[Review Sách] Kinh Dịch: Đạo Của Người Quân Tử
Tôi nhận thấy “Kinh Dịch: Đạo Của Người Quân Tử” là tài liệu căn bản, nên tham khảo cho những ai muốn tìm hiểu về Kinh Dịch để vận dụng ở phương diện ứng nhân xử thế.
Cuốn “Kinh Dịch: Đạo Của Người Quân Tử” của tác giả Nguyễn Hiến Lê là một món quà tôi được tặng. Ngẫm lại thì nhân duyên giữa sách và tôi khá thú vị: ban đầu tôi được một người bạn giới thiệu, sau đó được một người bạn khác tặng. Mặc dù đã có cuốn “Kinh Dịch trọn bộ” của tác giả Ngô Tất Tố (cuốn này đến với tôi trong một nhân duyên khác: nhà sách nhầm đơn nên bù lại) tôi nhận thấy “Kinh Dịch: Đạo Của Người Quân Tử” là tài liệu căn bản, nên tham khảo cho những ai muốn tìm hiểu về Kinh Dịch để vận dụng ở phương diện ứng nhân xử thế.
Thường được ngợi ca là “quần kinh chi thủ” (kinh của các kinh) nhưng tôi nghĩ bản chất Kinh Dịch không gắn với chiếc vương miện hay ngôi vị nào. Bởi nếu cố định với danh từ, định nghĩa thì Dịch không còn là Dịch do mất đi tính biến hóa.
Những cảm tưởng của tôi về Kinh Dịch và cuốn sách quý này có lẽ chưa đủ chuyên sâu. Đôi chỗ có thể rơi vào trạng thái “tự biên, tự diễn” nhưng vì lòng mến phục và kính trọng của tôi dành cho tác giả Nguyễn Hiến Lê và niềm yêu thích Dịch, tôi vẫn mạnh dạn viết bài điểm sách. Trước là để giúp bản thân tôi hiểu hơn cuốn sách, sau là phần nào đó giúp cho cuốn sách được thêm nhiều bạn đọc trẻ biết đến. Bạn đọc nào hứng thú thì nên tìm đọc trực tiếp tác phẩm để thâu nạp giá trị tác giả muốn truyền đạt.
“Kinh Dịch: Đạo Của Người Quân Tử” dày hơn 500 trang, gồm có 3 phần chính:
Phần 1: Giới thiệu (gồm 6 chương: Nguồn gốc Kinh Dịch và nội dung phần kinh, Nội dung phần truyện, Các phái dịch học từ Hán tới nay, Dịch học ở phương Tây, Thuật ngữ và quy tắc cần nhớ, Đạo trời, Việc người).
Phần 2: Kinh và Truyện (gồm Kinh Thượng giải nghĩa từ quẻ Thuần Càn đến quẻ Thuần Li và Kinh Hạ giải nghĩa từ quẻ Trạch Sơn Hàm đến quẻ Hỏa Thủy Vị Tế)
Phần 3: Hệ Từ Truyện (Đại Truyện) và Lời của học giả Nguyễn Hiến Lê nhìn lại quãng đường đã qua.
Bản chất của Dịch
Điều tôi tâm đắc nhất khi đọc cuốn sách này là ý nghĩa của “Dịch”. Theo tác giả, Dịch có 3 tầng nghĩa chính:
Dịch là giao dịch
Trong âm có dương, trong dương có âm
Âm thịnh thì dương suy, dương thịnh thì âm suy (trang 113)
Dịch là biến dịch
Âm dương đều động (trang 119)
Dịch là bất dịch
Luật mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích (trang 124)
Theo tác giả, Dịch dung hòa tư tưởng Khổng và Lão. Khổng nhập cuộc, chủ động, Lão ẩn mình, chủ tĩnh. Người quân tử là người ngoài biết thời thế, trong biết tĩnh - động. Tôi nhận thấy khác với hình dung cứng nhắc về bậc quân tử trong các bộ phim kiếm hiệp, dã sử thì bậc quân tử học dịch là người linh hoạt.
Trước hết họ là người biết mình nhưng cũng biết thời thế, biết thời thế nhưng không quên mình và hòa vào thời thế mà không bỏ mình. Biết phân biệt sáng - tối, thiện - ác vào thời giao dịch, can đảm nhưng cũng khéo léo trong thời biến dịch và cuối cùng là “tận nhân lực, tri thiên mệnh” giảm kiêu căng, tăng khiêm hạ trong thời bất dịch.
Có một hình ảnh so sánh tuy đơn giản nhưng chuẩn xác ở về đức của người quân tử là quẻ “Thủy Phong Tỉnh”: Nước trong giếng không tràn nhưng cũng không cạn, nuôi dưỡng sinh mệnh mà chẳng cần sơn son thếp vàng. Nghiên cứu chi tiết về các quẻ dịch sẽ giúp chúng ta thấy những quan niệm có bề ngoài tuy đơn giản nhưng bên trong thâm thúy của cổ nhân. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết tôi chưa thể trình bày kỹ hơn về phần này cũng như giới thiệu thêm về ứng dụng bói toán của Dịch. Do tri thức rộng lớn của Dịch mà cố nhồi nhét, khiên cưỡng diễn giải hết khi nghiền ngẫm chưa đủ lâu, đủ sâu thì rất lãng phí (bản thân tôi vẫn đang tìm tòi, học hỏi). Hơn nữa tôi cho rằng tinh hoa của Dịch không nằm ở việc bói toán mà nằm ở bài học làm người.
Ứng dụng của Dịch với đạo làm người
Quân tử là hình mẫu lý tưởng mà nhà Nho hướng đến. Nhưng tôi nghĩ cuộc đời không phải lúc nào cũng là nơi thích hợp để hiện thực hóa mọi lý tưởng. Vì người quân tử trong lồng kính, trên trang sách thì “mười phân vẹn mười”, kẻ tiểu nhân thì xấu xa ti tiện không thể cải hóa. Trong khi đó, Dịch mô tả nhưng không mô hình hóa hai đối tượng này ở dạng bất biến.
Thay vì khen quân tử, chê tiểu nhân để rồi trong thời biến động quân tử hóa tiểu nhân và tiểu nhân ngụy quân tử, tôi bớt đi phần “quân tử - tiểu nhân” để quan tâm đến ứng dụng của Dịch với đạo làm người. Bởi làm người thì trong lòng luôn có cả quân tử và tiểu nhân như trời đất có đêm, có ngày. Tuy quân tử quý, tiểu nhận tiện nhưng sự tồn tại đó mang tính vừa là tương đối vừa là tương hỗ, tùy thời. Chỉ cần thời thế sang trang là vai vế có thể đổi khác, lòng người, sự quý - tiện cũng thay đổi theo như vậy.
Đạo làm người trong Kinh Dịch có lẽ nằm ở ý tứ sau:
“Dịch là biến dịch, có biến hóa mới thích hợp (duy biến sở thích – Hệ Từ Hạ, Chương 8), cho nên trọng cái thời. Vì biến đến cực thì trở lại, cho nên trọng đức trung. Trung với thời, do đó mà liên quan mật thiết với nhau.
Thời gồm trung, vì phải hợp thời mới gọi là trung. Ở cảnh giàu sang mà sống bủn xỉn, ở cảnh nghèo hèn mà sống xa hoa, thì không hợp thời, không phải là trung.
Thời gồm chính nữa vì chính mà không hợp thời thì cũng xấu. Cương cường là đạo người quân tử mà ở cuối quẻ Càn, không hợp thời cho nên có hối hận” (trang 161)
Chỉ ngắn gọn vậy thôi, nhưng ai hiểu biết và sống theo được như vậy thì tôi nghĩ một đời họ bình an, phú quý. Việc họ có thêm khả năng đoán biết, luận giải hiện tại để thấy tương lai cũng là điều bình thường, không mang tính chất mê tín.
Thay cho lời kết
Còn nhiều điều chúng ta đáng bàn, đáng chiêm nghiệm về “Kinh Dịch: Đạo Của Người Quân Tử”. Nhưng khả năng có hạn, hơn nữa chỉ là người đưa đường, tôi xin dừng lại ở đây để bạn đọc tự lên đường khám phá tiếp.
Nhờ học Dịch tôi mới hiểu được ý nghĩa câu “giản dị là đạo của trời đất”, “có âm có dương là có đạo”. Nhưng sự hiểu đó phần không thể diễn đạt được bằng ngôn từ, phần còn có thể đổi khác nên mong bạn đọc lượng thứ.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất