Ảnh: Caominhnguyen.com
Từ xưa tới nay hầu hết các học giả viết về học thuyết Khổng tử đều dùng cả tứ thư lẫn Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Khổng tử gia ngữ v.v… làm tài liệu, như vậy theo tôi không phải là tìm hiểu Khổng giáo trong suốt thời Chiến Quốc, vì trong những sách dẫn trên, ngoài bộ Luận Ngữ là đáng tin nhất, còn thì bộ nào cũng chứa nhiều tư tưởng của người sau, không phải của Khổng tử.

Về tác giả Nguyễn Hiến Lê


Trong đời cầm bút của mình, Nguyễn Hiến Lê đã xuất bản được số bộ sách gần gấp 1,5 lần số tuổi của ông trong nhiều lĩnh vực khác nhau (như Đắc nhân tâm, Einstein – Đời sống và tư tưởng, Chiến tranh và hoà bình…), trung bình mỗi năm ông hoàn thành ba bộ sách với 800 trang bản thảo có giá trị gửi tới người đọc.
Trong cuốn Hồi ký Nguyễn Hiến Lê của mình, ông đã viết lại nhân sinh quan như sau:
Đạo Khổng thực tế nhất, hợp tình hợp lý nhất, đầy đủ nhất, xét cả về việc tu thân, trị gia, trị quốc. Vậy mà tới nay lý tưởng của ông, nhân loại vẫn chưa theo được. Về tu thân, ba đức nhân, trí, dũng, luyện được đủ tình cảm, trí tuệ và nghị lực của con người.
Chính vì sự tôn trọng cũng như thấy được những điều tốt đẹp và đúng đắn của Đạo Khổng, cùng với một lòng yêu nghề viết lớn lao, có thể thấy ngay, trong phần Lời nói đầu trích dẫn ở đầu bài viết, Nguyễn Hiến Lê đã cho người đọc thấy được sự khách quan, chăm chút và cẩn thận của mình khi biên soạn cuốn Khổng Tử này.

Nội dung chính của cuốn sách Khổng Tử

Cuốn sách này được viết thành 7 chương, theo bố cục logic mà bản thân mình cho rằng là chặt chẽ và thuyết phục, dễ nắm bắt và cô đọng nội dung cho người đọc.
Bắt đầu cuốn sách là Chương I – Từ Nghiêu Thuấn tới Khổng Tử, tác giả bắt đầu bằng thời vua Nghiêu Thuấn, thời đại mà dân tộc Trung Hoa tin rằng là thời đại hoàng kim của họ và kết thúc bằng thời Xuân Thu – Chiến Quốc, là thời gian mà Khổng Tử ra đời và mất đi.
Tiếp đến là Chương II – Đời sống Khổng Tử kể về tiểu sử của Khổng tử trong Sử kí cho đến khi ông quay trở về nước Lỗ trong những năm tháng cuối đời mình.
Review Sách Khổng Tử
Bản mình đọc là bản cũ, xuất bản lần đầu tiên. :))

Chương III – Con người tác giả miêu tả con người của Khổng Tử qua lối sống, tư cách và tính tình, đức nhân kèm đức trí của Khổng gia và cuối cùng lại đi đến một kết luận khá bất ngờ về việc so sánh Khổng Phu Tử với những người bình thường như chúng ta có rất nhiều điểm giống nhau, từ đó cho thấy Khổng Tử cũng rất gần với chúng ta.
Chương IV – Môn sinh: Theo truyền thuyết thì môn sinh của Khổng Tử có tới ba ngàn. Tuy nhiên trong Luận ngữ ta chỉ thấy có độ ba chục, trừ hai người trong giới quý tộc thì còn lại đều xuất thân từ bình dân. Trong chương này, tác giả chỉ đề cập chi tiết đến khoảng mươi, mười hai môn sinh được Khổng gia mến, thường được nhắc tới, vì có được hoặc có tài.
Chương V, chương VI và chương VII nói về tư tuỏng của Khổng Tử được tác giả tách ra làm 3 phần lần lược là: Tư tưởng chính trị, Chính sách trị dân và Đạo làm người.

Bàn về Khổng Tử


Khổng Tử là danh hiệu tôn kính của hậu thế cho Khổng Khâu hay Khổng Khưu ( 28 tháng 9, 551 TCN – 11 tháng 4, 479 TCN) tự Trọng Ni. Ông được suy tôn như một trong những nhà khai sáng Nho giáo, đồng thời là giảng sư và triết gia lỗi lạc bậc nhất cõi Á Đông.
Đọc những chương về chính trị (V và VI), độc giả đã thấy ông thủ cựu; ông bênh vực, muốn duy trì chế độ phong kiến, ông quá trọng lễ, tôn ti. Trong cuốn sách này, tác giả đã trình bày những lí do khiến ông có chính sách đó, và cũng cho rằng ở thời đại ông có thể chính sách đó hợp lí; nhưng dù sao chúng ta cũng phải nhận rằng, đem áp dụng, chính sách đó thất bại, nghĩa là chẳng nhà cầm quyền nào theo đúng ông cả.
Đọc xong cuốn sách này, ắt hẳn chúng ta đều nhận ra hầu hết những tư tưởng chính trị của Khổng Tử, những người thời trước ông cũng đã có rồi, như chủ trương vua phải xứng đáng là vua, phải có đức, yêu dân, làm gương cho dân… không phải là điều mới mẻ gì, vô số người đã nghĩ như vậy.
Nhưng công của ông là lí luận để dựng chủ trương đó thành thuyết chính danh, thuyết đức trị, nhất là tạo ra được quan niệm “nhân” (nhân ái) trước ông chưa hề có, sửa đổi ý niệm “quân tử” để cho đạo đức thành ra có giá trị ngang với huyết thống, với quyền tước, khiến cho hạng bình dân có tài đức thành một giai cấp quí tộc – quí tộc về đạo đức (noblesse de vertu), rồi buộc bọn quí tộc thế tập cũng phải tu thân như mọi người dân thường, nếu muốn giữ địa vị của mình… công đó không ai tranh với ông được; có thể nói ông chẳng phải chỉ sáng tạo, mà còn làm một cuộc cách mạng lớn ở thời ông nữa.
Ông lại có công lập tư học, đào tạo giai cấp sĩ, để thăng tiến giai cấp bình dân, giảm sự bất công trong xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến đời sau. Vậy thì dù vẫn tôn trọng sự tôn ti ông cũng đã làm cho nó bớt bất công, hợp lí hơn. Một sự tôn ti như vậy thì xã hội nào thời nào cũng cần, cũng nhận là đẹp.

Trích đoạn hay từ sách Khổng Tử

Hồi đó có chiến tranh giữa Ngô và Trần. Sở đem quân đến thành Phu để cứu Trần (489) và khi hay rằng Khổng tử ở Thái, vua Sở mời ông tới. Ông định đi, nhưng các đại phu Trần và Thái bàn với nhau: Khổng tử là người hiền, biết được lỗi các vua chúa. Ông ta ở hai nước Trần, Thái đã lâu, có vẻ không bằng lòng về hành vi của chúng ta. Nếu ông ấy gặp vua Sở, vua Sở mà dùng thì nước chúng ta khó yên, thân chúng ta cũng nguy.
Bàn với nhau như vậy rồi, họ đem quân lại vây thầy trò Khổng tử lúc đó đương ở giữa một cánh đồng, bọn ông không chạy kịp. Bị vây và tuyệt lương, nhiều môn sinh đau, liệt giường, trong khi Khổng tử vẫn thản nhiên đọc sách và gẩy đàn. Môn sinh có người bất bình, Tử Lộ uất hận lại hỏi ông:
– Người quân tử cũng có khi cùng khốn ư?
Ông đáp:
– Người quân tử cũng có khi cùng khốn là lẽ cố nhiên (hoặc người quân tử khốn cùng thì giữ vững chí), kẻ tiểu nhân cùng khốn thì phóng túng làm càn”. (XV.1).

Lời kết

Chỉ với khoảng gần 50.000đ cho một Cuốn sách vẫn còn đầy những giá trị to lớn có thể áp dụng được tới tận ngày nay thì thật là quý báu và hiếm có biết bao.
  • Về phần chính trị chúng ta còn giữ được của Khổng tử vài nguyên tắc này: nhà cầm quyền phải có ít nhiều đạo đức phải thương dân, được dân tin; xã hội phải có trật tự, công bằng, đừng có sự bất quân quá, phải nghiêm cấm bọn bóc lột; phải chăm nom sự giáo dục dân ngang với sự nuôi dân, thành tâm tập cho dân dự vào việc nước; phải giữ chữ tín, đừng phỉnh gạt dân; còn thì phải bỏ hết những gì có tính cách phong kiến, và nên chú trọng đến sự phát triển kinh tế hơn thời ông nhiều mới được.
  • Về luân lí, chúng ta phải nhớ lời khuyên tu thân của Khổng, và trong ba đức căn bản: nhân, trí, dũng, thời này trí đã được đề cao quá rồi, cần phải bồi đức nhân (tình cảm đôn hậu, khoan dung để bớt sự căm thù) và đức dũng để tự chủ được, giữ được liêm sỉ, thắng được vật dục, nhất là nhục dục, nói như làn sóng đương lên muốn ngập cả thế giới khiến con người sa đọa, chỉ chiều bản năng của mình thôi.