinda nghe tiếng lành của Đức Phật Thích Ca.
Theo tiếng gọi sâu thẳm từ trái tim, đôi bạn từ bỏ rừng già, từ bỏ các vị sa môn để đến với Đức Phật ở khu vườn Kỳ Viên.
Siddhartha đã chuyện trò cùng Đức Phật. Anh đặt câu hỏi và được Đức Phật trả lời. Đức Phật trao cho Siddhartha sự từ bi và trí tuệ của ngài trong từng lời nói ôn tồn và nụ cười bao dung. Điều cuối cùng Đức Phật nói với Siddhartha là:
“Hỡi sa môn, anh rất khôn ngoan. Anh rất khéo ăn nói, anh bạn ạ. Những hãy thận trọng trước sự khôn ngoan quá mức!”
Govinda quyết định sẽ quy y rồi gia nhập tăng đoàn. Anh tin rằng Siddhartha cũng sẽ làm như vậy. Thế nhưng, Siddhartha vẫn muốn đi đến cùng con đường của mình.
Anh kính phục Đức Phật cùng sự an tĩnh của ngài. Nhưng anh không thể đạt đến sự an tĩnh ấy chỉ bằng việc nghe lời ngài thuyết pháp. Anh cần phải tự chứng nghiệm.
Siddhartha tiếp tục miệt mài lao vào cuộc đời. Chính lựa chọn tạo ra số phận.
Anh băng qua con sông trên chiếc đò của ông lái đò Vasudeva. Là một sa môn nghèo, không sở hữu tài sản, anh chẳng thể trả tiền cho chuyến đò. Nhưng Vasudeva tin anh sẽ trở lại, giống như cách dòng sông sẽ luôn mang mọi thứ trở lại.
Siddhartha gặp Kamala ngay khi vào thành phố. Thanh sắc, hương thơm của nàng đánh thức toàn bộ mọi giác quan tưởng chừng bị chế ngự từ lâu của chàng trai trẻ. Để được gần gũi nàng Kamala kiều diễm, anh cần có quần áo đẹp và tiền bạc.
Kamala đã tạo cơ hội cho anh làm việc cùng ông Kamaswami- một lái buôn giàu có nhất vùng. Sa môn Siddhartha chẳng có gì ngoài khả năng suy tư, chờ đợi và nhịn ăn. Anh có thể đạt được tất cả mọi thứ bằng khả năng ấy.
Trong khi Kamaswami luôn trằn trọc với lời lãi, công nợ, tiền bạc, hàng hóa thì Siddhartha, cũng đối mặt với ngần ấy thứ, vẫn ung dung chơi đùa.
Công việc mang lại cho anh sự giàu có mặc dù anh không hề bận tâm hay vướng mắc vào nó. Anh cần nó bởi vì Kamala cần nó.
Kamala chấp nhận Siddhartha, nàng dạy cho anh nghệ thuật ân ái của người phụ nữ khiến mọi người đàn ông mê mệt. Họ say đắm bên nhau trong sắc đẹp, sự giàu có và lạc thú.
Những cảm thức từng bị người sa môn trẻ xua đuổi dần dần quay về. Siddhartha đã vui niềm vui trần tục, do đó, anh bắt đầu sống đời trần tục.
Viên phú hộ
Siddhartha mơ về tiền nhiều hơn. Công việc với anh không còn là thú vui, là một điều gì đó chẳng mấy quan trọng nữa.
Anh biết uống rượu, biết cách tận hưởng sự đê mê, biếng nhác do rượu mang lại. Siddhartha đắm chìm vào trụy lạc của giấc ngủ trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê suốt ban ngày nhờ các cuộc vui vào ban đêm. Thức ăn của anh giờ không phải là đồ chay tịnh, mà là các món thịt thơm phức được chế biến cầu kì. Ngốn ngấu tất cả những gì mình có và người khác có, Siddhartha đã bắt đầu tập đổ quân xúc xắc để thăng hoa trong canh bạc.
Anh bước vào vòng xoay điên cuồng của tham lam, dục vọng, giận dữ. Tìm mọi cách để có thêm tiền và nướng sạch tiền vào các thú vui. Tiếng nói thăm thẳm trong trái tim về chính bản thân anh ngày càng nhỏ dần, rồi chìm vào im lặng.
“Mỗi khi nhìn gương mặt đã già đi và xấu xí hơn trong tấm gương trên tường phòng ngủ, mỗi khi đột nhiên cảm thấy xấu hổ và kinh tởm, anh lại tiếp tục chạy trốn, chạy trốn vào trò chơi đen đỏ mới, chạy trốn vào trạng thái ngây ngất của khoái lạc, của khóc than, rồi lại quay về với sự thôi thúc góp nhặt và kiếm chác. Anh miệt mài đến mệt nhoài, già đi và đau ốm trong vòng luẩn quẩn vô nghĩa ấy”
Siddhartha sẽ chết như vậy trên hành trình tìm Đạo sao?
Ông lái đò
Anh quyết định sẽ bỏ lại tất cả mọi thứ và quay về bờ sông. Sự khủng hoảng, suy sụp khi nhận thấy càng cố tìm thì lại càng lạc mất bản thân khiến anh thất vọng ê chề. Siddhartha chẳng là ai nữa. Không phải sa môn khổ hạnh, cũng không phải phú hộ giàu sang.
Chàng trai giàu lý tưởng, giàu suy tư không còn là mình nữa. Tệ hơn, anh căm ghét bản thân và định vùi thân dưới làn sóng bạc của con sông sâu thẳm.
May mắn làm sao, tiếng “OM” vang lên bên dòng sông như nhắc nhở anh về hành trình. Anh có thể đánh mất tất cả, những không thể đánh mất tất cả một cách vô nghĩa. Siddhartha cần phải tìm ra điều cuối cùng lý giải cho cuộc đời mình.
Đúng như hai mươi năm trước Vasudeva từng tin, dòng sông sẽ mang lại tất cả những gì nó mang đi. Siddhartha quay lại bến đò và trở thành người lái đò cùng Vasudeva.
Vasudeva dạy anh cách lắng nghe dòng sông để học hỏi những bài học dòng sông mang lại. Đó là lúc Siddhartha thấy được điều mình luôn có, mà trót đánh mất bấy lâu nay. Người đời nhìn hai ông già vui vẻ, nhỏ bé ở bến đò như những vị thánh, hoặc như những kẻ ngốc nghếch. Song, với họ thì tiếng người vô tri không còn ý nghĩa như tiếng của dòng sông nữa.
Dòng sông tiếp tục chảy, rồi cũng đến ngày Kamala ngang qua bến sông Siddhartha sống. Nàng muốn được chiêm bái Đức Phật trước khi lìa đời, giống như ước nguyện của Kamala trẻ trung trước đây. Tuy vậy, nàng bị rắn độc cắn và không qua khỏi. Đôi môi đỏ tươi tắn giờ đã khô héo, nứt nẻ. Kamala đã già đi, nhưng Siddhartha vẫn nhận ra nàng. Điều đó khiến nàng được an ủi dù không thể gặp được Đức Phật.
Đi cùng nàng, là cậu bé, con của hai người.
Siddhartha muốn giữ cậu bé lại để nuôi dạy, cảm hóa. Bất chấp tình cảm ấy, do quen được chiều chuộng, sung sướng nên cậu bé nhanh chóng tìm cách trốn về thành phố.
Giờ đây, trước dòng sông, Siddhartha đã hiểu được cảm giác đau khổ của cha vào cái ngày anh quyết tâm lên đường học Đạo.
Dòng chảy ấy luôn mang lại những gì nó đã lấy đi và sẵn sàng lấy đi những thứ nó mang lại. Nhận thức của Vasudeva về Nhân Quả và Luân Hồi đã được dòng sông giảng giải thật cặn kẽ và dễ hiểu như thế đấy.
Vasudeva về cõi vĩnh hằng, giờ thì chứng ngộ thiêng liêng thuộc về Siddhartha. Cho đến lúc người bạn cũ, tỷ kheo Govinda ngang qua dòng sông. Dù đã già hơn, được kính trọng bởi tuổi tác và công sức tu tập, song Govinda vẫn đang khắc khoải tìm kiếm một giáo pháp.
Siddhartha đã trao cho người bạn thân thiết của mình điều cả hai cùng nhiệt thành lên đường tìm kiếm trong quá khứ: Tính Không, Vô Thường, Vô Ngã, Nỗi Khổ. Tất cả hội tụ đầy đủ trong vạn vật. Và vạn vận hội tụ đầy đủ trong một nhân vật. Một nhân vật có tên là Siddhartha.
“Như thế đấy, Govinda biết rõ, các bậc toàn thiện mỉm cười như thế đấy.”
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất